Hi hi, cảm ơn Flamingo nhiều. Mai mình dịch nhé? (Cho mình nợ nhé?) Tại bi giờ buồn ngủ quá.
Nhân tiện nhắc đến Alla và những phi công trẻ, mình gửi vào đây bài viết của mình có được ko? Nếu bạn thấy không hợp bảo mình xoá đi nhé?
NGƯỜI ĐÀN BÀ HÁT SẼ MÃI MÃI IM LẶNG? Ngày 5-3-2009 vừa qua, hầu như tất cả các hãng thông tấn ở Nga đều thông báo về việc Alla Pugacheva, nữ nghệ sĩ nhân dân Liên Xô, sẽ chia tay với nghề hát trong dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 60 của mình. Chia tay với nghiệp hát, bà sẽ thực hiện chuyến công diễn cuối cùng vòng quanh nước Nga và các nước SNG, bắt đầu từ 3 buổi diễn (7, 8 và 9-4-2009) tại Kremlin với chủ đề: “Mơ về tình yêu”.
Cái tin bất ngờ này khiến nhiều người xúc động, vì có thể nói, người ta khó có thể tưởng tượng ra cảnh “người đàn bà hát”* của nước Nga sẽ hoàn toàn im lặng, không còn hát nữa!
Trong bộ phim “Người đàn bà hát” (đạo diễn A. Orlov, sản xuất năm 1978), Alla Pugacheva thủ vai chính. Đó là vai một nữ ca sĩ say nghề nhưng phải đối mặt với nhiều thất vọng trên con đường nghệ thuật của mình. Nhưng cuối cùng, cô vẫn tìm được lối đi riêng, đến với hạnh phúc. Trong phim, Alla hát:
Hỡi số phận, xin người, …Hãy gìn giữ tôi dưới cánh tay của người. Hãy cho tôi hạnh phúc, nghĩa là hãy đem đến bình yên. Hãy cho tôi hạnh phúc, cho tôi, người đàn bà hát…
Đối với một người đàn bà, lại là “người đàn bà hát”, thì sự bình yên thật khó có thể có được, cho dù có cầu xin số phận. Cuộc đời của Alla cũng vậy, không hề phẳng lặng. Tính cách nông nổi, bộc trực và đôi khi không kiềm chế được cảm xúc đã khiến người ta có thể thán phục Alla, ghét Alla, sợ Alla hoặc yêu Alla. Nhưng không một ai là thờ ơ khi nhắc đến tên Alla, nữ nghệ sĩ thuộc vào hàng số 1 của nước Nga! Tôi đồ rằng, nếu hỏi một người Nga, người phụ nữ nào …quyền lực nhất nước Nga, thì có lẽ họ sẽ nói, đó là Alla Pugacheva. Bà có một thứ quyền năng bí ẩn, điều mà không một nữ chính khách nào ở Nga có được, thậm chí sẽ không ngoa nếu nói, thứ quyền năng vô hình ấy một thời đã chi phối toàn bộ khí sắc của giới nhạc nhẹ hiện đại ở Nga. Điều này khiến hình ảnh của bà nhiều khi trở nên … méo mó trong suy nghĩ của những người dân Nga chân chất từng yêu mến Alla thời Xô Viết.
