Rớt nước mắt vì quà của học tròNhễ nhại mồ hôi sau chặng đường khá xa, đám học trò líu ríu kéo vào đứng quanh giường bệnh cô giáo rồi từng em lóng ngóng lôi từ túi áo, túi quần vài... quả trứng, xếp gọn trên bàn, "Cô ơi, cô ăn cho nhanh khỏe nhé!".
Kể lại món quà ấn tượng nhất trong đời đứng lớp của mình, nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy (giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile's House) rưng rưng xúc động. Cô nhớ lại, cách đây gần 30 năm, khi mới ra trường, cô được phân công về dạy tại một trường làng ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội - nơi người dân còn rất nghèo, sống chủ yếu bằng nghề trồng cải đông dư và nuôi vịt. Vào mỗi dịp 20/11, những món quà "cây nhà lá vườn" của học sinh như cành hoa bèo tây tím, bông hoa cải vàng hay đơn giản là dòng chữ chúc mừng viết nắn nót bằng phấn màu trên bảng... cũng đủ khiến các thầy cô hạnh phúc.
Kỷ niệm không thể quên với cô là dịp 20/11 năm 1981. Ngày đó, do bị sốt xuất huyết, cô phải nằm điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn khá lâu. Một buổi trưa, khi đang thiếp thiếp trên giường bệnh, cô bỗng thấy lấp ló những gương mặt thân quen của đám học trò lớp 7 mà cô chủ nhiệm. Sau một hồi ríu ran hỏi thăm, các em ngập ngừng lôi từ trong túi ra những quả trứng, lần lượt xếp trên mặt khay tủ inox của bệnh viện. Có em mếu máo: "Cô ơi, trứng của em bị vỡ rồi", em khác lại phân trần: "Bọn em mang cả hoa tặng cô, nhưng xe ôtô đông người quá, hoa nát hết rồi ạ".
"Khi ấy, tôi không biết nói gì, nước mắt cứ trào ra. Món quà đặc biệt ấy theo tôi suốt cuộc đời, là nguồn khích lệ lớn đối với nghề giáo của tôi", cô Lệ Thủy bộc bạch.
Cô tâm sự, không chỉ cô mà bất cứ người nào tâm huyết với nghề đều có những kỷ niệm sâu sắc về học trò. Và những món quà ghi dấu ấn nhất là những thứ thể hiện lòng biết ơn và tình cảm chân thành từ học sinh.
"Một lần, khi đi chợ, bất ngờ gặp cô học trò cũ - giờ đang bán vịt ở chợ để mưu sinh. Vừa cất tiếng chào cô giáo, em nhanh tay trói hai con vịt lại rồi nhất định giúi cho tôi mang về. Hồi đó, giá trị của hai con vịt cũng không nhỏ nên tôi nhất định không nhận vì thương em. Thế nhưng, nhìn gương mặt khẩn khoản của em lúc ấy, tôi đành nhận một con. Đó không chỉ là con vịt, mà là tấm lòng mộc mạc của học trò", cô Thủy kể lại.
Hay lần khác, vào dịp 20/11, cô vô cùng cảm động khi thấy cậu học sinh cầm gói nhỏ bọc giấy báo lùng bùng giúi vào tay cô, vừa rụt rè, vừa hớn hở: "Cô ơi, nhà em chẳng có gì, bố mẹ em bán thịt lợn nên gửi biếu cô mấy lạng thịt để cô ăn cho khỏe". "Hồi đó, mình mới ốm dậy, nhận gói thịt từ tay em mà thấy lòng dâng trào cảm xúc. Món quà chân chất ấy gói gọn tình cảm trong sáng, chân thành của cả học sinh lẫn bố mẹ em", cô Thủy kể.
Sau này, khi cô chuyển về Hà Nội, đời sống kinh tế khá hơn, người ta cũng chú trọng đến những món quà vật chất hơn. Tuy nhiên, những món quà xuất phát từ tình cảm chân thành của học sinh và phụ huynh vẫn làm cô xúc động nhất.
Cô đã rất vui khi nhận được một hộp giấy gói cẩn thận 10 chiếc bát sứ trắng tinh từ tay một cậu học trò: "Cô ơi, mẹ em đã chọn mua khi đi công tác ạ. Mẹ bảo bát này nhẹ lắm, để cô cầm ăn cơm cho đỡ mỏi tay". Ngay hôm sau, vừa gặp cô, cậu bé háo hức hỏi: "Cô ơi cô đã ăn cơm bằng bát đấy chưa, cô có thích không ạ?"...
