Nói chuyện Trung Quốc với ông Trần Đình Hiến và Hà Phạm Phú (bài 1)Nguyễn Xuân Hưng
Bút Ký
Không nước nào như Trung Hoa, tầng lớp trí thức lại có một lịch sử truyền thống đặc biệt gắn bó với giai cấp thống trị bằng một loại nghề như thế. Đó là nghề quân sư. Thuở xa xưa, đó là những anh thuyết khách, kiểu như Tô Tần, Trương Nghi. Sau đó, Khổng tử cũng là một loại trí thức bôn ba, tìm cách tiếp cận với chính quyền để làm sao thực thi được cái đạo của mình. Rồi suốt lịch sử Trung Quốc, bao giờ các vị quân vương muốn trị quốc, bình thiên hạ cũng đều phải có quân sư. Lưu Bị phải 3 lần nhún mình, mới mời được Khổng Minh ra làm quân sư cho mình. Tào phủ thì đầy chặt quân sư từ Tuân Úc, Tuân Du cho đến Tư Mã Ý. Khổng Minh là một trường hợp tiêu biểu, khi ông ta làm quân sư thì rất sáng láng, đến khi làm Thừa tướng, tức là trực tiếp cầm quyền, thì hầu như kế sách của ông ta đều bị Tư Mã Ý cũng là quân sư tham chính, phá được. Khi anh không là quân sư nữa, thì anh ta cũng tầm thường như quan lại thường tình thôi.
Ông Trần Đình Hiến lý giải, tầng lớp người thuyết khách ở Trung Quốc thời Xuân Thu như Tô Tần, Trương Nghi, đến Khổng tử là những “túi khôn” trong một xã hội phong kiến vốn tôn ti trật tự, quan lại bậc cao thì thế tập, người thường không sao len chân lên tầng lớp chính quyền được. Họ chỉ có một cách là dùng ba tấc lưỡi để làm cho người cầm quyền dùng họ, thi hành cái “đạo” của họ. Ông Hiến cho rằng, xã hội Trung Quốc rất đặc biệt vì có tầng lớp quân sư này, nó có quan hệ quan trọng với sự hình thành Nho giáo và tư tưởng Đại Hán. Nhà Hán vĩ đại vì bắt đầu nắm lấy Nho giáo để trị quốc, từ đó các quy tắc tuyển dụng trí thức, làm cho trí thức bám chặt với chính quyền và nhuộm trí thức thành những ông quan để phục vụ cho vua. Hình mẫu quân tử theo các chuẩn mực Nho giáo có sự phân hóa thú vị, nếu anh ta có thể làm quan thì phục vụ triều đình, còn nếu không thể làm quan, cũng là vươn đến cấp độ “hảo hán” (một người Hán tốt) mà thôi.
Chu Ân Lai trong lịch sử hiện đại cũng là một kiểu quân sư tiêu biểu. Ông ta quê ở Thiệu Hưng, Triết Giang, một huyện có truyền thống hàng ngàn năm làm quân sư. Đó thực chất là vùng văn hóa Bách Việt truyền thống. Sau khi Hán hóa Trung Quốc, anh Bách Việt chỉ có cách chui vào chính quyền trung ương bằng nghề quân sư. Tôi đã nói chuyện với nhiều người Trung Quốc, họ nói Chu Ân Lai nếu là quân sư như thời trước khi làm Thủ tướng thì tốt, được Mao coi trọng, sau khi làm Thủ tướng, cũng như Không Minh làm Thừa tướng mà thôi.
Ông Hà Phạm Phú thì cho rằng, thực chất Trung Quốc hàng ngàn năm không có tầng lớp trí thức. Những kẻ có học, có tri thức luôn luôn có nguyện vọng cơ hữu với chính quyền. Khi anh luôn khao khát là một bộ phận của chính quyền, thì không bao giờ có phản kháng, không có phản biện, nếu có nói đến cái bánh thì thực ra chỉ là cái bánh vẽ mà thôi. Còn nếu anh vẫn muốn giữ tiết tháo, giữ nhân cách thì anh phải ở ẩn, về gõ đầu trẻ hoặc làm thuốc cứu người. Đó là tình thế hàng ngàn năm nay ở Trung Quốc.
Tôi nhớ lại Phạm Đông Vũ, đồng đạo diễn phim Vượt qua bến Thượng Hải, khi làm phim này, anh ta đề nghị một trường đoạn như sau: Khi ông Nguyễn Ái Quốc và người bảo vệ bị lùng sục, bị đói ở Thượng Hải, đợi giao liên của Tống Khánh Linh, thì ông Nguyễn có vẽ một cái bánh ra lề tờ báo. Người bảo vệ hỏi: “Anh vẽ cái gì đấy?” Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Cái bánh. Người Trung Quốc có câu, ăn bánh vẽ cũng đỡ đói hơn không ăn gì”. Nói xong hai người cười hả hê. Phạm Đông Vũ lý luận: “Ông Nguyễn am hiểu Trung Quốc, mà trong khó khăn, ông Nguyễn luôn lạc quan hài hước. Người Trung Quốc cũng hay nói câu đó”. Phim quay rồi, nhưng khi duyệt tại Cục Điện ảnh thì chi tiết ấy bị cắt. Tôi và Vũ đều tiếc.
Nếu theo dõi cái Nho giáo Trung Hoa, thì thấy nó đi liền với tư tưởng Đại Hán. Chính nó góp phần quan trọng cho việc hình thành nền văn hóa Hán. Nếu nghiên cứu Khổng tử mà không có phản biện, thì vô tình đi vào con đường xuất khẩu tư tưởng Đại Hán một cách tinh vi. Một trí thức Nho giáo, một quân tử Tàu theo hình mẫu truyền thống thực chất thế nào? Đạo nhân của Nho gia lấy hình mẫu “quân tử”, đó là hình mẫu của người cai trị. Vươn đến “quân tử” thì còn nói làm gì nữa. Cho nên mới phải noi theo hình ảnh lý tưởng của họ, nào là tam cương ngũ thường, nào là tu tề trị bình. Tất nhiên anh chỉ có thể mon men đến chỗ của các ông quan đứng bên cạnh nhà cầm quyền để thi hành cái đạo của họ. Đạo đó là cái gì? Nói thì văn hoa, là quân thần, phụ tử, phu phụ, là tôn ti trật tự, là nhân nghĩa lễ trí tín, nhưng thực chất là để đạt đến mức sống của ông quan hưởng lạc chót vót. Tu, tề, trị, bình để làm gì? Cũng là để đạt tới khoái sướng cá nhân quân tử trên cơ sở phủ định người khác. Nếu không có tầng lớp dân đen lúc nhúc ở tầng dưới, thì anh ta có thực hiện được hoài bão ấy không? Có cái đạo nào hướng đến sự hưởng lạc hơn đạo Nho, mà lại giấu kỹ thực chất ấy của con người hơn là đạo Nho. Đó là một cái đạo nâng dối trá đến mức nghệ thuật. Khinh thường phụ nữ, nhưng lại muốn có nhiều phụ nữ để cân bằng âm dương. “Quân tử thực bất cầu bão”, nhưng lại coi mục đích làm quan, vươn lên đứng dưới một người, trên vạn người, ăn gì thỏa thích, là con đường vinh dự.
Đặc tính thông thường của người ta là dễ làm những điều buông thả, dễ thực hiện dục vọng cá nhân, còn thì khó rèn dũa để vì cộng đồng, vì người khác. Điều quái lạ là nền văn hóa Hán với Nho giáo làm nền tảng tư tưởng lại rất hấp dẫn tầng lớp cầm quyền, dù là thuộc tộc người nào, bởi vì nó hướng vào khuyến khích dục vọng, nên nó dễ lây, dễ lan truyền. Nào là Nguyên Mông, nào là Mãn Thanh, nào là Khiết Đan… tất cả dù có đánh thắng người Hán, thì rồi cũng hấp thụ Nho giáo, vô tình biến thành Hán cả. Nói theo ngôn ngữ thời kỹ thuật số, thì cái đạo Nho đúng là tự nó có chức năng “portable”, tự chạy chứ không cần phải cài đặt, chỉ cần một phần cứng tối thiểu là tự chạy thôi. Nó tự lừa dối và hấp dẫn con người đạt đến nhu cầu cá nhân tối thượng là có quyền, có thế, có thể nô dịch người khác.
Ông Hà Phạm Phú nói, ông đọc sách chữ Hán, ngay người Trung Quốc cũng công nhận, trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có Lưu Bang và Chu Nguyên Chương là các vua khai quốc đúng là gốc Hán. Dù cho tự nhận là Hán, nhưng họ Triệu lập nên nhà Tống lại có nguồn gốc du mục, và lạ thay, chính từ thời Tống nảy nòi ra Chu Hy, người đã nâng Nho giáo lên đỉnh cao. Tống Nho thành một hòn đá tảng học thuật gia cố Nho giáo, trở thành một tôn giáo, thành Đạo Nho tỏa bóng lên xã hội và con người Trung Quốc.
Hùng mạnh như Kim Quốc, Nữ Chân hay Nguyên Mông, Mãn Thanh, mà nô dịch người Hán thì con cháu họ cũng thành Hán. Còn Đại Việt nhỏ bé đánh thắng, đuổi người Hán đi, nhưng tình nguyện “vờ” làm chư hầu, thì dù ít hay nhiều cũng bị Hán hóa. Dân tộc thì còn, nhưng tập tục thì dần biến đổi. Thời Minh thuộc, sự tiêu diệt văn hóa ghê gớm nhất đối với Đại Việt, sau đó nhà Minh bại trận. Nhưng Đại Việt của Lê Thái tổ sau chiến thắng thì bắt đầu mô phỏng xã hội Nho giáo Trung Hoa ở mức toàn diện nhất từ trước đến đó. Từ tam giáo đồng nguyên thời Lý cho đến Phật giáo chủ đạo thời Trần đã tàn lụi để cho Nho giáo độc tôn. Việc này có hậu quả dai dẳng cho đất nước và dân tộc mấy trăm năm, từ Mạc đến Lê Trung hưng và Nguyễn.
Thời Trần, chỉ có Trần Ích Tắc hàng quân Nguyên. Ích Tắc là quân tử hào hoa ở Thăng Long thấm nhuần Nho giáo. Cho đến Lê Chiêu Thống, một sản phẩm của xã hội Nho giáo thời Lê, không ngần ngại gọi người Thanh vào đất nước mình. Khi anh cùng hệ tư tưởng với nhau thì đôi khi quên dân tộc, chỉ thấy đâu cũng là Nho, Trung Nguyên hay Đại Việt cũng Nho cả, mà không thấy Nho chính là Đại Hán. Thời nhà Mạc, tư tưởng Nho giáo mất địa vị chủ đạo, vẫn tuyển bổ quan lại, nhưng phục hồi Phật giáo, Lão giáo, các vua Mạc sau khi mất kinh đô, trấn thủ biên cương Cao Bằng, dù cho yếu thế, nhưng tại sao không hề có ý định mời người Trung Quốc vào giúp mình, đó là một bí ẩn lớn hậu thế cần suy xét. Tôi cho rằng điều này có nguồn gốc về hệ tư tưởng. Nhà Mạc nghi ngờ Nho giáo, có bài học do sửa chữa sự suy đồi của xã hội Nho giáo cuối Lê. Chính điều đó khiến họ bị trả giá, bị tập đoàn phục Lê tiêu diệt. Nhà Mạc còn bi kịch ở chỗ, dù còn trấn thủ Cao Bằng, nhưng không có một sử gia riêng nào để lại một chữ thanh minh cho hậu thế, đến nỗi sau này, tất cả tài liệu lịch sử đều do các Nho gia phò Trịnh phò Nguyễn viết ra cả.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm