Rất cảm ơn bạn Hà Như và bạn Hoàng Nhất Phương. Bản dịch của bạn Hoàng Nhất Phương theo mình là khá hay, tuy nhiên hình như bạn đã bỏ qua nhiều nhãn tự của bài thơ mất rồi. Để mọi người hiểu rõ hơn về bối cảnh của bài thơ, mình xin được phép trích một vài bài viết của các bằng hữu bên TTV:
Nguyên văn bởi TLHD:
"Đường triều năm Khai Nguyên thứ hai mươi lăm (năm 737 sau công nguyên), Hà Tây tiết độ phó đại sử Thôi Hi Dật chiến thắng người Thổ Phiên (là dân tộc thiểu số ở cao nguyên Thanh Tạng – Trung Quốc, nhà Đường đã xây dựng được chính quyền ở đây). Vua Đường Huyền Tông lệnh cho Vương Duy (tên tự là Ma Cật) lấy thân phận Giám sát ngự sử ra biên cương xa xôi để úy lạo và điều tra quân tình, trên thực tế là một cách để loại bỏ ông ra khỏi triều chính. Trên đường đi, ông đã sáng tác bài “Sử chí tái thượng” này. Bài thơ đã miêu tả cảnh tái ngoại kỳ vĩ tráng lệ, biểu hiện tinh thần không ngại gian khổ của thi nhân dù bị đưa ra nơi biên ải xa xôi (tất nhiên là VD ở đây cũng có đôi chút "hậm hực", biểu hiện trong các câu 1/2 và 7/8, he he, cũng là người mà), ca ngợi tinh thần ái quốc của chiến sỹ nơi biên ải. Câu thơ hàm súc ngắn gọn, hình ảnh đẹp đẽ, xứng danh câu nhận xét về thơ ông của đại thi hào Tô Đông Pha (vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi, dịch nghĩa: Thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có hoạ đồ; ngắm họa đồ của Ma Cật, trong họa đồ có thơ.)"
"Để các thi nhân tham khảo, mình tìm được một bản chú thích và dịch nghĩa trong một ấn phẩm của Vương Duy. Trình độ dịch của mình có hạn nên chắc còn sai nhiều, mong các thi nhân lượng thứ, chỉ mong các bằng hữu có được các bản dịch hay. Một số bài bình về bài thơ này mình sẽ post sau.
Sử chí tái thượng
Vương Duy
Đan xa dục vấn biên.
Chúc quốc quá cư duyên.
Chinh bồng xuất Hán tái.
Quy nhạn nhập Hồ thiên.
Đại mạc cô yên trực.
Trường hà lạc nhật viên.
Tiêu quan phùng hậu kỵ.
Đô hộ tại yến nhiên.
Chú thích (Các chú thích và phần dịch nghĩa này trích trong tập "Vương hữu thừa tập chú thích")
1. Sử: đi sứ.
2. Đan xa: một chiếc xe, ở đây hình dung đi sứ lần này thì tùy tùng không nhiều lắm (he he, coi như bị đi đày mà sao có tiền hô hậu ủng được chứ). Vấn biên: tới vùng biên cương để kiêm tra.
3. Thuộc quốc: Tên gọi tắt mà người Hán dùng để gọi quan viên phụ trách các nước chư hầu, ở đây nhà thơ dùng để chỉ thân phận đi sứ của mình.
4. Cư Duyên: tên một địa danh cũ, hiện thuộc Mông Cổ.
5. Chinh bồng: là loại cỏ bồng bay trong gió, thường dùng để ví von với lữ khách phiêu bạt, phiếm chỉ người đi xa.
6. Xuất: ở đây hiểu theo nghĩa phiêu xuất, có nghĩa là tung bay trong gió
7. Quy nhạn: vào mùa xuân, chim nhạn bay về phương bắc, vì thế có câu "Quy nhạn nhập hồ thiên". Hồ thiên, ở đây chỉ vùng tây bắc, nơi có đông đảo các dân tộc thiểu số của Trung Quốc sống ở đó.
8. Đại mạc: đại sa mạc.
9. Cô yên: xa xa bốc lên một cột khói. Yên: cột khói, ở đây có lẽ chỉ là loại khói báo nguy hiểm, đốt bằng phân sói nên cho dù có gió vẫn bốc thằng.
10. Trường hà: Hoàng Hà (nhưng cũng có người cho rằng chỉ một cái gì đó)
11. Tiêu quan: tên một cửa quan cổ.
12. Phùng: gặp gỡ
13. Hậu kỵ: là kỵ binh đảm nhiệm trinh sát, thông tin.
14. Đô hộ: tên một chức danh. Đô hộ hay Đô hộ phủ là chức quan cao nhất ở vùng này, , ở đây chỉ Hà Tây tiết độ sứ.
15. Yến Nhiên: Núi Yến Nhiên, hiện tại thuộc Mông Cổ, ở đây đại khái chỉ biên phòng tiền tuyến.
Dịch nghĩa:
+ Đan xa dục vấn biên, thuộc quốc quá cư duyên.
Sứ giả vâng mệnh vua úy lạo tướng sĩ thủ hộ biên cương đi trước, một chiếc xe nhẹ đơn giản theo hầu, bánh xe lộc cộc đi qua vùng Cư Duyên.
+ Chinh bồng xuất hán tắc, quy nhạn nhập hồ thiên.
Người tiến vào biên giới giống như cỏ bồng bay ra vùng biên tái, cũng giống như chim nhạn bay về phía bắc.
+ Đại mạc cô yên trực, trường hà lạc nhật viên.
Tại Phong hoả đài đốt một cột khói, bốc thẳng lên trời cao trên sa mạc rộng lớn. Con sông Hoàng Hà uốn khúc quanh co, càng làm nổi bật ánh chiều tà đỏ như máu.
+ Tiêu quan phùng hậu kỵ, đô hộ tại yến nhiên.
Tới Tiêu quan rồi chỉ gặp được quân sỹ trấn thủ, còn Đô hộ phủ thì còn ở Yến Nhiên."
Nguyên văn bởi Everest:
"Cái khó ở đây là bài thơ quá giàu hình tượng, tiếng Việt không đủ cô đọng để đưa hết cái đẹp vào thơ như tiếng Hán, nhất là phải gói gọn trong thơ 5 chữ, 7 chữ hay lục bát. Không những có những cặp câu trực đối, mà trong một câu cũng đầy rẫy những hình ảnh tương phản, đó là những điểm nhấn những nhãn tự mà nếu người dịch không thỏa mãn được thì bản dịch chắc chắn sẽ mất hay. Tạm liệt kê những điểm mà theo tại hạ là rất khó dịch cho sát ý như sau:
Câu 3: Chinh – xuất (nghĩa tương đồng)
Câu 4: Quy – nhập (Nghĩa tương đồng)
Câu 5: Đại – cô – trực (To lớn, trơ trọi, thẳng tắp)
Câu 6: Trường – lạc – viên (dài, rụng rơi cũng có nghĩa là lạc lòi hay lẻ loi, tròn trịa)
cặp câu 3,4 và 5,6: trực đối
Câu 1,2 và 7,8 thì quá ý nhị. VD quá khéo khi dấu kín tâm sự trong những câu thơ như thế. Bất bình đó, nhưng đố ai dám khẳng định?
Đó là chưa kể thơ chữ Hán thường lồng ghép điển tích trong đó, đòi hỏi người dịch phải có trình độ đối với tinh hoa kim cổ Trung Hoa. Mà nếu là người am tường Hán học thì sẽ càng ngấm cái thâm thúy trong thi pháp "tả cảnh nhập thần" của VD. Hầu hết chắc sẽ để nguyên văn mà ngâm nga tán thưởng!
Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ này tồn tại lâu vậy vẫn chưa thấy bản dịch tiếng Việt nào được đông đảo độc giả tâm đắc. Rất nhiều nhà thơ dịch thơ VD nhưng đệ tìm mãi vẫn không thấy họ dịch bài thơ "Sứ chí tái thượng" này???"
Nguồn:
http://www.tangthuvien.co...um/showthread.php?t=49348Biết là để dịch bài thơ này không phải là chuyện đơn giản, nhưng tại hạ vẫn chờ mong được đọc những bản dịch và những bài phân tích từ các bằng hữu để hiểu rõ hơn về bài thơ này.
Kính bút,
PT