Phụ nữ Huế và văn hóa Huế
* Tác giả: NGUYỄN THÚY ÁI
Cách đây ít lâu tôi được mời tham dự một trại sáng tác do Hội Nhà Văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Vũng Tàu. Nhà Sáng Tác dành cho giới văn nghệ được ưu ái nằm trên một con đường tuyệt đẹp, ngay phía trước là bãi Thùy Vân lúc nào cũng xôn xao sóng. Nhà văn Trần Thanh Giao, trưởng đoàn xếp hai người ở chung một phòng. Các tác giả nữ hôm ấy không nhiều nên hai nhà thơ nữ người Huế được xếp ở chung, còn tôi người xứ Quảng được xếp ở chung phòng với một nhà thơ nữ người Sài Gòn. Sau một vài hôm sinh hoạt, trò chuyện cánh phụ nữ chúng tôi trở nên thân thiết với nhau hơn và chuyện văn, chuyện đời tuôn ra như thác lũ. Những trận cười cũng vang lên như pháo trong những giờ nghỉ ngơi, ăn uống, tắm biển…
Còn cô bạn nhà thơ chung phòng với tôi, người giúp tôi lần đầu tiên thấy được thế nào là "mắt như dáng thuyền soi nước" bằng đôi mắt của chính chị. Đôi mắt đa cảm ấy càng tiếp xúc với các bạn gái người Huế càng tỏ ra ngẩn ngơ, thú vị. Dù chị đã nghe nhạc, đã đọc thơ tả nhiều về vẻ đẹp Huế nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên được tiếp cận với hình mẫu phụ nữ Huế nên chị không ngớt thắc mắc về hai nàng xứ Huế, vốn mang những họ tên cũng rất đặc trưng của Huế: Tôn Nữ…, Hồ Đắc… Rằng sao hai chị ấy có phong cách hay quá hả Ái?
Giọng nói cũng đặc biệt đẹp nữa, làm sao họ được như vậy? Rồi chị tuôn ra một loạt những tính từ phong phú để miêu tả về hai người phụ nữ ấy. Nào nhẹ nhàng, kín đáo, đoan trang, sâu lắng, quý phái, dễ thương, dịu dàng, nữ tính… Thấy chị hào hứng quá tôi bèn hùng hồn giải thích rằng đó là kết tinh của văn hóa Huế, là một phần rất lớn trong vẻ đẹp Huế… Đâu phải bây giờ mà hồi xưa những chàng sĩ tử ở xứ tôi ra thi đã phải xiêu đổ:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.Và trong thơ ca Việt Nam, có lẽ không một hình ảnh phụ nữ ở một địa phương nào được đưa vào văn chương nhiều và nổi bật, được ngợi ca không ngớt trong những tuyệt tác thơ ca lẫn âm nhạc như cô gái Huế. Từ những văn nhân xứ Huế đã đành đến những thi nhân không phải người Huế. Không chỉ phái nam mới bị cuốn hút bởi vẻ đẹp ấy mà phụ nữ với nhau cũng… ngây ngất không kém. Nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình mới vài lần đến Huế đã khám phá ngay được vẻ đẹp bí ẩn ấy là nhờ những tố chất nào và phác họa ngay được cái thần thái của những cô gái Huế:
Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt
Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được
Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư…Còn tôi, ngay cả khi chưa đến Huế nhưng qua những cô bạn gái học cùng trường, cùng lớp và những phụ nữ tôi có dịp tiếp xúc, từ những bậc nữ lưu trí thức đến những phụ nữ bình dân đều toát ra một phong cách Huế rất riêng, dịu nhẹ và êm đềm, hòa điệu tuyệt vời với giọng nói của họ. Và chị Đỗ Thị Thanh Bình đúc kết rất đúng "vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được…".
Tôi chưa đi được nhiều nơi trên thế giới, nhưng liệu có vùng đất nào trên trái đất này lại hun đúc được những phụ nữ có một cốt cách riêng như thế chăng? Đặc điểm ấy không riêng lẻ mà đồng loạt, truyền qua nhiều thế hệ, ở nhiều tầng lớp… Từ mấy o gái Huế bé bỏng đến những mệ cao tuổi. Từ giọng nói đến cung cách, lối cư xử lẫn cách khéo léo trong trang phục, trong việc tề gia nội trợ lẫn nữ công gia chánh… Sắc thái ấy không lẫn vào đâu được dù khi họ định cư đã lâu ở một miền đất khác. Có một thời gian tôi sống trong một khu tập thể cơ quan, ở đó có đủ mặt người dân của ba miền đất nước nhưng những gia đình người Huế luôn có lối sống vén khéo nhất, con cái ngoan ngoãn, lễ phép.
Nhưng hiện nay, trước làn sóng hội nhập, hiện đại hóa… vẻ đẹp đặc trưng quý giá ấy của người phụ nữ Huế cũng đang bị mai một. Cũng như phong cảnh Huế bị hư hao, xâm thực, bị thương mại hóa… Đền đài, lăng tẩm Huế bị xuống cấp, một số công trình bị trùng tu không đúng cách chẳng khác nào bị phá hoại… Những món ăn Huế tinh tế, ý vị bị pha trộn, lai căng…
Và gần đây, có nhiều du khách khi đến Huế đã thất vọng vì thấy không ít những thiếu nữ Huế đã không còn gìn giữ được vẻ đẹp bí ẩn, rất riêng hiếm có ấy của mình. Từ kiểu tóc, trang phục, phong cách, lối sống hiện đại ít nhiều thô thiển khiến khách không thể phân biệt họ với những phụ nữ ở những nơi khác hoặc từ nước ngoài về. Tình trạng đó càng tệ hại hơn khi một số cô gái Huế xa Huế để sinh sống, làm việc, học hành không những đánh mất vẻ đẹp Huế mà còn không giữ được giọng nói Huế êm dịu, đầy ngữ điệu. Có cô gái Huế đến Sài Gòn thì nói giọng Sài Gòn, đến Hà Nội thì nói giọng Hà Nội…
Hình như họ sợ nói giọng Huế khó hội nhập và không hiện đại chăng? Liệu rồi sẽ có tình trạng giống như trong một khu rừng mà tất cả các loài chim đều hót cùng một giọng? Thật đáng buồn biết bao! Sẽ thật nghèo nàn nếu tất cả người Việt Nam đều nói giọng Nam bộ chẳng hạn, hoặc cả thế giới chỉ nói tiếng Anh… cho tiện.
Ngữ điệu, âm sắc trong chất giọng của một địa phương làm cho ngôn ngữ của một dân tộc trở nên giàu có hơn. Chẳng hạn từng miền ở đất nước ta có chất giọng riêng, giọng Nam Bộ, giọng Huế, giọng Quảng, giọng Hà Nội… Chỉ cần nghe giọng nói là biết người đó lớn lên từ miền đất nào. Cho nên nếu làm mất đi chất giọng quê hương là mất rất nhiều. Đó là mất cá tính, mất sức hấp dẫn, mất một giá trị văn hóa…
Sẽ là một mất mát rất lớn, là một nỗi buồn nếu một ngày nào đó du khách đến thăm Huế, dù phong cảnh Huế vẫn thơ mộng, sâu lắng, đền đài Huế vẫn thâm nghiêm, u trầm, món ăn Huế vẫn đậm đà thanh cảnh thế nhưng đã vắng bóng những tà áo thướt tha (thay vào đó là váy ngắn, quần lửng). Những mái tóc dài với nón bài thơ che khuất mắt huyền (thay vào là tóc ngắn nhuộm đủ màu với mũ lưỡi trai đội ngược)…
Những cô gái Huế không còn dịu dàng, kín đáo, khéo léo (mà ngổ ngáo, trống trải, vụng về) và đâu rồi những nét dịu dàng pha lẫn trầm tư… Không ai dám tưởng tượng tiếp viễn cảnh hãi hùng ấy. Bởi như thế chẳng khác nào Huế sẽ mất đi hơn một nửa vẻ đẹp của mình!
Không chỉ chúng ta mà cộng đồng thế giới cũng đang ra sức bảo vệ nền văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của Huế, như kiến trúc cổ ở Huế, Nhã nhạc, nghệ thuật ẩm thực Huế, phong cảnh Huế… Còn vẻ đẹp của phụ nữ Huế thì chưa ai nói tới phải "cứu" ra làm sao. Nếu muốn thì phải bảo vệ làm sao đây? Có lẽ phải có một dự án, bắt đầu từ trong từng gia đình có con gái, rồi được đưa vào giáo dục trong nhà trường ở Huế bằng những chuyên đề, giờ ngoại khóa, được sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông.
Và có lẽ, cũng nên tổ chức những cuộc thi định kỳ "Người đẹp Huế" hay "Miss Huế" gì đó, không chỉ thi vẻ đẹp bên ngoài mà còn nội dung rất Huế của họ, để tôn vinh những cô gái Huế còn giữ được phong cách, nết na, giọng nói và những tiêu chuẩn khác của người phụ nữ Huế, dù họ đang sống xa Huế.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)