Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@hoa cỏ, ngh.mai: Giờ mọi người bắt đầu chán cao lương mỹ vị rồi, lại quay về với các món ăn dân dã. Vào nhà hàng bây giờ phần lớn đều gọi: rau muống xào tỏi, cà chua xanh, cà tím chấm ruốc; đi ăn nhà hàng cũng chỉ thích vào các quán cơm niêu gia đình để ăn các món quê thôi!:)

Nguyễn Xuân Hoàng mà em hỏi có lẽ không phải rồi! Xuân Hoàng viết tuỳ bút Hương mùa thu mà chị giới thiệu ở đây là Xuân Hoàng còn trẻ, sinh năm 1966, em à. Cậu ấy có hai con còn nhỏ, một gái, một trai!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Những đôi mắt trên đèo...






Hơn mười năm đi học ở Huế ,không dưới một trăm lần tôi đi qua đèo Hải Vân . Hơn một trăm lần ấy ,không có lần đi nào giống lần đi nào .Duy lần nào cũng vậy , hễ cứ lên đèo là thấy ...buồn. Sương mù giăng kín .Chim cu cô đơn bay giữa những bụi hoa giẻ giun nở trắng đến se lòng . Và gió, những ngọn gió dại cứ từ trong ruột đá thổi ra hắt hiu một màu lam chướng. Nín lặng trong nổi sợ hãi mơ hồ ,tôi đã nhiều lần thấy khó thở khi xe qua đèo Hải Vân. Tưởng có lúc lồng ngực vỡ ra ,rồi co thắc lại khi nghe sau triền núi có tiếng gì như vượn mẹ hú gọi con.Và bất ngờ từ một khúc cua tay áo hiểm trở, hiện ra những vạt cỏ lau nở dài lấp loá dưới nắng, khắc khoải như tay người đưa tiễn . Cả một rừng lau khiến người bối rối , ngơ ngác không biết ngọn lau nào là tay mẹ tiễn đưa .

           Dường như giữa từ "Mẹ" và "đèo" có chung một nội hàm, nằm trong một trường liên tưởng rộng về những gì vất vả, cơ cực nhất. Chả trách người xưa bảo lên đèo nhớ mẹ. Ai đó từng có ý tưởng: hay là tống hết thảy những kẻ bất hiếu lên đèo, để thị hoặc y, có một lần nghe tiếng khóc của vượn con mà biết ơn sinh thành của cha mẹ. Và theo tôi đèo ấy phải là đèo Hải Vân.

           Những ám ảnh lòng tôi những lần vượt đèo Hải Vân không chỉ có hoa lau và mẹ, mà còn có những đôi mắt thăm thẳm buồn không sao nói hết của những người xa xứ. Mười năm qua đèo,tôi đã ngộ gặp hàng nghìn những đôi mắt như vậy. Háo hức, thất vọng, chia ly, buồn tủi. Buồn trong ngày ra đi và buồn cả trong ngày trở về. Những ánh mắt như đã nói lên hết thảy, từ bao ngày tha phương đói cơm thiếu áo cho đến một một niềm hy vọng mới vừa được nhen nhóm. Đó không phải là cuộc ra đi và trở về của những Kinh Kha vận áo khinh cừu, mà là cuộc ra đi của sự dồn đuổi cơm áo và sự trở về của những con chim thiên di lòng nhớ nhung nguồn cội.


           Trong số những đôi mắt buồn tha phương qua đèo Hải Vân, có lần tôi nhìn thấy đôi mắt của một mẹ già. Khuất sau những vai người, mắt mẹ ầng ậng nước. Phải chăng là mẹ đã khóc khi đi qua đèo này? Bên cửa xe, gió thổi quần quật, chiếc khăn mỏ quạ nâu sồng che khuất một phần gương mặt già nua. Làm sao tôi biết quê của mẹ ở đâu, nhưng đoán chắc đó là một vùng quê nghèo của đồng bằng Bắc bộ chiêm khê, mùa thối. Cây lúa không nuôi nổi con người. Qua hết đèo, xe lại tiếp tục cuộc hành trình vào Nam.


          Mẹ ơi! Mẹ đã tin gì ở ngày ra đi này? Nơi Mẹ đến sẽ là đâu? Đường vào Nam còn xa xôi lắm? Mừơi năm đi qua đèo Hải Vân, sau nỗi buồn cỏ lau, con đã đủ lớn khôn chưa để nhận ra từ ánh mắt mẹ muộn phiền nỗi đau của một người xa xứ...



(Nguyễn Xuân Hoàng - Tuỳ bút Hương mùa thu - XB 2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Quang Tri

Cảm ơn NT  tải lên đoản văn về Huế của XH.Qua đó,đã cho tôi được giây phút trở về với cái tôi của những năm tháng cũ.Đọc những đôi mắt trên đèo,những đôi mắt có ít niềm vui ,chỉ chất chứa bao nỗi muộn phiền ,ưu tư của người đời.Đôi mắt ấy không xa lạ mà chính là của tác giả,của tôi hay bạn.Mẹ già với những tháng ngày tần tảo mưu sinh nuôi con khôn lớn,nhìn đứa con khoẻ,trưởng thành nhưng chưa kịp hảnh diện,chưa kịp ngơi nghĩ,hưởng những giây phút nhàn hạ cuối đời thì người đã ra đi với đôi mắt vời vợi nỗi niềm.
Tôi biết Hoàng là học trò xứ Quảng ra trọ học và đã cảm dòng chảy hiền hoà,yên bình của con sông Hương,chết ở đáy mắt người con gái tóc thề che nghiêng nón lá.Thương em mấy núi cũng trèo,có sá gì cái đèo nho nhỏ Hải vân quan mà ngày xưa biết bao lần tôi đã phiêu du cùng chiếc xe 67 hay trên chiếc xe cổ xưa tracson đen tuyền được xem là chú ngựa chiến thành La mã một thời vang bóng.Xa quê,đọc những gì viết về Huế,về cái đèo mà hình như tôi đã biết từng thước đường gấp khúc uốn lượn giữa từng mây.Hình như tôi đang thấy mình đang căng lồng ngực hít lấy hít để những giọt muối chát mặn từ biển và hướng mắt nhìn bán đảo Sơn Trà ngoài khơi xa như chú hổ nằm im in hình dưới bầu trời xanh.Tình yêu Huế đã làm cho người con xa xứ ,mỗi khi đọc được một tí gì về nơi thân thuộc là tôi bỗng rung rung ngòi bút,đan kết mấy vần thơ hay dàn trãi lòng với đôi dòng kí bút trên giấy.
Xin lỗi NT,tôi đã để lòng mình kéo đi trong một cảm xúc không đầu không đuôi.Tôi cứ muốn viết,viết và háo hức kể lễ như đứa trẻ vừa mới được cho quà.Có thể sẽ gây nhàm chán cho những ai không là Huế.Nhưng xin lỗi,bởi xúc cảm làm tôi không dằn lòng được,cứ viết dù tôi không phải nhà văn,nhà thơ mà đơn giản chỉ là kẻ xa quê,nay gặp lại bài tản văn hay nên ghi lại vài dòng lếu láo.Xin lỗi mọi người,xin lỗi NT.Chào thân ái.
Hoa đào ngày cũ còn đâu nữa,
Thấp thoáng bên song một đoá hồng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Quang Tri: Làm sao mà bạn phải xin lỗi? Bạn cứ chia sẻ những cảm xúc của bạn về Huế, về các trang viết của Xuân Hoàng, về quê hương-một miền quê bạn mến yêu-vào đây, vì nó không có gì sai cả. Đâu nhất thiết phải là nhà văn mới viết được cảm nhận? Mà đã là nhà văn chuyên nghiệp, chắc họ cũng không rảnh rỗi, không đủ thời giờ để đọc và chia sẻ cùng những trang viết trên một diễn đàn như bạn, như tôi!:)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ chị Thu: "Những đôi mắt trên đèo..." chị post từ ngày 5/1 mà hôm nay em mới đọc. Đang buồn, dù chỉ là nỗi buồn vô cớ, đọc tuỳ bút của Xuân Hoàng, thấy nỗi buồn rẽ sang một lối khác...Không buồn cho mình nữa mà buồn thế sự, buồn những cảnh đời vương vất quanh ta. Đất nước, quê hương mình đẹp nhưng nghèo quá chị nhỉ để những mẹ già vẫn phải tha hương...
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@hoa cỏ: lúc nào buồn chị cũng đều cố lái nỗi buồn của mình sang một hướng khác, như vậy sẽ dễ chịu hơn. Đôi khi có một ai đó để trút nỗi hờn bằng dăm điều vu vơ cũng hay em ạ.:)
Chị thì không đủ độ nhạy cảm như XHoàng khi đọc thấy bao nỗi buồn tha hương cơ cực trong đôi mắt của một mẹ già thoáng qua ở một ô cửa sổ của chuyến xe trên đèo Hải Vân, nhưng mỗi lần ngang qua đèo, nhìn những tảng đá chơ vơ trên sườn đèo, chị lại hình dung về những chinh phụ đợi chờ người chồng đi "đã bao năm chưa thấy về"...:)
Hình ảnh những người tuổi đã cao vẫn còng lưng đạp xích lô trong lòng phố thị bao giờ cũng mang lại cho chị một nỗi ngậm ngùi. Đúng như em chia sẻ: còn lắm những người khổ hơn mình! :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Bến cũ


http://i107.photobucket.com/albums/m291/Nguyetthu_2006/IMG_0240.jpg
Photo: Nguyệt Thu




            Thường thì mỗi con sông dù to hay nhỏ, cũng chở chí ít trên mình nó vài ba chục cái bến. Tên gọi của bến sông cũng giống như tên người, có tên có lai lịch gốc gác, có tên chỉ một sự vũ đoán, muốn hiểu thế nào cũng được.


          Không kể thượng nguồn, sông Hương bắt đầu từ ngã ba Bằng Lãng về cửa Thuận An cũng đã có hơn chục cái bến với nhiều tên gọi gần gũi. Bắt đầu từ bến Tuần, nơi hợp lưu của hai dòng sông Tả và Hữu trạch. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ đây là bến sông dân dã và buồn nhất của dòng sông Hương. Nơi vào những buổi chiều mưa tơi tả, có các em nhỏ khăn quàng đỏ đội tơi đi học về, các mẹ bán bánh nậm lọc, gánh hàng rong nhẹ như gió bấc mà đong đủ mấy đời người. Và nhất là mấy cái quán cóc bên bến liêu xiêu mái rạ, đong đưa mấy tấm phên tre phân trâu, không đủ che ấm khách đợi đò. Ngồi co ro trong quán cóc nhìn sang bên kia sông, chỉ thấy mờ mờ tỏ tỏ sau mưa một bóng đò nhẫn nại, chầm chậm rẽ ngang con nước như đuổi theo tiếng gọi "đò ơi".


          Xuôi về phố Huế, sông Hương như vui hơn với bến đò Linh Mụ. Nơi này, lòng sông như đôi tay vẫn còn mở ra rất rộng. Bến Linh Mụ đón đò dọc nhiều hơn đò ngang. Vào mùa hè bến đông như hội. Du khách dập dìu đi lễ chùa. Đò đậu san sát, sầm uất, gợi nhớ một quá khứ mịt mùng cổ tích. Vua Nguyễn viếng chùa với đoàn Ngự lâm quân áo lễ gươm dài. Ngựa xe nườm nượp, quan với quân lên chùa. Xuôi thêm một tầm sông nhỏ là bến đò chợ Kim Long. Ai đó bao cách trở, có còn nhớ không một câu ca dao đã cổ lắm rồi "Tình về Đại lược,duyên ngược Kim Long". Chuyến đò dọc đã tác hợp cho bao duyên phận, và cũng chia uyên rẽ thuý bao mối tình quê. Có một thời cây trái miệt vườn Kim Long đổ xuống đò để xuôi về Tam Giang, và ngược lên là thuỷ hải sản và cá dìa, cá ong, tôm rằn nước lợ...ngon nổi tiếng. Có một thời bến Kim Long là bến tắm gội của các nàng Ỷ Lan. Những mái tóc huyền buông thẩm cả một khúc sông, làm bồi hồi bao trái tim trai trẻ.


           Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn hết là bến đò Phu Văn Lâu, với câu thơ đã thành bất tử của Ưng Bình Thúc Dạ Thị "Chiều chiều trước bến Văn lâu...". Lịch sử dân tộc từng có một vết cắt đau thương nằm ngay khúc sông này. Đó là tấm lòng ưu tư ngồi trên nước không ngăn được nước của một nhà vua trẻ. Đối diện về phía bên kia sông là bến đò Thừa Phủ - Quốc Học. Nghe bảo khi chưa có cầu bắc ngang sông Hương, vua quan nhà Nguyễn tế đàn Nam Giao thường đi qua khúc sông này. Trùng trùng xe ngựa qua sông. Áo mão vua quan ướt đẫm trong sương mù.


           Nếu bến Tuần buồn, bến Phú Văn Lâu đài các một thời "Lối xe ngựa hồn thu thảo" thì bến đò Đông Ba là một bến vui náo nhiệt. Suốt một khúc sông chảy dọc theo chợ đều là bến đò. Đứng trên lầu chợ Đông Ba chỉ nhìn thấy đò và nón nhấp nhô như sóng. Có nhìn thật kỹ mới nhận ra dưới chiếc nón lá là đôi vai gầy mỏng của các mẹ. Tần tảo dưới nắng mưa, phải chăng đời mẹ cũng là một bến đò không bến... Từ bến Đông Ba xuôi ngang một tí là bến đò Đập Đá. Dù Đập Đá bây giờ đã là một con đường, nhưng tên gọi thì vẫn như xưa. Đã nhiều năm nay bến đò Đập Đá là bến ở quần cư của nhiều hộ dân vạn đò. Bến thành cái eo như đôi vòng tay mẹ cưu mang bao cuộc đời hạ bạc.


           Dường như kể mãi mà vẫn chưa hết. Còn nữa là bến đò chợ Dinh, nơi cậu bé Thanh Tịnh cho chuồn chuồn cắn rốn để tập bơi. Có đứa trẻ nào đi học mà không từng trốn học, ra bến sông để chơi với bạn bè. Những trò chơi con trẻ của nhà văn Thanh Tịnh ngày xưa, bây giờ những đứa trẻ vẫn tiếp tục chơi. Áo con trai có rách vì đùa nghịch thì vòi mẹ vào chợ Dinh mà mua. Khác ngày xưa một chút là chợ Dinh bây giờ còn bán áo con gái nữa. Bao nhiêu năm tháng cũ, bến đò chợ Dinh chỉ chở có trầu và áo con trai... Lam lũ những cuộc đời nghèo khó.


          Khó mà biết được rằng một đời người đã và sẽ đi qua biết bao nhiêu bến đò. Cứ hết một dòng sông này ta lại gặp một dòng sông khác. Như chính cuộc đời của con người, mỗi bến sông tự cầm giữ cho nó một hình hài với những thành vận riêng tư. Đêm thao thức trong những cơn mưa đòi đoạn của Huế, nghe tiếng ếch nhái kêu hoang cả lòng, bất chợt kí ức chói loà tiếng sấm, kìa như ai đang gọi " bớ...đò".


(Nguyễn Xuân Hoàng - Tuỳ bút Hương mùa thu - XB 2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Quang Tri

BẾN SÔNG

Bây chừ ở Huế chắc mưa.Mùa đông gắn với khúc ruột miền Trung là mưa,rét buốt ,nhất là những tỉnh nằm ven biển trong thung lũng vòng cung của 2 đèo Ngang và Hải Vân.Dãy Trường Sơn bao bọc như mẹ hiền vươn cánh tay dài ra tận biển khơi với nỗi lòng buồn vời vợi,nước mắt tuôn hoài vì thương đàn con đang khốn khó trên bước đường mưu sinh.Nơi đất cày lên sỏi đá này vẫn đầy tình yêu thương,những tấm lòng hy sinh  của cha,của mẹ,của anh,của chị ,của những con người chịu một nắng hai sương nuôi đàn em khôn lớn với đủ đầy tri thức bước vào đời.
Huế bây giờ mưa,tôi như thấy được cái rét thấm vào trong da thịt.Với quần áo 2,3 lớp và ra đường thì áo tơi mưa che kín nhan sắc.Sông Hương luôn trong xanh với một màn sương khói lờ lững dưới mưa nhạt nhoà.Tôi hình dung cùng XH đi theo những bến sông trong màn mưa và cảm nhận sự hiu hắt buồn tênh của bến sông,con đò neo đậu nhác lười .Bến vắng đìu hiu làm nao lòng khách lữ.XH còn trẻ ,trẻ chỉ bằng cháu tôi nhưng cảm nhận về Huế thật tinh tế qua từng bến đò ngang.Theo chân XH tù bến Tuần qua lăng Minh Mạng cho đến bến chợ Dinh,tôi thấy những bước chân của người cha,người mẹ lặn lội dưới mưa rét buốt và đang đưa tay lau giọt mưa hay là nước mắt ,kiên nhẫn chờ đợi chuyến đò sang.Với tôi,trong những bến sông mà XH ghi lại,ngoài bến sông lịch sử Phú văn lâu mà nhà thơ ƯB Thúc Giạ Thị đã viết thì bến đò Thừa Phủ nằm bên cạnh là chứa đầy kỉ niệm đẹp về tình yêu đôi lứa của một thế hệ học trò.Khi XH viết về cây phượng bên cầu Trường Tiền,tôi lại liên tưởng đến cây phượng khoe lửa hạ che bóng cho những mái thề nghiêng nón cùng áo dài trắng bay chờ chuyến đò sang nơi bến Thừa Phủ nầy.Tôi còn nhớ ngày xưa có nhiều bức ảnh về bến đò Thừa Phủ,ảnh đẹp lạ lùng dù chỉ là đen trắng.Mỗi lần tôi đạp xe ra cửa Ngăn rồi cũng cùng xe xuống đợi đò sang,vì đạp qua cầu Trường Tiền thì xa quá,nhất là những ngày mưa.Đi cùng XH là đi lại những "đường xưa  lối cũ",nắng mưa hai mùa,bên đục bên trong mà suốt đời mẹ già lầm lũi bước trong mưa.Và tôi bây chừ với hai thứ tóc vẫn bâng khuâng thương nhớ về một bến sông xưa chất chứa bao kỷ niệm một thời.Lại một lần nữa xin cảm ơn XH.
Út xe ôm
Hoa đào ngày cũ còn đâu nữa,
Thấp thoáng bên song một đoá hồng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ Chị Thu, anh Quang Tri: Tuỳ bút của Xuân Hoàng ngổn ngang tâm trạng, ngổn ngang những trăn trở với đời, với người...Huế đã đẹp, Huế trong tuỳ bút của Xuân Hoàng càng đẹp, càng da diết buồn thương...Tuổi thơ của em cũng có những bến đò, bến phà nơi dòng sông La xanh ngắt...Dẫu không nhiều lần được đến với những bến đò như thế nhưng kí ức trong em nơi bến sông luôn là nỗi nhớ, nỗi buồn mênh mang khó tả. Không hiểu vì sao tên là BẾN- là nơi để neo đậu, trở về mà đọc lên nghe cứ buồn, cứ day dứt, cứ phang phảng chia li...
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Hoa cỏ:

"Bến" sở dĩ gợi cho ta nỗi buồn thương man mác vì nó hầu như luôn được đặt trong mối tương quan BẾN-THUYỀN. Dù khi nói, có khi người ta chỉ nói riêng đến BẾN nhưng đố ai lại tách được một vế ngầm trong nó là THUYỀN? Chị nghĩ chính cái trường liên tưởng đó đã tác động đến chúng ta. Bến là nơi neo đậu nhưng cũng chính là sự đợi chờ. Có phải Thuyền nào cũng sẽ trở về bến cũ đâu em? Và dù có trở về chăng nữa, thì lúc Thuyền chưa về đến Bến, ở đó đã dằng dặc một nỗi đợi chờ rồi! Với chị thì chị nghĩ như thế, em ạ! :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối