Nhân ngày 27/7 (2008), nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho tái xuất bản lần 2 tập “Trường ca Đồng Lộc” để cùng thế hệ trẻ hôm nay hâm nóng lại lịch sử xưa. Hai lần cho in trường ca, hai lần tôi sống lại với người xưa, với cảm xúc chân thật ngày tháng chiến đấu chống Mỹ - nhà văn tâm sự…
- Nguồn cảm hứng nào để anh cho ra đời “Trường ca Đồng Lộc”?- Sau thống nhất 1975, nhà thơ Nguyễn Quốc Anh đưa tôi đi xe đạp thăm Đồng Lộc. Chúng tôi tha thẩn rất lâu bên những ngôi mộ của Mười cô gái Anh hùng, trong tôi trào dâng những cảm xúc khó tả. Khi Nguyễn Quốc Anh chỉ về phía 10 cây bạch đàn và nói: “Hồi trước đây trồng nhiều bạch đàn, nhưng sau bom đạn chỉ con lại 10 cây này. Nó cứ sống như có một linh ứng nào đấy với 10 cô gái Đồng Lộc trong hiện tại và tương lai”. Câu nói ấy đã khiến tôi muốn viết một bài thơ về 10 cây bạch đàn như là sự tồn tại linh hồn mười nữ thần tiêu biểu cho Đồng Lộc những năm chiến tranh ác liệt. Và tôi nghĩ: Phải viết trường ca mới nói được sự lớn lao của những con người ở đây. Năm 1978 tôi hoàn thành “Con đường của những vì sao”, năm 1980, trường ca này chính thức xuất bản lần đầu.
- Lý do nào khiến anh chọn thời điểm vào tháng 7 để tái xuất bản tác phẩm “Trường ca Đồng Lộc”?- Năm 2008 là năm kỷ niệm 40 năm ngày hi sinh của 10 cô gái Đồng Lộc. Nhà nước cùng Hà tĩnh tổ chức lễ hội lớn để kỷ niệm như một điển hình để nhớ về những thương binh liệt sĩ. Tái xuất bản lần này với số lượng 2000 cuốn, là một món quà tri ân để tặng lễ hội, nhớ về những người lính năm xưa.
- Tái xuất bản lần 2, anh hi vọng được bạn đọc trẻ đón nhận tác phẩm như thế nào?- Tôi muốn cho mọi người biết rằng Đồng Lộc cũng có 1 trường ca. Đọc “Con đường của những vì sao” để hiểu hơn quá khứ thông qua một thể loại giàu cảm xúc. Bạn đọc trẻ sẽ hiểu hơn về chiến tranh, hiểu chiến tranh bằng cảm xúc chứ không chỉ đơn thuần là những bài học lịch sử. Những con người sau chiến tranh tiếp nhận quá khứ bằng cảm xúc và bằng tâm hồn. Tôi muốn hâm nóng lên một tinh thần đối với quá khứ, đối với sự hi sinh. Mọi người hãy nhớ về Đồng Lộc linh thiêng.
- Hoàn thành trường ca trong 3 tháng, anh hài lòng nhất với điểm nào trong “con đường của những vì sao”?- Trường ca có 10 chương, trong đó có 2 hình tượng gây xúc động là: những đứa trẻ và những con bê (chương 5) và mười cây bạch đàn (Khúc hát mười cây xanh - chương 9). Trong chiến tranh, Đồng Lộc trồng rất nhiều cây bạch đàn để nguỵ trang và che giấu cuộc vận chuyển hàng hoá cho chiến trường miền Nam. Sau chiến tranh chỉ còn lại 10 cây bạch đàn còn xanh tươi như một sự linh ứng diệu kỳ. Tôi rất xúc động về những gương chiến đấu dũng cảm tuyệt vời như Anh hùng dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ, Anh hùng La Thị Tám, và đặc biệt là sự hy sinh bất tử của mười cô gái thanh niên xung phong làm chấn động năm châu. Khi đọc được những lá thư các cô gửi về gia đình trước khi chết, tôi đã trào nước mắt. Cả một thế hệ trẻ đã biết gác tình riêng tự nguyện ra đi vì nghĩa lớn. Đấy là chương “Đỉnh cao”.
- Anh cũng đưa những năm tháng chiến tranh của anh vào trong trường ca?- Từng là người lính, có những chuyến hành quân qua trọng điểm ác liệt này, nhiều lần chứng kiến những trận oanh tạc của lực lượng không quân Mỹ. Từng chứng kiến chiến tranh đi qua “tuyến lửa” khu Bốn ác liệt như thế nào, những trận địa pháo… tất cả đã lưu vào bộ nhớ tôi như những ký ức ấn tượng. Tôi sống lại cái cảm giác chiến tranh thuở nào, và nhiều chương của trường ca này đã được viết ra trên cảm xúc ấy. Tôi đã viết trường ca với sự trân trọng và biết ơn quá khứ.
- Anh là một nhà văn, Anh có chạnh lòng không khi công chúng biết đến anh nhiều với những tác phẩm âm nhạc hơn là những tác phẩm văn học?- Điều ấy không quan trọng gì. Nhà thơ khác nhạc sĩ, nhưng họ đều là những người sáng tác. Những nhà thơ có tư tưởng lớn, bằng một ngôn ngữ riêng đem cảm xúc tới cho công chúng. Tôi là một nhà thơ, một nhạc sĩ. Tôi hạnh phúc khi được công chúng ưu ái dành tình cảm cho tôi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Một bài thơ để đời sẽ được mọi người nhớ mãi, một bài hát hay sẽ được hát trong một tập thể lớn. Tôi có gặp những độc giả đọc thuộc lòng trường ca Đồng Lộc ngay từ lần xuất bản lần đầu. Tôi cảm ơn tất cả mọi người.
- Dịp này anh có về Hà Tĩnh dự lễ hội Đồng Lộc chứ? Anh nghĩ gì về lễ hội này?- Trước lễ hội có Đêm Thơ ở Hà Tĩnh, tôi không về được vì phải lo khâu cuối cho việc tái bản Trường ca Đồng Lộc. Tiếc lắm. Nhưng lễ hội thì tôi sẽ có mặt, không phải với tư cách của tác giả từng viết về Đồng Lộc, mà với tư cách một người lính về với những người lính năm xưa, tôi sẽ đặt lên mộ các liệt sĩ cuốn trường ca máu thịt của mính, như một sự biết ơn và tri ân cùng đồng đội. Hy vọng qua lễ hội này, cả thế giới sẽ hiểu Đồng Lộc hơn, hiểu Hà Tĩnh hơn…
Thu Hằng