Từ khi Lý Bạch chết, thiên hạ không chuộng thơ, mà thơ kém hay. Bởi thế mới có Phan tiên sinh ra đời.

Từ khi Bá Nha chết, thiên hạ không chuộng đờn, mà đờn kém hay. Bởi thế mới có Quách tiên sinh ra đời.

Phan tiên sinh cải lương về nghề thơ, ở đời chưa gặp ai tri kỷ.

Quách tiên sinh cải lương về nghề đờn, ở đời chưa gặp ai tri âm.

Một hôm, kỳ ngộ duyên may, hai tiên sinh gặp gỡ.

Trong một nhà ở phố Khâm Thiên, Phan đương nằm hút ở trên gác, bỗng nghe ở dưới gác có tiếng đờn nẩy, nhận lâu rất thấy khác thường: tiếng đờn thực hay mà như không có cung bậc. Do bụng hoài nghi, Phan tiên sinh bước xuống bực thang ngó thử coi, thấy người nẩy đờn đó chừng cũng là một du tử, mà coi ra có vẻ cao nhân; nhân bước luôn xuống thang, làm quen nói chuyện chơi. Người đó là ai? Tức là Quách vậy. Rồi đó Quách tiên sinh nói chuyện đờn; Phan tiên sinh nói chuyện thơ.

Rồi Quách đờn một chập, Phan thơ một hồi.

Rồi Quách lại đờn, Phan lại thơ.

Rồi Phan, Quách lại truyện thơ, truyện đờn.

Cái thú gặp tri kỷ, khó bút mực nào vẽ cho hết. Chị chủ đó nguyên là một tay tài tình, văn thơ âm nhạc, đều có hiểu qua; nhân bàn quanh một cuộc cầm thi, cũng cảm tác một bài “Thơ mới”:

Đờn là đờn,
Thơ là thơ;
Thơ thời có chữ, đờn có tơ.
Nếu không phá cách vứt điệu luật,
Khó cho thiên hạ đến bao giờ!
Bá Nha xa,
Lý Bạch khuất,
Thơ có họ Phan, đờn họ Quách,
Thơ có chữ,
Đờn có tơ?
Đờn thời ngơ ngẩn, thơ vẩn vơ,
Tài tử văn nhân nhường rứa rứa.
Bút huê ngao ngán bận đề thơ.


Đây là bài đầu tiên của Tản Đà lên tiếng phản bác phong trào Thơ mới do Phan Khôi khởi xướng. Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, số xuân, tháng 2-1934.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]