"Quà tặng chỉ có ý nghĩa khi nó được trao một cách trân trọng, trong sáng, xuất phát từ tấm lòng và thể hiện tình cảm của người tặng”, nhà giáo Lệ Thủy chia sẻ.
Là người yêu và gắn bó với nghề giáo hơn 10 năm, thầy Phạm Văn Hoan (hiệu phó trường phổ thông trung học Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng có rất nhiều kỷ niệm về học trò và những món quà từ các em. Thày gọi đó là "kho báu" mà mình luôn trân trọng, nâng niu và cất giữ bên mình.
Khi mới đi làm, thầy về dạy tại trường phổ thông Ngô Quyền (Hải Phòng) và sau đó làm chủ nhiệm lớp 10A3 với những học sinh thông minh, nhưng cũng vô cùng nghịch ngợm. Lứa học trò này sau khi ra trường vẫn luôn nhớ tới thầy, và có thể chia sẻ với thầy mọi buồn vui, sự kiện trong cuộc sống, từ việc có người yêu, chia tay, lấy vợ, sinh con…Hầu như năm nào những học sinh này cũng kéo nhau tới nhà thầy vào dịp hiến chương các nhà giáo và ở lại tới khuya. Món quà đặc biệt nhất mỗi lần đó - theo yêu cầu của thầy - là được nghe bài hát "Mong ước kỷ niệm xưa" vào đúng 11 giờ đêm mỗi dịp 20/11 từ “cây văn nghệ” của lớp...
Với thày, mỗi lá thư hay tin nhắn chúc mừng, chia sẻ của học trò cũng là một món quà đầy ý nghĩa: “Thầy ơi, em vừa sinh em bé rồi ạ…”; "Thầy ơi, chúng em ngồi với nhau thêm một tí nữa rồi về, chúng em lớn rồi, thầy đừng lo gì cả nhé", hay đặc biệt nhất là "Nhân ngày 20/11 con chúc thầy khỏe mạnh, hạnh phúc... Thầy hãy yên tâm, con bây giờ rất ngoan, con rất biết ơn thầy, nếu không có thầy con đã trở thành thằng mất dạy rồi!"...
“Mỗi tin nhắn ấy đều chan chứa tình thầy trò, gợi nhớ tới một gương mặt học sinh, với những kỷ niệm thân thương lắm”, thầy Hoan chia sẻ.
Cũng vì thế, dù đổi điện thoại, thầy không lỡ bán hay đem cho chiếc điện thoại cũ, vì trong đó, thầy lưu tất cả những tin nhắn từ học trò, để rồi thi thoảng lại mang ra đọc và thấy lòng ấm lại.
Cũng có một món quà mà tới giờ, thầy vẫn luôn cất giữ như một "báu vật" - là của học sinh lớp 10A7, trường Việt Đức - nơi thầy chuyển về dạy sau khi xa trường Ngô Quyền.
Đó là một hộp quà rất to. Hồi hộp mở ra, thầy lặng đi xúc động khi thấy trong đó là những lá thư, tấm bưu thiếp với những lời lẽ chân thành, xúc động của từng thành viên trong lớp. Đặc biệt nhất, trong đó có một xâu bìa dài, với nhiều hình vẽ ngộ nghĩnh: một chiếc caravat (thầy luôn đeo cà vạt khi đi dạy), một bộ mặt nghiêm nghị, một bộ mặt càu quạu, một bộ mặt tươi cười, rồi những từ ngữ như tốt tính, vui vẻ, tận tâm... miêu tả về thầy, và cuối cùng là lời nhắn gửi "Chúng em rất yêu thầy, thầy hãy cười nhiều hơn nữa".
"Khi ấy tôi xúc động vô cùng. Đó là món quà đặc biệt, và là một bài học từ học sinh. Từ đó, tôi cũng luôn cố gắng cười nhiều hơn, vì biết rằng khi thầy cười, học trò sẽ cảm thấy thoải mái và gần gũi hơn nhiều", thầy Hoan chia sẻ. ..
Minh Thùy
Nhân ngày 20-11, Kẻ ăn mày xin gửi những lời chúc sức khoẻ tốt đẹp nhất tới tất cả các thày cô giáo trên Thi viện!