Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tường Thụy


TRỞ VỀ

Truyện ngắn


      Mấy chục năm rồi, Hoàng mới trở lại miền quê ấy, một miền quê mà anh gắn bó có năm ngày nhưng kỷ niệm thì không thể nào quên.
      Người chỉ đường bảo:
      -  Anh đến ngã ba có cái quán nước, rẽ tay phải chừng năm chục mét, thấy cái cổng xây, cánh gỗ, có rặng duối làm bờ giậu dọc ngõ thì là nhà cô Lụa đó.
      Những chi tiết ấy vẫn còn in đậm trong ký ức anh. Vậy là nhà nàng vẫn ở đấy. Anh rảo bước, dừng chân trước cái cổng thân thuộc.
      Lòng Hoàng dâng lên một tình cảm khó tả. Ruột gan anh nóng lên, nhịp tim nhanh hơn. Kỷ niệm năm xưa hiện về, rõ mồn một. Chuyện như mới chỉ là hôm qua.

      Hồi ấy còn chiến tranh, Hoàng về đây thi đại học. Đó là làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, quê hương nhà văn Nam Cao, nguyên mẫu của làng Vũ Đại trong truyện ngắn “Chí Phèo”. Cả làng theo nghề dệt vải, nằm ven bờ sông Châu thơ mộng. Nhà anh trọ có cô gái rất xinh đẹp tới mức lòng anh xao động ngay lập tức. Nàng học dưới anh một lớp nghĩa là năm sau, nàng cũng sẽ giấy bút đi thi như anh bây giờ.
      Lụa (tên nàng) không rực rỡ mà có vẻ đẹp tinh khôi, giản dị của một cô gái quê thuần túy. Nàng nói năng nhỏ nhẹ, chừng mực. Với anh, bao giờ nàng cũng dùng ngôn ngữ của phận dưới. Mỗi sáng, nàng dậy sớm, bê vào tận hiên nhà một chậu nước mưa lấy từ bể hứng giữa trời mà hàng ngày nhà nàng chỉ dùng để đun nấu:
      -  Em mới anh ra rửa mặt ạ.
      Nàng đợi anh tới nơi rồi mới trao cho anh một chiếc khăn mới. Tay anh chạm khẽ vào tay nàng. Anh thấy một cảm giác êm ái dễ chịu mà anh chưa hề biết tới.
      Lần đầu tiên, anh được một người con gái chăm sóc. Anh vui vui, thấy mình đã thành người lớn thực sự. Vậy mà ở nhà vào giờ này thường là tiếng bà chị cả the thé: “Thằng Hoàng đâu! Không dậy rửa mặt, ăn uống xong còn đi học. Định ngủ trương xác đến bao giờ!”.
      Anh ao ước: Giá như có nàng, mình sẽ hạnh phúc biết bao. Nhưng anh lại băn khoăn: hình như cách cư xử của nàng có vẻ như ngầm nói: em chỉ như em gái của anh thôi.
      Tuổi trẻ bao giờ cũng đi liền với ước mơ, hoài bão, những dự định lớn lao và đặc biệt, muốn khẳng định bản thân. Anh chú ý hơn đến việc thể hiện mình và tranh thủ thời gian nói chuyện với nàng. Anh thêm tự tin khi để ý thấy nàng vẫn rửa mặt bằng chính cái khăn đã đưa cho anh hàng ngày. Vậy là anh được dùng chung khăn với nàng. Lòng anh rạo rực, xôn xao. Chưa bao giờ anh có cảm giác lâng lâng như thế.
      Trai tài, gái sắc bén nhau không mất nhiều thời gian lắm. Tối ngày thứ tư, cơm nước xong, anh ngồi nói chuyện với mẹ nàng, cảm ơn gia đình đã giúp đỡ anh trong những ngày thi cử và xin phép ngày mai trở về quê.  Xong, anh lững thững đi ra ngõ một cách đầy cân nhắc. Tới cổng, anh gặp nàng vẻ như đi đâu về nhưng lại linh cảm là nàng cũng có ý chờ anh. Không bảo nhau, cả hai đều dừng lại phía sau cánh cổng. Sau vài câu bâng quơ, thăm dò, anh lấy hết can đảm nói với nàng:
      -  Em nhận lời anh nhá?
      -  Nhận gì cơ?
      -  Nghĩa là … nghĩa là … đồng ý … anh ấy mà.
      Nàng bẽn lẽn, tay bứt mấy lá duối:
      -  Kệ anh. Em ứ biết.
      Rồi nàng cười, ranh mãnh:
      -  Anh nói câu này với bao nhiêu cô rồi. Anh lên Hà Nội học, bao nhiêu bạn gái xinh đẹp, lãng mạn, liệu còn nghĩ đến cô gái quê mùa này không?
      Anh nhẹ lòng. Đó chỉ là những câu răn đe, rào đón và để chữa thẹn nữa mà cô gái nào cũng phải biết khi được tỏ tình và cũng là cách nói cho anh hiểu rằng nàng đã đồng ý.
      Phải vất vả lắm, anh mới đặt được hai tay lên vai nàng, nhìn trực diện:
      -  Mai tiễn anh tới cầu phao chứ?
      Nàng nhẹ nhàng gỡ tay anh ra:
      -  Đừng anh, đừng làm thế … mẹ mắng đấy. Mà em không dám tiễn đâu, người ta thấy thì chết. Anh cứ về đi, em đợi.
      Chỉ chút nữa thôi anh đã ôm chặt lấy nàng nhưng sự nhút nhát của người con trai yêu lần đầu làm anh không dám lấn tới. Mặt khác, anh sợ đổ vỡ một cái gì đó rất mong manh. Hoàng ngây ngất, đầu óc như mộng du. Toàn thân anh run rẩy và thấy có cái gì như dòng điện chạy khắp cơ thể. Anh tỉnh lại thì nàng trở vào nhà từ lúc nào. Sau này anh cứ tiếc mãi: giá như hôm ấy bạo dạn hơn một chút thì anh đã biết đến mùi vị nụ hôn nó như thế nào. Rồi anh lại tự an ủi: thôi, như thế, tình yêu lại càng đẹp.

      Hoàng không bước vào giảng đường đại học như đã định liệu cho tương lai. Bạn bè cùng lớp có tới trên một nửa nhập ngũ, trong đó có anh. Đi chiến trường, càng vào sâu, thư từ đi lại càng thưa dần. Sáu tháng sau thì bặt tin hẳn.
      Chín năm, tham gia hai cuộc chiến tranh khốc liệt, anh là một trong số may mắn còn sống sót trở về. Nghĩ tới Lụa, anh không dám tin là nàng còn chờ đợi. Bây giờ, nàng gần ba mươi rồi còn gì. Con gái có thì, ai mà chờ đợi được. Đã mấy lần, anh tính chuyện tìm lại nàng, biết đâu. Có lần anh đã đi đến thành phố Nam Định rồi lại quay trở về. Chỉ còn bảy cây số nữa là tới quê nàng. Anh sợ mình sẽ suy sụp khi khẳng định được chuyện nàng đi lấy chồng. Anh còn quá nhiều việc phải làm. Thôi, thà cứ như thế thì vẫn còn những kỷ niệm đẹp về nhau.
      Trong tâm khảm anh, nàng mãi mãi là cô gái mười tám tuổi hiền dịu và xinh đẹp.

