Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tường Thụy

 
ĐỨA CON NGOÀI GIÁ THÚ

Truyện ngắn - Đã gửi dự thi ở diễn đàn "Áo Trắng"

    
    Hắn không còn mặt mũi nào để quay về ngôi nhà mà hắn đã gắn bó bấy lâu nay. Ở đấy đã từng có một thời kỳ đầy ắp tiếng cười. Hắn thèm được thấy lại cảnh mỗi khi đi làm về, bọn trẻ con tranh nhau chào bố. Hồi chúng còn bé tẹo, đứa chị hay để thằng em chào bố trước như một sự nhường nhịn. Cũng có khi nó trêu, chạy ra trước lảnh lót chào bố rõ to, thằng em theo không kịp lăn đùng ra nền nhà khóc, giãy đành đạch. Hắn nhẹ nhàng bế thằng bé lên, thơm vào má rồi giả vờ mắng đứa chị, nó mới chịu nín. Đứa chị bụm miệng cười nhìn thằng em mắt đỏ hoe. Vợ hắn nở nụ cười hiền hậu, nhẹ nhàng đỡ lấy chiếc áo khoác của hắn, khoe những món ăn mà bữa tối nay cô sẽ làm cho hắn vừa ý. Lòng hắn tràn ngập hạnh phúc. Cảnh nhà ấm áp, vui vẻ ấy chỉ mới chấm dứt cho đến vừa rồi.
    Mỗi lần đi công việc có dịp qua nhà, hắn thường bảo cậu lái cậu lái xe đi chầm chậm để hắn ngắm lại ngôi nhà thân yêu của mình, may ra có nhìn thấy vợ hắn hay đứa con nào không.
    -    Sao anh không ghé vào nhà một chút - Cậu lái xe hỏi.
Hắn cố giấu tâm trạng của mình:
    - Thôi, đi luôn còn làm việc.
    Hắn chọn một anh bạn ở một mình để tá túc. Bạn hắn sống trong một căn phòng thuê, đủ cho hai đứa ở thoải mái. Vợ con anh này ở quê. Như thế hắn đỡ ngại.
    Chẳng ai đuổi hắn đi nhưng hắn không chịu nổi sự lạnh nhạt của vợ con. Hắn đi làm về, vợ hắn hờ hững làm như không thấy hắn. Các con hắn vẫn chào bố nhưng giọng thì lạnh lùng, ráo hoảnh. Trong mắt vợ, hắn là người chồng phản bội. Với các con, hắn người cha tha hóa về đạo đức. Cả nhà nhìn hắn như một kẻ tội đồ.
    Nhiều lúc hắn vắt tay lên trán, nằm như bất động, đăm đăm nhìn lên trần nhà. Suy nghĩ kỹ, hắn vẫn không cảm thấy ân hận. Bây giờ, cho hắn làm lại, có lẽ hắn vẫn hành xử như thế trong những tình huống ấy. Dù hậu quả như thế nào chăng nữa, hắn vẫn không cho rằng mình dại như người ta nói. Hắn thấy lương tâm thanh thản. Hắn chỉ buồn vì không ai chịu hiểu cho hắn.
    
    Mọi chuyện bắt đầu từ buổi họp lớp sau mười bảy năm ra trường. Hắn gặp lại Linh, bí thư chi đoàn, hoa khôi của lớp 10A năm ấy. Hỏi thăm nhau mới biết là Linh vẫn ở một mình. Nhắc đến Linh, ai cũng biết chuyện tình của cô với Hùng lớp trưởng. Linh kể, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hùng được gọi đi du học ở Liên Xô còn Linh thi trượt đại học. Dù trượt nhưng việc Hùng được đi nước ngoài an ủi Linh phần nào, cô coi như một sự đánh đổi.
    Thư Hùng thưa dần rồi vắng hẳn sau khi Linh thi trượt lần thứ hai. Bức cuối cùng Hùng viết cho Linh chừng nửa trang giấy. Hùng kêu rằng độ này bận lắm, đến viết thư cũng không còn thời gian nữa. Cuối cùng Hùng bóng gió một câu: "Bao giờ Linh lấy chồng, nhớ mời Hùng nhé ..."
    Hai năm ở nhà với bố mẹ, Linh thấy quá vô vị. Rồi cô lại nghĩ đến Hùng. Phẫn chí, Linh xin đi làm công nhân cho một nông trường ở Hòa Bình. Đến khi cơ chế làm ăn thay đổi, người ta chia cho Linh mấy sào chè. Linh dựng một ngôi nhà nhỏ dưới chân đồi để ở tiện việc trồng cấy, chăm bón.
    Hắn bảo:
    -    Sao Linh gan thế, ba nhăm rồi còn gì.
    Linh chua chát:
    -    Ừ, ba nhăm. Ba nhăm ai còn đi lấy chồng mà bảo gan.
    -    Linh kén?
    -    Có thể. Nhưng ở cái xứ sở ấy, kiếm đâu ra đàn ông. Kể ra cũng có vài người đến với Linh nhưng sao chẳng có ai làm cho Linh rung động. Khi cứng tuổi dần lên thì gặp toàn những người đã có gia đình. Họ hứa sẽ ly dị vì quan hệ vợ chồng đã rạn nứt từ lâu. Suy nghĩ mãi, cuối cùng Linh từ chối. Biết thế nào mà tin, mà hy vọng. Ai đi tán gái mà chẳng khoe sắp bỏ vợ. Coi chừng mình lại là thủ phạm làm gia đình người ta tan nát.

    Sau buổi họp lớp hôm ấy, hắn lên thăm Linh. Hắn ái ngại nhìn ngôi nhà xây, mái ngói, chừng hơn hai mươi mét vuông. Ngôi nhà xinh xắn, sạch sẽ và ngăn nắp nhưng quạnh quẽ. Rồi lâu lâu, hắn lại lên thăm bạn. Hắn thường mang cho Linh một vài thứ đồ dùng sinh hoạt, một chút quà. Cũng có khi, hắn giúp Linh thay viên ngói vỡ hay trát lại mảng tưởng bị tróc.
    Lần nào, hắn cũng ở lại ăn cơm cùng Linh. Hắn làm thế là để cho Linh vui, chứ trong lòng, hắn hoàn toàn không có một động cơ nào khác. Hắn đã có một gia đình hạnh phúc với người vợ trẻ đẹp và hai đứa con ngoan. Khi hắn về, Linh tiễn hắn ra tận quốc lộ. Hắn cảm nhận được ánh mắt tự hào của Linh mỗi khi sóng đôi với hắn mà gặp người quen.
    Hai năm trôi qua, hắn lên thăm Linh bốn lần, vào sinh nhật Linh và vào những ngày giáp tết. Hắn lựa thời gian lên thăm bạn đều có dụng ý cả. Hắn không muốn Linh buồn hay thiếu thốn thứ gì những dịp ấy. Linh cũng một lần xuống Hà Nội, tìm đến cơ quan hắn. Hắn vô tư đưa Linh về nhà chơi. Vợ hắn tiếp khách rất ân cần và nồng nhiệt, chẳng băn khoăn điều gi. Cô tin chồng và có chăng, chỉ cảnh giác với những cô gái trẻ.
    
    Lần thứ năm, hắn lên thăm Linh vào hai mươi tám tết Nguyên đán. Hắn có viết thư báo trước (hồi ấy, mọi liên lạc đều bằng thư từ, điện tín).
    Linh tươi cười ra đón hắn. Hắn nhận thấy Linh có sự chuẩn bị kỹ càng. Linh mặc chiếc quần bò màu chàm, hơi căng nơi vòng mông. Chiếc áo vét màu mận chín cài một khuy để lộ bên trong nền áo phông trắng có in hình bông hoa, ôm khít cơ thể vẫn còn rất đầy đặn của Linh. Hắn nhận ra đó là chiếc áo mà hắn tặng bạn hôm sinh nhật. Tóc cô buông xõa, chưa khô hẳn, thoang thoảng mùi bồ kết. Trông Linh thật rực rỡ. Dù thời gian đi qua nhưng trên gương mặt, dáng người cô vẫn còn lưu được những nét của thời con gái xuân sắc.
    Linh chuẩn bị bữa ăn còn hắn giúp bạn sửa soạn bàn thờ tết. Những món quà tết hắn mang lên cùng những thứ Linh đã mua sắm được bày ra làm không gian tết thật ấp cúng và ý nghĩa. Hắn tỏ ra thích thú khi được Linh sai. Hắn xăng xái mài dao, chặt thịt gà, lấy cho Linh lọ muối, ra vườn hái lá chanh ... Hắn cố làm cho Linh vui. Hắn tủm tỉm cười khi nhìn thấy trên mâm có thêm một chai rượu Lúa mới.
    Hắn ép Linh uống hết một ly rượu. Má cô hồng lên, cặp mắt thêm long lanh. Gương mặt cô rạng ngời hạnh phúc, dù chỉ là chút hạnh phúc vay mượn hiếm hoi.
    Ăn xong, hắn ngồi bàn uống nước trong khi Linh cứ ngồi ở mép giường nói chuyện với sang. Thấy cảnh nói chuyện kỳ kỳ, hắn đành đến ngồi cạnh Linh. Cô có vẻ không được tự nhiên. Hình như cô đang xúc động.
    -    Vậy là xuân sang rồi Dũng nhỉ?
    -    Ừ, xuân sang rồi. Dũng lên chúc tết Linh trước. Linh thích Dũng chúc gì  nào? Trẻ trung này, xinh đẹp này ...
Linh nhìn ra khoảng trời ngoài cửa sổ, xa xăm:
     -    Xuân sang, Linh lại thêm một tuổi. Gần hai mươi mùa xuân đã tàn phá tuổi trẻ của Linh. Một quãng đời thật vô vị. Chẳng mấy nữa, Linh sẽ thành bà cụ.
    Hắn im lặng, thở dài. An ủi động viên Linh ư? Sẽ là những lời sáo rỗng vì những điều Linh nói là sự thật.
Đột nhiên, Linh ôm choàng lấy hắn:
    -    Dũng ơi! Linh khổ lắm. Hồi học với nhau, chưa bao giờ Linh nghĩ đến đời Linh lại đến nông nỗi này.
Rồi Linh gục đầu vào lòng hắn òa khóc, hai vai rung theo tiếng nấc.
    Hắn hơi hoảng. Hắn không lường được tình huống này. Hắn định gỡ tay cô ra nhưng không làm được. Không phải hắn không chống chọi được sự cám dỗ của thân thể phụ nữ mà là hắn không nỡ đẩy Linh ra. Hắn không thể nhẫn tâm.
    Linh thổn thức:
    -   Dũng hiểu cho Linh không. Bây giờ, Linh chỉ ước một đứa con thôi, trai hay gái gì cũng được để Linh khuây khỏa và nương tựa lúc về già ... Dũng giúp Linh được chứ ... Linh chỉ muốn nhờ Dũng thôi ... Linh hứa sẽ không bao giờ nói ra ai là cha đứa bé ...
    Hắn không biết nói sao. Hắn chợt nhận thấy mắt hắn cũng ầng ậc nước từ khi nào. Hắn xa xót nhìn bạn, lòng như dao cứa.
    Linh ngước nhìn vào mắt hắn, cầu khẩn. Hắn vẫn lặng im, vuốt lên mái tóc, vỗ nhè nhẹ vào lưng Linh như che chở. Cô im lặng, tận hưởng cảm giác lần đầu tiên được một người đàn ông âu yếm, ve vuốt.
    Một lúc sau, Linh đứng dậy ra ngoài khóa cổng rồi vào nhà chốt cửa lại. Cô ngả vào lòng hắn, ngửa mặt chờ đợi. Hắn luồn tay qua gáy nâng đầu cô lên. Hai cặp môi từ từ chạm vào nhau. Người cô run rẩy, như lên cơn sốt. Cô với tay kéo kín chiếc ri đô. Trong giường, chỉ còn một thứ ánh sáng mờ ảo ...
    Họ ngồi dậy, cả hai đều ngượng ngập. Hắn chợt nhận ra trên tấm ga trải giường có một vệt đỏ. Hắn cảm thấy mình có tội, lại vừa thương vừa nể phục Linh. Linh đã phải chịu đựng và chịu đựng được suốt bằng ấy năm trời.
    Linh lại giàn giụa nước mắt. Cô nức nở, chẳng biết vì ân hận hay là vì hạnh phúc.

    Từ hôm ấy, thư từ giữa hắn với Linh phải nhờ địa chỉ của anh bạn thân, nơi mà hắn đang tá túc.
Hắn lại lên khi Linh mang thai được ba tháng. Linh bảo hắn:
    -    Thôi, từ nay Dũng đừng lên nữa, hãy quên hẳn Linh đi. Linh có tội với cô ấy. Dũng cần tập trung vào chăm lo cho gia đình. Hãy làm tất cả những gì có thể để bù đắp cho cô ấy.
    Nửa năm sau, Linh viết cho hắn một bức thư ngắn báo tin đã sinh con trai. Cuối thư Linh tái bút: "Báo để Dũng biết tin thôi. Linh nhắc lại: hãy quên Linh đi".
Dù vậy, hắn vẫn sắp xếp lên thăm con. Sao Linh có thể cấm hắn thăm con. Trông thấy hắn, Linh chạy ra chốt cổng lại, nói với hắn qua lỗ tò vò:
    -    Linh van Dũng. Dù rất cần Dũng nhưng Linh không thể để Dũng khổ theo. Dũng tốt lắm. Linh chỉ dám lợi dụng lòng tốt của Dũng một lần thôi. Linh không có quyền phá vỡ hạnh phúc gia đình Dũng. Nếu cứ đi lại, trước sau rồi chuyện cũng lộ ra, chỉ khổ cho Dũng mà thôi.  
Hắn đứng ngây người. Giọng Linh nghẹn lại:
    -    Em yêu anh!
    Rồi cô chạy vụt vào nhà, nằm vật xuống giường ôm lấy con rưng rức khóc.

    Nhưng muốn nói thế nào thì thực tế hiển nhiên là hắn đã có một đứa con với Linh, hắn coi như không làm sao được. Hắn có thể không gần Linh nữa nhưng còn con của hắn. Hắn phải coi nó như hai đứa con chính thức của mình. Mà làm gì có chuyện con chính thức với không chính thức? Nó cũng là giọt máu của hắn. Làm sao cùng do hắn sinh ra, hai đứa kia có đủ bố mẹ, được chăm bẵm, âu yếm, được dạy dỗ chu đáo còn đứa này thì không? Hắn không thể hèn nhát và nhất là hắn không thể tàn nhẫn.
    Nhưng làm thế nào bây giờ. Vợ hắn từ trước đến nay vẫn tin tưởng hắn tuyệt đối. Cô biết hắn không phải là người trăng hoa. Hắn sống đầy trách nhiệm với gia đình. Các con hắn tự hào về hắn, chúng luôn xem hắn là người cha mẫu mực.
    Nếu hắn nói ra, vợ hắn sẽ sốc, sẽ khủng hoảng. Các con hắn sẽ mất lòng tin. Những gì hắn dạy con từ trước đến nay, với chúng sẽ chỉ là những điều bịp bợm. Gia đình hắn sẽ tan nát. Mà không nói ra, lương tâm hắn sẽ bị giày vò trong suốt quãng đời còn lại.
    Hắn đem chuyện ra hỏi bạn. Bạn hắn giãy nảy lên:
    -    Mày có điên không đấy. Khối thằng "ăn nem chả", làm cho con người ta ễnh bụng ra rồi bỏ chạy, cãi bừa là chưa chắc đã phải là con nó. Còn mày thì không khảo mà xưng. Mày không tính đến hậu quả sao?
Hắn lắc đầu:
    -    Vẫn biết thế. Nhưng tao không thể. Mày nghĩ tao cũng cư xử như mấy thằng Sở Khanh chắc.

