Trang trong tổng số 25 trang (243 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

buithison

Hoàng Xuân Hoạ đã viết:
XIN THUA

Anh muốn thiền cho tâm được tịnh
em người phá ngang
nhét đầy hồn anh một mớ
vẩn vơ
không cho mặc cả
không cho bốc thăm
không cơ chế phổ thông đầu phiếu
anh thua
lần nào em cũng trúng
gì em cũng đúng
còn anh vật vã một đống phạm sai
em thay dải áo bằng khuy cài
khuy tuột hết lại quay về đeo cái dải
em bắc loa khen ầm rằng mới
mấy thằng nghễnh ngãng ầm ầm vỗ tay
ngợi ca em tài giỏi
được thể em ăn gỏi cánh đồng
làm lệch hướng dòng sông
chảy về miền chết
ai biết đâu mà lần
dòng trong dòng đục?
                 
                 2 – 2- 2010


TÔI BÊNH NÀNG ẤY

Như tên gọi"Thi trung hữu hoạ"
Anh vẽ ra một tính cách đàn bà
Người đàn bà  chẳng dịu dàng, thướt tha
mà nõn nà, trong sáng
Nàng yêu anh bằng trái tim lãng mạn
Bồng bột, say đắm đến cực đoan
Bởi muốn anh là của nàng duy nhất
Nàng thu mình bắt chước Tôn Ngộ Không
Chui vào óc anh lục lọi
Trốn vào tim anh  tung rối
tìm chân sự thật
Nàng đa nghi
gây oan khuất cho anh

Nàng không ăn gỏi cánh đồng
chỉ mong anh mãi chung tình nàng thôi

Tay đâu che nổi mặt trời
Nàng đâu giấu nổi bùi ngùi tâm trong?

Làm sao lệch hướng dòng sông
Nếu anh mãi chỉ là chồng nàng thôi?

Bề ngoài hiếu thắng, dở hơi
Trong tâm lò lửa sục sôi yêu chàng

Lắm ả đóng kịch dịu dàng
Vơ bèo, vạt tép quáng quàng tìm vui

Đâu tình đích thực chàng ơi!
Tôi thương nàng khổ một đời vì yêu.
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoàng Xuân Hoạ

BAN BUITHISON ĐÃ VIẾT:

TÔI BÊNH NÀNG ẤY

Như tên gọi"Thi trung hữu hoạ"
Anh vẽ ra một tính cách đàn bà
Người đàn bà  chẳng dịu dàng, thướt tha
mà nõn nà, trong sáng
Nàng yêu anh bằng trái tim lãng mạn
Bồng bột, say đắm đến cực đoan
Bởi muốn anh là của nàng duy nhất
Nàng thu mình bắt chước Tôn Ngộ Không
Chui vào óc anh lục lọi
Trốn vào tim anh  tung rối
tìm chân sự thật
Nàng đa nghi
gây oan khuất cho anh

Nàng không ăn gỏi cánh đồng
chỉ mong anh mãi chung tình nàng thôi

Tay đâu che nổi mặt trời
Nàng đâu giấu nổi bùi ngùi tâm trong?

Làm sao lệch hướng dòng sông
Nếu anh mãi chỉ là chồng nàng thôi?

Bề ngoài hiếu thắng, dở hơi
Trong tâm lò lửa sục sôi yêu chàng

Lắm ả đóng kịch dịu dàng
Vơ bèo, vạt tép quáng quàng tìm vui

Đâu tình đích thực chàng ơi!
Tôi thương nàng khổ một đời vì yêu.
------------------------------------------------
GỬI BẠN buithisơn

Nào đâu tôi dám vẽ ra
bởi nhìn đâu cũng xót xa cõi lòng
cánh đồng lúa tốt mênh mông
chung cư, nhà ống họ chồng lên trên
lụy tre xanh nước xanh làng
về quê nhưng nhức thấy toàn xi măng
đồng chiêm không vụ tháng năm
vụ mười chẳng thấy, biệt tăm đâu rồi
kẻ ra phố đứng chợ trời
kẻ buôn đồng nát, kẻ đời ÔSin
dòng sông ô nhiễm đen ngòm
đôi cây đã mọc sân gôn, nhà lầu
đình làng cổ kính bao lâu
bỗng nhiên xây mới nhợ màu gạch non
cánh cò chớp nắng heo hon
yêu tôi, em dám lối mòn về quê?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoàng Xuân Hoạ