      Hoàng lấy vợ trong trường hợp mà anh hoàn toàn không có sự trù liệu trước. Bố mẹ anh đã nhắm sẵn cho anh một cô gái ở làng bên, chỉ đợi anh được giải ngũ thì về cưới. Bố cô lại dạy học cùng trường với bố Hoàng. Thì ra hai cụ đã gật gù với nhau từ lúc nào. Mẹ anh bảo:
      -  Anh đi đã bằng ấy năm. Chị anh thì lấy chồng. Giờ anh phải cưới vợ để ở nhà cho chúng tôi đã rồi đi đâu thì đi. Chúng tôi cần có đứa trông nom lúc tuổi già, rồi phải có tí cháu nội bế nữa.  
      Hoàng theo mẹ sang, gọi là “xem mắt” nhưng trong lòng anh nghĩ cứ đi để chiều mẹ thôi. Cô gái tên Lan, hai mốt tuổi, ngoan, xinh xắn, lại là giáo viên giỏi trường làng. Về nhà anh bắt đầu lung lay: cô ấy như thế chắc chỉ nể tình thân giữa hai nhà mà nghe, chứ thiếu gì đám. Còn mình đã ba mươi, nghề ngỗng thì không, có gì mà cao giá cơ chứ. Rồi nghĩ đến bố mẹ, anh đi chưa được mười năm mà các cụ già đi nhiều quá, tóc bạc gần hết cả. Biết bao giờ anh mới báo hiếu được bậc sình thành. Mà hoàn cảnh hai gia đình như thế kể ra cũng thuận.
      Sau chuyến theo mẹ sang nhà Lan rồi suy nghĩ mấy ngày, anh đồng ý với các cụ về việc hôn nhân của mình tuy hơi buồn cười về chuyện bố mẹ đi “tán hộ”, điều mà anh chưa bao giờ nghĩ đến. Dẫu vậy, anh với Lan vẫn dành thời gian tìm hiểu nhau thêm một tháng nữa. Rồi tình yêu từ cuộc hôn nhân sắp đặt trước cũng nảy nở.    
      Cưới vợ xong, anh làm thủ tục nhập trường, may mà giấy gọi vào đại học của anh vẫn còn giữ được. Qua năm năm học, anh lại lăn lộn khắp các công trường xây dựng từ Nam ra Bắc. Nhớ về Lụa, anh nghĩ bây giờ hai mươi năm trôi qua, cả hai đều đã yên ổn bề gia thất và đắn đo mãi, anh mới quyết định về tìm lại kỷ niệm của mối tình đầu.

      Hoàng nhẹ nhàng bước vào cổng, tránh gây tiếng động rồi đứng vào góc khuất quan sát.
      Vẫn ngôi nhà ấy, chỉ khác là thêm một ít trang bị của nền văn mình hiện đai mới thập thò đến những vùng quê cổ kính.
      Nàng đấy.
      Nàng đang ngồi gội đầu bên giếng nước trong vắt. Cạnh chỗ nàng ngồi là một chậu nước bồ kết, một nắm lá hương nhu.
      Nhà có vẻ như không có ai ngoài nàng. Mẹ nàng chắc đi dệt vải.
      Không thấy có chiếc xe máy nào dựng ngoài sân. Cũng không thấy quần áo đàn ông trên dây phơi. Anh thấy yên lòng.
      Anh ngẩn người ra chiêm ngưỡng:  Nàng vẫn như xưa, Vẫn mái tóc dài. dày và mượt. Vẫn làn da trắng mịn, cái cổ thanh tú, đôi bờ vai đầy đặn của người con gái dậy thì.
      Vẫn áo học trò.
      Hệt như trong ký ức của anh.
      Chắc là nàng chưa cùng ai.
      Còn anh lấy vợ đã mười năm và có tới ba đứa con trứng gà trứng vịt. “Mình thật là không phải với nàng” - anh thầm lên án cho cái lòng thiếu chung thủy của mình.
      Không kìm nén được hơn nữa, anh bước tới.
      Nàng đứng dậy nhìn khách. Vẫn đôi mắt ấy, đen tròn, trong và thơ mộng, làn môi vẫn thắm đỏ như xưa.
      Anh bước gần lại, thổn thức:
      -  Em!
      Rồi dang cả hai tay ra.
      Chợt nàng lùi lại hốt hoảng:
      - Chú … Chú làm cái gì thế!
      Vậy là nàng không nhận ra mình. Anh rối rít:
      - Kìa em! Anh … anh Hoàng đây mà!  
      Mặt nàng tái đi:
      -  Không, cháu không biết chú, cũng chẳng quen ai là Hoàng cả.
      Mấy chục năm rồi, nàng không nhận ra là phải. Anh cố gợi lại kỷ niêm:
      - Kìa Lụa! Em quên anh rồi sao. Hồi ấy anh về thi đại học, em nhớ ra chưa … Cái đêm cuối cùng ở sau cánh cổng kia, chúng mình đã hẹn …
      Nhưng nàng vẫn không chịu nhớ ra cái gì:
      - Lụa là tên mẹ cháu. Chú cần gặp mẹ cháu thì mời chú vào nhà uống nước rồi chờ. Mẹ cháu đi dệt vải. Lát nữa mẹ cháu về.


29/5/2010
Tường Thuỵ

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


KẺ TRỘM TÌNH

Truyện ngắn


      Thấy tiếng động ngoài cửa, vợ hắn trong phòng bếp ngó ra hỏi:
      -  Sao bảo trưa nay anh không về?
      -  Định thế, nhưng lại không phải tiếp khách nữa.
      Như thường lệ, về đến nhà là bao giờ hắn cũng ngồi ở phòng khách nghỉ một lúc. Hắn rút thuốc lá ra châm lửa. Rít một hơi, hắn thấy trong người thư thái, dễ chịu, trạng thái căng thẳng sau một buổi làm việc nhẹ đi hẳn. Hắn ngả lưng vào ghế, ngửa mặt phả khói thuốc lên trần nhà. Hắn lặng lẽ rà soát lại trong đầu việc thương thảo hợp đồng sáng nay xem có hớ hênh gì không, sẽ tổ chức thực hiện như thế nào cho có hiệu quả nhất. Điếu thuốc tự cháy thêm được một đốt ngón tay, hắn mới gõ nhẹ vào miệng gạt tàn. Chợt hắn thấy trong gạt tàn có một điếu thuốc hút dở. Lạ nhỉ, sáng nay hắn đã đổ hết những mẩu thuốc vào sọt rác rồi cơ mà. Trong khay, một cái chén vẫn còn chút nước cặn mặc dù sáng nào cái Vân Thảo cũng đánh rửa ấm chén sạch sẽ. Hắn cầm chuyên rót nước uống, thấy vẫn còn ấm. Hắn định hỏi: "Ai vừa vào nhà mình đấy em" nhưng lại kịp lái sang cách khác:
      -  Sáng nay có ai đến hỏi gì anh không?
      -  Có ai đâu. Nay em nghỉ làm vẫn ở nhà một mình từ sáng đến giờ mà.
      Vợ hắn không hút thuốc đã đành nhưng cũng chẳng bao giờ uống nước chè. Muốn uống, thị chỉ làm một cốc nước lạnh, ừng ực một mạch là xong.
      Rõ ràng là có khách đàn ông vừa ở đây. Chuyện ấy là bình thường, sao vợ hắn phải giấu nếu không có điều khuất tất nào đó. Một mối nghi ngờ dần dần hình thành trong đầu hắn.
      Mối nghi ngờ ấy vụt lớn nhanh, chiếm hết tâm trí hắn khi hắn phát hiện thấy trước cửa ra vào, ngoài đôi giày của hắn và đôi dép quen thuộc của vợ ra, còn một đôi dép nam lạ. Vậy là ông khách này vẫn luẩn quất đâu đây và còn có thể là ai khác nếu không phải là tình nhân của vợ hắn?
      Liếc vào phòng bếp, thấy vợ đang vớt con gà luộc vàng ngậy ra đía, hắn quay nhanh mặt đi làm như không để ý. Thế là đã rõ.

      Sáng nay, trước khi đi làm, hắn bảo vợ:
      -  Trưa nay ba mẹ con em ăn cơm với nhau nhé, anh phải ở lại tiếp đối tác.      
      Nhưng làm việc xong, phía đối tác một mực từ chối lời mời đi ăn trưa tại một nhà hàng sang trọng vì họ cần về Hải Phòng ngay cho kịp cuộc họp buổi chiều. Thế nên mới có chuyện hắn về nhà bất chợt.
      Chưa bao giờ hắn chuẩn bị cho tình huống này. Vợ hắn tha hóa đến thế sao. Tưởng chồng không về đã rước ngay trai đến nhà, còn mua gà đãi tình nhân nữa chứ. Thường là nhà hắn chỉ mua gà cả con khi có giỗ, tết hoặc có khách. Nếu hắn không về đột xuất, chắc hẳn chúng nó sẽ ngả ngớn ăn uống với nhau. Vợ hắn sẽ kề ly rượu lên tận miệng thằng tình nhân còn thằng tình nhân thì xé nhỏ từng miếng thịt gà đút vào miệng vợ hắn. Chúng sẽ ngồi một bên bàn thôi để tiện yêu nhau. Chúng sẽ vừa ăn, vừa nhìn nhau tình tứ, vừa cấu véo nhau. Vợ hắn dù đã ba mươi nhăm nhưng còn đẹp lắm. Đã vậy, da thị lại trắng. Đã vậy, thịt thị lại đầy đặn, căng lên dưới làn áo mỏng mà chiếc khuy ngực lúc nào cũng chực nứt ra, trông mũm mĩm thế kia, gợi tình thế kia. Vậy mà đâu còn phải là của riêng hắn nữa. Trời ơi! Hắn điên lên mất. Mới biết con người hư hỏng nhanh như thế nào. Không phải, đó là sự biến chất dần dần hoặc bản chất con người được giấu kín mà kẻ mê muội như hắn không nhận ra đó thôi. Thảo nào người ta bảo vợ chồng đầu gối tay ấp, ăn ở với nhau cả đời chưa chắc đã hiểu hết được nhau.
      Vậy mà từ trước đến nay, hắn vẫn tin vợ nết na hiền thục, thủy chung. Hắn thường tự hào với bè bạn, với đồng nghiệp về điều đó. Có với nhau ba mặt con rồi nhưng hắn còn giữ thói quen hôn vợ trước khi đi làm. “Để gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu” -  hắn tự nhủ mình như thế.      

      Hắn rà soát lại những ngày gần đây thấy vợ không có biểu hiện gì bất bình thường. Thị vẫn ăn mặc như thế, không diêm dúa, cầu kỳ, không son phấn lòe loẹt, không thay đổi kiểu tóc thường xuyên như những người phụ nữ đang có tình nhân. Mà thị cần gì phải thế. Thị vẫn ý thức được nhan sắc của mình. Thị sử dụng điện thoại vô tư, thoải mái ngay trước mặt chồng chứ không lén lút, vụng trộm bao giờ. Hôm nay, thấy hắn về đột ngột, mặt thị không hề biến sắc, không tỏ ra lúng túng. Ghê chưa? Cao tay chưa? Bản lĩnh đàn bà ai bảo là non, toan tính của họ ai bảo là cơi đựng trầu? Thế nên hắn mới bị thị cắm sừng lúc nào mà không hay. Càng nghĩ, hắn càng thấy nhục. Nhục cho hắn đã đành, nhục cho cả dòng họ nhà hắn nữa.
      Chung sống với nhau mười lăm năm, hắn biết vợ không phải là loại người lẳng lơ, đĩ thõa hay lãng mạn, đa tình. Hắn suy nghĩ, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân. Thôi đúng rồi. Vợ chồng hắn sinh liền trong bảy năm ba đứa con gái. Khi đẻ đứa thứ ba vẫn là gái, hắn buồn, chẳng thiết chọn tên cho con nữa. Hắn đặt luôn là Vân Vân với ý nghĩa rằng chẳng biết hắn còn bao nhiêu cô gái rượu tên Vân nữa sẽ ra đời. Hắn vẫn yêu con lắm nhưng hình như có lần hắn nói với vợ là anh ao ước có một thằng cu. Chắc thị cho là nguyên nhân sinh con một bề là do hắn nên mới cố kiếm một đứa con trai cho chồng vui lòng đây. Nhưng dù động cơ dù có xuất phát từ lòng thương chồng đi chăng nữa thì cũng không thể nào chấp nhận được. Sự tiến bộ của y học hiện đại thừa khả năng tạo cho hắn một đứa con trai, không nhất thiết cứ phải là trai trên gái dưới.
      Hắn nghẹn đắng đến tận cổ nhưng cố giữ bình tĩnh. Nếu nôn nóng để vợ biết là hắn đã nghi ngờ có thể dẫn đến hỏng việc.
      Nhưng hắn lo bằng thừa. Vợ hắn vẫn đi đứng, nói chuyện như không, lại tươi tỉnh hơn mọi ngày nữa chứ. Thị pha cho hắn một cốc nước chanh:
      -  Uống đi cho mát anh. Chồng tôi vất vả quá. Em mệt thay cho nào.
      Rồi thị xoa đầu hắn một cái, vuốt má hắn một cái, chụt vào trán hắn một cái. Hắn cố kìm nén để không tỏ ra khó chịu, khinh bỉ. Giả vờ khéo chưa? Hẳn là mỹ nhân kế đây. Chắc thị đang tính chốc nữa sẽ ngồi bên hắn, cọ vào hắn cho hắn mềm người ra, mất hết tự chủ để thị dụ hắn ăn uống no say rồi lăn ra ngủ cho tình nhân tẩu thoát đây mà. Thị đâu có biết rằng hắn đã phát hiện ra tội lỗi tày trời của thị, rằng bây giờ hắn đã nhận ra sự ngu muội của mình. Đầu óc hắn tỉnh táo hơn bao giờ hết. Trái tim hắn lạnh lùng bao giờ hết.

      Đã chắc kẻ trộm trong tay rồi, hắn không vội. Hắn âm thầm phác ra kế hoạch vây bắt.
      Hắn lục soát từ tầng một lên trở lên vì nếu tìm từ trên xuống thì bằng thả gà ra mà đuổi.
      Tầng một chỉ có nhà vệ sinh là kẻ trộm có thể ẩn nấp. Ngó vào không thấy gì, hắn giả vờ lẩm bẩm: “Bẩn quá, đã bảo cái Vân Thảo cọ rửa hàng ngày mà nó chẳng chịu làm”.
      Tầng hai, phòng ngủ của vợ chồng hắn và phòng cái Vân Vân đều để ngỏ. Không nghi lắm nhưng hắn vẫn ngó vào nhà vệ sinh, nhìn xuống gầm giường,  mở toang cánh tủ quần áo. Nhìn thấy cái tủ lạnh, hắn lượng lự một chút nhưng nhanh chóng cho qua. Hắn đọc ở đâu đó thấy nói đến chuyện cô vợ giấu tình nhân trong tủ lạnh nhưng hắn cho là phi lý. Chắc tay nào đó bịa ra cho vui thôi chứ chiếc tủ lạnh 400 lít thì đứa trẻ con lên ba cũng chẳng chui vào nổi.
     Tầng ba, phòng cái Vân Thảo cũng thế. Phòng cái Vân Anh vẫn khép như từ hồi nó vào Sài Gòn với bác và học luôn trong đó. Hắn cầm tay nắm tròn của khóa cửa xoay nhẹ. Chợt ruột gan hắn nóng lên, tim đập thình thịch khi biết cửa đã bị bấm chốt bên trong.
      Hắn áp tai vào cửa nghe ngóng. Hắn thấy tiếng vòi nước xả trong nhà vệ sinh. Một lúc sau thì thấy tiếng dép loẹt quẹt đi về phía giường nằm. Chắc là khi yêu vợ hắn xong, thằng tình nhân lăn ra ngủ, bây giờ mới nghĩ đến chuyện vào nhà vệ sinh để tẩy uế đây. Nghĩ thế, toàn thân hắn lại run lên.
      Vậy là hắn đã xác định được vị trí ẩn náu của kẻ trộm tình. May mà phòng này phía sau không có ban công nên chỉ làm cửa sổ nghĩa là phòng có mỗi một cửa ra vào. Phen này chỉ có phép biến hóa của Tôn Ngộ Không thì mày mới thoát. Một ý nghĩ mỉa mai, chua chát hiện lên trong đầu hắn: thị chưa bậy đến nỗi rủ trai vào chính phòng ngủ của vợ chồng hắn.
      Hắn lấy lại bình tĩnh rồi đi xuống. Trong bếp, vợ hắn vừa nấu cơm vừa hát “… còn gì cho anh, cả một đời xuân xanh, trên thế gian này chỉ có anh …”. Hắn tím mặt, nghĩ: trơ trẽn, vô liêm sỉ đến thế là cùng.
      Hắn trở lại phòng khách, mắt canh chừng vợ, tay luồn ra phía sau tấm giấy khen học sinh giỏi của cái Vân Anh treo trên tường lấy chiếc chìa khóa hắn vẫn giấu ở đấy cho khỏi lẫn vì ít dùng tới. Chợt nhớ ra, hắn đi khóa cổng lại rồi vứt chìa vào giỏ rác, nơi chẳng mấy ai để ý. Cuối cùng, hắn vào phòng cái Vân Thảo lấy sẵn một tập vở chưa dùng và một cây bút để tí nữa lập biên bản.
      Hắn đứng trước cửa phòng chứa kẻ trộm một lúc. Dù ở thế chủ động nhưng hắn vẫn thấy quá hồi hộp. Hắn xoay người lại tựa lưng vào cánh cửa, hít mấy cái thật sâu rồi thở ra từ từ cho đỡ căng thẳng. Hắn dự tính đến những tình huống có thể xảy ra: đôi gian phu dâm phụ ngoan ngoãn nhận tội, tình huống này đơn giản nhất. Hắn sẽ gọi tổ trưởng dân phố đến và bắt hai đứa ký vào biên bản, còn tiếp theo như thế nào thì tính sau. Tình huống thứ hai ít xảy ra hơn nhưng lường trước không thừa. Đó là kẻ trộm tình đánh nhau với hắn để tẩu thoát. Vợ hắn sẽ xông vào cứu bồ. Thị sẽ ôm chặt lấy hắn để thằng tình nhân tháo chạy. Hắn thoáng nghĩ: hay là gọi thêm mấy thằng bạn đến giúp sức cho chắc chắn. Nhưng hắn gạt đi ngay: chuyện này cần giữ kín, rao lên cho cả cơ quan nó biết thì đẹp mặt. Rồi hắn lấy lại tự tin: trường hợp này, cũng không có gì đáng lo. Hắn là người có sức khỏe. Tuy chưa đánh nhau với vợ bao giờ nhưng hàng đêm, hắn chỉ nhấc khẽ một cái là đặt đươc thị lên giường. Vậy thì thị làm sao mà cản nổi hắn cơ chứ. Mặt khác, hắn còn có thêm sức mạnh của lòng căm thù. Nghĩ đến đấy, hắn xoay người trở lại, tay run run tra chìa khóa vào ổ. “Tách” một cái, hắn đẩy cửa bước vào.
      Nhưng trước mặt hắn không phải là một tay trung niên khỏe mạnh, đẹp trai, cũng không phải là gã đàn ông mang dáng vẻ của một thương gia giàu có. Người này hắn vẫn gặp đều đặn một năm ít nhất ba lần ở quê vào dịp tết và giỗ ông bà bên vợ. Lũ trẻ con nhà hắn vẫn gọi bằng ông ngoại.
      Lập tức hắn biến rất nhanh bộ mặt đằng đằng sát khí thành vẻ mặt rạng rỡ tươi cười:
      -  Con chào thầy. Thầy lên chơi mà không báo trước cho con đánh xe đi đón. Nhà con chuẩn bị bữa ăn xong rồi, mời thầy xuống xơi cơm ạ.
      Thảo nào hôm nay vợ hắn vui thế. Cái Vân Thảo và cái Vân Vân đi học về vừa kịp bữa. Hắn nhanh nhẹn xách cái giỏ rác giả vờ đi đổ rồi lén moi chiếc chìa khóa hắn vừa ném vào đấy, mở cổng cho chúng nó vào.
      Khi cả nhà đã đầy đủ, ngồi quây quần quanh mâm cơm đầy ắp thức ăn, vợ hắn trịnh trọng rót rượu ra hai cái ly, cười rất tươi:
      -  Con mời thầy, em mời anh xơi rượu. Khi nãy anh về, em cố giấu tin thầy lên, định dành cho anh một niềm vui bất ngờ. Vậy mà anh vẫn biết mà lên chào thầy. Anh tinh thật.
      Chưa bao giờ hắn thấy vợ mình xinh đẹp và đáng yêu đến thế. Hắn nâng ly chạm với bố vợ:
       -  Nhà con nói thế thôi chứ con tinh tường gì đâu. Khi về, thấy đôi dép quen thuộc của thầy là con nhận ra ngay. Rể hiền thì lúc nào mà chả quan tâm đến bố vợ, thầy nhỉ.


3/6/2010
Tường Thụy

      
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


VẪN CÒN MAY

Truyện ngắn


    Đến nước này thì hắn không thể im lặng được nữa.
    Gần đây, nhiều lần về muộn, hắn thấy cửa phòng ngủ bị khóa bên trong. Gọi mãi không có tiếng người thưa mà hắn chỉ nghe thấy những âm thanh lục sục, loạt soạt. Chừng năm phút vợ hắn mới mở cửa cho hắn vào. Quần áo thị xộc xệch, đầu tóc rũ rượi, chiếc khuy ngực còn chưa kịp cài nốt. Hai người cũng chẳng ai hỏi ai lấy một câu. Hắn nhìn cánh cửa sau để ngỏ, hiểu ra tất cả nhưng không nói gì.
    Thằng tình nhân của vợ hắn không thể đi đâu ngoài việc chuồn qua cửa sau, đứng lên thành ban công rồi bám dần lên sân thượng. Mà sân thượng nhà hắn thì phải có thang mới xuống theo hướng khác được. Nghĩ thế, hắn bỏ đi để kẻ trộm đủ thời gian quay xuống, thoát theo đường nó đã vào.
    Bắt quả tang thì không khó. Nhưng hắn không muốn cái cảnh ấy xảy ra. Chuyện làm ra hai năm rõ mười chỉ có hại cho danh dự của hắn và làm hắn thêm khó xử mà thôi. Ngoài ra, có thể hắn phải đánh nhau mà phần thua nằm chắc ở phía hắn. Vậy tốt nhất hắn coi như không biết. Bắt để làm gì khi hắn đã chắc chắn là vợ ngoại tình và thị sẽ trơ trẽn nhận rồi đổ tất cả tội lỗi cho hắn. Đã nhiều lần vợ chồng cãi nhau, thị chẳng nói thẳng ra là gì: "Anh không đáng là thằng đàn ông thì để tôi ngủ với thằng khác. Nghìn thằng tôi vẫn chịu được".
    Sau hôm ấy, mỗi lần về muộn, thấy cửa khóa bên trong, hắn chỉ gõ đánh động rồi ra quán nước ngồi. Chờ cho chúng nó ân ái nốt, thằng gian dâm đi khỏi, hắn mới lại quay về.
    Hắn bảo vợ:
    - Cô có ngủ với đứa nào thì tùy nhưng đừng mang về nhà. Cô nể mặt tôi một chút.
    Nhưng vợ hắn phớt luôn cả cái yêu cầu thảm hại ấy của hắn.