    Bây giờ thì hắn đã quyết rồi. Hắn sẽ nói hết với vợ. Nói với cả con hắn nữa. Chúng cần phải biết chúng còn một đứa em. Vợ hắn có thể bỏ hắn. Con hắn sẽ theo mẹ và chúng coi như không có bố. Nhưng thà chịu cho vợ con ghét bỏ chứ hắn không thể hèn. Và nhất là, hắn không thể nhẫn tâm chối bỏ giọt máu của hắn.
    Tối hôm ấy hắn ăn xong trước, pha sẵn chuyên nước rồi đợi vợ con ăn xong:
    -    Em và các con ra đây, anh có chuyện muốn nói.
    Hắn rót một chén nước đặt trước mặt vợ. Hắn châm một điếu thuốc để lấy bình tĩnh. Tay hắn run run, môi hắn lập bập. Rồi hắn khó nhọc kể cho vợ con nghe chuyện đã xảy ra ...
    Khác hẳn với những gì hắn tưởng tượng. Không có tiếng lu loa, đay nghiến bởi ghen tuông. Không có tiếng trách cứ của con cái. Một sự im lặng đến rợn người. Hắn chỉ thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má vợ và các con. Đột ngột, hai đứa con hắn đứng dậy chạy về phòng ngủ, nằm khóc thút thít. Vợ hắn vẫn ngồi bất động, cặp mắt nhìn vô định. Hình như cô vẫn không dám tin những gì hắn vừa nói ra.
    Từ hôm ấy, hắn trở thành người lạ trong chính ngôi nhà của mình. Hắn biết thần tượng của vợ con hắn đã sụp đổ một cách thảm hại. Hắn đi về như một cái bóng. Không một ai nói chuyện với hắn. Hắn có chủ động hỏi thường chỉ nhận được lời đáp được thu gọn đến mức tối đa. Hắn quyết định tìm chỗ khác ở tạm, vì vừa không chịu được sự cô lập, vừa muốn tránh đi để khỏi ngứa mắt vợ con hắn.

    Ở nhờ anh bạn được một tháng, hắn viết thư nói hết sự tình với Linh. Linh trả lời: "Khổ cho Dũng quá. Tất cả là tại Linh. Bây giờ mọi chuyện cô ấy và các cháu đã biết, chẳng còn gì để giấu. Dũng có thể lên thăm con".
    Hắn lên với con. Nhìn đứa bé khôi ngô, khỏe mạnh, giống hắn như đúc, hắn thấy nhẹ lòng đi đôi chút. Linh bảo: "Đến nước này, thì việc lên thăm con là tùy Dũng. Còn chúng mình, dù có chung với nhau một đứa con nhưng vẫn mãi mãi là bạn. Linh hiểu, chưa bao giờ Dũng có tình yêu với Linh. Dũng chỉ tốt thôi. Linh cũng đã viết thư cho cô ấy, nhận lỗi về mình tất cả và xin cô ấy tha thứ.
    Lần đầu tiên, hắn ở lại nhà Linh đến hôm sau để có nhiều thời gian chơi với con. Nhà có một chiếc giường, Linh phải lôi chiếc ghế gấp ra cho hắn nằm. Nửa đêm, Linh đến đổi chỗ cho hắn:
    - Dũng vào chơi với con một lúc, sớm mai phải đi rồi.
    Hắn vào giường, ngồi ngắm con qua ánh đèn ngủ. Lòng hắn nguôi ngoai đi phần nào. Rồi hắn nằm xuống đặt tay lên thằng bé, thiếp đi.

    Hôm sau trở về cơ quan, cậu nhân viên đưa cho hắn một bức thư:
    - Chị đến tìm anh, em bảo anh đi công tác. Chị gửi lại cho anh cái này.
    Hắn bóc thư ra đọc. Bức thư vỏn vẹn mấy chữ: "Anh về nhà đi. Đừng tự hành hạ mình như thế. Chủ nhật tới, anh đưa em lên thăm thằng bé. Rồi lúc nào nó cứng cát, anh bảo chị Linh đưa nó về để chị em chúng nhận nhau".


7/12/2010
Nguyễn Tường Thụy
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


THỬ HÌNH DUNG LUẬT NHÀ THƠ


Phiếm đàm

Kể cũng vui, trong khi những luật cấp thiết cho xã hội như Luật trưng cầu dân ý, Luật biển, Luật quản lý vốn kinh doanh, Luật biểu tình, Luật về sự lãnh đạo của Đảng đang còn gác lại thì người ta lại đưa vào dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13 Luật … nhà thơ.

Hay là do tình trạng thơ ca hiện nay phát triển như nấm sau mưa nên cần phải có luật để chế định. Ừ, mà có tình trạng như thế thật. Vị nào làm khỏe thì vài ba chục tập, ít thì dăm ba tập, cứ đề là thơ đã rồi nó có phải là thơ hay không thì tính sau. Vị nào không có tiền thì in thủ công vài chục cuốn tặng bạn bè mang về xếp vào tủ sách. Vị nào nghèo quá thì viết lên giấy ô ly học trò rồi dán lên cột, lên tường. Rồi thơ hay, thơ dở nhiều khi không biết đâu mà lần. Ông này bốc thơm ông kia, khen lấy khen để, ông khác nóng mắt chửi thứ ấy đếch phải là thơ mà nó là vè. Rồi còn danh hiệu nhà thơ nữa chứ. Có vị được đồng nghiệp hay độc giả suy tôn là nhà thơ, có vị tự xưng, in trên danh thiếp, thôi thì cứ loạn xì ngầu.

Nói như vậy để thấy rằng việc đưa vô chương trình xây dựng Luật nhà thơ không phải là hoàn toàn không cần thiết.

Mình chả phải đại biểu quốc hội, cũng chả phải luật sư nhưng vì đầu óc nhàn rỗi thành ra hay tưởng tượng nên cứ thử hình dung cái Luật nhà thơ sắp tới đây nó có hình thù như thế nào.

Đã gọi là Luật nhà thơ thì phải xác định thơ là gì đã. Việc này thì từ điển đã định nghĩa rồi: “Nhà thơ là người chuyên sáng tạo văn có vần để biểu thị hoặc gợi mở tình cảm bằng âm thanh, nhịp điệu, hình tượng”. Thế nhưng nhiều bài thơ tuy không có vần nhưng cũng hay đáo để. Vậy chắc quốc hội phải định nghĩa lại.

Giải quyết vấn đề thơ là gì xong, lại phải xác định ai được làm thơ. Điều này suy ra cũng đơn giản: nếu bác sĩ mới được chữa bệnh thì nhà thơ mới được làm thơ chứ không phải cứ cao hứng lên là làm bừa. Vậy lại phải đặt ra tiêu chuẩn thế nào là nhà thơ. Việc này khá rắc rối vì xưa nay chưa có chuyện cấp chứng chỉ nhà thơ cho ai cả. Vì thế phải sinh ra việc thi nhà thơ, chắc cũng na ná như thi lấy học vị thạc sĩ hay tiến sĩ vậy.

Sẽ có những khoa Nhà thơ, có hệ tại chức, chuyên tu thơ trong các trường đại học, sẽ lại có bằng nhà thơ giả, sẽ có việc mua bằng, sẽ có việc nhân viên đi thi thơ hộ sếp …

Vậy nội dung thi cái gì? Chắc ngoài yêu cầu hay thì thơ phải có định hướng XHCN. Lâu nay, nhiều người không dám nói thẳng ý nghĩ của mình nên dùng thơ móc máy, ví như làm thơ về con mọt để chỉ các quan tham nhũng, thơ viết về Gò Đống Đa để ám chỉ cụ Sầm Nghi Đống, nhắc đến ống đồng nhất định là nói về cái tư thế trốn chạy không mấy đẹp mắt của cụ Thoát Hoan. Mà mấy cụ ấy là cụ tổ ai thì người Việt nào cũng biết, trong khi ta cần giữ hòa khí với anh láng giềng 16/4. Vì thế nên cần có điều khoản thơ phải nói thẳng, cấm ẩn dụ, không để người đọc có thể suy diễn lung tung.

Thi nhà thơ xong rồi thì chỉ nhà thơ mới được làm thơ. Nhưng khổ nỗi những người trượt nhà thơ vẫn có cảm hứng thơ thì sao? Cảm xúc không thể hiện ra được thành thơ thì bí bách, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng công tác hoặc hạnh phúc gia đình. Vậy sẽ có điều khoản là không phải nhà thơ có thể làm thơ nhưng vẫn phải giữ định hướng và chỉ được chép trong sổ tay để đọc một mình (nếu thuộc luôn trong đầu thì càng tốt) không được in hay đăng lên mạng, không được phổ biến cho con cháu.

Cần có thêm qui định ai là người được phê bình thơ chứ không phải cứ có cặp mắt xanh là có thể phán. Lại phải thi để cấp chứng chỉ cho nhà phê bình thơ. Mọi chuyện kèm theo việc thi phê bình cũng diễn ra giống như thi thơ vậy.

Đã qui định về nhà thơ và làm thơ thì phải có chế tài. Sẽ có qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thơ, ví dụ công bố thơ khi không phải nhà thơ thì phạt bao nhiêu tiền. Trong Bộ luật hình sự có thêm tội danh “làm thơ ám chỉ”. Người nào làm thơ ám chỉ, nội dung không rõ ràng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, đi tù mấy năm đến mấy năm. Tình tiết tăng nặng như ám chỉ nhiều lần, ám chỉ có tổ chức thì tội nặng hơn.

Khi Luật nhà thơ ra đời  sẽ có thêm vụ mới: Vụ nhà thơ. Những nhà thơ nghiêm túc sẽ được đưa vào ngồi ở vụ này để canh các nhà thơ khác.

Cuối cùng thì kết quả của việc ra Luật nhà thơ là số người tự xưng nhà thơ sẽ không còn. Nhà thơ, nhà phê bình thơ thật, có tài dần dần biến mất. Trên các giá sách là những tập thơ định hướng kèm theo những bài bình bốc thơm. Giấy dùng in thơ tùm lum trước đó được đem ủng hộ học sinh hoàn cảnh khó khăn. Sẽ không còn chuyện trai làng dùng thơ để chim gái. Các diễn đàn thơ ngừng hoạt động hoặc rút vào bí mật. Các trại giam có thêm loại tù nhân mới là tù nhân thơ.

3/11/2011

TƯỜNG THỤY


Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

@Anh Tường Thuỵ:

Em rất thích cách đặt vấn đề nghiêm túc và bình luận vừa kinh điển, vừa hài hước, dí dỏm của anh.

Anh nghĩ thế nào khi một số thành viên trên Thi viện mình ghi trong phần tự giới thiều về nghề nghiệp của mình hai chữ:" Làm thơ" hoặc "Viết văn"?( Khi ở ngoài đời họ không phải là Hội viên  Hội nhà văn Việt Nam, thậm chí còn chưa phải là HV HVHNT cấp tỉnh, thành)
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

CHỚ ĐÙA VỚI...THƠ
Thái Sinh


Chàng thi sĩ cóc đang phổ nhạc bài thơ do mình sáng tác
Bác Thảo Dân cứ như người đi trên mây, kể từ lúc thằng Út mang về giấy phép xuất bản tập thơ Tình xuân núi Hài, nó còn thuê hoạ sĩ vĩa bìa, hình một thiếu nữa e ấp bên rặng tre cành vút cong, nửa vầng trăng mờ ảo sau màu tím của hoàng hôn. Gớm cái ông hoạ sĩ vẽ bìa lại đoán đúng ý bác thế, tuổi bác đã ngả chiều nhưng lại bắt đầu một tình thơ mới. Vầng trăng khuyết là sự mơ màng của thời thiếu nữ, thời tình xuân…
Bác mê mải ngắm nghía bìa tập thơ như thể đang khám phá một thế giới vô cùng vô tận của thi ca. Không biết chừng khi tập thơ của bác xuất hiện sẽ gây chấn động giới văn nghệ sĩ, hẳn nhiều người sẽ kinh ngạc bởi một nông dân chân đất mắt toét ở tít tận núi Hài lại có những bài thơ xuất thần như vậy. Hai ông kễnh trong giới truyền thông vừa xuất bản tập thơ đã được đồng nghiệp bốc thơm, cứ như là giải Nô- ben văn học năm tới sẽ rơi vào tay hai vị đó. Xin hai vị hãy đọc những câu thơ đồng quê có phải là vàng ròng được chắt ra từ rơm rạ của gã nhà quê này không nhá…Bác Thảo Dân cứ miên man với những suy nghĩ như vậy. Thằng Út chừng đoán được ý bác, nó hỏi:
- Bố định in mấy ngàn hay chỉ in vài trăm bản để biếu các cụ bô lão như kiểu người ta in thơ lên những vuông vải rồi thả lên trời như các nhà thơ vẫn làm vào Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu?
Bác Thảo Dân cười đầy tự mãn:
- Thơ của bố đâu để thả lên giời, nó sẽ thả vào tâm hồn mỗi người yêu thơ một nỗi niềm và sự rung cảm kỳ lạ về cái đẹp của núi Hài…
- Con hỏi rồi, nếu in giấy thông thường một ngàn bản nhà in tạm tính 25-30 triệu, nếu giấy tốt thì khoảng 35-40 triệu…
Nghe thế, bác Thảo Dân giãy nảy:
- Giá in mà đắt vậy à? Nhưng chẳng sao, cũng chỉ bằng tao bán dăm chục con ba ba giống thôi. Để tao tham vấn ý kiến lão Cò trước đã…
Nói rồi bác Thảo Dân lật đật cầm tập bản thảo thơ cùng giấy phép in đến thẳng nhà lão Cò. Sau khi ngắm nhìn bìa tập thơ một lát, lão Cò mỉm cười, nụ cười bí ẩn lắm. Bác Thảo Dân hơi chột dạ hỏi:
- Lão cười gì thế? Để lấy được giấy phép tôi đã tốn hơn chục triệu thuê vẽ bìa, trả công biên tập, chạy giấy phép nhà xuất bản. Thơ của tôi có chất lượng nghệ thuật người ta mới cấp giấy phép cho in, chứ đâu phải ca dao hò vè?
Lão Cò hút liền mấy điếu thuốc cười lục khục trong cổ rồi chậm rãi:
- Sắp có Luật Thơ rồi, đất nước mình những năm vừa qua in văn thơ tràn lan, ai có tiền là in, mặc dù thơ chẳng ra thơ, ca dao hò vè chẳng ra ca dao hò vè. Thơ không có tội, nhưng nó lại gây ra tình trạng phá rừng. Để có giấy in thơ, họ phải chặt cây rừng để làm ra giấy, thơ văn in càng nhiều thì rừng càng bị tàn phá. Mà Luật Thơ nghiêm lắm, không chỉ phạt tác giả những câu thơ chẳng ra thơ mà những câu thơ ấy tác động xấu tới xã hội, môi trường thì tội còn to nữa. Ví như thơ của bác nói về Tình Xuân núi Hài, đám trẻ đọc xong yêu nhăng nhít, vi phạm Luật Hôn nhân thì bác cũng bị liên luỵ…
- Trời, thế thì nhiều nhà thơ phải vào trại giam, các nhà thơ: Nguyễn Du, Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương…chắc phải vào tù hết?
- Đúng như vậy. Mọi công dân sống và làm theo pháp luật, dù chết rồi mà thơ họ phạm luật thì cũng phải quật mả lên cho vào tù. Luật Thơ là thế bác ạ…
Bác Thảo Dân mặt xanh xám, thở dài:
- Thế thì dân tộc Việt Nam ơi, xin mọi người chớ dại làm thơ…

Thứ bảy ngày  5/11/2011
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Tường Thụy đã viết:

THỬ HÌNH DUNG LUẬT NHÀ THƠ


Phiếm đàm

Kể cũng vui, trong khi những luật cấp thiết cho xã hội như Luật trưng cầu dân ý, Luật biển, Luật quản lý vốn kinh doanh, Luật biểu tình, Luật về sự lãnh đạo của Đảng đang còn gác lại thì người ta lại đưa vào dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13 Luật … nhà thơ.

Hay là do tình trạng thơ ca hiện nay phát triển như nấm sau mưa nên cần phải có luật để chế định. Ừ, mà có tình trạng như thế thật. Vị nào làm khỏe thì vài ba chục tập, ít thì dăm ba tập, cứ đề là thơ đã rồi nó có phải là thơ hay không thì tính sau. Vị nào không có tiền thì in thủ công vài chục cuốn tặng bạn bè mang về xếp vào tủ sách. Vị nào nghèo quá thì viết lên giấy ô ly học trò rồi dán lên cột, lên tường. Rồi thơ hay, thơ dở nhiều khi không biết đâu mà lần. Ông này bốc thơm ông kia, khen lấy khen để, ông khác nóng mắt chửi thứ ấy đếch phải là thơ mà nó là vè. Rồi còn danh hiệu nhà thơ nữa chứ. Có vị được đồng nghiệp hay độc giả suy tôn là nhà thơ, có vị tự xưng, in trên danh thiếp, thôi thì cứ loạn xì ngầu.

Nói như vậy để thấy rằng việc đưa vô chương trình xây dựng Luật nhà thơ không phải là hoàn toàn không cần thiết.

Mình chả phải đại biểu quốc hội, cũng chả phải luật sư nhưng vì đầu óc nhàn rỗi thành ra hay tưởng tượng nên cứ thử hình dung cái Luật nhà thơ sắp tới đây nó có hình thù như thế nào.

Đã gọi là Luật nhà thơ thì phải xác định thơ là gì đã. Việc này thì từ điển đã định nghĩa rồi: “Nhà thơ là người chuyên sáng tạo văn có vần để biểu thị hoặc gợi mở tình cảm bằng âm thanh, nhịp điệu, hình tượng”. Thế nhưng nhiều bài thơ tuy không có vần nhưng cũng hay đáo để. Vậy chắc quốc hội phải định nghĩa lại.

Giải quyết vấn đề thơ là gì xong, lại phải xác định ai được làm thơ. Điều này suy ra cũng đơn giản: nếu bác sĩ mới được chữa bệnh thì nhà thơ mới được làm thơ chứ không phải cứ cao hứng lên là làm bừa. Vậy lại phải đặt ra tiêu chuẩn thế nào là nhà thơ. Việc này khá rắc rối vì xưa nay chưa có chuyện cấp chứng chỉ nhà thơ cho ai cả. Vì thế phải sinh ra việc thi nhà thơ, chắc cũng na ná như thi lấy học vị thạc sĩ hay tiến sĩ vậy.

Sẽ có những khoa Nhà thơ, có hệ tại chức, chuyên tu thơ trong các trường đại học, sẽ lại có bằng nhà thơ giả, sẽ có việc mua bằng, sẽ có việc nhân viên đi thi thơ hộ sếp …

Vậy nội dung thi cái gì? Chắc ngoài yêu cầu hay thì thơ phải có định hướng XHCN. Lâu nay, nhiều người không dám nói thẳng ý nghĩ của mình nên dùng thơ móc máy, ví như làm thơ về con mọt để chỉ các quan tham nhũng, thơ viết về Gò Đống Đa để ám chỉ cụ Sầm Nghi Đống, nhắc đến ống đồng nhất định là nói về cái tư thế trốn chạy không mấy đẹp mắt của cụ Thoát Hoan. Mà mấy cụ ấy là cụ tổ ai thì người Việt nào cũng biết, trong khi ta cần giữ hòa khí với anh láng giềng 16/4. Vì thế nên cần có điều khoản thơ phải nói thẳng, cấm ẩn dụ, không để người đọc có thể suy diễn lung tung.

Thi nhà thơ xong rồi thì chỉ nhà thơ mới được làm thơ. Nhưng khổ nỗi những người trượt nhà thơ vẫn có cảm hứng thơ thì sao? Cảm xúc không thể hiện ra được thành thơ thì bí bách, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng công tác hoặc hạnh phúc gia đình. Vậy sẽ có điều khoản là không phải nhà thơ có thể làm thơ nhưng vẫn phải giữ định hướng và chỉ được chép trong sổ tay để đọc một mình (nếu thuộc luôn trong đầu thì càng tốt) không được in hay đăng lên mạng, không được phổ biến cho con cháu.

Cần có thêm qui định ai là người được phê bình thơ chứ không phải cứ có cặp mắt xanh là có thể phán. Lại phải thi để cấp chứng chỉ cho nhà phê bình thơ. Mọi chuyện kèm theo việc thi phê bình cũng diễn ra giống như thi thơ vậy.

Đã qui định về nhà thơ và làm thơ thì phải có chế tài. Sẽ có qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thơ, ví dụ công bố thơ khi không phải nhà thơ thì phạt bao nhiêu tiền. Trong Bộ luật hình sự có thêm tội danh “làm thơ ám chỉ”. Người nào làm thơ ám chỉ, nội dung không rõ ràng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, đi tù mấy năm đến mấy năm. Tình tiết tăng nặng như ám chỉ nhiều lần, ám chỉ có tổ chức thì tội nặng hơn.

Khi Luật nhà thơ ra đời  sẽ có thêm vụ mới: Vụ nhà thơ. Những nhà thơ nghiêm túc sẽ được đưa vào ngồi ở vụ này để canh các nhà thơ khác.

Cuối cùng thì kết quả của việc ra Luật nhà thơ là số người tự xưng nhà thơ sẽ không còn. Nhà thơ, nhà phê bình thơ thật, có tài dần dần biến mất. Trên các giá sách là những tập thơ định hướng kèm theo những bài bình bốc thơm. Giấy dùng in thơ tùm lum trước đó được đem ủng hộ học sinh hoàn cảnh khó khăn. Sẽ không còn chuyện trai làng dùng thơ để chim gái. Các diễn đàn thơ ngừng hoạt động hoặc rút vào bí mật. Các trại giam có thêm loại tù nhân mới là tù nhân thơ.

3/11/2011

TƯỜNG THỤY


Bác Thuỵ nói hay nhỉ. Em chuẩn bị rút lui thôi, chứ không thì lường sao được bác nhỉ?

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Tường Thụy đã viết:

NGHỀ VÀ NGHIỆP


Đôi khi, thấy có người kê khai vào mục nghề nghiệp: Làm thơ.
Nếu là “làm thơ” thì tôi muốn bỏ chữ nghề đi, chỉ nên để chữ nghiệp thôi.
Từ điển thì định nghĩa: nghiệp là nghề làm ăn. Mặc dù có nhiều người hay dẫn từ điển để bảo vệ cho một ý kiến nào đó nhưng tôi không thích hiểu nghề nghiệp theo nghĩa từ điển nêu. Nghề nghiệp là một từ ghép nên hai chữ ấy hẳn phải mang ý nghĩa nào đó khác nhau.  Nhưng tôi không bàn về chữ nghĩa mà mục đích chỉ bàn về việc làm thơ.
Vì vậy, tôi lý giải theo kiểu riêng: nghề là một công việc của một người mà người đó phải am hiểu, thậm chí phải tinh thông. Nghề mang lại cho người ta nguồn thu nhập để đảm bảo sống và làm việc.
Còn  nghiệp ở khía cạnh nào đó chung nghĩa với nghề nhưng nó là cái gì đó đeo bám dai dẳng suốt đời. Nó làm cho người ta đam mê, giải tỏa những bức xúc về tinh thần. Lại cũng có khi nó hành hạ con người, làm cho con người khốn khổ nhưng người ta lại không bỏ nó. Vì vậy mới có chữ nghiệp chướng.
Một người làm nghề dạy học thì phải có lương. Nhưng khi ông về hưu thì lại không có điều kiện hoặc không muốn mở lớp thu học phí trong khi nhu cầu dạy học của ông vẫn có. Thế là ông dạy không công cho những học sinh có nhu cầu, thậm chí còn phải mời mọc. Vì ông nhớ nghề và ông muốn truyền bá sự hiểu biết của mình cho thế hệ sau. Lúc này, nghề của ông trở thành nghiệp.
Vậy nên, tôi không cho thơ là một nghề. Đành rằng có nhà thơ nằm trong biên chế nhà nước được trả lương nhưng Nhà nước trả lương cho anh ta không phải để anh ta làm thơ mà bắt anh ta làm một nghề nào đó như biên tập, dịch sách chẳng hạn.
Còn những nhà thơ không thuộc biên chế nhà nước thì phải sống bằng những nghề như kinh doanh, làm ruộng, chạy xe ôm … Nếu chỉ làm thơ thôi thì không thể có thu nhâp. Anh không thể bỏ vốn in thơ bán lấy lãi. Và cũng chẳng một nhà kinh doanh đơn thuần nào lại dại dột đầu tư vào anh ta, bỏ tiền ra in thơ cho anh ta hòng kiếm lợi nhuận.
Thế mà anh ta vẫn viết, vẫn đam mê, chịu mang tiếng là hâm, là lẩn thẩn, chưa kể bao rắc rối kèm theo. Với anh, nếu không làm thơ thì đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Người ta bảo, đó là cái nghiệp nó hành anh.

Từ suy nghĩ trên, tôi viết bài "Nghiệp thơ"

NGHIỆP THƠ

Thơ anh xếp ở bên đàng
Tặng người không đắt, dại quàng vào thân
Bán ra mấy cắc một vần
Mà mong đổi lấy bạc gần vàng xa.

Đành đem về cất góc nhà
Rồi quăng bút, sợ người ta chê cười
Sợ thêm tai họa vào người
Bấy nhiêu chưa khổ một đời hay sao.

Có cơn gió mới xôn xao
Mang theo em tự phương nào tới đây
Tìm thơ anh, đọc khen hay
Em yêu từng chữ em say từng lời.

Chắc là em động viên thôi
Mà sao lại thấy bồi hồi trong tim
Hình như mình cũng thích khen
Muốn đem thơ đổi từ em nụ cười.

Nghiệp gì đeo mãi không thôi
Anh ra nhặt bút lại ngồi làm thơ.

22/4/2010
NTT
Đọc bài này của bác, tự dưng em muốn tâm sự mấy câu. Có gì sai kính mong bác đại xá, đại lượng thứ!

Ngày xưa tuổi nhỏ chăn bò
Bò ăn, bò lớn, người hò đến mua.
Ngày nay lớn tướng chăn thơ
Thơ ăn, thơ bở, chẳng mơ gác chùa...

Bác TT tha tội bất kính cho em nhé. Xin được làm quen với bác.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


DÂN CHỦ THỤT LÙI?



    Tôi đang nghiên cứu “Tư bản” để thấy hết sự xấu xa của nó thì ông bạn cựu chiến binh đến chơi. Chưa kịp chào hỏi nhau câu nào, gã đã nói:

    -    Thôi chết rồi ông ạ …

    Tôi cố tỏ ra điềm đạm, bảo gã:

    -    Có gì mà ông phải hoảng hốt như thế. Cứ ngồi uống nước cái đã.

    Gã tìm cách đặt cái mông teo tóp lủng củng những xương là xương xuống ghế, loay hoay lựa cách ngồi thế nào cho đỡ đau.

   Tôi đẩy cốc nước chè vừa hâm lại về phía gã. Gã bắt buộc phải nhấp một ngụm rồi lại đặt xuống:

    -    Không hoảng hốt sao được. Dân chủ nước ta đang đi xuống rất trầm trọng …

    Đến lượt tôi hoang mang:

    -    Dân chủ nước ta đang đi xuống? Ông nói cái gì lạ vậy?

    Gã có vẻ đắc chí với phát hiện mới của gã:

    -    Không những đi xuống mà còn tụt dốc rất nhanh là đằng khác. Bây giờ chỉ còn 1 phần trăm so với trước.

    Tôi nhìn gã nghi kỵ. Chắc đầu óc gã có vấn đề. Hay là gã đã bị thế lực thù địch nào đó diễn biến hòa bình?

    Tôi sốt ruột:

    -    Thì ông nói huỵch toẹt ra xem nào. Cứ dấm da dấm dứ …

    -    Thế ai bảo ông chẹn họng tôi, không cho tôi nói?

    Rồi gã hạ giọng, thì thào, ra vẻ quan trọng lắm:

    -    Ông đọc “thằng” Trương Duy Nhất sáng nay chưa?

    -    Chưa.

    Tự nhiên gã văng tục:

    -    Thảo nào ông đ biết gì cả.

    Rồi gã đến máy tính, bật lên, bấm bấm một hồi. Đến blog Trương Duy Nhất, gã dừng lại:

    -    Ông đọc đi. Bài của bà Nguyễn Thị Doan ấy.

    Gã về chỗ, nhường ghế cho tôi. Gã dặn:

    -    Bài viết loằng ngoằng lắm, ông đọc hết cũng đ hiểu gì đâu. Đọc chỗ đo đỏ thôi.

    Tôi kéo con trỏ xuống tìm đoạn tô màu đỏ, thấy viết: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.

    Tôi đọc lại mấy lần cũng chẳng hiểu tại sao từ câu này, gã suy luận ngược lại là dân chủ nước ta thụt lùi:

     -    Đoạn này là bà Doan ca ngợi nền dân chủ nước ta đấy chứ. Tôi chẳng thấy chỗ nào bà ấy nói đến thụt lùi cả.

    Gã cáu:

   -    Ông ngu bỏ mẹ. Ngày xưa đi học, sách dạy chế độ dân chủ vô sản cao gấp triệu lần dân chủ tư sản. Bây giờ chỉ còn vạn lần thôi. Như thế chả thụt đi 100 lần là gì?

    Đến lượt tôi chửi lại gã:

    -    Có mà ông ngu thì có. Vạn hay triệu thì cũng là nhiều lần hơn chúng nó. Bà Doan mà viết triệu lần chẳng hóa ra bà ấy sao chép của Lê Nin à. Cái sáng tạo của người lãnh đạo là ở chỗ đó. Có thế bà ấy mới làm được phó chủ tịch nước chứ. Chả trách ông mấy chục vết thương trên người mà chỉ làm đến phó thường dân.

08/11/2011

TƯỜNG THỤY

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


XIN ÔNG ĐỪNG LÀM VIỆC QUÁ SỨC


Theo Nhật báo Trung ương Joseon, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của ông Kim Jong-il, “thống soái vĩ đại” của Triều tiên là “mệt mỏi tích tụ vì làm việc quá sức.”

Truyền hình Triều Tiên cũng cho biết, cơn đau tim cướp đi sinh mạng của lãnh tụ Kim Jong-il hôm 17 tháng 12 là “vì sự căng thẳng khắc nghiệt về thể chất cũng như tinh thần do làm việc quá sức”.

Với dân đen thì chết ở tuổi 69 đã là thọ. Nhưng với ông, độ tuổi ấy còn trẻ lắm. Ông phải bỏ lại danh vọng, quyền lực với cuộc sống đầy dục vọng, có thể chiếm hữu bất cứ cô gái đẹp nào ông thích. Thật tiếc cho ông.

Nhưng ông làm việc quá sức để làm gì nhỉ

Ông làm việc quá sức để biến Triêu Tiên thành một quốc gia cô lập với thế giới bên ngoài. Không có Internet, mọi thông tin ngoài biên giới người dân đều mù tịt, chỉ biết đến mỗi “lãnh tụ vĩ đại”. Ông tuyên truyền cho dân thế nào mà người ta tin rằng dòng họ Kim là dòng họ đặc biệt, đến nỗi họ tin cả chuyện cha con ông không hề tiểu tiện như người bình thường. Điều này có nghĩa, ông đừng làm việc quá sức thì đầu óc người dân đỡ tối tăm hơn, số hóa thành người-cừu cũng bớt đi.

Ông làm việc quá sức để lo phát triển công nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí hạt nhân đe dọa các nước chơi, lại còn lấy đó để mặc cả xin gạo, bột mì của Nhật Bản, Hàn Quốc, mặc cả với Mỹ để được không nhà máy điện hạt nhân, nếu không,  tất cả cùng chết. Ông đắp đập nối các quả núi lại làm hồ chứa nước khổng lồ để nếu tức lên cho phá đập, nước sẽ cuốn phăng thủ đô Xê-un trong tích tắc. Dưới con mắt của thế giới, quốc gia mà ông lãnh không khác gì thằng Chí Phèo ở Việt Nam. Điều này có nghĩa, ông đừng làm việc quá sức thì hình ảnh đất nước ông bớt xấu xa đi.

Cũng chính vì ông mải mê với súng đạn, phấn đấu đưa nước ông thành cường quốc quân sự nên đồng ruộng ông bỏ bê trễ. Sản lượng lương thực mỗi năm thêm tụt dốc dẫn đến 2,8 triệu người dân chết đói. Điều này có nghĩa, ông đừng làm việc quá sức thì số người chết đói sẽ giảm đi.

Ông làm việc quá sức để đào ngạch qua khu phi quân sự hòng đột nhập gây rối người anh em bên kia giới tuyến. Ông còn đào đường hầm từ Bình Nhưỡng đến tận hải cảng Namp’o thuộc duyên hải Hoàng Hải để dễ bề tẩu thoát khi có biến. Giá tiền khoét ngạch mang đi mua gạo cứu dân thì cũng bớt đi khá nhiều người chết đói.

Ông làm việc quá sức để in tem phiếu phát cho mỗi người dân từng lạng gạo, từng gam thịt chứ nhất định không cho phát triển kinh tế hàng hóa. Điều này có nghĩa nếu ông không làm việc quá sức thì người dân bớt đi những ngọn đèn dầu, ngọn nến để đối phó với mấy chục lần mất điện trong một ngày.

Còn nhiều lý do để ông Kim Jong-il làm việc quá sức. Kết quả của sự làm việc quá sức của ông đã biến Triều Tiên thành một quốc gia quái đản như loài người từng thấy.

Nhân đây xin có lời nhắn gửi tới những vị lãnh đạo, những ông quan nào vừa kém năng lực, vừa tham lam vô độ cũng chớ nên làm việc quá sức cho dân nhờ. Nạn tham nhũng, sách nhiễu dân, đốt tiền ngân sách, chà đạp lên pháp luật … đều từ các ông mà ra cả. Nếu không làm việc thì càng tốt. Vì năng lực các ông không đủ tự kiếm sống nên các ông hãy cứ ngồi đấy mà hưởng lương, chớ có làm việc, càng không nên làm việc quá sức.


26/12/2011

NTT
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tường Thụy đã viết:

Nhân đây xin có lời nhắn gửi tới những vị lãnh đạo, những ông quan nào vừa kém năng lực, vừa tham lam vô độ cũng chớ nên làm việc quá sức cho dân nhờ. Nạn tham nhũng, sách nhiễu dân, đốt tiền ngân sách, chà đạp lên pháp luật … đều từ các ông mà ra cả. Nếu không làm việc thì càng tốt. Vì năng lực các ông không đủ tự kiếm sống nên các ông hãy cứ ngồi đấy mà hưởng lương, chớ có làm việc, càng không nên làm việc quá sức.

"Đừng thấy điều hại nhỏ mà làm, đừng thấy điều tốt nhỏ mà bỏ qua!"
Khổng Tử

Điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là một việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ!
Hồ Chí Minh



Đã trái thì không làm, nói gì đến quá sức
Đã phải thì phải làm, hết sức cũng chưa xong.
Còn như đã chẳng biết đến chính, liêm, sỉ, nhục
Thì thật giả trộn bất phân, phải trái đánh lộn sòng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

Ngày 11/01/2012

THƯ GỬI CON GÁI TRỊNH KIM TIẾN

http://upnhanh.sieuthinhanh.com/tmpimages/images/sieuthiNHANH201201121102yti4m2nkyz10973.jpeg

Kim Tiến, con gái của ba;

Cuối cùng thì phiên tòa xử kẻ đánh chết cha con vẫn phải mở. Sự chậm trễ này, ba nghĩ người ta còn xin ý kiến, còn bàn bạc làm sao vừa nhẹ tay đối với kẻ thủ ác, vừa giữ được hình ảnh tốt đẹp của lực lượng gọi là công an nhân dân, vừa xoa dịu được dư luận. Gần một năm qua, con vất vả trên hành trình tìm công lý cho cha con. Ba chưa vội chúc mừng con vì còn phụ thuộc vào kết quả phiên tòa nhưng dẫu sao đây cũng là kết quả ban đầu nhờ vào sự nỗ lực của con trong gần một năm qua. Mà mừng làm sao được con, khi có thêm một người lâm vào cảnh tù tội nhưng không thể bỏ qua vì yêu cầu bảo vệ pháp luật. Hẳn con biết chuyện cụ Hồ đã từng gạt lệ khi ký bản án tử hình một cán bộ quân đội trong vở kịch “Đêm trắng”.

Ba biết, con cũng như ba, chẳng sung sướng gì khi kẻ đánh chết cha con phải chịu một lời tuyên án nặng nề. Nhưng rồi lại bị tâm lý giằng xé. Khi người ta đánh cha con, họ có nghĩ đến sự đau đớn của cha con không? Khi ngăn cản con cho cha ăn, khi không cho gia đình đưa cha con đi bệnh viện, khi cha con vào viện, tay còn phải đeo còng, khi nói với bác sĩ cha con là tội phạm … thì họ có chút nhân tính nào không? Mà kể chi đến nhân tính, họ bất chấp tất cả từ khi cha con nguy kịch đến tính mạng cho đến khi chết, có nghĩa là họ thách thức cả pháp luật.

Nhưng điều quan trọng hơn là, con muốn pháp luật phải được thực thi, oan khuất của cha con được sáng tỏ. Con muốn trên đời này không còn ai phải chịu nỗi đau mất cha, mất người thân bởi những kẻ coi thường pháp luật. Con không muốn tai họa xảy ra đến với gia đình con còn có thể xảy ra đối với những gia đình khác. Một bản án nghiêm minh, đúng pháp luật mới có thể răn đe những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hành hạ dân. Chỉ có bản án nghiêm minh, công bằng thì pháp luật mới được tôn trọng.

Ba hiểu, việc đòi hỏi công lý của con không xuất phát từ sự hận thù. Điều đó khiến ba tôn trọng và nể nang con.

Ba rất đau buồn và thất vọng trước hiện thực xã hội. Pháp luật đang bị chà đạp một cách trắng trợn. Cha con chỉ là một trong số hàng chục nạn nhân bị chết khi rơi vào tay công an trong mấy năm gần đây. Lối hành xử với dân của công an và những người có chức quyền ngày càng mang nặng tính bạo lực, coi thường luật pháp. Vì sao chúng có thể ngang ngược, lộng hành đến như thế? Ba đã trải qua gần chục năm khiếu kiện với nhiều vụ việc, của ba có, của bà con cùng sống chung một dải đất với ba có. Ba từng gặp những kẻ gọi là đầy tớ của dân trâng tráo, chây ỳ, vô liên sỉ vô cùng. Trong các vụ ba theo đuổi, chính quyền, cơ quan tư pháp làm hết sức bậy bạ nhưng chưa có khi nào nhận sai về mình. Đó là ba nói về những công văn trả lời, còn đa phần, họ lờ đi vì không biết bênh vực cho cấp dưới như thế nào.

Cũng qua quá trình đi khiếu kiện, ba hiểu sở dĩ chúng dám như thế là vì chúng được cả một hệ thống bao che rất chặt chẽ từ trên xuống dưới, không làm gì được.

Con gái thương yêu;

Hai mươi tuổi, con đã phải gánh lên vai trách nhiệm của người chủ gia đình vì mẹ con quá đau đớn trước cái chết của cha con, tinh thần không còn đủ tỉnh táo. Lẽ ra tuổi con là tuổi yêu đương, tuổi học hành, tuổi vui chơi với bạn bè, tuổi còn được cha mẹ chiều chuộng không phải lo lắng gì. Thế mà, con vừa phải chất lên vai những việc cha con đang làm dở, vừa lo đi tìm công lý cho cha.

Con và các em con trở thành những đứa trẻ mồ côi, mẹ con trở thành người đàn bà góa bụa, bà con hơn 90 tuổi lâm vào cảnh “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời”. Trong khi đó, các con đẻ của ba có đầy đủ bố mẹ, được bố mẹ săn sóc từng ly từng tí, mặc dù chúng còn lớn tuổi hơn con. Điều đó khiến ba thương con vô cùng, một tình thương xa xót, đau đớn.

Khi gặp nhau, con gọi ba, ba gọi con rất tự nhiên, như là một sự sắp đặt của thượng đế dành cho những kẻ khốn khổ, nạn nhân của sự lộng hành, coi thường phép nước. Mà cũng lạ con ạ, không biết có xảy ra ở nơi nào nữa không chuyện những người là nạn nhân của công an, của chính quyền tự nhiên trở thành đối tượng bị theo dõi, thậm chí bị coi là phản động tới mức đi ăn sáng cũng có kẻ cập kè theo dõi. Có còn ở nơi nào nữa không hở con?

Ba không sinh ra con, ba cũng không nuôi con được ngày nào. Ba là một cựu chiến binh về hưu sớm, không có điều kiện giúp con về vật chất. Ba cũng chưa bao giờ mua được món quà nào tặng con. Nhưng ba biết, cha con mất đi, con thèm một tiếng gọi cha như thế nào. Làm sao có thể đem cha về cho con? Vậy thì tiếng con gọi ba, ít ra cũng lấp đi cho con một khoảng nào đó hụt hẫng, dù là phần nghìn, phần vạn. Ngược lại, về phía ba, ba muốn che chở, an ủi con với hy vọng bù đắp cho con phần nào nỗi đau mất cha, dù cũng chỉ là phần nghìn, phần vạn.

Khi nhập ngũ, ba đã từ bỏ tất cả kể cả gác lại giấy gọi đi du học nước ngoài để làm nghĩa vụ công dân. Trở về sau chiến tranh, ba không có thần thế gì. Nói rõ hơn là ba cũng có anh em, bạn bè có chức có quyền nhưng lối sống, lối nghĩ của họ khiến cho ba không thể đồng hành vì ba là người có liêm sỉ. Ba chỉ có ngòi bút với tiếng nói trung thực thốt ra từ trái tim biết yêu, biết ghét.

Cái chết của cha con đã làm cho con thức tỉnh các vấn đề xã hội. Rồi ba con mình gặp nhau trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Qua đó, ba thấy con cứng cát lên rất nhiều. Ý thức, trách nhiệm công dân của con cũng được nâng lên. Trước hết là trách nhiệm đối với Tổ quốc, tiếp theo là trách nhiệm đối với nỗi thống khổ của đồng bào là nạn nhân của bạo lực, của áp bức, bất công.

Con còn trẻ lắm. Ba không dám đòi hỏi con nhiều về sự chín chắn. Làm sao có thể đòi hỏi con về những điều mà phải nhiều chục năm nữa con mới thấu. Các con đẻ của ba cũng thế thôi. Nhưng ba biết, con có những suy nghĩ mà lứa tuổi hai mươi như con không dễ gì có được. Từ trong đau khổ, con vụt đứng dậy, sáng chói. Con biết vượt lên chính mình, biết vượt qua nỗi sợ hãi, biết bất bình khi công lý chưa tới được những người dân thấp cổ bé họng. Con có tuổi trẻ để hành động một cách thông minh và khôn ngoan. Con có những điều mà khi còn ở tuổi con, ba không có được.

Ba tin rằng, con sẽ đóng góp sức mình một cách có hiệu quả trong việc đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cho công bằng xã hội.

Con gái yêu quí. Hãy cứ gọi ba như thế con nhé. Con hãy cất lên tiếng “ba ơi” để nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau mất cha. Con hãy cứ gọi “ba ơi” để nhắc nhở ba luôn giữ bầu máu nóng đối với những nạn nhân của sự bạo quyền. Ba mong một bản án nghiêm minh trong vụ xử ngày 13/1 này để linh hồn cha con được siêu thoát, để pháp luật được thượng tôn.

Ba và những người yêu Công lý và Sự thật luôn ở bên con -  Kim Tiến, con gái yêu quí của ba ạ.

Ba của con
Nguyễn Tường Thụy.
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] ›Trang sau »Trang cuối