TẾT MỪNG TUỔI MẸ

Mùng một Tết con xuất hành mừng tuổi mẹ
sáu mươi năm, mẹ vẫn tuổi ba ba
vuông đất hẹp mẹ nằm hiu quạnh qúa
cỏ rồi bời nhần nhận đắng sương sa

nơi mẹ nằm, xung quanh toàn người lạ
ai cũng tuổi cao, ai cũng mất khi già
chỉ riêng mẹ mất thời quá trẻ
mái tóc xanh mươn mướt buông xòa

sáu mươi năm, trên hai mốt nghìn ngày qua
tấm bia đá phai màu bạc phếch
con bây giờ đã sang tuổi bảy ba
tóc pha sương, thân lùn đi đôi khấc

đời chẳng có gì, chỉ toàn thấy mất
châu báu không, cũng chẳng tài ba...
bao lì xì hình chú mèo đỏ gấc
con kính dâng...
               sao mẹ mãi chẳng cầm

                  Mùng một Tết Tân Mão (2011)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoàng Xuân Hoạ

CHẤP TẤT

(Viết sau khi đọc “Linh Hồn Lang Thang”,
tiểu thuyết của Nguyễn Nguyên Bảy)

Anh chấp tất: mưa vùi bão dập
biển sóng thần chà đạp bờ đau
em có giỏi lật nhào trái đất
đè bẹp anh, anh cũng gật đầu

anh chấp tất: lũ tràn, lũ ống
nhấn chìm anh trong vòng sóng cuộn cào
em cứ việc sạt đồi nở núi
vuông ngực gầy anh chịu đựng có sao

anh chấp tất: cầu vồng rêu trơn, lửa cháy
đạn xé, bom rơi, sấm nổ, sét gào,
em cứ việc B 52 quây bom tọa độ
có tan thây, anh còn lại linh hồn

anh! “Linh Hồn Lang Thang” dọc ngang trời đất
chỉ cho núi biết, sông hay: đâu quỷ, đâu ma
lịch sử vô tư, khó bề em che giấu
đuôi cáo già giẫu mãi cũng thò ra !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoàng Xuân Hoạ

HỘI LIM CUỐI CHẦU

Mùa xuân má ứng tươi tươi
lung linh tia nắng ngọt môi ai tìm
trời xanh thăm thẳm cánh chim
xé rào anh tới hội Lim cuối chầu

chen chen mấy ả Thị Mầu
liếc xuôi liếc ngược, liếc đâu cũng tình
anh đi... đi mỗi một mình
cái xe máy mượn với bình rượu thơ

khật khà khật khưỡng anh mơ
Trương Chi khoe sáo, Tấm giơ khoe hài
Từ Thức tính một tính hai
cõi trần cũng tiếc Bồng lai cũng thèm

vắng người nên đỡ phải chen
anh leo Quán dốc, anh men qua cầu
cái cầu dải yếm chín màu
buộc anh trăm nút còn đâu lối về?
                   Tháng 2 - 2011
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoàng Xuân Hoạ

Chùm thơ ba kâu:

VÚ MẸ
Tam Đảo, Ba Vì
Căng sáu bầu vú mẹ
sữa tràn đồng xanh

ĐINH TẶC
Em đinh tặc tình trường
trái tim anh nửa đường xịt lốp
trắng đời ẩm ương

SỢ
Viết dài nói dai
điều sợ nhất
quãng thế kỷ này

VĂN CHƯƠNG MƯỜI NĂM
Lớp trẻ viết chưa văn
cánh già có văn nhưng cạn nghĩ
phí hoang một thập kỷ

