@ Shrek: Bắt gặp bác đang làm ban lễ tân (thay thế HuongNhu bận đi buôn bom), nên mừng bác một phát.
Chằn tinh Shrek tròn 10 tuổi
Ngày xửa ngày xưa, tại một vùng đất xa ơi là xa, có những câu chuyện cổ tích. Những hoàng tử dũng cảm giết chết những con rồng và cứu những thiếu nữ xinh đẹp. Các nàng công chúa và trinh nữ chờ đợi các hiệp sĩ dũng cảm và tình yêu đích thực. Người tốt thì đẹp đẽ, kẻ ác luôn xấu xí...
Nhiều thế hệ đã lớn lên và trưởng thành từ những câu chuyện cổ tích được kể bằng những thước phim đầy cảm xúc ngọt ngào. Hãng Walt Disney đã thống trị thế giới cổ tích suốt thế kỷ 20. Nhưng mọi chuyện quay ngoắt 180 độ trong năm đầu tiên của thế kỷ XXI… Một gã chằn tinh có làn da xanh lè xưng tên là Shrek, thân hình và mặt mũi thấy sợ xuất hiện và đẩy vương quốc cổ tích vào tình trạng oái oăm: Các chàng hoàng tử đẹp trai bị nhạo báng, các thiếu nữ gặp nguy nan phải tự cứu lấy thân, còn rồng, hung thần trong chuyện cổ tích trở thành loài tử tế đáng yêu… Mọi thứ trong chớp mắt đều bị đảo lộn hết thảy!
Khi kẻ… phản cổ tích xuất hiện! Có thể nói, chằn tinh Shrek là nhân vật sinh sau đẻ muộn trong thế giới cổ tích. Nó xuất hiện lần đầu năm 1990 trong sách tranh dành cho trẻ em mang tên Shrek!, với câu chuyện về một gã chằn tinh xấu xí thô kệch có nước da xanh lè, thực hiện sứ mạng cứu công chúa thoát khỏi lâu đài bị một con rồng lửa giam hãm. Điều khôi hài khác hẳn các chuyện cổ tích trước nay là nàng công chúa được cứu ra… còn xấu xí hơn cả Shrek!
Cha đẻ của Shrek là William Steig, một họa sĩ chuyên vẽ tranh bìa minh họa và sáng tác truyện tranh cho trẻ em. Ông tạo ra nhân vật Shrek khi đã 83 tuổi. Tên Shrek có nguồn gốc từ tiếng Đức: Shreck, nghĩa là kinh hoàng hay xấu xí, còn trong tiếng Yiddish nghĩa là quái vật. Cuốn
Shrek! đã đoạt giải
Sách trẻ em hay nhất trong năm của tuần báo Publishers Weekly và
Sách hay nhất trong năm của nhật báo School Library Journal.
Dù truyện được khá nhiều trẻ em yêu thích và đạt được một số thành tựu truyền thông, nhưng chẳng một hãng phim nào nghĩ đến chuyện sẽ đưa Shrek lên màn ảnh. Lý do: Quá nhiều câu chuyện cổ tích hay còn chưa được lên phim, hà cớ gì phải đưa một nhân vật xấu xí, còn non tuổi đời như Shrek lên màn bạc? Cuối năm 1994, hãng phim DreamWorks được thành lập và một trong ba đồng sáng lập hãng là Jeffrey Katzenberg, cựu chủ tịch hãng Walt Disney, quá hiểu sức mạnh hốt bạc của phim hoạt hình, cho mua rất nhiều câu chuyện và ý tưởng với giá rẻ để sau này đưa lên màn ảnh, trong số đó có Shrek.
Năm 1995, khi Toy Story mở màn kỷ nguyên phim hoạt hình kỹ thuật số với thành công làm kinh động thế giới, thì năm 1996 Jeffrey Katzenberg cũng âm thầm khởi động dự án phim hoạt hình kỹ thuật số đầu tiên cho hãng DreamWorks. Cả Hollywood ngã ngửa khi biết Katzenberg chọn nhân vật Shrek để làm. 60 triệu đô-la Mỹ được bỏ ra sản xuất trong sự hồi hộp, nghi ngờ, dè bỉu chê bai, bởi hầu như ai cũng đều cho Shrek như một kẻ… phản cổ tích! Chưa ai dám làm một vai chính cổ tích mà xấu xí như vậy, nhất là phim hoạt hình!
Cầu kỳ và công phu Diễn viên Chris Farley được chọn lồng tiếng cho Shrek và đã thu âm được ít nhất nửa phần thoại, đột ngột qua đời trước khi dự án hoàn tất. Sau này dấu hiệu air quote (hai tay với ngón tay để hình chữ V rồi cùng đưa xuống theo chiều dọc) của Shrek trong phim là một sự tôn kính Farley (nhân vật Bennett Brauer của anh trong chương trình Saturday Night Live cũng sử dụng các air quote).
DreamWorks sau đó phân vai giọng nói lại cho Mike Myers. Sau khi Myers hoàn tất việc lồng tiếng cho Shrek, bước vào quá trình sản xuất, anh đề nghị thu âm lại tất cả các câu thoại của mình bằng giọng Scotland tương tự như giọng mẹ anh đã sử dụng khi kể chuyện cho anh nghe trước khi đi ngủ lúc anh còn bé.
Cameron Diaz lồng tiếng vai công chúa Fiona, Eddie Murphy lồng tiếng cho chú lừa nói nhiều Donkey... Các diễn viên chính không hề gặp mặt nhau. Tất cả đều lồng tiếng riêng lẻ, với một người đọc mớm cho họ các câu thoại. John Lithgow, người lồng tiếng cho nhân vật lãnh chúa gian ác Farquaad, sau này cho biết ông hơi thất vọng vì không được làm việc trực tiếp với Mike Myers, Cameron Diaz hay Eddie Murphy.
Bộ phận hiệu ứng đặc biệt đã đi... tắm bùn để nghiên cứu cách khắc họa bùn sao cho chân thật. Chỉ đạo nghệ thuật Douglas Rogers tới thăm một đồn điền hoa mộc lan ở Charleston, South California để nghiên cứu trước khi tạo diện mạo đầm lầy của Shrek và bị một con cá sấu thật đuổi chạy có cờ!
Kế hoạch hoạt hình máy tính bắt đầu lên dự án vào ngày 31–10–1996 và phải mất hơn bốn năm rưỡi mới thực hiện xong. Sở dĩ thời gian lâu như thế là do các nhà làm phim đã rất cầu kỳ trong việc thử nghiệm, tìm tòi và sáng tạo ra những cách thức để các nhân vật hoạt hình chuyển động như thật, nhất là việc biểu lộ cảm xúc trên nét mặt của các nhân vật chính. Trong Shrek, có đến 36 bối cảnh, nhiều hơn bất kỳ bộ phim hoạt hình máy tính nào lúc đó.
Phim truyện hoạt hình đầu tiên đoạt giải Oscar Năm 2001 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong kỷ nguyên phim hoạt hình hiện đại, khi Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ bổ sung thêm hạng mục Oscar cho phim truyện hoạt hình hay nhất. Và Shrek vinh dự là phim đầu tiên đoạt giải thưởng này.
Bộ phim thành công vang dội năm 2001 với doanh thu toàn cầu là 484,4 triệu đô-la Mỹ, biến DreamWorks trở thành đối thủ cạnh tranh số một của Pixar và Disney trong lĩnh vực phim hoạt hình, nhất là hoạt hình làm bằng máy tính. Thành công của phim cũng khiến hãng DreamWorks Animation tạo ra ba phần tiếp theo: Shrek 2, Shrek the Third và Shrek Forever After. Shrek trở thành nhân vật đem lại vận may của DreamWorks với tổng doanh thu 4 tập là 2,95 tỷ đô-la Mỹ.
Shrek được ca ngợi là một bộ phim hoạt hình đáng được người lớn quan tâm, với nhiều câu nói đùa và bài hát mang hơi hướng người lớn, nhưng vẫn có cốt truyện và nét hài hước đủ đơn giản để thu hút cả trẻ em.
Những bộ phim điện ảnh và truyền hình trước đó như Fractured Fairy Tales và The Princess Bride đã nhái rất nhiều câu chuyện cổ tích nguyên gốc. Tuy nhiên, chính Shrek lại được coi là có ảnh hưởng mạnh nhất lên xu hướng phim hoạt hình hiện đại. Đặc biệt là sau Shrek 2, các phim hoạt hình khởi sự có thêm nhiều sự gợi nhắc tới văn hóa đại chúng. Thêm nữa, đầu phim cũng như kết thúc phim đều bằng một bài hát như Ice Age 2, Robots và Chicken Little.
Shrek cũng truyền cảm hứng cho vài phim hoạt hình nhái truyện cổ tích hoặc các thể loại truyện khác có liên quan, thường bao gồm những pha hài hước nhắm vào đối tượng khán giả người lớn, nhưng hầu hết các bộ phim này không thành công như Shrek, chẳng hạn Happily N’Ever After, Doogal, Igor và Hoodwinked!.
Shrek xếp hạng 3/100 Phim hài hước nhất do kênh truyền hình Bravo bình chọn và hạng 2/100 phim gia đình hay nhất của kênh Channel 4, chỉ xếp sau E.T.
BÁ VŨ (Tạp chí TGVH)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)