Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [60] [61] [62] [63] [64] [65] [66] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

"Giá trị Mỹ" và "Lợi ích Mỹ"

trong ván bài "Cách mạng hoa nhài"



Giá trị Mỹ và lợi ích Mỹ luôn là hai mặt không thể thiếu trong chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ. Giá trị Mỹ là những giá trị về mặt tư tưởng, tinh thần, ý thức hệ, giáo dục, mô hình chính trị và quản trị xã hội,… tóm lại là những giá trị mà Mỹ luôn tự hào và quảng bá ra toàn thế giới, xây dựng thương hiệu Mỹ và đi kèm với đó là mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ra toàn thế giới.

Trong khi đó, lợi ích Mỹ là những vấn đề gắn liền, trực tiếp, thiết thân với an ninh quốc gia và quyền lợi kinh tế của Mỹ. Trong mối tương quan giữa giá trị Mỹ và lợi ích Mỹ thì có thể nói giá trị Mỹ là lợi ích lâu dài và mang tính chiến lược của Hoa Kỳ, còn lợi ích Mỹ là trực tiếp và mang tính chiến thuật, bổ trợ cho giá trị Mỹ.
Thực ra, “giá trị” và “lợi ích” luôn là hai mặt khó tách rời trong chiến lược ngoại giao của hầu hết các nước, đặc biệt là các nước lớn; chỉ có điều chúng biểu hiện khác nhau ở các thời đại và quốc gia khác nhau.

Trong thời chiến tranh Lạnh, Liên Xô trong quá trình mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới cũng có “giá trị” và “lợi ích” của mình: “giá trị” của Liên Xô gắn liền với niềm tin mang tính ý thức hệ, hướng tới xây dựng một xã hội đại đồng theo lí thuyết của chủ nghĩa Marx và các học thuyết khác nhau giải thích về chủ nghĩa Marx của các đồ đệ của Marx như Lenin, Stalin,… Đằng sau “giá trị” mang tính ý thức hệ đó bao giờ cũng là mặt “lợi ích”: bành trướng quyền lợi và bảo vệ an ninh quốc gia của Liên Xô dưới sự cầm quyền của các lãnh đạo kế tiếp, từ Stalin cho đến khi Liên Xô sụp đổ.

Trong thời hiện tại, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc – một đối thủ quan trọng nhất của Mỹ hiện nay – cũng không thể vắng mặt hai bình diện “giá trị” và “lợi ích.” Trung Quốc mang tiền đi khai thác tài nguyên và đầu tư ở các nước khác chính là phục vụ cho các “lợi ích” của Trung Quốc.
Đồng thời trong quá trình đó, nó cũng chú ý phổ biến các “giá trị” của mình, thể hiện ở việc gián tiếp hay trực tiếp khoa trương về mô hình kinh tế-chính trị của mình cũng như các giá trị truyền thống mà người Trung Quốc luôn tự hào.

Đặt các cường quốc trong thế so sánh thì có thể thấy Liên Xô có phần ảo tưởng và ngây thơ khi xây dựng “giá trị” cho mình là một niềm tin ý thức hệ có tính không tưởng. Trong khi đó, Trung Quốc thực ra vẫn còn lúng túng trong việc chọn lựa các yếu tố để xây dựng “giá trị” cho mình: yếu tố truyền thống, cụ thể là đạo Khổng, thì chưa chắc đã phù hợp với thời hiện tại và chưa chắc đã hợp khẩu vị với các nước xa lạ với văn minh Đông Á.

Thứ nữa, quá chú trọng đến mặt “lợi ích,” chỉ tập trung vơ vét tài nguyên của các nước khác để làm lợi cho mình, Trung Quốc đã làm các nước nghi kị và cảnh giác trong quá trình làm bạn với nó, và do vậy, ở khía cạnh nào đó, Trung Quốc vô hình trung đã huỷ hoại bình diện “giá trị” của mình.
Có thể nói rằng Mỹ là quốc gia khôn ngoan nhất trong việc kết hợp và quyền biến các “giá trị Mĩ” và “lợi ích Mĩ” trong chiến lược ngoại giao của mình. “Giá trị Mỹ” luôn là yếu tố mà Hoa Kỳ đề cao, tự hào và rao giảng, và quả thực nó là cái làm nên quyền lực mềm của Mỹ, tạo nên hấp lực khiến các nước ngưỡng mộ và theo Mỹ.

Song, trong những mối quan hệ đặc biệt nào đó, khi “lợi ích” đóng vai trò quan trọng hơn và tác động trực tiếp tới chiến lược toàn cầu của Mỹ, thì Mỹ sẵn sàng phớt lờ và xem nhẹ yếu tố “giá trị” kia để dung túng và nuôi dưỡng cho các bộ phận nào đó hoặc các thế lực cầm quyền tại các quốc gia mà đường hướng cai trị của các thế lực đó mâu thuẫn với “giá trị Mỹ”.

Mặt khác, trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi “lợi ích” nào đó không còn có cơ hội để tiếp tục duy trì, Mỹ sẵn sàng đổi chác để giành lấy các “lợi ích” khác lớn hơn. Thời gian đủ để chúng ta nhìn lại cuộc chiến khốc liệt của dân tộc trong thế kỉ 20 và nhận thấy rằng chính Việt Nam là một trong những nước thấm thía nhất ván bài đó trong cuộc chơi quyền lực của Mỹ.
*
Các cuộc xuống đường rầm rộ ở Tunisia, Ai Cập và thế giới Ả rập nói chung diễn ra đầu năm 2011 này làm chấn động cả thế giới và sẽ là những sự kiện đi vào lịch sử trong quá trình nhân loại phấn đấu xây dựng và đi đến với tự do và dân chủ.
Trải qua những bất ngờ ban đầu về quy mô và thắng lợi nhanh chóng của các cuộc xuống đường đó – mà giờ đây nó được đặt tên là “Cách mạng hoa Nhài” – các nhà nghiên cứu bắt đầu đi sâu tìm hiểu cặn kẽ các nguyên nhân từ nhiều phía của cuộc cách mạng này. Một trong các khía cạnh đáng quan tâm để hiểu sâu thêm về cuộc cách mạng hoa Nhài này là mối quan hệ giữa “giá trị Mỹ” và “lợi ích Mỹ.”
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính quyền Mỹ từ triều đại George W. Bush cho đến triều đại của Barack Obama đã có các chiến lược ngầm hoặc công khai trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức, hội đoàn để cổ xuý và thúc đẩy dân chủ tại các nước Ả rập và Bắc Phi. Đó luôn là các hoạt động nằm trong chiến lược phát triển “giá trị Mĩ” mà Hoa Kỳ tiến hành từ xưa đến nay, đối với không chỉ các nước đang bùng nổ cuộc cách mạng hoa Nhài.

Khi bình diện “lợi ích Mỹ” đang cần thiết và cấp bách hơn trong chiến lược ngoại giao, thì bên cạnh việc thúc đẩy các giá trị Mỹ thông qua các hoạt động vừa đề cập ở trên, Hoa Kỳ vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với giới cầm quyền ở các nước sở tại cho dù họ là những tên độc tài với chính sách quản lí quốc gia đi ngược lại với các giá trị Mỹ mà Hoa Kỳ luôn tự hào và thúc đẩy ra toàn thế giới.
Nhưng một khi phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở các nước đó bùng lên chống lại sự kìm kẹp về chính trị của giới cầm quyền, thì Mỹ đã thủ sẵn các con bài để lập tức quay sang đề cao bình diện “giá trị Mỹ,” hối thúc sự ra đi của các chính quyền độc tài, và đằng sau sân khấu chính trị đó, chắc chắn Mỹ sẽ có các nước đi ngầm để chính quyền mới được lập nên thay thế chế độ độc tài tại các nước đó cũng sẽ là các chính quyền có xu hướng thân Mỹ, bảo vệ các “giá trị Mỹ” và “lợi ích Mỹ” trong phạm vi tốt nhất có thể được.
Phân tích như vậy không phải để nhìn nhận một chiều và hoàn toàn thù nghịch với chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ. Thứ nhất, mối quan hệ giữa “giá trị” và “lợi ích,” như vừa được phân tích ở trên, luôn luôn là các yếu tố cấu thành trong chiến lược ngoại giao của các nước, với các mức độ, quy mô khác nhau. Là một siêu cường dẫn đầu thế giới, các bình diện “giá trị” và “lợi ích” đó thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết trong chiến lược ngoại giao của Mỹ.

Thứ nữa, như chúng tôi cũng vừa phân tích ở trên, Mỹ là nước vận dụng một cách khôn ngoan, linh hoạt nhất, quyền biến nhất mối quan hệ giữa “giá trị Mỹ” và “lợi ích Mỹ” trong chiến lược ngoại giao toàn cầu của mình nhằm luôn giữ vững được vị trí thống lĩnh và lãnh đạo thế giới.
Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng dù sao đi nữa, các “giá trị Mỹ” cũng chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại, tạo nên quyền lực mềm của Mỹ và trở thành hấp lực khó cưỡng đối với thế giới.
Hơn nữa, phải thấy nguyên nhân quan trọng nhất cho sự bùng nổ của cuộc cách mạng hoa Nhài phải là bản thân sự khủng hoảng của mô hình chính trị tại các nước sở tại, sự kìm kẹp, thiếu tự do về chính trị, sự mâu thuẫn giữa việc cải cách chính trị không đồng bộ và không theo kịp cải cách kinh tế, tình trạng độc tài và tham nhũng của giới chóp bu nắm quyền.

Nếu không có các yếu tố nội tại đó thì cho dù Mỹ có ngấm ngầm hay công khai thực hiện các chiến lược nào đó để phục vụ cho chiến lược toàn cầu của mình, thì các yếu tố bên ngoài cũng khó lòng mà chuyển hoá thành cách mạng của quần chúng được.
Vậy, bài học nào rút ra cho các nước, đặc biệt là các nước nhỏ trong đó có Việt Nam, những nước đang trong quá trình xây dựng kinh tế và hoàn thiện mô hình xã hội, trong cuộc cờ chính trị thế giới này?

Rõ ràng, bài học thứ nhất phải là dám nhìn nhận vào thực tế, nhận ra các điểm yếu trong mô hình quản lí kinh tế và quản trị xã hội của mình để cải tiến, chuyển đổi, phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại. Đó cũng là việc đánh giá khách quan và sòng phẳng các “giá trị Mỹ” trong quá trình làm bạn với Mỹ, học tập các điểm tích cực của nó, các yếu tố khiến Mỹ trở nên một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và tạo ra hấp lực của quyền lực mềm khiến cả thế giới ngưỡng mộ và học tập.

Thứ hai, phải nhận rõ mối quan hệ giữa “giá trị Mỹ” và “lợi ích Mỹ” để luôn có sự tỉnh táo trong việc ra quyết sách nội trị lẫn ngoại giao đúng đắn. Giá trị Mỹ hay lợi ích Mỹ, lợi ích dài hạn và lợi ích ngắn hạn, tất cả cũng chỉ để phục vụ cho quyền lợi của nhân dân Mỹ, bởi cho dù là nước Mỹ hay bất kì nước nào cũng vậy, chung quy lại cũng luôn hoạt động theo nguyên tắc lợi ích.

Do vậy, để thoát khỏi những cảnh bạo loạn đổ máu, để thoát khỏi thân phận là con tốt luôn có nguy cơ bị “thí” trên bàn cờ chính trị quốc tế, chỉ còn một con đường duy nhất: phải xây dựng một nền dân chủ đích thực và phải trở nên giàu mạnh về kinh tế để có nội lực thực sự.

Hùng mạnh về kinh tế chỉ có thể có được khi người cầm quyền biết dũng cảm gạt bỏ các ảo tưởng mù quáng hay là các lợi ích phe nhóm, biết đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên cao nhất, biết nhận ra đâu là quy luật khách quan phải theo.
Hùng mạnh về kinh tế chỉ có thể được đảm bảo và hỗ trợ vững chắc bởi cải cách về thể chế chính trị, để mô hình chính trị của đất nước mình theo kịp với trào lưu dân chủ của nhân loại, để sự vững mạnh về kinh tế phải đi kèm với sự giàu có, sự tự do và các giá trị dân chủ cho mỗi người dân.
Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể khai thác tối đa mối quan hệ giữa “giá trị Mỹ” và “lợi ích Mỹ,” cũng như “giá trị” và “lợi ích” của bất kì đối tác nào trong một thế giới mà xu hướng phụ thuộc lẫn nhau ngày càng trở nên khăng khít; biến các yếu tố “giá trị” và “lợi ích” của đối tác thành các yếu tố có lợi và tương thuận với sự phát triển của chính bản thân Việt Nam.
Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hi vọng Việt Nam hoá rồng hay hoá hổ trong cuộc cờ chính trị thế giới ngày càng sôi động và phức tạp này.

LÊ NGUYÊN
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đồ Nghệ đã viết:

"Giá trị Mỹ" và "Lợi ích Mỹ"
trong ván bài "Cách mạng hoa nhài"


Hơn nữa, phải thấy nguyên nhân quan trọng nhất cho sự bùng nổ của cuộc cách mạng hoa Nhài phải là bản thân sự khủng hoảng của mô hình chính trị tại các nước sở tại, sự kìm kẹp, thiếu tự do về chính trị, sự mâu thuẫn giữa việc cải cách chính trị không đồng bộ và không theo kịp cải cách kinh tế, tình trạng độc tài và tham nhũng của giới chóp bu nắm quyền.

Hùng mạnh về kinh tế chỉ có thể có được khi người cầm quyền biết dũng cảm gạt bỏ các ảo tưởng mù quáng hay là các lợi ích phe nhóm, biết đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên cao nhất, biết nhận ra đâu là quy luật khách quan phải theo.
Quan trọng nhất là hai đoạn này. Chỉ cần "quán triệt thấu đáo, thi hành nghiêm chỉnh" hai đoạn này, chẳng mấy chốc, thế giới sẽ phải nói nhiều đến "giá trị Việt" và "lợi ích Việt".

Thật ra, hai điều đơn giản đó có thể thấy trong rất nhiều văn kiện của Đảng Cộng sản, đặc biệt trong những bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ôi, lạ lùng thay!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

"...Hơn nữa, phải thấy nguyên nhân quan trọng nhất cho sự bùng nổ của cuộc cách mạng hoa Nhài phải là bản thân sự khủng hoảng của mô hình chính trị tại các nước sở tại, sự kìm kẹp, thiếu tự do về chính trị, sự mâu thuẫn giữa việc cải cách chính trị không đồng bộ và không theo kịp cải cách kinh tế, tình trạng độc tài và tham nhũng của giới chóp bu nắm quyền.

Hùng mạnh về kinh tế chỉ có thể có được khi người cầm quyền biết dũng cảm gạt bỏ các ảo tưởng mù quáng hay là các lợi ích phe nhóm, biết đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên cao nhất, biết nhận ra đâu là quy luật khách quan phải theo..."

...

Các bác cứ hay ní nuận cao xa. Đặt.........lên trên hết thì em còn ghế đâu mà ngồi. Trăm vạn nần xin nỗi các bác nhá.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đồng phục

Bài đăng trên Thanh Niên 05/08/2012 3:15

Trước thềm năm học mới 2012 - 2013, câu chuyện đồng phục của học sinh lại rộ lên với những băn khoăn, lo lắng và cả những bức xúc.

Thì ra, hình mẫu đồng phục truyền thống của học sinh qua nhiều thế hệ là quần xanh áo trắng có vẻ đã “xưa rồi diễm ơi” trong con mắt các ban giám hiệu ưa... cách tân hình thức.

Họ đã “kết hợp” với các nhà thiết kế thời trang, nghiên cứu cho ra “style” quần áo cho riêng học sinh trường mình, dứt khoát không thể lẫn với học sinh trường khác dù đã có bảng tên rành rành trên ngực áo.

Nhìn chung, chỉ là những “cải tiến” vặt vãnh như: thêm hoặc đổi một chút về màu sắc, thay một vài chi tiết trên cổ áo và nút áo (có viền đăng ten)... Có thể gọi đó là những thay đổi nhỏ, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến túi tiền của nhiều phụ huynh nghèo. Họ buộc phải may mới cho đúng yêu cầu của nhà trường trong khi bộ đồ năm trước có thể dùng tiếp tục. Còn nếu mua của nhà trường thì tình trạng cũng không khá hơn: vải chất lượng kém, giá tiền khá cao. Khổ sở hơn là những cái áo in bảng tên và logo của trường. Anh (chị) không thể dùng lại hoặc “chuyển nhượng” cho em dù nó còn khá mới.

Không dừng lại ở đồng phục, có trường còn đi xa hơn bằng việc yêu cầu học sinh mua vở có in logo của nhà trường để tạo “bản sắc” riêng. Nhân đó, giáo viên chủ nhiệm cũng yêu cầu học sinh dùng “đồng học cụ” cho “đồng bộ”. Vậy là học sinh phải mua những vật dụng học tập như bao bìa, nhãn tên, bút, thước kẻ, com pa cùng một “nguồn”.

Những nhà giáo đã quên rằng mỗi cá nhân học sinh đều có những sở thích riêng, những cảm nhận riêng với từng sự vật hiện tượng. Sự tự do lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ của đồ dùng học tập là quyền của các em. Hơn nữa, đồ dùng học tập mà các em yêu thích sẽ tạo tâm lý thoải mái và hưng phấn trong quá trình học tập.