Ai có thể quên được hình ảnh người đàn bà áo thụng đỏ, tóc xoăn từng lọn bồng bềnh, mắt rực sáng, và cất một giọng ca trong, vang, đầy uy lực! Giọng ca ấy đã vang suốt chiều dài năm tháng, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Nếu tính từ năm 1965 là năm bài hát đầu tiên của nữ ca sĩ trẻ 16 tuổi được thu âm, thì cho đến nay, Alla đã có hơn 40 năm say mê với nghề. Gần đây, giọng ca đã bắt đầu có những âm vực khàn, không còn một Alla phong độ của những thập kỷ trước nữa, nhưng sức sáng tạo ở người phụ nữ này không bao giờ cạn. Alla nói: “Giọng hát không còn thể hiện được những sắc thái tình cảm mà tôi muốn đem đến cho khán giả, bởi thế, tôi sẽ tìm ra phương cách thể hiện những cảm xúc mới với hình thức mới, không phải bằng giọng ca…”. Đó có thể là sản xuất nước hoa như bà đã từng làm, hay đóng phim, dựng ca kịch, điều hành kênh truyền thanh “Alla” (bắt đầu hoạt động từ năm 2007). Nghĩa là người đàn bà hát, khi đã không hát nữa, vẫn sống tích cực, sôi động và trẻ trung, như câu nói nổi tiếng một thời của bà, khi nữ nghệ sĩ tham gia công tác đoàn ngày trẻ: “Tôi sẽ không chia tay với Đoàn thanh niên, và mãi mãi tôi sẽ ở lại với những gì tươi trẻ”. Không ít người nhắc đến câu này của Alla với đôi chút mỉa mai, bóng gió nói về những người tình trẻ tuổi của bà. Đó là ca sĩ Phillip Kirkorov (kém Alla 18 tuổi), người chồng thứ 5 của Alla, và gần đây là nghệ sĩ Maksim Galkin (kém Alla 27 tuổi!). Không nói đến khía cạnh “gây sốc” của các mối quan hệ, nhìn một cách tích cực hơn, thấy rõ rằng Alla có một sức lôi cuốn đáng sợ. Ở bà, điều gì cũng khiến người ta bất ngờ. Từ sức sáng tạo không mệt mỏi trong trình diễn, trong công việc đạo diễn sân khấu và với vai trò là nhà sản xuất, những phát kiến đặc sắc đóng góp cho cách tổ chức các sự kiện văn nghệ lớn của đất nước đến cách thức xây dựng, sắp xếp cơ ngơi đồ sộ của mình ở ngoại ô Matxcơva, những ngày lễ độc đáo do bà nghĩ ra (Chẳng hạn, ngày Lễ hoa vàng đã trở thành ngày truyền thống trong gia đình Alla. Trong ngày ấy, khách được mời chỉ mang đến những bông hoa màu vàng rực rỡ).
Trong nghề, bà nổi tiếng khá sớm và gặp khá nhiều thuận lợi. Chẳng bao lâu sau khi thu âm lần đầu, tiếng tăm Alla đã nổi như cồn. Alla là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng qua các năm, nhưng có thể nói, năm 1980 là năm đáng nhớ nhất của nữ ca sĩ vì lần đầu tiên được đón nhận những giải thưởng cao quý. Năm ấy, ở tuổi 31, theo bình chọn của tạp chí “Sân khấu Xô Viết”, Alla được công nhận là Nghệ sĩ của năm và cũng năm đó bà được nhận danh hiệu Nghệ sĩ công huân CHLB Nga.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những nhạc sĩ và nhà thơ tài danh của Liên Xô và nước Nga, những người đã dành cho Alla những bài hát đặc sắc nhất của mình. Đó là Ilia Reznik, Andrei Voznesensky, Tachiana Snejina, Raymond Pauls, Igor Nikolaev với những nhạc phẩm nổi tiếng và lời thơ day dứt lòng người: Triệu bông hồng, Nghệ nhân, Đồng hồ cổ, Không có em, Nụ hôn mùa thu, Ông lái đò, Tảng băng trôi, Hãy gọi em đi cùng anh..v..v Những bài hát này có lẽ cũng là kỷ niệm chung của rất nhiều thế hệ người Việt Nam từng sống và học tập ở Liên Xô cũ trước kia hay ở nước Nga sau này, cho dù sự khác biệt về thời thế là rất lớn. Tôi còn nhớ, năm 1996, khi bộ sưu tập 13 đĩa CD của Alla ra đời, tập trung gần như toàn bộ các album từ trước đến nay của bà, rất nhiều sinh viên Việt Nam lúc bấy giờ, có thể ăn uống tằn tiện, nhưng sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đương với 200 USD để mua bộ đĩa. Số tiền ấy là “khổng lồ” so với học bổng của một sinh viên hồi đó. Sự hâm mộ nồng nhiệt này từ phía những người đến từ một miền đất xa xôi như Việt Nam, chỉ có thể lấy chất lãng mạn rất gần gũi với tâm hồn người Việt trong các bài hát và giọng ca sâu, đằm thắm của Alla Pugacheva làm điều lý giải:
Khi anh không còn hiểu em được nữa
Tưởng chừng mọi âm thanh trên Thế gian này đều ngừng lại
Nhưng chiếc đồng hồ của em vẫn chạy
Trang trọng, buồn rầu
Em nghe thấy tiếng ngân hoài tưởng
Cuộc đời qua đi rồi không thể nào lấy lại
Và thời gian cũng chẳng dừng lại tích tắc nào
Đêm mênh mang và căn nhà em cô quạnh
Thì chiếc đồng hồ cổ vẫn chạy thiết tha sao
(Chiếc đồng hồ cổ - Thụy Anh dịch)
Em nào hiểu nổi em đâu
Anh từng cùng ai, từng ở nơi nào, em không hỏi
Chẳng giằng anh ra khỏi vòng tình diệu vợi
Chẳng xây đâu hạnh phúc trên buồn khổ của người
(Chúc hạnh phúc đời riêng)
Giữa muôn ngàn gương mặt anh nhận ra em
Giữa đám đông anh nghe được giọng em
Anh đã trở thành người thân yêu, người em chờ mong lâu lắm lắm rồi
Nhưng chúng mình vẫn phải tuân theo số mệnh thôi anh
Làm sao em vượt qua nỗi đau này?
Xa cách đối với ta như một lần chết nhỏ
Xa cách – là con đường dài tìm đến bến bờ trăn trở
Rất có thể một ngày nào mình sẽ lại gặp nhau
(Ba ngày hạnh phúc)
Hãy ôm em chặt hơn
Hãy hôn em ngọt ngào hơn
Anh thấy không, đôi cánh ta đã mỏi rồi
Làm sao bay nữa được đây?
Để tim thôi đau
Để hồn lại hát
Hãy mang đàn tới
Và hãy cất lời…
(Tình yêu)
Nhưng có lẽ, ca khúc gắn liền với tên tuổi Alla nhất là “Triệu bông hồng”, tác phẩm của nhạc sĩ người Latvia Raymond Pauls. Ít ai biết được rằng, ban đầu đây là bài hát về số phận một cô bé, thời thơ ấu thường được mẹ hát cho nghe một bài ca buồn. Sau này, khi trưởng thành, cô lại hát cho con gái mình nghe. Ca khúc mang tựa đề là “Marita” và những năm thập kỷ 60 thế kỷ trước, giai điệu buồn của nó đã rất được ưa chuộng ở Latvia và nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Nhật Bản… Sau này, Raymond Pauls kể lại: “Đầu tiên tôi viết bài này hoàn toàn bằng tiếng Latvia. Sau đó, Andrei Voznesensky (nhà thơ nổi tiếng của Nga) nghe bài hát và quyết định viết thêm lời bằng tiếng Nga về huyền thoại về tình yêu giữa nàng ca sĩ Margarita và chàng họa sĩ Niko… Ban đầu Alla còn từ chối không muốn hát... Cô ấy vẫn thường làm vậy với những bài hát của tôi. Luôn kêu ca là toàn những bài không dành cho cô ấy, nhưng sau đó thì lại hát những bài đó thường xuyên hơn cả… Tương tự, sự việc này lại lặp lại với ca khúc “Nghệ nhân”. Ở bản đầu tiên, ca sĩ Midrza Zivera đã trình bày bài hát ấy theo kiểu một bài hát nhảy thông thường. Sau này, khi Alla nghe bản thu băng, cô đã đề nghị Ilia Reznhik viết lời mới hoàn toàn. Tôi còn nhớ rõ, hai người họ hát cho tôi nghe qua điện thoại từ một thành phố xa lắc nào đó ở Siberia. Vậy đó, còn rất nhiều bài khác nữa của tôi đã đến với khán giả ở Nga thông qua Alla… Tôi không viết gì dành riêng cho cô ấy cả, mà cô thường tự chọn bài mình thích rồi đề nghị viết lại lời… và vậy là cô đã tự “làm” ra một bài hát”…
Có lẽ, lời nhận xét này hoàn toàn xác đáng! Những ca khúc tuyệt vời các nhạc sĩ viết ra, khi đến với “người đàn bà hát” của nước Nga, chúng đã được thổi thêm một hơi thở mới, để có thể thấm thía hơn, làm rung động trái tim người nghe trên toàn thế giới. Trên đời này, người hát có thật nhiều, nhưng những ca sĩ biết “tự làm ra một bài hát” bằng sức sáng tạo vô tận và những cảm xúc nồng nhiệt của mình như Alla Pugacheva, không có nhiều!
Nhà thơ Ilia Reznik đã thốt lên khi nghe tin Alla sắp rời sàn diễn: “Thật là một tổn thất lớn, vì Alla chỉ có một, duy nhất!”.
Thụy Anh"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."