CON KIẾN
Tha cọng rơm vàng
bắc qua vũng thời gian
kiến đâu toan tính

ĐÊM
Đêm dài tên bắn
ngày vút bóng câu
đâu nào kiếp sau

MÂY
Thác đổ thành sông
một dòng nước trong
mây ào xuống tắm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoàng Xuân Hoạ

LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN NGUYÊN BẢY

           Đọc ba câu thơ của Hoàng Xuân Họa : /Tam Đảo, Ba Vì/ căng sáu bầu vú mẹ/ sữa tràn đồng xanh/ Tôi giật mình thốt lời: Haiku Việt đây chăng? Sao thi nhân không nói? Tôi vội vàng tìm cuốn Thơ Haiku Việt do NXB Văn học ấn hành, được nhà thơ Đinh Nhất Hạnh ký tặng Tết Tân Mão mới rồi. Tôi mở đọc, gặp ngay bài Haiku của Đinh Nhất Hạnh: / Sương khuya hồ Tây/ sâm cầm vụt cánh/ trăng lay/ Đọc tiếp Đinh thị Thu Vân: Tôi, bóng thành đôi / còn trăng khuyết nữa/ ai đầy, ai vơi?/ Và thêm: / Trên gương/ chú ruồi hôn bóng/ vơi ngày cô đơn/ của bạn thơ Haiku trẻ Thanh Tùng...
          Ô hay, đang đò đưa thơ Hoàng Xuân Họa bỗng nhảy vào "nhiều chuyện" Haiku, là sao? Là thế này, cuốn HaiKu này và nhiều nhiều những sách thơ khác của các bạn thơ tặng, tôi đang tính xếp vào valy bồng về sài Gòn , thì bỗng có bạn thơ " chuyên nghiệp" ghé thăm, tia mắt qua đống sách, mới khuyên rằng: Mi đã mấy chục năm làm thơ sao chưa chịu rời chiếu nghiệp dư vào sa lông chuyện nghiệp mà tung hoành, già rồi, thời gian dâu nữa mà nhâm nhi cái thứ nghiệp dư này. Tôi ngậm miệng không dám cãi và tất nhiên vẫn bồng sách về Sài Gòn và đọc không sót cuốn nào của bằng hữu. Đã nói rồi, nhiều lần, nay nhắc lại thơ là tiếng lòng, đã là tiếng lòng thì làm gì có chuyên nghiệp và nghiệp dư nhỉ ? Chúng mình cùng nhau sung sướng trên chiếu thơ nghiệp dư đã sao ? Cũng nhờ chiếu nghiệp dư này mà tôi biết Haiku Việt. Và nhé, đôi ba bài Haiku tôi dẫn ở trên mời " các chuyên nghiệp" thơ đọc và so sánh với tài thơ chuyên nghiệp của mình.

Tôi nói vây không có ý so ganh gì thơ phú với nhau. Mời đọc một câu của Nhật Chiêu trong bài Nắng mới từ thơ Haiku (sách đã dẫn):

/ Từ khắp mọi miền đất nước, thơ Haiku đã ngân nga tiếng nói giầu nhạc điệu, tiếng nói mang hồn lục bát, để đi đến một hòa âm mới"/

Thưa bạn Nhật Chiêu, nói rằng: Từ khắp mọi miền đất nước , e là "nổ" này văng miểng quá! Và thêm tiếng nói này mang hồn lục bát để đi đến một hòa âm mới/ thì hình như chưa thể và không bao giờ có thể, bởi dân Nhật họ sẽ kiện đấy, bởi HaiKu là HaiKu và dân ta cũng chẳng chiu đâu, Lục bát là Lục bát. Và dù Haiku Lục bát có phối ngầu với nhau cũng đẻ ra thứ Haiku Việt  chứ làm gì có thứ xác Haiku, hồn Lục bát ?



Nhựng, với ba câu bài Vú mẹ dẫn ở trên của HXH mà tôi hiểu thêm Haiku và thêm yêu quí thơ thì kể ra HaiKu cũng đã có đất ở thi đàn thơ Việt ta rồi đấy.

Nhưng Hoàng Xuân Họa có nói mình làm thơ Haiku gì đâu. Bài này ba câu như bất kỳ các nhà thơ nào khác khi ngẫu hứng sinh tình vẫn làm đấy chứ! Tôi tự cười mình và xin anh cho cùng đi Hội Lim cuối chầu (bài lục bát). Công bằng mà nói, câu mở của khúc lục bát đầu: / Mùa xuân má ửng tươi tươi/ thì quả là hơi xưa xưa cổ cổ, hơi nhà quê, nhưng may quá, ba câu sau thơ từ từ lên ga: Lung linh tia nắng ngọt môi ai tìm (rõ ràng là đang từ từ lên ga, tia nắng ngọt môi nghe được lắm chứ, để rồi bay vút lên / Trời xanh thăm thẳm cánh chim/ Xé rào anh tới hội Lim cuối chầu.../ Bốn câu vừa dẫn không thật hay, cũng chẵng phải lục bát khuôn mẫu, nhưng rõ ràng là bốn câu thơ, mà khi đọc lên ta nghe lòng xao xuyến. Xé rào (hẳn là sợ sư tử Hà Nội - Hà Đông bây giờ đã là Hà Nội) Xé rào để đi chơi hội Lim cuối chầu / Hội Lim cuối chầu là hội Lim gì ? là sắp vãn hội? Mua bán, đong đưa gì lúc sắp vãn hội hở Thơ? Đọc rồi khắc biết. Và đoan chắc một điều dù đi hội Lim cuối chầu nhưng Hoàng Xuân Họa đắc ý, khoái sướng lắm vì nếu không khoái sướng thì  làm sao viết được hai câu kết thơm nức nở thế này: Cái cầu giải yếm chín mầu/ Buộc anh trăm nút còn đâu lối về ?



Bài Vú mẹ ở trên tôi bình được, vì đó là vú mẹ non nước, vú mẹ sữa tràn đồng xanh , còn Mẹ bài sau là Mẹ của riêng Hoàng Xuân Họa.  Cảm thương cho HXH, mẹ lên Trời lúc anh mới 13 tuổi, 60 năm rồi / Con bây giờ đã sang tuổi bẩy ba/.  Mồ côi khổ lắm ai ơi, tôi cũng mồ côi cả tứ thân phụ mẫu gần ba chục năm rồi. Nói về cha mẹ, anh Họa ơi, người con nào cũng  rơi nước mắt xót thường và ai cũng trách mình đã không báo đáp được công trạng hiếu nghĩa gì cho cha mẹ. Anh là người con làm thơ, viếng mẹ bằng thơ, hỏi đã mấy ai viết được những vần  thơ về mẹ muối ruột, xót gan thế này:

/ Nơi mẹ nằm, xung quanh toàn người lạ
Ai cũng tuổi cao, ai cũng mất khi già
Chỉ riêng mẹ mất thời quá trẻ
Mái tóc xanh mươn mướt buông xòa /

Anh Họa ơi, cho em được cùng anh đi viếng hương hồn Mẹ. Thưa Mẹ, xin mẹ nhận nơi chúng con tấm lòng thành của những đứa con thơ.

/Bao lì xì hình chú mèo đỏ gấc
con kính dâng
sao mẹ mãi chẳng cầm.../

            Nguyễn Nguyên Bảy
                (TPHCM)
                                            

Nguồn: http://nguyennguyenbay.com
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Đăng Thuyết

BỒNG BỀNH CÕI PHẬT

Bồng bềnh mây
Bồng bềnh gió
Bồng bềnh!
Tóc bạc chấm trời

Nhọc nhằn lưng
Nhọc nhằn gối
Nhọc nhằn!
Gót vẹt đá chông

Huyền ảo hư không
Bồng lai trầm mặc
Phật ngồi thiền... hun hút động Tiên

Nỗi niềm nhân gian
Tạc vào vách đá
Nỗi niềm thời thế
Khắc vào non cao
Ngàn nỗi khát khao
Đục đầu con tạo

Đến Hương Sơn
Gột lời than Suối Yến
Cõi Phật
Từ tâm
Muôn thuở!
Chẳng bao giờ
Đá đổ mồ hôi...

ĐT:8-3-2011
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoàng Xuân Hoạ

THÊM MỘT TẤM LÒNG ĐAU VỚI LÀNG QUÊ.

LÀNG TÔI

Làng ta tên gọi An Khang

nửa làng thiên Chúa, nửa làng Thích ca

đầu làng xòe tán cây đa

cuối làng cây gạo đỏ hoa cháy chiều

nửa kia kính Chúa cũng nhiều

nửa này tâm Phật vạn điều ước mong

sông Hồng vẫn nghẹo khúc cong

con đê ngăn lũ uốn vòng con đê

làng tôi như ngậm bùa mê

ăn hạt lúa chét, hạt kê mấy đời

khuyên nhau chín bỏ làm mười

ra đường chỉ gặp nụ cười nửa môi

Thánh thần ăn thịt ăn xôi

còn nồi cháo thí dân ngồi chia nhau

tội thân ba vị đầu rau

đội nồi nước xuýt đục ngầu nhìn xuông

làng tôi cà pháo dầm tương

vẫn vui như tết!...Nghĩ thương cái làng!

(Trót một thời yêu II- HOÀNG XUÂN HỌA - Nxb Hội nhà văn, 2010)


LỜI BÌNH CỦA ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH NGUYỄN ANH TUẤN:

      Lần đầu tiên tôi được gặp tác giả Hoàng Xuân Họa, trong cuộc gặp mặt giữa vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy &Lý Phương Liên với những người hầu hết mới chỉ biết nhau qua mạng, tại Nhà văn hóa TN Hồ Thuyền Quang chiều mùng 3 Tết Tân Mão. Lúc được biết Hoàng Xuân Họa là người đã chép ba bài thơ của LPL để trong ba lô suốt những năm tháng chiến trường và còn giữ tới ngày hôm nay, tôi tò mò thích thú rồi lân la tới làm quen. Ông tặng tôi tập thơ "Trót một thời yêu" mới xuất bản. Trong lúc trò chuyện giao lưu cùng những người bạn mới đều yêu thơ NNB&LPL, tôi lật giở vội vài trang của tập thơ TMTY, và có một tên bài thơ (cùng một vài câu của bài thơ đó) kịp in vào ấn tượng của tôi... Nhưng phải đến hơn một tháng sau, khi tôi lục tìm tư liệu để chuẩn bị cho một phim tài liệu sắp thực hiện, giở đến cuốn sách cũ "Thiên nhiên Việt Nam", lúc dừng lại khá lâu ở một đoạn do tôi gạch chân hơn ba mươi năm trước và đã từng thuộc nó, thì tôi mới sực nhớ lại tên bài thơ của HXH. Tôi tìm tập thơ tặng để đọc- và trước hết là bài này:
Còn đoạn văn mà tôi tìm lại được trong cuốn sách địa lý tự nhiên nổi tiếng của cố GS địa lý học Lê Bá Thảo là những dòng đẹp như thơ viết về làng quê Bắc Bộ như sau: "… Từ thuở nhỏ, ai mà chẳng được sống trong lời ru của bà, của mẹ, mà âm điệu du dương của chúng mang bóng dáng của đất đai làng mạc đã tạo nền cho tình yêu quê hương đất nước thắm thiết lắng sâu vào tâm hồn… Những cảnh vật quen thuộc của đồng bằng đã đến với tuổi thơ bao thế hệ thông qua những câu ca dao ca ngợi lao động và tình yêu quê hương, những bài tập đọc trong sách giáo khoa, những bức tranh miêu tả những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những thôn làng nằm yên ả sau luỹ tre, có giếng nước ao làng, có mái đình chùa rêu phong cổ kính, có những cây đa cổ thụ chơ vơ ngoài gò, ngoài bãi …” ( Địa lý tự nhiên Việt Nam- Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội -1977)

Hầu như người Việt Nam nào cũng có một quê hương thi vị của tuổi ấu thơ in hằn trong tâm tưởng, và chắc hẳn đều có thể tìm thấy sự đồng vọng thân thương ở những dòng văn trên...

Nhưng cái "thôn làng yên ả" đó giờ đây sao mà buồn thế - qua thơ văn của nhiều tác giả hiện đại, mà bài thơ "Làng tôi" của HXH đang hiển hiện trước mắt tôi là một trong những dẫn chứng tiêu biểu!

Như nhiều làng quê khác, ở đây vẫn còn cây đa đầu làng cây gạo cuối xóm, vẫn còn tiếng chuông chùa văng vẳng, chuông nhà thờ ngân nga khi hoa đỏ "cháy chiều", vẫn dòng sông chở nặng phù sa "nghẹo khúc cong" qua những đoạn đê ngăn lũ, song nơi đây, cuộc sống đã mang một nội dung khác lạ mà HXH khái quát bằng câu thơ: " làng tôi như ngậm bùa mê..." Bùa mê gì vậy? Điều gì khiến một người trí thức xa quê lâu ngày trở về phải bàng hoàng than thở: "Thi thư hồn vía để đâu/ Mà sao cảnh ngộ xót đau thế này..." (Nguyễn Huy Hoàng, CHLB Nga). Cái bùa mê đã được tung ra trên làng quê HXH bởi những dự án làm sân gol, làm khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí với những lời hứa hẹn xuông để rồi ném người nông dân ra khỏi đất canh tác nông nghiệp truyền thống, để họ choáng ngợp với khoản tiền đền bù chẳng bõ bèn gì nhưng cả đời nằm mơ chẳng thấy, để sa vào đề đóm cờ bạc, cuống cuồng hưởng thụ đồ thứ phẩm, đồ bãi rác thành thị, để rồi sau đó làm kẻ nuốt hận trước sự lật lọng của các ông chủ mới, trước cảnh xả ô nhiễm đầu độc sông suối và bầu trời, hoặc cảnh đất bỏ hoang của những dự án treo nhằm trục lợi... Cái bùa mê được tung ra bởi những kẻ có chức quyền mà đầu óc thì quay cuồng trước lợi ích cá nhân và trái tim thì đã đông cứng lại trước tình đồng bào đồng chí! Chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cá nhân cực đoan đã theo chân những kẻ trọc phú, những "ông chủ mới"- đúng hơn là những cường hào mới về tận ngóc ngách của làng quê yên bình, gặm nhấm, đục khoét, hủy hoại biết bao giá trị văn hóa truyền thống quý báu được tạo dựng trong nhiều thế kỷ, biến cái cái đạo lý thật đẹp: "Người ta - Hoa đất" thành "Người ta - Hoa tiền"- mọi thứ đều đo đếm bằng tiền nong lợi lộc, thời buổi mà mọi nghĩa tình chân thật xưa nay hầu đã biến thành vẻ bề ngoài:

khuyên nhau chín bỏ làm mười

ra đường chỉ gặp nụ cười nửa môi

Lòng căm giận của nhà thơ trước những bất công xã hội, trước cảnh buôn thần bán thánh, cảnh mua danh bán tước trơ tráo đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong làng quê thân yêu có tên An Khang dường khiến ông như không kìm được sự nổi khùng buộc phải thốt lên lời chửi bới cho hả, song ông kìm lại được để buông ra sự miêu tả có bình phẩm, vừa trực diện vừa thâm thúy:

Thánh thần ăn thịt ăn xôi

còn nồi cháo thí dân ngồi chia nhau

Hai câu lục bát "Thánh thần ăn thịt ăn xôi/ còn nồi cháo thí dân ngồi chia nhau" mang màu sắc ca dao rõ rệt, chứa đựng sự thật đau xót và cả thái độ phản kháng cố ghìm lại thành vẻ khách quan, như lời ru, lời răn dạy con cháu trong hai câu ca dao cũ: "Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan." Hình ảnh "nồi cháo thí" là một sáng tạo đột xuất của tác giả, vì cháo thí thường chỉ dùng trong ngày xá tội vong nhân, cháo được múc vào những chiếc lá đa dành cho cô hồn lang thang, hoặc bát cháo thí dành cho những người cơ nhỡ xin ăn lạc qua làng..."Nồi cháo thí" ở đây tượng trưng cho sự bố thí thảm hại dành cho những người vốn là chủ nhân thật sự của đất đai, ruộng vườn giờ đang bơ vơ tuyệt vọng ngay trên mảnh đất ông cha không còn là của họ nữa! Câu thơ "còn nồi cháo thí dân ngồi chia nhau" vừa có sức khái quát lay động vừa cụ thể đến run người, sao mà gợi chua xót đến vậy, khiến người đọc phải lặng người tê tái! Chưa dừng lại ở đó, tác giả còn bồi thấn thêm về cảnh ngộ của dân bằng hai câu nữa:

tội thân ba vị đầu rau

đội nồi nước xuýt đục ngầu nhìn xuông

Ba vị "thổ công, thổ địa, thổ kỳ "* là những hình tượng dân gian quen thuộc, gần gũi đối với cuộc sống dân dã cũng phải chịu sự đối xử bất công không kém những người bạn bần hàn chung thủy suốt cuộc đời của họ, những người nông dân đầu tắt mặt tối. Tác giả bộc lộ trực tiếp sự cảm thông: "tội thân ba vị đầu rau", rồi dùng hình ảnh nhân hóa cùng sự hài hước mà khiến người ta trào lệ: "đội nồi nước xuýt đục ngầu nhìn xuông."

Khốn khổ thay cho người dân xứ quê HXH, những người vốn từ xa xưa đã phải sống trong cảnh: "ăn hạt lúa chét, hạt kê mấy đời", thì đến nay, sau bao sự đổi thay, bao cuộc cách mạng long trời lở đất, vẫn không khá hơn là bao bởi quan tham, bởi những chính sách đúng đắn không đến được với dân lành thấp cổ bé họng! Họ vẫn phải mót lượm thứ lúa chét (Tôi đã phải hỏi han khá nhiều người rồi mới vỡ lẽ ra: đó là thứ lúa dại mọc lên từ gốc rạ sau khi đã thu hoạch xong vụ qua một thời gian, mà chỉ vùng chiêm trũng mới có thứ lúa chét này, ăn đắng ngắt, song vẫn còn hơn là đứt bữa! ). Và quê hương ông vẫn là "tương cà gia bản" như bao đời nay: "làng tôi cà pháo dầm tương". Nhưng: "vẫn vui như tết!..." Ôi, cái lạc quan đáng yêu, và cũng thực đáng thương biết bao!

Khi nhà thơ thốt lên: "Nghĩ thương cái làng!", ta có cảm giác đôi mắt ông lúc này cũng đang "ầng ậng nước" (mượn từ mà nhà văn Nam Cao đã dùng trong truyện ngắn "Lão Hạc".)

Cái hay của một bài thơ thường vượt ra ngoài chữ nghĩa thuần túy để hé lộ cho người đọc cảm nhận được một cách thấm thía tấm lòng của người làm thơ là như vậy!

__________________________

* Ba ông đầu rau, theo truyền thuyết dân gian Việt Nam được gọi chung là Táo quân, và chung cho cả 3 ngôi: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. (Thổ công được giao nhiệm vụ trông coi việc bếp núc; Thổ địa trông coi việc trong nhà; Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.)

Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn: http://vanthoviet.com - nguyennguyenbay.com - vanhacom.org
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đan Mây

Hoàng Xuân Hoạ đã viết:
Chùm thơ ba kâu:

MÂY
Thác đổ thành sông
một dòng nước trong
mây ào xuống tắm

ĐỪNG

Ai ơi đừng ngắm
Mây e thẹn lắm
Chết lặng đáy sông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 25 trang (243 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối