Nói chuyện Trung Quốc với Nhà văn Trần Đình Hiến và nhà văn Hà Phạm Phú (bài 3)Nguyễn Xuân Hưng
Một đạo diễn Trung Quốc hiện sống ở Bắc Kinh, làm việc cho Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, tôi đã gặp anh ta trong mấy lần đi làm phim tại Trung Quốc.
Anh ta sau khi nghiên cứu tiểu sử Hồ Chí Minh, thì nói: Trước kia, tôi nghĩ lãnh tụ cộng sản kiểu như Mao, Lâm, Chu cả, nhưng bây giờ tôi mới biết, có một kiểu như Hồ Chí Minh. Hồ giống Tôn Trung Sơn hơn cả. Hồ Chí Minh đặc biệt là tam dân, chứ không bao giờ nói chuyên chính vô sản. Đó là điều tôi thích. Khi cởi mở rồi, thì anh ta kể cho tôi nghe chuyện Thiên An Môn. Anh ta suýt là nạn nhân ở Thiên An Môn năm 1989. Vì khi đó anh ta đang là sinh viên, tham gia vào tổ chức hội sinh viên, biểu tình ở Thiên An Môn.
Vì sao ông ta sống sót, đó là một sự may mắn tình cờ. Đó là đúng vào hôm đến phiên anh đi biểu tình ngồi ở Thiên An Môn, thì ông bố ốm tưởng chết ở quê, nên anh ta phải về. Anh ta nói, sau này anh ta coi như mình mắc một món nợ với các bạn đã chết ở Thiên An Môn, những người mà cho đến nay gia đình vẫn không biết, không dám nói đến, không dám hỏi chính quyền về họ.
Anh bạn này nói với tôi câu chuyện lan truyền trong dư luận Bắc Kinh từ bấy lâu nay: Đặng Tiểu Bình khi đàn áp sinh viên thì có do dự. Nhưng khi viên tướng tư lệnh một quân khu phía Bắc đến cuộc họp nói rằng, chúng ta đã mất 30 triệu người để có chính quyền này, sinh viên có 30 triệu cái đầu trả cho chúng ta thì chúng ta cho họ chính quyền. Thế là Đặng hạ lệnh đàn áp.
Anh đạo diễn cười nói, họ tính 30 triệu nhân mạng là tính từ Trường chinh, chiến tranh giải phóng, qua Cách mạng văn hóa đấy. Thật là một ngụy biện kinh khủng. 30 triệu người này thì giặc Nhật giết bao nhiêu, còn lại là bao nhiêu không phải do chiến tranh chống Nhật? Chính quyền sinh ra từ họng súng, đứng lên từ sinh mạng nhân dân, mà lại mang cái đó ra mặc cả với sinh viên?
Cuộc đời Đặng Tiểu Bình có nhiều chiến công hiển hách, có công biến đổi Trung Quốc thành hiện đại, hùng mạnh, nhưng ông ta có 2 vết đen không sao gột rửa được, đó là giết sinh viên ở Thiên An Môn và đánh Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình cũng là một gương mặt tiêu biểu của người Trung Quốc hiện đại, thăng trầm và thâm trầm, khôn khéovà phản phúc, văn vẻ và hủ bại, đầy đủ cả.
Khi nói về người Trung Quốc tiêu biểu, ông Trần Đình Hiến nói đến Kim Dung. Vì sao Kim Dung trở thành một nhà văn vĩ đại, chỉ nhờ vào những chuyện chưởng tưởng như vô thưởng vô phạt. Đó là vì ông ta miêu tả thực chất nhất xã hội và con người Trung Quốc. Một xã hội điên đảo, cuối cùng chỉ có võ công kiệt xuất mới chiếm được quyền tự do làm người. Một xã hội mà con người không biết thực giả thế nào. Kẻ ấm ớ có thể là một vĩ nhân, người ra vẻ hay ho thực ra lại là tên hủ bại. Ngôn ngữ và hành xử trong chưởng Kim Dung thật là một cách hiển thị cái chất hảo hán giang hồ. Đó đặc trưng của loại ngôn ngữ dối trá, là loại xảo ngôn. Khi nhún mình thì nhún sát đất, nào là xưng là bỉ nhân, nào là gọi chỗ ở là tệ xá, nào là trộm nghĩ với lại liều chết trần tình… Và khi ngạo mạn cũng hết chỗ nói. Chính trị gia lão luyện bỗng trở nên tục tằn đê tiện, ngạo mạn nói dạy cho Việt Nam một bài học chẳng hạn. Đó chính là xã hội Trung Quốc hàng ngàn đời nay. Trong một xã hội như thế, dĩ nhiên tầng lớp tinh hoa lãnh đạo đất nước phải là những con người tiêu biểu, đúc kết các phẩm chất truyền thống rõ nhất.
Đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Lê Thi khi đi làm phim với tôi ở Trung Quốc, chúng tôi đã lê la chợ búa, đi ô tô chợ, ăn cơm bụi, nghĩa là không đi máy bay chuyên cơ, không có phái đoàn ra đón. Chúng tôi làm việc với đồng nghiệp Trung Quốc, ở hãng phim Châu Giang có bộ phận làm phim tài liệu mà toàn những người ấm ớ làm kỹ thuật dựng phim cũ rích những năm sáu mươi, nhưng cũng có những tay “anh chị” đã từng làm ê kíp phim với Trương Nghệ Mưu thời mở cửa. Ông Thi rút ra kết luận: À thì ra, người dân Trung Quốc cũng cần cù như mình, thậm chí họ còn ngu hơn mình; nhưng đã là lãnh đạo rồi, thì bất kỳ anh lãnh đạo nào cũng khôn hơn lãnh đạo cùng cấp của mình, trí trá hơn, thâm hiểm hơn, càng lên cao mức độ càng lớn.
Tôi giật mình: Câu này nghe quen quen. Hình như có một ông ngày xưa đi Pháp cũng nói thế.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm