Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Lục bát
Thời kỳ: Cận đại

Đăng bởi karizebato vào 26/11/2009 23:50, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 15/06/2020 14:25

Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau?
Suối vàng ai đã vội đâu?
Mà cho ai nhớ ai sầu, hỡi ai!
Tóc tơ vương vít còn dài,
Con tằm còn trả nợ đời chưa xong.
Lửa hương còn chất bên lòng,
Nho tàn còn vẫn trong vòng trăm năm.

Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chỉ sớm mà lầm khóc nhau?
Đôi ta đồng quốc đồng châu,
Lại trong thanh khí tương cầu tương thân;
Gặp nhau rồi cũng có lần,
Cùng nhau còn ở cõi trần trăm năm.

Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau?
Cõi đời đã lánh xa đâu?
Mà cho ai tiếc, ai sầu, hỡi ai!
Bức Dư đồ rách chưa bồi,
Báo An Nam nghỉ biết đời nào ra?
Hủ nho vô ích nước nhà,
Rượu thơ còn vẫn la cà trăm năm.

Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau?
Hồn thơ đã mất đi đâu?
Mà cho ai khóc, ai sầu, hỡi ai!
Dưới trên còn đất, còn trời,
Còn non, còn nước, còn người nước non.
Đà chưa cạn, Tản chưa mòn
Còn ai Thi sĩ, lại còn Tri âm.
Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau?


Ông Mai Lâm (Đoàn Văn Thăng), giáo viên trường nhà dòng Sacré-Coeur ở Cao Bằng được tin đồn nhà thơ Tản Đà đã từ trần, có viết bài thơ viếng Tản Đà đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy. Tản Đà sau đó đã hoạ bằng bài thơ này theo cùng thể thơ, cũng đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy.

Sách Thi nhân Việt Nam hiện đại chép thời gian của giai thoại này là năm 1933, bài của Mai Lâm tiêu đề là Viếng Tản Đà, bài hoạ của Tản Đà tiêu đề là Cười ông Mai Lâm (Tiểu thuyết thứ bảy số 33); sách Tản Đà toàn tập chép là năm 1934, bài của Mai Lâm tiêu đề là Viếng thi sĩ Tản Đà, bài hoạ của Tản Đà tiêu đề là Cười bác Mai Lâm và thiếu đoạn thứ 2. Bài ở đây căn cứ theo Thi nhân Việt Nam hiện đại.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]