Trách nhiệm các quan và trách nhiệm... cái taiTác giả: Kỳ Duyên
Trách nhiệm... S.O.SNgày 1-4, cả xã hội bàng hoàng vì báo chí đưa tin: Mỏ đá Lèn Cờ (Nam Thành, Yên Thành- Nghệ An) đang được đưa vào khai thác, đột ngột sập, làm 18 người chết, và 6 người khác bị thương. Đây không phải là cái tin "sạo" ngày Cá tháng 4, mà là cái tin thật kinh hoàng và đau đớn.
Đau đớn cho những người thợ khai thác đá, vài phút trước, còn mới rít điếu thuốc lào, nhấp ngụm chè xanh, đùa cười tếu táo, chỉ ít phút sau đã ra người thiên cổ. Họ đã không thể hiểu vì sao họ phải chết, những cái chết oan uổng, cho dù họ đâu biết, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã phải làm việc cật lực suốt 3 ngày để cứu họ. Nhưng Thần Chết đã nhanh tay hơn.
Sự kinh hoàng giờ lại rơi vào đầu gần 40 đưa trẻ vô tội, dù rất có thể chúng chưa thấu hiểu hết nỗi đau mồ côi cha- vì thế mà nối đau đồng bào ấy, những người lớn có lương tâm phải chịu.
Phải chịu, như biết bao vụ tai nạn thương tâm ở Nghệ An đã từng xảy ra: Ngày 15/12/2007, vụ sập núi đá tại công trình thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) làm 18 công nhân bị đá đè chết. Ngày 12/1/2008, vụ sập mỏ đá Lèn Nậy, tại khối 9, thị trấn Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu) làm chết 3 người, 7 người bị thương. Ngày 28/8/2008, vụ sập hầm khai thác quặng thiếc xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) làm 3 người chết tại chỗ. Và nay, vụ Lèn Cờ...
Đá thì nặng, mà sao mạng người lại nhẹ đến vậy? Nhẹ đến cay đắng?Và một điểm khá giống nhau, vụ Lèn Cờ này- thuộc Công ty TNHH Chín Mến, mà ông Phan Văn Chín làm giám đốc, tương tự giống như những vụ trước- hoạt động khai thác đá trong khi chưa được các cơ quan chức năng liên ngành duyệt hồ sơ khai thác(?)
Đã thế, theo nhận định của ông Nguyễn Chân - nguyên Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than thì "Công nghệ khai thác đá của VN vẫn như thời Pháp thuộc" (?)
Thay về nổ mìn từ trên xuống, người ta nổ mìn khoét hàm ếch từ dưới chân mỏ để đá sập xuống- một cách khai thác kiểu "chụp giật" để giảm bớt chi phí. Với cách chụp giật này, chi phí có thể giảm, thì thương vong rất dễ tăng. Cái tỷ lệ nghịch nghiệt ngã, tiếc thay, nó cứ lặp đi lặp lại như điệp khúc khai thác của các mỏ, hình như không chỉ riêng Lèn Cờ?
Một câu hỏi nữa: Vì sao, Công ty vô trách nhiệm của ông Phan Văn Chín lại ngang nhiên cho thợ khai thác, khi mà hồ sơ thăm dò khai thác chưa được duyệt? Cái cách cho thợ nổ mìn chạy trước "cái dấu đỏ" có cần làm sáng tỏ hay không?
Ở đây, ai là người chịu trách nhiệm? Câu trả lời: Hình như không ai cả!
Cứ đọc những câu trả lời của quan chức các cấp thì rõ.
Ông Hoàng Danh Lai, Phó Giám đốc Sở TN -MT Nghệ An trả lời báo VietNamNet: "Thực tế mà nói, từ khi cấp phép, gia hạn cho Công ty Chín Mến đến khi xảy ra tai nạn thì đang giao cho cấp huyện, cấp xã thanh tra và kiểm tra". Tức là từ lúc cấp phép, tháng 4-2007 đến lúc sập mỏ đá, tháng 4- 2011, tròn 4 năm, Sở TN- MT Nghệ An chưa một lần kiểm tra(?)
Ông Phan Thế Trung, Chủ tịch UBND xã Nam Thành: "Ở cấp xã thì chỉ một mức độ nào đó thôi, quan trọng là ở cấp huyện và cấp tỉnh. Đặc biệt là những cơ quan cấp phép cho khai thác. Những anh đó là có trách nhiệm. Chứ ở đây chủ tịch xã thì chưa bao giờ phạt công ty một đồng nào cả, chỉ mới đôn đốc nhắc nhở, phạt thì chỉ có huyện làm được thôi.
Đến lượt huyện, ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: "Quyền hạn của chủ tịch UBND huyện trong việc quản lý mỏ theo luật thì không phải là toàn quyền. Mà cái này có liên quan ở cấp cao hơn...".
Nói thật, nếu trách nhiệm các quan chức mà ...có chân, thì cái chân này nó cũng mỏi nhừ bởi phát ngôn của các quan. Vì nó phải chạy đi chạy lại, leo cao rồi xuống thấp, chạy ngang rồi chạy dọc mà vẫn không sao tìm đến đúng địa chỉ.
Còn nói như ông huyện Nguyễn Tiến Lợi, cấp cao hơn là đâu, nếu không phải cấp tỉnh?
Thì đến lượt ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát ngôn đây: "Để xảy ra một điều như thế là không hay....". Phát ngôn của Phó Chủ tịch tỉnh vô tình gây ấn tượng sâu sắc...xấu cho xã hội, khi báo Sài Gòn Tiếp Thị bình một câu nhẹ nhàng mà thấu xương: "18 mạng người mà (nói) nhẹ như không". Phải nói chính xác là "nhẹ hều". Biện bạch cho vụ tai nạn thương tâm, ông Điền nói như đang hô một câu khẩu hiệu quen thuộc: "Tỉnh thường xuyên tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc...".
Nhưng người ta có quyền vặn lại: Vì sao "thường xuyên tăng cường, thường xuyên kiểm tra" mà lại không phát hiện ra chủ mỏ đá tổ chức khai thác ẩu, vi phạm quy tắc an toàn lao động? Hay đó, chỉ là tăng cường trên văn bản, trên lời nói?
Người viết bài này, thấy đau khi nhớ đến những vụ việc dân khiếu nại: Đồng tiền, cân gạo của Nhà nước hỗ trợ cho dân nghèo, không dưng bỗng nhiên cứ tự giác chạy vào nhà cán bộ, nhà người thân cán bộ. Tự hỏi, nếu ở vụ Lèn Cờ này, không phải là trách nhiệm, mà là lợi tức, là hoa hồng, là tiền bạc, là "lại quả"...liệu nó có bị các vị đá đi đá lại như thế không nhỉ?
Nghĩ rồi tự trả lời: Cái trách nhiệm đó, nó không tìm ra địa chỉ, vì hình như nó cũng đang bị chôn sống theo 18 mạng thợ đá rồi. Nó cũng đang cần... cứu giúp.
Lương tâmCó một sự việc của một người kỹ sư cơ khí, được rất nhiều báo đưa tin tuần qua. Và anh trở thành gương mặt nổi bật trong mục Phát ngôn & hành động của tuần này. Bởi câu chuyện của anh đã chạm tới 2 chữ rất căn bản của đạo làm người- Lương tâm.
Anh là Lê Văn Tạch- cái tên có gốc gác chân quê. Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội, thạo tiếng Anh, 8 năm liền làm việc cho Công ty ôtô Toyota Việt Nam (TMV) hưởng lương kể cả phụ cấp là 15 triệu/ tháng- một thu nhập vào loại khá trong thời buổi gạo châu củi quế này.
Anh kĩ sư Lê Văn Tạch: "Biết mà không nói là có tội"
Cuộc sống cũng coi là dễ chịu và phẳng lặng với Tạch, nếu như không có một ngày, cùng với nhiều kỹ sư khác, anh tham gia việc đánh giá điều kiện lắp đặt thiết bị trong nhà máy, và đã phát hiện ra 3 lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất ô tô của hãng. Sau những thời khắc suy nghĩ, cuối cùng người kỹ sư quyết định gửi các ý kiến đến lãnh đạo công ty, mong muốn công ty triệu hồi các sản phẩm bị lỗi để sửa chữa.
Đương nhiên, cuộc đời này không phải cứ ý kiến gửi lên là có phúc đáp gửi xuống. Không phải cứ có người dám nói thẳng là có người chịu lắng nghe. Anh Tạch đã phải sống những ngày nặng nề, bất an, giữa rất nhiều nghi kỵ, suy diễn của ngay chính đồng nghiệp, thậm chí anh rất sợ hãi vì... chính sự dũng cảm của mình, dù tin chắc mười mươi mình đúng, và lòng mình chân thành.
Bởi trước đó không lâu, Toyota đã điêu đứng với lỗi lắp đặt thảm xe sai quy cách. Hãng phải tiến hành đợt thu hồi chưa từng có trong lịch sử: 4,2 triệu xe (lỗi thảm lót chân) ở các quốc gia. Tháng 2/2011 vừa qua, Toyota lại thêm một phen khốn khổ với những chiếc chân phanh, nguyên nhân gây ra hàng trăm tai nạn của khách hàng sử dụng xe Toyota. Tổng cộng trong vòng 18 tháng, Toyota đã phải thu hồi 12 triệu xe trên toàn cầu.
Thống kê vậy, để thấy việc làm của anh sẽ tác động thêm, làm lung lay uy tín của hãng thế nào, liên quan đến kinh doanh lỗ, lãi, đến thu nhập... Nhưng số phận của những khách hàng sẽ không may ra sao, nếu anh thờ ơ vô cảm?
Sau 2 tháng đối diện với sự... im lặng, thư đi mà không có thư về, anh Tạch quyết định phải quyết liệt hơn- gửi thông tin các lỗi của TMV đến Cục Đăng kiểm và cơ quan truyền thông.
Khỏi phải nói, khi đó, không chỉ riêng Tạch, mà cả gia đình anh buộc phải bước ra khỏi sự êm đềm vốn dĩ. Có lẽ đây là lần đầu tiên, họ phải đối mặt với cuộc sống không ít những đàm tiếu, những dị nghị đa chiều bởi thói quen cam chịu, cam phận nhiều năm đã biến con người ta trở nên nhút nhát và vô cảm trước số phận con người, trước cuộc đời, vì sợ hãi quyền lực.
Gia đình anh từng rất lo sợ Tạch sẽ mất việc làm, mất luôn nguồn mưu sinh. Nhưng cuối cùng, cả gia đình, từ người cha, người mẹ đến vợ của Tạch đều đứng sau làm điểm tựa bình yên ủng hộ việc anh làm.
Chẳng phải họ hiểu gì về kỹ thuật, về 2 lỗi áp suất dầu phanh của xilanh phanh bánh sau quá tiêu chuẩn, hay lỗi bulông camber được siết khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn...v...v... Và cũng chẳng phải họ thích gì 2 cái từ "đấu tranh", mà chính bằng con tim nhân hậu, họ thấu hiểu và chia sẻ với anh, người con, người chồng của họ một việc làm của lương tâm, của trách nhiệm con người. Họ tin anh đúng- thế là đủ. Đủ để anh dũng cảm đi tiếp sự chọn lựa của mình.
Và như anh đã nói một cách chân thành: "Biết sai mà không nói là có tội"
Trước áp lực dư luận xã hội ủng hộ kỹ sư Tạch, và sự sòng phẳng buộc phải có trong đạo đức kinh doanh, TMV đã phải thừa nhận gần 9.000 ô tô (dòng xe Innova và Fortuner) mắc lỗi kỹ thuật. Trong đó, có khoảng 200 chiếc xe Innova mắc lỗi quan trọng nhất- không đảm bảo đúng tiêu chuẩn về áp suất dầu phanh, gần 8000 xe mắc lỗi siết bu-lông không chặt, và giảm độ bền so với thiết kế.
Lê Văn Tạch vẫn làm việc ở hãng. Chưa rõ con đường đi của anh phía trước ra sao. Riêng người viết bài này lại nghĩ rất nhiều về câu nói của kỹ sư Lê Văn Tạch, về sự thờ ơ, cam chịu của con người trong cuộc sống hiện đại vốn nhiều bất an này.
Nghĩ đến chuyện của chính mình, vì bất bình, đã báo cho một phụ nữ bị kẻ cắp cuỗm mất cái ví ở chợ. Nhưng báo xong, thì chân tay bủn rủn, mồ hôi vã ra như tắm, vì sợ đồng bọn chúng trả thù. Nghĩ đến hình ảnh các chú cảnh sát giao thông nhiều lần phải tảng lờ, quay mặt đi trước các "anh hùng" đầu trần, tóc húi trọc, cổ đeo dây chuyền vàng chóe, ngang nhiên vượt đèn đỏ, như đi chốn không người...Nghĩ đến những chuyện bất bình xảy ra giữa phố đông, mà số đông con người ta không dám tỏ thái độ, cứ lặng lẽ đi qua...
Vì sao mà người ngay lại luôn phải sợ kẻ gian, cái tốt sợ cái xấu, cái phải sợ cái trái, cái trắng sợ cái đen, cái thẳng sợ cái cong. Vì sao và vì sao...?Kỹ sư Lê Văn Tạch bảo: "Biết sai mà không nói là có tội". Nhưng có người lại chua chát: "Biết sai, nói ra có
mà ...phải tội". Vì cái "phải tội" này mà không ít người, trong đó có tôi, có anh, có chị, chúng ta, chúng tôi... hãi sợ, một nỗi hãi sợ mơ hồ. Để rồi chính nỗi hãi sợ mơ hồ đó, khóa luôn sự chính trực của con người chúng ta.Xã hội có thể vẫn tăng trưởng, hết dự án nọ đến dự án kia, hết cao ốc đến nhà lầu, ô tô đời mới... nhưng sẽ khó gọi là một xã hội phát triển, thăng hoa, hoặc sẽ chỉ phát triển chậm bởi chúng ta, ai cũng chọn triết lý và cái khóa "im lặng là vàng!".
Trách nhiệm... cái taiBà Phạm Chi Lan: "Chính quyền phải làm quen việc người dân đánh giá mình".
Ngẫu nhiên, sau câu chuyện dám nói của kỹ sư Lê Văn Tạch, người viết bài này đọc được bài trả lời phỏng vấn về sự minh bạch, mức độ hài lòng của người dân... trong cải cách hành chính, của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho báo Pháp Luật TP. HCM mới đây, với phát ngôn gây ấn tượng của bà: "Chính quyền phải làm quen việc người dân đánh giá mình"
Lẩn mẩn, nghĩ về hai chữ "lời nói".
Xã hội Việt Nam chúng ta có không ít câu thành ngữ của ông cha răn đe "cái miệng":
- Nói phải củ cải cũng nghe
- Lời nói, đọi máu.
- Thuốc đắng dã tật/ Sự thật (nói thẳng) mất lòng
- Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
- Bệnh từ mồm bệnh vào/ Vạ từ miệng vạ ra
.........Đủ hiểu từ xa xưa cái miệng của con người ta, trong mối quan hệ xã hội phải rất biết cẩn trọng và giữ gìn, để có cái miệng ...thông minh. Không chỉ để cười duyên khi giao tiếp xã hội, gây được thiện cảm, mà còn để nói những lời "châu ngọc" dễ lọt tai. Không cẩn trọng, nói văng mạng, nhẹ thì dễ lời qua tiếng lại, nặng thì có khi oánh nhau, nặng nữa có khi đi... tù như chơi (!)
Cùng không chỉ người dân bình thường cần có cái miệng thông minh, mà ngay cả các vị quan chức cũng rất cần. Người viết bài này có lần làm việc với bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng GD (cũ). Khi hỏi về những lần kiến nghị các chính sách cho GD, bà cười rất hóm: "Các cậu (chuyên viên GD) cứ nóng vội dễ hỏng việc.
Nhiều khi trước một vấn đề rõ mười mươi rồi, mình vẫn phải có cách nói với các ảnh, mới đạt được yêu cầu mình cần làm được cho ngành". Quả thực, dày dạn giữa chính trường, bà là người có cái đầu thông minh và cái miệng còn thông minh hơn.
Nhưng xã hội hiện đại thời hội nhập, cái miệng thông minh cũng rất cần những cái tai...thông minh. Cái tai thông minh để biết lắng nghe và lọc thông tin, biết nghe lời nói thẳng mà không tự ái, từ đó mà điều chỉnh đường hướng, chính sách xã hội, mà biết lúc tiến lúc lui, lúc ngang lúc dọc cho hợp lẽ đời, hợp quy luật và hợp lòng người.
Xã hội càng nhiều điều bất ổn, thang giá trị càng nhiều đổi thay, càng cần những cái tai biết lắng nghe- những cái tai có trách nhiệm. Xét cho cùng, cái tai mà thông minh bởi biết 2 chữ- vì dân
Mà chả cứ xã hội rộng lớn. Xin hãy cứ nhìn ngành GD xưa nay vốn ổn định và bảo thủ, đủ biết.
Sau hàng mấy chục năm thầy truyền thụ - trò chép, đến giờ, ngành GD hoảng hốt, tỉnh ngộ về cái giá phải trả cho cách GD một chiều.
Thầy là duy nhất đúng, thì sản phẩm GD chỉ có thể là những công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về.
Lấy đâu ra những cái đầu dám tư duy độc lập, dám phản biện trong một môi trường có những cái tai thông minh, để có thể có những cái đầu thông minh sáng tạo và thăng hoa như hiện tượng GS Ngô Bảo Châu.
Rút cục ngành GD thủ cựu, với tư duy xơ cứng đang phải loay hoay tự cứu mình, khuyến khích trò phản biện, thầy làm quen với việc trò đánh giá, để tự điều chỉnh và thay đổi phương thức đào tạo.
Cũng có không ít ý kiến lo ngại, sự đánh giá của trò với thầy sẽ khiến thầy mất thiêng. Nhưng thực ra không có gì khiến thầy mất thiêng bằng "mũ ni che tai", không dám lắng nghe sự phản biện, sự đánh giá, dẫn đến tụt hậu vì xa rời thông tin.
Trách nhiệm của cái tai thông minh là thế.
Một xã hội cũng như lớp học của ngành GD vậy. Không có phản biện, không có tư duy độc lập là xã hội không có sáng tạo- một xã hội tồn tại, chứ khó lòng phát triển.
Một xã hội chậm phát triển cũng sẽ là một xã hội khó hội nhập, và thiệt thòi cho dân tộc, cho nhân dân
Nhưng liệu có nhiều không những cái tai thông minh?
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”(Trịnh Công Sơn)