Chất keo gắn kết người dân
TT - Nhật Bản đang đối mặt với hàng loạt thảm họa và thế giới đang chứng kiến người Nhật kiên cường trong những thời điểm khó khăn nhất của dân tộc.Bà Hiroko Yamashita đã lớn tuổi, chỉ ở một mình, lại đang đau đớn. Khi trận động đất 9 độ Richter xảy ra, một giá sách rất cao và nặng đã đổ vào người bà, làm bà khuỵu xuống và đau nhức mắt cá chân. Vài giờ sau nhân viên y tế đến, nhưng “mẹ tôi vẫn cho đó là chuyện bình thường” - con rể bà nhớ lại. Bà liên tục xin lỗi con cái và mọi người xung quanh vì làm phiền họ, rồi cứ hỏi đi hỏi lại xem còn ai cần được chăm sóc trước bà nữa.
Rất ngại làm phiền người khácTrận động đất mạnh nhất trong lịch sử của nước Nhật dường như không ảnh hưởng tới tính cách người dân nước này: luôn thể hiện sự quan tâm tới người khác ngay cả khi họ rơi vào những tình huống kém may mắn nhất. Khó thấy người Nhật nghĩ tới việc làm phiền người khác bằng cách thể hiện sự lo lắng của mình.
Trên một chuyến bay dài tới Tokyo, một doanh nhân tuổi ngũ tuần cứ hỏi liên tục người bạn đồng hành ngồi kế bên về các dự định của anh ở Tokyo: Anh sẽ ở đâu? Vì sao lại chọn chỗ này? Có ai đón anh ở sân bay chưa?... Nhưng chỉ đến khi chuyến bay dài chín giờ sắp hết, người đàn ông được hỏi mới thú nhận là mình sẽ đi về phía bắc, hướng sóng thần vừa tấn công để tìm tin tức người thân.
Yêu cầu người giúp đỡ mình đôi khi dẫn tới việc bị coi là khác biệt ở Nhật Bản. Ở quốc gia mà người dân phải dùng tới mặt nạ phòng độc để bảo vệ an toàn cho mình, có những người kiên quyết không để lộ nỗi lo lắng của họ ra ngoài, nhất là những người đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
“Tôi đang cố gắng thật sự để không cho người khác thấy mình sợ thế nào” - Masaki Tajima, tiếp tân tại khách sạn Utsunomiya, bắc Tokyo, cho biết. Tại một cửa hàng bán gas ở Koriyama, cách 200km về phía bắc Tokyo, một số khách hàng lo lắng khi thấy sắp hết hàng. Kenji Sato, nhân viên với 12 năm kinh nghiệm, liên tục xin lỗi khách hàng: “Xin lỗi, không còn gas nữa, rất xin lỗi”.
Tính quy củ và trật tự xã hộiNhững nơi khác của nước Nhật, quy củ, trật tự trong xã hội và sự bình tĩnh của người Nhật đã được duy trì ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Ở Tokyo và những vùng ngoại ô, động đất khiến hệ thống giao thông công cộng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng khi có tàu đến, người dân vẫn xếp hàng trật tự lên tàu như bất kỳ ngày bình thường nào. Lên đến tàu mọi người đều ngồi yên lặng, nhìn vào điện thoại di động với hi vọng có được tín hiệu viễn thông.
“Thật là kém văn minh nếu cứ xô đẩy và vượt lên người khác bằng cách đó. Mà làm thế thì có tác dụng gì?” - anh Kojo Saeseki, người đang giúp vợ bước lên con tàu đông đúc ở ngoại ô thành phố, cho biết.
Khi Chính phủ Nhật thông báo sẽ cắt điện luân phiên để bảo tồn năng lượng, các hộ kinh doanh và người dân tự nguyện tắt đèn và các thiết bị điện. “Dù làm được chuyện nhỏ mà có ích thì cũng tốt” - Yuichi Morita, nhân viên xây dựng, nói. Chuỗi siêu thị 7 - Eleven và Lawson sử dụng đèn chiếu sáng bên ngoài ở mức thấp nhất, rất nhỏ, chỉ đủ để khách hàng biết họ đang mở cửa.
“Tôi nói với cha tôi. Ông không nói gì, đứng lên, đi khắp nhà và rút tất cả ổ cắm điện mà chúng tôi không dùng ra. Bình thường ông không để ý lắm, để đèn và tivi mở ngay cả khi không dùng. Nhưng sự yên lặng của ông đã khiến tôi xúc động” - một người tên Yokoyama viết trên Twitter.
Nhà văn Lesley Downer, tác giả quyển The last concubine nổi tiếng, cho biết người Nhật không bộc lộ suy nghĩ của mình nhiều để không bị mất mặt, hoặc làm người khác mất mặt. Với họ, thể hiện sự tức giận là thô lỗ, kém văn minh. Ông Lesley vẫn nhớ cảnh tai nạn giao thông ở Nhật, tất cả những người liên quan đều cúi đầu, mỉm cười và xin lỗi nhau. Đến nay thế giới không hề thấy có hình ảnh nào về chuyện la hét, mất trật tự ở phía bắc Nhật Bản - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất dù hàng hóa đang dần trở nên khan hiếm, nước thiếu, điện thiếu, dịch vụ y tế thiếu trầm trọng.
Trên tờ Daily Telegraph, Ed West nhận định tinh thần đoàn kết đặc biệt mạnh ở Nhật Bản: “Khi khó khăn, siêu thị giảm giá, các máy bán hàng tặng nước uống miễn phí để người dân sống sót. Nhưng ấn tượng nhất là không hề có cướp bóc ở đây”. Dù tình trạng ngày càng tồi tệ hơn, dường như cách hành xử của người dân ngày càng tốt hơn.
Ông Gregory Pflugfelder, giám đốc Trung tâm văn hóa Nhật Donald Keene ở ĐH Columbia, đánh giá: “Người Nhật có sự hiểu biết rất rõ về trách nhiệm, có tinh thần sống vì cộng đồng của mỗi người”.
Trong lịch sử, các thành phố ở Nhật bị phá hủy liên tục vì chiến tranh, hỏa hoạn và động đất. Mỗi lần như vậy người Nhật đều tái thiết đất nước lớn hơn, tốt hơn.
HẠNH NGUYÊNMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)