    Mải học rồi bận rộn với công việc, ba mươi bảy tuổi, được đề bạt lên trưởng phòng, hắn mới nghĩ đến chuyện lấy vợ. Hắn cảm thấy mình đã già nên có phần nào tự ti, sinh ra tư tưởng vơ bèo vạt tép. Thôi thì lấy vợ cho xong, cho giống những người đàn ông khác để thiên hạ không bảo là hắn lập dị. Vợ hắn vốn là một công nhân nông trường chè đã nghỉ việc do tay lái xe của công ty giới thiệu. Sau này hắn mới biết thị là tình nhân của tay lái xe. Thằng này vầy vò chán mới tìm cách bát-xê cho hắn. Điều đó tốt cho nó nhiều mặt: nó vừa dùng hắn để trả công cho những lần ân ái với thị, vừa vẫn còn thị mà không phải lúc nào cũng lo theo dõi từng chu kỳ sinh lý của tình nhân. Nhỡ thị có mang bầu, hắn không bị nghi là tác giả của cái thai trong bụng.
    Những người biết vợ hắn từ trước bảo thị mắc bệnh ếch-ta-ry. Người bệnh lâu lâu không có ai sờ mó đến thì lăn ra ngất, lúc thì cười như ma ám, khi lại rên ư ử, lảm nhảm đủ thứ. Rồi vật sang trái, vật sang phải. Chữa bênh này có vẻ cũng đơn giản. Người ta đuổi tất cả ra, chỉ cho một tay thanh niên khỏe mạnh vào "xoa bóp" bệnh nhân một lúc thì khỏi. Khỏi có nghĩa là cắt cơn thôi chứ không dứt bệnh được. "Thầy thuốc" kiểu này thì lại không khó tìm. Đám thanh niên ở phố chợ tranh nhau để được chữa cho thị.
    Thế mà hắn lại vớ phải của ấy. Nhiều lời bàn tán, chê cười. Hắn ngộ nhận ư? Hắn thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm trong tình trường ư? Điều đó có thể đúng. Nhưng bảo là hắn tham trẻ thì chưa chắc. Tuổi tác vợ chồng hắn chênh lệch nhau đâu phải là nhiều. Hai mươi chín tuổi, không có sự nghiệp gì để bảo là còn mải theo đuổi, vợ hắn thuộc loại gái ế. Không nghề ngỗng, thị theo hắn về để hắn nuôi. Ở với nhau vài tháng, hắn mới biết vợ hắn thuộc loại lẳng lơ, đĩ thõa mà hắn chưa từng gặp ai như thế. Bản năng nhục dục của thị lúc nào cũng ngùn ngụt khiến hắn sợ. Hắn đi làm về, hàng xóm vẫn mách với hắn chuyện vợ hắn ở nhà tiếp đàn ông. Có nhà chỉ cách một bức ngăn mỏng, họ phải nghe tiếng chúng tỏ tình với nhau một cách thô thiển nhất, bản năng nhất. Họ nghe rõ những âm thanh hổn hển, rên rỉ thậm chí cả tiếng hét khi chúng làm tình với nhau, giữa ban ngày. Họ tức cho hắn thì ít mà sợ ảnh hưởng đến con cái mình thì nhiều. Cứ theo người ta kể lại thì khách của vợ hắn khi thì là một tay xe ôm, khi thì là một gã đàn ông có dáng vẻ đạo mạo, lúc lại là một ông trạc tuổi bố thị, Hắn không cho là thiên hạ đơm đặt. Hắn biết vợ hắn ngủ với trai không nhằm mục đích kiếm tiền mà chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu sinh lý mà thị không bao giờ thỏa mãn.
    Đã thế, vợ hắn lại là kẻ không được giáo dục. Thị có thể chửi nhau với bất cứ ai. Thị sẵn sàng tuôn ra tất cả những ngôn ngữ bẩn thỉu, tục tĩu nhất mà thị học được kể từ khi biết nói. Bạn bè, đồng nghiệp chê cười thì hắn giải thích là hắn muốn mượn mồm thị để chửi lại những kẻ trước đây vẫn ức hiếp hắn mà hắn không dám ra lời. Hắn bảo đấy là phương pháp lấy độc trị độc. Hắn nói, người ta nghe chỉ biết vậy. Nhưng sau đó, người thì cho rằng hắn làm thế là khôn ngoan, kẻ thì bảo hắn ngụy biện cho sự bất lực của mình. Những đồ đạc hắn mua sắm về, thị có thể gọi người vào bán bất cứ thứ gì khi chồng vắng nhà. Một lần vợ hắn đi đâu qua đêm, sáng ra hắn tức vơ hết chìa khóa mang theo, không gửi lại. Hắn về thấy cửa sổ bị cạy bung khuôn hoa sắt chống trộm. Hỏi hàng xóm, họ cho biết chính vợ hắn gọi người đến phá cửa. Hắn vào nhà thấy chiếc ti vi màu 21" vừa mua thị đã mang đi mất. Dĩ nhiên khi về, thị chẳng cần quanh co mà nhận ngay. Hắn lẳng lặng mua cái khác thế vào đấy.
    Vợ hắn cũng biết mình chẳng ra gì, có lẽ đó là ưu điểm duy nhất của thị. Trong một lần cãi nhau, thị bảo hắn: "Trời sinh ra tao là để trừng phạt mày".        
Hắn có tội tình gì mà trời phải trừng phạt hắn, làm hắn khốn khổ khốn nạn đến thế? Lấy vợ, hắn chỉ mong muốn đơn giản là có người nâng khăn sửa túi cho hắn. Hắn về nhà có cơm ngon canh ngọt để chấm dứt những ngày lang thang quán sá. Hắn muốn vợ hắn là người bạn để hắn chia sẻ những chuyện phiền hà rắc rối và cả những niềm vui hiếm hoi hàng ngày mà trước đây hắn chẳng thể tâm sự với ai. Hắn không để vợ thiếu một thứ gì. Hắn đưa tiền cho thị mua sắm quần áo, mỹ phẩm tùy ý. Đàn ông, ai chẳng thích vợ mình đẹp. Hắn cũng không yêu cầu vợ phải kiếm tiền phụ vào với hắn. Vì nếu có đi làm, vợ hắn chỉ làm được những công việc giản đơn mà người ta thường gọi là cửu vạn. Thị sẽ phải vất vả mà tiền công lao động phổ thông chẳng đáng là bao. Dãi dầu nắng gió thị sẽ đen đi, xấu đi. Thu nhập của trưởng phòng một công ty lớn đủ đảm bảo cuộc sống gia đình hắn được như những nhà bình thường khác. Thế mà mơ ước đơn giản ấy của hắn đã nhanh chóng biến thành bọt xà phòng. Tội lớn nhất của hắn đối với thị có lẽ là chuyện chăn gối vợ chồng ngày một thưa đi. Về mặt sinh lý, hắn không đến nỗi là kẻ bất lực nhưng hắn làm sao có hứng thú để làm tình với một kẻ mà hắn ghê tởm. Ngoài ra, có thể kể thêm một tội nữa của hắn là đôi khi chán nản, hắn về nhà trong trạng thái sặc sụa mùi rượu. Thị bảo hắn:
    -    Mày be bét thế này, tao chỉ đẩy khẽ một cái là lăn xuống đất. Mày chết, người ta chỉ cho là mày say rượu ngã, lấy gì làm bằng chứng để kết tội kẻ nào đã giết mày".
    Đàn bà, ai chẳng ghét chồng say rượu. Nhưng hắn say rượu lại là do đàn bà. Trước khi lấy vợ, có bao giờ hắn uống rượu quá chén đâu.     
    Nhược điểm lớn nhất của hắn là nhút nhát. Hắn sợ đổ vỡ, sợ tai tiếng, và nhất là sợ phải đánh nhau. Hắn lập luận: cãi nhau, đánh nhau với chúng nó thì chỉ hắn thiệt vì danh dự của hắn lớn hơn, mạng của hắn quí hơn. Chúng nó thuộc loại cùng đinh của xã hội, có gì để mà mất. Dây với chúng nó chẳng hóa ra hắn bằng chúng nó. Vợ hắn biết điểm yếu ấy của chồng nên ngày càng quá quắt, tới mức thị không cần phải giữ gìn gì nữa.
    Nhưng hắn chỉ nhút nhát với vợ và những kẻ không có tình thương đối với hắn, nghĩa là những kẻ sẵn sàng đánh cho hắn một trận. Còn với những người tử tế, có học như anh em, bè bạn, đồng nghiệp, hắn lại rất hay gây gổ. Hắn tìm cách trút tất cả những ấm ức lên đầu họ. Hắn biết họ chẳng hơi đâu tranh cãi với hắn, chẳng ai nỡ đánh hắn. Họ thương hắn, nghĩ hắn khổ quá rồi nên không chấp. Họ cũng biết hắn chịu đựng nhiều quá nên phải tìm cách nào đó để xả, tất nhiên không thể là bức tường hay gôc cây. Hắn thấy thế càng làm già. Hắn có người bạn thân, anh này rất tận tụy với hắn và chẳng biết sợ ai. Có lần mấy đứa thanh niên đến nhà tán tỉnh vợ hắn rồi cãi nhau với hắn mà hắn không làm gì được.Vừa lúc bạn hắn đến, thế là anh đuổi được lũ thanh niên đi mà vợ hắn không dám làm gì. Ngồi chuyện trò vui vẻ một lúc, bỗng hắn nghĩ ra một mẹo. Hắn tìm cách gây sự rồi đuổi bạn về. Bạn hắn không nói gì lẳng lặng đứng dậy. Hắn chạy theo bảo:
    -    Mày hiểu cho. Tao phải giả làm thế để con vợ tao biết mày ngang tàng như vậy mà tao còn dám đuổi thì nó không là cái đinh gì. Có điều tao không thèm chấp đàn bà mà thôi".
    Nhưng chẳng ai muốn biến mình thành cái túi để đựng tất cả những uất hận của hắn. Họ không nỡ ăn miếng trả miếng nhưng dần dần xa lánh hắn. Bi kịch của hắn cứ luẩn quẩn như vậy không sao thoát ra nổi. Hắn trở thành cô độc trong chính ngôi nhà của hắn, trong cơ quan, trong anh em họ hàng nhà hắn ...

    Mấy hôm nay, hắn suy nghĩ nhiều lắm. Hình như hắn đã sai khi hắn cố chịu đựng sự tai quái của vợ. Hắn đã lùi hết bước này đến bước khác. Tất nhiên, hắn lùi bao nhiêu thì vợ hắn lấn tới bấy nhiêu. Rồi hắn sẽ lùi đến đâu? Cứ như thế này, hắn có còn gọi là sống nữa không? Làm sao có thể lấy lòng tốt, lấy sự chịu đựng để khơi dậy tình thương ở con người quái đản như vợ hắn. Người ta bảo vợ hắn quá ra cũng là do hắn. Có lẽ họ nói đúng.
    Nghĩ thế nên hôm nay hắn cố tình về muộn. Hắn quyết làm cho ra nhẽ. Yêu cầu đầu tiên sẽ vẫn chỉ là thương lượng với vợ để thị không tiếp tục đem trai về nhà. Ngoài ra, hắn cũng cần có bằng chứng để đưa thị ra tòa ly dị khi cần thiết. Thà hắn không có vợ chứ không thể còng lưng ra làm để nuôi một con vợ chung của hắn và những thằng đàn ông khác. Hắn thấy đời thật bất công: tại sao đứa nào cũng có thể ngủ với vợ hắn được mà chỉ một mình hắn phải nuôi?
    Hắn vào quầy bar của một quán quen uống rượu. Hắn uống để lấy can đảm. Không có rượu, lúc nào hắn cũng cảm thấy sợ hãi.
    Uống hết chừng phần tư chai đỏ, hắn đứng dậy trả tiền. Hắn cho rằng như thế là đủ. Uống thêm nữa hắn sợ hắn sẽ khóc, sẽ kể lể với chủ quán về nỗi khổ của hắn và hắn sẽ quên mất kế hoạch tối nay mà hắn đã nung nấu từ lâu. Hắn quay lại cơ quan gửi xe rồi gọi xe ôm về cho kín đáo.
    Về tới nhà, hắn leo ngay lên tầng hai, nơi có phòng ngủ của vợ chồng hắn. Nắm lấy tay gạt lắc mạnh, hắn thấy cửa lại bị khóa bên trong. Khác với những lần trước, hắn gọi quyết liệt hơn. Hắn đấm cửa thình thình:
    -    Mở cửa ngay! Còn làm gì trong đó!
    Lại thấy tiếng lục sục, loạt soạt. Hắn chợt nhớ ra, móc chìa khóa trong túi tra vào ổ. Mở được cửa, hắn thấy trong phòng không có ai. Hắn ngó ra ban công phía sau, cũng không thấy gì. Vậy ắt là chúng nó đang trốn trên sân thượng. Hắn chốt lại cửa sau rồi đi xuống, sang nhà hàng xóm mượn thang. Hắn dựng thang định leo lên nhưng chợt nghĩ nếu có xảy ra đánh nhau thì sẽ nguy hiểm vô cùng vì sân thượng rất chênh vênh, không có lan can bao quanh. Mà sức hắn thì không thể thắng nổi vợ hắn và tình nhân của thị. Nghĩ thế, hắn lại sang nhà hàng xóm gọi thêm người.
    Khi hắn và hai người hàng xóm lên tới nơi thì cái thang đã biến mất. Họ tìm ra xung quanh thấy nó được đặt từ tầng hai xuống đất, phía sau. Thì ra chúng dùng chính cái thang định bắt trộm của hắn làm phương tiện tẩu thoát.
    Qua ánh sáng của bóng đèn công cộng, hắn thấy vợ hắn đang đứng dưới đường, còn gã đàn ông đã xuống đến nấc thang cuối cùng. Rồi hai đứa dắt nhau chạy. Hắn bỗng há mồm kinh ngạc: Gã đàn ông không phải ai khác mà chính là sếp của hắn.
    Hình như ông giời thấy hắn khổ quá rồi nên mới ngăn không cho hắn thực hiện trọn vẹn kế hoạch. Hắn nghĩ: Vẫn còn may. Nếu hôm nay mà bắt được kẻ gian thì đời hắn còn khốn nạn hơn nữa.


3/6/2010
Tường Thụy

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

@ Có người nào như thế không?  Người mà giống con gì thế! Đừng có nói xấu phụ nữ nhé! Hi...đọc xong tức thở quá bác Thỏ ơi!
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa bim bim

HBB thì lại thấy vấn đề nằm ở chỗ anh chồng, anh này có khác nào AQ? Nhân vật chính mà bác Tường xây dựng thật độc đáo. Có thể là không có một con  người y chang như vậy trong thực tế, nhưng theo HBB nghĩ, có lẽ bác Tường muốn xây dựng kiểu nhân vật loại hình? Tức là nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc các phẩm chất, tính cách, đạo đức của một loại người nhất định, của một thời đại. Hai nhân vật trong truyện đại diện cho hai loại tính cách đáng bị lên án của hai giới nam và nữ trong xã hội hiện nay. Truyện không nhằm nói xấu ai cả mà chỉ phê phán những tính cách xấu có trong xã hội loài người, nhất la ở thời hiện đại này. Truyện có tính khái quát cao, những chi tiết đầy ẩn ý. HBB thích nhất là chi tiết anh chồng dựng được cái thang để bắt kẻ gian, lại cũng do nhu nhược mà cái thang đó lại trở thành phương tiện tẩu thoát cho kẻ gian. Đã thế, anh ta thấy "vẫn còn may" chứng tỏ cái bệnh nhu nhược của anh ta là hết thuốc chữa.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

letam đã viết:
@ Có người nào như thế không?  Người mà giống con gì thế! Đừng có nói xấu phụ nữ nhé! Hi...đọc xong tức thở quá bác Thỏ ơi!
letam ơi, các nhân vật trong truyện đều có nguyên mẫu. Nếu bê tất cả vào thì còn tồi tệ hơn thế nữa. Nhưng làm như thế nó sẽ loãng truyện và sa vào ám chỉ, điều tối kỵ khi viết truyện. Như hoa bim bim đã nói, tác giả chỉ khắc hoạ tính cách điển hình thôi. Đừng cho là mình nói xấu PN đó. :)
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

Hoa bim bim đã viết:
HBB thì lại thấy vấn đề nằm ở chỗ anh chồng, anh này có khác nào AQ? Nhân vật chính mà bác Tường xây dựng thật độc đáo. Có thể là không có một con  người y chang như vậy trong thực tế, nhưng theo HBB nghĩ, có lẽ bác Tường muốn xây dựng kiểu nhân vật loại hình? Tức là nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc các phẩm chất, tính cách, đạo đức của một loại người nhất định, của một thời đại. Hai nhân vật trong truyện đại diện cho hai loại tính cách đáng bị lên án của hai giới nam và nữ trong xã hội hiện nay. Truyện không nhằm nói xấu ai cả mà chỉ phê phán những tính cách xấu có trong xã hội loài người, nhất la ở thời hiện đại này. Truyện có tính khái quát cao, những chi tiết đầy ẩn ý. HBB thích nhất là chi tiết anh chồng dựng được cái thang để bắt kẻ gian, lại cũng do nhu nhược mà cái thang đó lại trở thành phương tiện tẩu thoát cho kẻ gian. Đã thế, anh ta thấy "vẫn còn may" chứng tỏ cái bệnh nhu nhược của anh ta là hết thuốc chữa.
Hoa bim bim phân tích truyện có vẻ rất có nghề :). Hoàn toàn đồng ý với bạn về những nhận xét trên. Chỉ có một điều khác là nguyên mẫu còn kinh khủng hơn nhiều, như mình vừa trả lời letam đó. Tất cả chi tiết đều thật, trừ một số chi tiết phụ có thể thay đổi đôi chút cho dễ bắt vào mạch truyện thôi.
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


CON MIU

Truyện ngắn
Tặng con gái yêu Thuỵ Châu


    Nó là con mèo con nhưng cũng đã tự ăn được. Lang thang dọc phố, nó lần vào hết nhà này nhà kia. Người ta đều ném nó ra đường. "Mèo đến nhà thì khó" - họ nghĩ thế, chẳng ai tự nhiên lại đi rước cái điềm gở vào nhà.
    Bây giờ thì nó lang thang vào đây. Nó kêu meo meo nhín cái Thêm. Cái Thêm thích lắm giữ lấy nuôi. Thoạt đầu bố nó cũng hơi ngại nhưng rồi nghĩ: "Trẻ con biết thương yêu súc vật là quí; người như nó, sẽ không bao giờ làm điều ác" nên kệ nó.
    Cái Thêm mang con mèo ra vòi nước tắm rửa sạch sẽ. Nó đặt tên cho con mèo là Miu.
    Kể ra thì con Miu trông cũng đáng yêu thật. Lông nó trắng. Thú vị nhất là mắt nó có hai màu khác nhau, mắt phải màu vàng còn mắt trái màu xanh.
    Đến bữa, nó nhảy lên lòng cái Thêm kêu rất thảm thiết như chết đói đến nơi. Cái Thêm gắp hết đĩa nọ đĩa kia thử khẩu vị nó. Hóa ra tuy là giống mèo nhưng nó lại thích ăn thịt hơn cá, mà phải là thịt nạc, không được dính mỡ. Chẳng hiểu sao người ta lại có câu "như mèo thấy mỡ". Chắc chỉ có con này trái tính như thế. Rồi cái Thêm phát hiện ra con Miu biết ăn cả sữa. Nhưng con Miu chỉ liếm láp một chút chứ không thì cái Thêm đã nhường cả hộp sữa cho nó. Người ta chả bảo "ăn như mèo" là gì.
    Cái Thêm chăm con Miu lắm. Nó tắm cho Miu hàng ngày, sạch như bông. Nó trang điểm cho con Miu đủ thứ lạ mắt. Nó rất khéo tay. Nó lấy vải cũ may cho con Miu một bộ áo ghép đủ màu sặc sỡ, trông thật ngộ nghĩnh. Nó đeo cho Miu một sợi dây chuyền giả, ngoắc vào một quả chuông giả. Nó thắt cả nơ cho con Miu, thôi thì đủ kiểu.
    Cái Thêm chơi với con Miu hàng ngày. Nó xem con Miu vờn nắng, cười khanh khách: "Sao con Miu nó ngu thế bố nhỉ".
    Nó thích nhất là xem com Miu vờn gián hay chuột. Gián thì nhiều, ngày nào con Miu cũng bắt được đến chục con. Cũng mấy lần con Miu bắt được chuột nhắt. Nó lấy hai chân trước đè con chuột xuống nhay nhay một lúc rồi  thả ra. Con chuột chạy, nó lại nhảy đến tóm lấy nhay rồi lại thả ra cho đến khi con chuột chết hẳn. Từ khi có con Miu, gián và chuột trong nhà cái Thêm không thấy đâu nữa.
    Đêm, cái Thêm hay cho nó ngủ chung. Bố nó đã cấm nhiều lần nhưng nó vẫn lén giấu. Có lần bố nó vào phòng lật chăn ra kiểm tra, con Miu sợ, rúc đầu vào nách nó  trốn. Nhưng bố nó lặng lẽ đi ra.
    Một hôm, bố nó phát hiện thấy chăn nó dính đầy những lông là lông. Bố nó bực quá bảo:
    -    Mày còn cho con mèo ngủ chung nữa thì tao đập chết nó.
    Cái Thêm mếu:
    -   Bố không đồng ý thì từ nay con không cho nó ngủ chung nữa nhưng bố đừng bảo đập chết nó.
    Rồi nó tháo vỏ chăn nhặt hết lông, xong cho vào máy giặt.

    Mấy hôm nay cái Thêm buồn thiu. Đi học về là nó loay hoay bên con Miu. Chẳng hiểu con Miu đi chơi ở đâu, bị đánh nát đuôi và gãy một chân. Cái Thêm bắt chước người lớn, lấy nước muối rửa vết thương cho con Miu, lau khô rồi nghiền nhỏ viên tetraxilin đắp vào chỗ loét.
    Ngày thứ nhất con Miu còn lết được một quãng. Sang ngày thứ hai thì nó nằm hẳn một chỗ.
    Cái Thêm dọn một cái chuồng ở góc phòng, lấy chiếc áo hoa cũ làm nệm rồi đặt con Miu vào đấy. Nó cắt một mảnh màn cũ phủ lên cho khỏi muỗi. Con Miu phải ỉa đái tại chỗ. Cái Thêm sợ bố mắng là bẩn nên lúc nào nó cũng dọn kịp thời.
    Nó lấy bát nước, bát sữa và đủ loại thức ăn xếp xung quanh con Miu. Mỗi bữa, nó lại thay nước và thức ăn một lần.
    Đầu tiên con Miu còn ăn được một con cá nhỏ, một miếng thịt mỏng. Rồi thịt cá nó cũng không ăn. Nó chỉ liếm ít sữa.
    Cái Thêm vuốt ve con Miu dỗ:
    -    Nào, em ăn đi cho chóng khỏi. Chị thương, chị thương.
    Con Miu nằm im, không cựa quậy. Nó nhìn cái Thêm như muốn nói rằng chắc là nó không sống được.
Sang ngày thứ ba con Miu chỉ uống nước.
Đến ngày thứ tư thì nó chết.
    Cái Thêm ra góc vườn đào đất, lấy mấy viên gạch xếp thành hình quan tài rồi đặt con Miu xuống. Nó trồng lên mộ con Miu một cây hoa, lá nửa vàng nửa tím.
    Nó hỏi bố:
    -    Súc vật nó cũng có linh hồn phải không bố. Chắc là con Miu nó nhớ con lắm bố nhỉ.
    Bố nó trả lời cho qua chuyện:
    -    Ừ, nó có linh hồn. Nó cũng có tình cảm như người ấy.
    Mặt nó đang buồn chợt thoáng một nét rạng rỡ:
    -    Vậy là con Miu chưa chết hẳn, bố nhỉ?
    Đi học về, cái Thêm ra mộ con Miu ngồi. Nó nói chuyện với con Miu một lúc rồi quay vào. Mắt nó ngân ngấn nước.


11/6/2010
Tường Thụy

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Tường Thụy đã viết:
letam đã viết:
@ Có người nào như thế không?  Người mà giống con gì thế! Đừng có nói xấu phụ nữ nhé! Hi...đọc xong tức thở quá bác Thỏ ơi!
letam ơi, các nhân vật trong truyện đều có nguyên mẫu. Nếu bê tất cả vào thì còn tồi tệ hơn thế nữa. Nhưng làm như thế nó sẽ loãng truyện và sa vào ám chỉ, điều tối kỵ khi viết truyện. Như hoa bim bim đã nói, tác giả chỉ khắc hoạ tính cách điển hình thôi. Đừng cho là mình nói xấu PN đó. :)
@ Có thể phát triển câu chuyện theo hướng anh chồng tự nhiên được thăng tiến như diều, ra ngoài anh ta vênh váo nhưng về nhà lại bẹp như con gián trước chị vợ ghê gớm kia?
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

A Thuỵ: Truyện Con Miu rất tình cảm nhưng em thấy thiếu thiếu cái gì đó để có thể gọi là truyện ngắn anh Thuỵ ạ. Cần có một tí tẹo thắt nút và mở nút, hay một chi tiết cao trào nào đó...
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối