Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7:Tôn vinh sứ mạng của thi ca
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7:
Tôn vinh sứ mạng của thi ca
Đến nay, Ngày thơ vẫn là một sinh hoạt tinh thần rất mới mẻ ở nước ta. Chính vì thế rất khó để có thể nói tới sự hoàn thiện ngay từ những lần tổ chức đầu tiên. Chúng tôi vừa làm vừa tiếp thu ý kiến của công chúng. Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất diễn ra khá đơn điệu, buồn tẻ và mang tính chất độc diễn, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba, hoạt động tổ chức đã tốt hơn lên. Ban tổ chức rất hoan nghênh sự góp ý thiện chí, bởi nếu chỉ chăm chăm tìm kiếm sự thiếu sót thì quá đơn giản. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết những khó khăn của Ban tổ chức. Kinh phí dành cho Ngày thơ Việt Nam lần 3 là 60 triệu đồng, trong khi chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ chính thức nào từ phía nhà nước. Thu hút được đông đảo sự quan tâm của công chúng đã là một sự khích lệ lớn đối với chúng tôi. – (nhà thơ Hữu Thỉnh trả lời phỏng vấn báo chí trong dịp tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 4)
Ngày Thơ Việt Nam (VN) là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm theo quyết định của Hội nhà văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam. Lần đầu tiên, Ngày Thơ Việt Nam vào năm Quý Mùi (tức năm 2003) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.Trên thế giới, hầu như nước nào cũng có thơ và nhiều nước có sử thi lâu đời, có nhiều nhà thơ nổi tiếng như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh... Song có lẽ trong lịch sử nhân loại chưa có một dân tộc nào yêu thơ và thơ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu như thơ ở VN. Ý nghĩa của Ngày Thơ VN là thể hiện sự độc đáo đó trong văn hóa VN.
PVVNT xin điểm lại những Ngày thơ đã diễn ra trong thời gian qua.
Ngày thơ VN lần thứ nhất
Được tổ chức vào rằm tháng Giêng năm 2003 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức long trọng. Mở đầu bằng lễ kéo Lá cờ Thơ, rồi ngâm đọc bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc những bài thơ hay nhất của đất nước, ngâm thơ, bình thơ v.v.
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, ý tưởng về một ngày thơ trong năm đã được các anh em văn nghệ sĩ "nung nấu" từ nhiều năm nay. Vả lại, đã có ngày Nhà giáo VN của những người làm nghề dạy học, có Ngày thày thuốc VN của những người hành nghề y thì lẽ nào không có ngày của những người làm thơ. Thế nhưng, tổ chức một ngày hội cho những người làm thơ, những người tâm huyết với thơ càng hiểu và yêu thơ hơn không phải là chuyện đơn giản. Bởi vậy Ngày thơ VN lần thứ nhất đã giúp cho BTC nhiều kinh nghiệm cho những Ngày thơ tiếp sau.
Ngày thơ VN lần thứ hai
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng Thư ký Hội Nhà văn VN đã chia sẻ "mọi hình thức đưa thơ đến với công chúng đều được khuyến khích: đọc thơ, bình thơ, hát thơ, trình diễn thơ, truyền lệnh trực tiếp, gián tiếp"...
Điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 2 có lẽ chính là hội thảo với chủ đề Thơ VN - Truyền thống và Đổi mới. Nhiều ý kiến bàn về đổi mới thơ ca được đưa ra tại hội thảo. Đặc biệt có 2 tham luận bàn đến thơ trẻ của hai nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn và Trịnh Thanh Sơn. Theo nhà thơ Trịnh Thanh Sơn thì đội ngũ thơ trẻ VN "chảy đầm đìa" suốt dọc đất nước. Thế nhưng từ Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Tuyết Nga đến Văn Cầm Hải, Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư... càng ngày các nhà thơ càng "nói không sõi tiếng Việt.
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn với tham luận Thơ VN - cận kề cuộc cách mạng mới thì thốt lên “thơ VN bây giờ có gì?”. Bùi Chí Vinh sau thập kỷ 80 thì lặn một hơi không làm thơ nữa. Giải thưởng văn học VN 1993 trao cho Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Quang Thiều, hai nhà thơ ngoại tứ tuần, nhưng vẫn được coi là trẻ nhất trong số các nhà thơ giật giải thưởng Hội Nhà văn VN. Kể từ sau lần "đột biến" đó, các giải thưởng Hội Nhà văn VN lại liên tiếp thuộc về các lão nhà thơ sinh năm 1930, 1940... Và như vậy, bè chính của dàn đồng ca vẫn là các bậc đàn anh thế hệ kháng chiến.
Tại hội thảo,có tham luận đặt ra vấn đề thơ ca VN đang ở đâu trên bản đồ thơ ca thế giới. Câu hỏi khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Ngày thơ VN lần thứ ba
Phần giao lưu giữa các nhà thơ với độc giả được quan tâm, chú trọng hơn. "Tăng nét văn hóa, giản dị, giảm bớt sự sang trọng trong cuộc trình làng của thơ với công chúng sẽ làm tăng thêm sự gắn bó cần thiết", nhà thơ Phạm Sĩ Sáu bày tỏ. Những nhà thơ trẻ lần này sẽ có nhiều cơ hội thể hiện mình. Nhà thơ Hoàng Hưng đưa ra ý kiến cần mở rộng diễn đàn cho nhà thơ trẻ được tự do phát biểu, không nên "duyệt" trước như lâu nay vẫn làm, và bác bỏ việc lấy kinh nghiệm sáo mòn của người già ra điều khiển giới trẻ.
Ngày thơ lần thứ ba đã thu hút được một lượng lớn sinh viên các trường đại học.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 4
Sau 3 cuộc trình diễn ít nhiều tạo được chút xôn xao cho cái không khí tĩnh lặng của thơ ca, người yêu thơ đã bắt đầu có thói quen mong chờ ngày hội vào rằm tháng giêng .
Chuẩn bị cho Ngày thơ , Hội nhà văn Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể gửi đến các tỉnh, thành trong cả nước về những hoạt động triển khai ngày hội này. Tại các tỉnh, Ngày thơ Việt Nam sẽ diễn ra ở các trường học, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa thành phố hoặc các di tích lịch sử.
Chủ đề của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 4 là Đất nước và Mùa xuân. Không chỉ tôn vinh thơ ca và các giá trị nhân văn bền vững gắn liền với chiều dài lịch sử dân tộc, Ngày thơ năm nay còn bám sát các vấn đề đương đại, thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.
Tại Hà Nội, Ngày thơ được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau phần khai mạc với màn kéo lá cờ thơ trong âm vang của Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) sẽ là các hoạt động giao lưu, trình diễn thơ. Tại khu trung tâm - sân bái đường - của ngày hội là sân khấu dành cho các nhà thơ đã thành danh. Đây là nơi diễn ra những hoạt động như: Đọc thơ trên nền nhạc, thả thơ, thi câu đối, biểu diễn thư pháp, lẩy Kiều, đọc thơ trào phúng, ngâm thơ cổ...
Cũng với hình thức tổ chức như vậy nhưng sân Thái Học trong Văn miếu là "lãnh địa" của các nhà thơ trẻ.
Lễ kết nạp 40 hội viên mới vào Hội nhà văn cũng sẽ được tổ chức ngay sau khai mạc. Cũng tại Ngày thơ lần thứ 4, Tạp chí Thơ chính thức ra mắt số đầu tiên .
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5
Theo tinh thần của BTC, Ngày thơ VN lần thứ 5, phần lễ được thu gọn, dành thời gian cho các hoạt động chơi thơ, thả thơ và giao lưu giữa những người làm thơ và độc giả. Sau tiếng trống khai cuộc, màn múa rồng độc đáo mở màn minh họa cho những câu thơ kinh điển của Huỳnh Văn Nghệ: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long/ Có ai về Bắc ta theo với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng". Những hình ảnh của "non sông giống Lạc Hồng" tiếp tục được tái hiện qua màn múa trên nền đọc thơ các tác phẩm Đất nước - Nguyễn Đình Thi và Việt Bắc - Tố Hữu. Âm điệu bài thơ Nguyên Tiêu - Hồ Chí Minh vang lên, kết thúc phần nghi lễ, mở ra một không gian thưởng thơ sôi nổi, phong phú và nhiều màu sắc.
Phần chơi thơ và thi câu đối sẽ thực sự là dịp trổ tài cho những người yêu và say thơ. Các vế đối được phát ngay từ khi khán giả vừa bước vào cổng Văn Miếu. Thời gian để những người chơi chứng minh tài hay chữ của mình là cho đến khi tiếng trống khai mạc Ngày thơ cất lên. Ban tổ chức sẽ chấm thi tại chỗ và tôn vinh những vế đối chỉnh và sắc sảo ngay trong khuôn khổ hội thơ. Bên cạnh đó, để "đong đếm" tình yêu thơ của người Việt, ban tổ chức còn bày ra phần thi Trắc nghiệm thơ. Sẽ có rất nhiều câu thơ nổi tiếng được viết ra nhưng thiếu đi một vài từ quan trọng. Nhiệm vụ của độc giả là lấp đầy những gì còn trống.
Tạ Sân thơ trẻ, 60 tấm poster giới thiệu bức chân dung khá đầy đủ về tuổi trẻ 30 nhà thơ thuộc nhiều thế hệ được dựng lên từ cảm nhận của các nhà thơ trẻ. Lý giải cho sự xuất hiện của các "nhà thơ già" trên sân Trẻ, Ban tổ chức cho rằng, thơ vốn không phân chia theo tuổi tác. Người làm thơ ai cũng có một thời tuổi trẻ. Trong sự giao lưu giữa nhiều thế hệ, các tác giả trẻ sẽ tự giới thiệu về chân dung của những nhà thơ đi trước mà mình ngưỡng mộ.
Ngày thơ VN lần thứ 6
Cũng như những lần trước, Ngày thơ được chia thành hai sân chơi rõ rệt: một sân thơ “già” – “già” ở lứa tuổi những người tham gia cũng như cung cách tổ chức và trình bày – và một sân thơ “trẻ”, nơi các nhà thơ tham dự, tuy có người hoàn toàn không còn trẻ, bày tỏ khát vọng làm mới hình thức thể hiện thơ. Chính sự đổi mới trong hình thức truyền tải thơ tới công chúng nên Sân thơ trẻ đã thu hút được sự quan tâm của công chúng và báo giới.
Chu Thị Minh Huệ gùi thơ từ Hà Giang lạnh giá xuống sân thơ trẻ với 2 bài thơ được đựng trong gùi và trình diễn bằng hai thứ tiếng Mông và Kinh. Trang Thanh kết hợp những hình nhân mặc quần áo chữ, trình bày với một nong chữ do chính tay mình sàng sẩy, và ngữ nghĩa như mây bụi, như vỏ trấu của tư duy bay lên. Lê Ngân Hằng mở đầu bằng một câu thơ được ngâm theo lối truyền thống, tác giả tự soạn và biến tấu cho các nhịp thơ của mình bằng cách diễn đạt khác nhau. Nhà thơ Dạ Thảo Phương với tác phẩm trình diễn "Giấc mơ của một đơn âm" gồm bài thơ "Cây bàng, buổi chiều" do tác giả tự thể hiện cùng trình diễn acapella của các nghệ sĩ Minh Ánh và Hải Yến. Sự kết hợp với âm nhạc khiến bài thơ được sống trong từng con âm thông qua các cao độ và sắc thái biểu đạt của thanh nhạc, lay thức những khắc khoải, những tâm trạng cá nhân. Nhà thơ Hoàng Hưng xuất hiện với phong cách "cổ điển": Đọc thơ với đoản khúc trio soạn riêng cho nội dung và ý tưởng của tác phẩm. Tác giả "Người đi tìm mặt", theo một cách giản dị đã minh chứng một quan niệm riêng về trình diễn thơ: Sự lay động cảm xúc thơ ca trước hết không phải bằng những hình thức ngoài thơ, mà bằng chính sự vang động của chữ, của những kết cấu chữ trên nền âm thanh hỗ trợ.
Tuy nhiên, một lối trình diễn thơ nặng tính minh họa theo hình ảnh, ý tưởng của bài thơ vẫn còn thấy rõ ở nhiều tiết mục (như trình diễn thơ - hình thể của tác giả Hồ Huy Sơn và nghệ sĩ hình thể), cảm giác "nhàm chán" cũng đến, khi những bài thơ được trình diễn thiếu sức nặng của ý tưởng và câu chữ.
Sự đa dạng về độ tuổi và phong cách trình diễn thơ, những phương tiện hỗ trợ thơ nhiều màu vẻ (với trống phách, đàn violon, ca trù, chèo cổ và thậm chí là âm nhạc điện tử cho thấy niềm hào hứng với những loại hình mới và nhiệt tâm đưa thơ đến gần công chúng. Nhưng dù thế nào, ấn tượng về thơ trình diễn không thể nằm ngoài sức sáng tạo thơ ca từ bản thân câu chữ và ý tưởng. Đó có thể vẫn là một chờ đợi, nhất là chờ đợi những người trẻ.
PVVNT
Thông tin về Sân thơ trẻ 2009
Chủ đề được sân thơ trẻ lựa cho năm nay là “Thơ – 360!”. Có thể thấy chủ đề năm nay nhằm thể hiện những sự chuyển động trong thơ trẻ cũng như những mong muốn tìm tòi đổi mới ở các tác giả trẻ hiện nay.
Khác với mọi năm, Sân thơ trẻ 2009 sẽ xuất hiện những gương mặt hoàn toàn mới, với cách thể hiện độc đáo: các tác giả kết hợp thành nhóm - phối hợp cùng đọc thơ. Sự kết hợp của họ khiến các bài thơ đọc lập được được gắn kết với nhau mang đến một ấn tượng mới mẻ về một CÂU CHUYỆN THƠ của những người làm thơ.
Những gương mặt xuất hiện tại Sân thơ trẻ lần thứ 7 đó là :Nguyễn Quang Hưng: sinh năm 1980, hiện đang công tác tại báo Nông thôn ngày nay; Huyền Minh – sinh năm 1969, đến từ Hà Giang;Lữ Thị Mai : sinh năm 1988, hiện đang theo học tại khoa sáng tác LLPB trường ĐH Văn Hoá Hà Nội; Nguyễn Phan Quế Mai: sinh năm 1973, hiện đang làm, cho một tổ chức phi chính phủ, tác giả tập thơ Trái Cấm; Điệp Giang , sinh năm 1981, một tác giả trẻ năng động, người luôn tạo ra nhiều ý tưởng trong công việc, ;Lệ Bình Quan: sinh năm 1983, vừa bảo vệ luận văn thạc sĩ văn học, giải nhất cuộc thi thơ online do thotre.com tổ chức; Thụy Anh: sinh năm 1974, đã có hơn 10 năm sống tại Nga. Năm 2008 chị quyết định trở về Việt nam sinh sống; Nguyễn Anh Vũ: sinh năm 1979, anh còn được biết đến với tư cách là một hoạ sĩ thiết kế bìa sách ấn tượng với tên Vũ Quân.
Theo: VNT
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."