Thật khiên cưỡng nếu nói đồng phục tô thêm “màu cờ sắc áo” của một trường vì quần áo là hình thức, còn “màu cờ sắc áo” là ẩn dụ chỉ truyền thống, chất lượng và thành tích của một đơn vị. Đã có không ít trường mà học sinh chỉ với quần xanh áo trắng bình thường, có “hoa văn” này “họa tiết” nọ trên áo đâu mà vẫn ghi tên mình vào top đầu của các kỳ thi đại học, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và cả quốc tế. Dư luận mong muốn nhà trường không nên quá chăm chút hình thức để làm khó làm khổ phụ huynh. Vì ở bất cứ nơi đâu vẫn còn những người cha lam lũ, những người mẹ nghèo khó.

Khi xã hội không đồng tình, phụ huynh không đồng lòng mà các trường vẫn kiên quyết “sáng tạo” đồng phục riêng cho trường mình thì một là trường ấy đang thể hiện “quyền lực mềm”, hai là khoản lợi nhuận từ các cơ sở cung cấp vải vóc và may mặc dành cho họ là quá lớn.

Trần Cao Duyên
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Bất / bình thường


TP - Con nhà nghèo, thiếu quần áo, thiếu cả chiếc xe đạp lành lặn, vẫn đỗ thủ khoa đại học với điểm tuyệt đối. Năm nay và những năm qua, có rất nhiều học sinh như vậy.


Có vẻ bất thường - khi những người không đủ điều kiện để học lại học quá giỏi. Và điều này đang trở thành bình thường, thậm chí trở thành một logic ngược: Nghèo mới học giỏi, học giỏi thì chắc là nghèo?!

Những chuyện bình thường, hiển nhiên như một cộng một bằng hai lại đang thành hiếm hoi đến mức bất thường. Chẳng hạn, một sỹ quan công an từ chối “quà”, tài xế taxi trả lại hành khách cục tiền hàng tỷ đồng, anh cán bộ hải quan không nhận tiền bôi trơn để thông quan cho lô hàng bất hợp pháp, chị bác sỹ dịu dàng với bệnh nhân.

Thật ra, chỉ là họ đã làm đúng chức phận và đạo đức nghề nghiệp, không cao siêu gì. Việc nêu gương là cần thiết, nhưng nghĩ kỹ thì thấy thật sự rất lạ. Bởi vậy thì, chẳng lẽ cái tốt, người tốt, việc tốt đang quá hiếm?

Rất nhiều người (lớn có, bé có) cho rằng, để công thành danh toại, không cần lắm đến tài năng, chỉ cần tiểu xảo. Nhận thức phiến diện? Thang giá trị xã hội thay đổi? Hay xã hội đang thiếu giáo dục cơ bản?

Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam vừa công bố: 50% giáo viên hối hận vì đã chọn nghề dạy học (tính trung bình ba cấp học phổ thông).

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ nói: Giáo viên đúng nghĩa phải dạy học sinh bằng nhân cách của mình, nghề dạy học cao quý ở chỗ đó. Còn bây giờ, “thầy cầm của bố mẹ nó một cái phong bì rồi chữa điểm cho nó, nó biết chứ. Thế thì nó sẽ coi thầy giáo là gì?”.

Theo ông Rỹ, nhà giáo không còn được coi trọng, thể hiện qua nhận thức, chính sách, thu nhập và cả báo chí. Nhiều tờ báo chuyên săn tin thầy giáo đánh học sinh, lạm dụng tình dục học trò… Những chuyện bất thường ấy được khoét sâu đào rộng.

Còn những người thầy người cô phải mở quán bán chè, rửa xe dịp hè, làm việc mỗi ngày 10- 14 tiếng đồng hồ gồm đứng lớp, chấm bài, soạn giáo án; hoặc những giáo viên trẻ tình nguyện ở lại núi rừng... Những câu chuyện ấy cũng đang trở thành bình thường, theo nghĩa bị thờ ơ, như một sự đương nhiên.

Khi cái bình thường và bất bình thường có thể hoán đổi vị trí, thì thật sự đáng sợ.

Trần Thanh

 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Đại gia và...quan chức



Có hai câu chuyện, ngẫu nhiên không hẹn mà thành "gặp nhau cuối tuần", nhưng không phải để bạn đọc cười, mà đọc xong, hẳn nó thành "ga la"... khóc.
Đó là chuyện về đại gia và quan chức, hai giai tầng muôn thuở hấp dẫn, từ người đẹp chân dài đến thường dân chân đất.

"Liêu trai chí dị" thời nay

Đại gia được nói ở đây, khiến bạn đọc chú ý vì sự khác người và khác đời. Đang sống sờ sờ, khỏe mạnh, đẹp đẽ ở Hà Nội, ông N. C. Đ. bỏ lên Lương Sơn (Hòa Bình) mua 24 héc ta đất rừng, làm trang trại. Chuyện có thế thì chả đáng nói, vì khối đại gia thời buổi này đều có trang trại cuối tuần.
Đáng nói ở chỗ đại gia này, xây mộ chờ... ướp xác mình.
Mới nghe tưởng như của tiểu thuyết Tàu, vì nó nhang nhác cái lo xa của các bậc đế vương xưa, phòng ngừa khi nằm xuống, bị dân "đào mồ, đào mả". Ông Đ. cũng chẳng giấu, khi nói xổ toẹt: "Công trình này tốn rất nhiều tỷ đồng. Tôi chỉ là "phó thường dân" nhưng muốn làm 1 khu mộ ngang với mộ... Tào Tháo".
Nhưng chuyện kể của ông Đ. còn có vẻ hấp dẫn hơn cả tiểu thuyết Tàu, vì nó lại có chút nhang nhác chất "liêu trai chí dị".
Không biết công trình xây mộ của ông Đ. có đạt trình độ "ngang" với mộ Tào Tháo không, nhưng ông Đ. cũng thuê tới 30 người đục đẽo hơn 3 năm mới xong. Ông còn chuẩn bị đầy đủ cả hương liệu ướp xác sau khi đã đi Trung Quốc, Ai Cập tìm hiểu công nghệ này.
Nay, khu mộ của ông Đ. và vợ đã xây hoàn chỉnh với 2 ngôi cạnh nhau, phía trên có 2 tấm bê tông, ước chừng 6 người khiêng không nổi. Phía dưới hầm mộ có hệ thống xe goòng đưa quan tài vào sâu trong núi...Có kém gì vua chúa trong tiểu thuyết Tàu không?
Nghe chuyện ông, người viết chỉ nhớ đến những khu nghĩa trang của các quốc gia văn minh. Họ xây đồng loạt, giản dị mà không kém tôn nghiêm, theo một quy chuẩn chung. Ở đó, vẫn toát lên một không gian văn hóa, cho dù là "cõi âm".

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/06/29/13/20120629132127_1a.jpg

Khu mộ của ông Đ hiện đã xây hoàn chỉnh với 2 ngôi cạnh nhau, phía trên có 2 tấm bê tông lớn.
Ảnh: Kienthuc.net



Cũng lại nhớ đến "thành phố Ma" hoành tráng, sơn son thiếp vàng ở Huế mà báo chí tốn bao giấy mực, nhưng dường như vẫn không lay chuyển được nếp nghĩ thủ cựu của những người đang sống ở cố đô.
Thôi thì cũng do ngành văn hóa chưa có những quy chuẩn chung mang tính pháp luật về mồ mả, nên có những đại gia nhiều tiền của muốn "học đòi", "chơi ngông" hay muốn thể hiện mình theo cách riêng của họ, cũng chả có gì lạ...
Lạ nhất là chuyện này. Là chuyện các quan chức tỉnh Hà Giang, một tỉnh miền núi phía bắc nghèo của Tổ quốc "đua nhau chơi nhà sàn gỗ quý" (phapluatvn.vn, ngày 27/6). Cuộc đua ngấm ngầm này của các vị chẳng ai chịu kém ai.
Các ngôi nhà sàn, hoặc biệt thự đều là của các quan chức cấp huyện, hoặc cấp tỉnh nằm ở thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện (huyện Vị Xuyên), ở tổ 8, phường Quang Trung; hoặc tổ 18, phường  Minh Khai (TP Hà Giang), ở xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang)... và đều có đặc điểm chung.


http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/06/29/13/20120629132127_1b.jpg

Một căn nhà sàn trị giá nhiều tỷ đồng của một quan chức cấp tỉnh của Hà Giang.
Ảnh: phapluatvn.vn



Đó là vừa to vừa rộng, có ao, hồ, non bộ, trị giá nhiều tỷ đồng, được dựng công phu toàn bằng các loại gỗ quý hiếm, trong đó có gỗ nghiến và gỗ trai (loại gỗ quý toát ra mùi thơm lạ, khiến thạch sùng, các loại dán và côn trùng chẳng dám bò vào nhà).
Và đặc điểm chung nữa: Các loại gỗ này có xuất xứ tại các cánh rừng của cao nguyên Hà Giang thuộc nhóm 2A không được phép khai thác.
Các ngôi nhà đều nằm theo thế phong thủy cực kỳ đắc địa. Có ngôi còn theo kiểu "tả thanh long, hữu bạch hổ; tiền chu tước, hậu huyền vũ", theo triết lý của chủ nhân, "lấy cái cũ để soi vào cái mới" mà ngẫm sự tình.
Hay là để "ngầm" so sánh cái giàu của mình với cái giàu của đồng sự, của hậu sinh mà ...nuối tiếc, mà ấm ức? Đương nhiên, đó cũng chỉ là những ngôi nhà nghỉ cuối tuần. Thi thoảng các chủ nhân mới bầu đàn thê tử từ trung tâm thành phố Hà Giang về nghỉ ngơi, thư giãn.
Có điều rất lạ, gỗ nghiến, gỗ trai là những loại gỗ quý pháp luật Nhà nước nghiêm cấm khai thác. Mà nay, nhà nghỉ, biệt thự của các quan chức cấp huyện, cấp tỉnh ở miền núi Hà Giang cứ thay nhau mọc lên trước mắt người dân Hà Giang còn nghèo khổ. Vậy thì...
Ai trả lời được câu chuyện... "liêu trai chí dị" này không?
Người viết bài chỉ nhớ nhất câu ông Trưởng thôn họ Đàm (thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện, huyện Vị Xuyên) than thở: "Cả thôn Lâm Đồng có 196 nóc nhà sàn của dân cũ kỹ, trong đó có 30% số nhà khi mưa về đã bị dột từ nóc". Nhà dột từ nóc, thì dân khổ là phải!

Những con đường... "liêu trai"

Xã hội còn chưa hết xôn xao về những nhà sàn, biệt thự toàn bằng gỗ quý của các chức sắc cấp huyện, cấp tỉnh Hà Giang, mới đây, báo chí lại lên tiếng khẩn cấp về hiện tượng Vườn Quốc gia Ba Bể bị phá đến cạn kiệt. Đặc biệt, hàng trăm m3 gỗ nghiến đã bị đốn trộm.
Thì tỉnh miền núi Bắc Kạn mới vội vàng họp khẩn cấp, đề xuất giải pháp ...khẩn cấp, ngăn chặn thực trạng này.
Chẳng biết Bắc Kạn sẽ có những giải pháp thần diệu nào. Hay lại...kiểm điểm nghiêm túc, xin lỗi trước dân - cái cách nhận lỗi nhẹ hều- thường nghe thấy trước mỗi vụ việc sai phạm nghiêm trọng lâu nay ở các cơ quan, các ngành của Nhà nước. Chứ sự tổn thương và đau đớn của rừng kéo dài lâu nay rồi, và... ai oán lắm.
Chỉ tính riêng từ cuối năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 134 cây gỗ nghiến với khối lượng 536m3 bị chặt hạ. Trong đó, 2 khu vực có diện tích rừng nghiến bị tàn phá nhiều nhất là Vườn Quốc gia Ba Bể (48 cây, 160m3 gỗ) và khu rừng xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông (52 cây, 226m3 gỗ) (VietNamNet, ngày 22/6).
Xin lưu ý, đây cũng mới là số  liệu mà lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản. Còn số lượng gỗ nghiến bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển về xuôi trót lọt thì... chưa thể biết được.
Thế nhưng nói thực, liệu tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt các ngành chức năng có biết được những con đường ngoắt ngoéo khai thác, vận chuyển trái phép hàng trăm m3 gỗ nghiến không?
Khi mà phóng viên VietNamNet ở tận Hà Nội, qua vệt bài điều tra còn chỉ đích danh, thông qua thông tin của người dân tỉnh này, ông trùm đứng sau các vụ phá rừng, thâu tóm toàn bộ đường dây khai thác, đấu thầu, tiêu thụ gỗ nghiến (đã được đấu giá sau tịch thu) là ai.


http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/06/29/13/20120629132127_1c.jpg

La liệt những khúc gỗ nghiến nằm ngay giữa vùng lõi vườn quốc gia Ba Bể.
Ảnh: Hoàng Sang/VietNamNet



Còn chỉ ra con đường ngoắt ngéo biến gỗ nghiến khai thác trộm, phi pháp thành gỗ nghiến "có hóa đơn mua bán, có dấu búa kiểm lâm" hợp pháp như thế nào.
Vậy mà tài nhất, trong báo cáo của lực lượng kiểm lâm Bắc Kạn, chưa bao giờ có một biên bản vi phạm nào có tên ông trùm này.
Rõ ràng, con đường ngoằn ngoèo, lắt léo và phi pháp từ khai thác trộm, đến vận chuyển hàng trăm m3 gỗ nghiến quý hiếm ấy không thể trót lọt, nếu không có những con đường tăm tối, tham lam, ma mãnh và ngoắt ngoéo của... lòng người- những con đường "liêu trai" không kém. Ở đây là của các lực lượng, các ngành chức năng.
Chính ông Nông Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng nhận định, để việc gỗ nghiến ở Vườn Quốc gia Ba Bể bị đốn hạ và vận chuyển về xuôi, không thể loại trừ trường hợp một vài lực lượng kiểm lâm, tiếp tay cho lâm tặc.
Kinh ngạc nhất, ngay cả khi sự việc đã rõ mười mươi, nhưng cấp quản lý chính quyền tỉnh này cũng vẫn chưa có số liệu cụ thể về diện tích, trữ lượng gỗ nghiến của toàn tỉnh nói chung, Vườn Quốc gia Ba Bể nói riêng. Số lượng cây gỗ bị chặt phá có thể nắm được chỉ là dựa vào gốc cây còn... trơ lại. Khối lượng của cây chỉ xác định sơ bộ do sau khi đốn hạ, lâm tặc đã cưa thành các cục thớt để vận chuyển.
Ở góc độ nào đó, có lẽ chính quyền, các ngành chức năng Bắc Kạn phải "cảm ơn" lâm tặc. Nhờ có lâm tặc, mà họ nắm được rõ hơn tài sản của mình đang quản lý.
Đặt hình ảnh các nhà sàn, biệt thự bằng gỗ quý của các quan chức cấp huyện, cấp tỉnh Hà Giang bên cạnh hình ảnh Vườn Quốc gia Ba Bể bị phá cạn kiệt, người dân sẽ nghĩ gì nhỉ?
Ai có thể viết tác phẩm "Liêu trai chí dị"- những câu chuyện về ...ma quỷ, thời nay


Dân ức vì... "khủng"

Mới đây, đọc bài viết trên báo NNVN (ngày 26/6), ai cũng phải sốc nặng: "Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa".
Chuyện rất lạ: Xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 15 thôn, 2.000 hộ, 9.500 dân. Ngân sách xã mỗi năm chỉ thu được có 400 triệu, nhưng có tới 500 vị cán bộ xã, thôn. Đến mức phóng viên báo này, ngồi với ông Phó Chủ tịch UBND xã gần một tiếng sau mà ông vẫn chưa thống kê hết số lượng cán bộ, đành "áng chừng".
Quả là một con số ấn tượng về bộ máy hành chính cấp xã!
Đương nhiên, do quan chức xã, thôn đông quá, ngân sách tỉnh lấy đâu để trả lương, nên chính quyền xã bắt dân phải gánh. Người viết tính "bổ đầu" ra theo số lượng, thì cứ 19 người dân nuôi 1 quan chức.
Đúng là thời chiến, dân nuôi quân- "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", thời bình dân nuôi...quan!
Khổ nỗi, dân Quảng Vinh đâu có dư dả gì. Số hộ nghèo trong xã còn tới 30,6%. Bình thường, họ đã phải chịu tới 19 khoản phí chính, chưa kể những khoản phí phụ. Con số 19 như con số định mệnh của dân Quảng Vinh!
Mà đội ngũ 500 quan chức xã, thôn nảy nở từ đâu? Từ bộ máy Nhà nước, theo ngành dọc, bổ xuống từ trên xuống dưới. Trên có gì, dưới có nấy. Trên bảo, đố dưới... không nghe đấy?
Đông quan chức quá, thành ra...ít việc. Vì có việc đâu để làm. Ví như 7 đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ, phụ lão, cựu chiến binh..., đã có tới 14 cán bộ, nhưng có phải lúc nào cũng có "phong trào" hay "cuộc vận động"? Mà mỗi thôn, 2 người phụ trách bất kỳ đoàn thể nào cũng được hưởng phụ cấp 200 cân thóc/ năm.
Thành thử, so với hiệu quả công việc- ngồi "đuổi ruồi", thì thật ra thu nhập của các quan chức xã này vẫn rất...cao. Dân thì lúc nào cũng chổng mông ngoài đồng, bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Thế nên, càng dễ ấm ức. Nhất là khi ngày ngày vác cuốc ra đồng, nhìn thấy nhà bác Chủ tịch xã to vật vã.


http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/06/29/13/20120629132137_1d.jpg

Dân nghèo, xã nghèo, nhưng nhà Chủ tịch xã to như biệt phủ.
Ảnh: Nongnghiep.vn



Lâu nay, chẳng ai còn lạ về cái sự "vì người, đặt việc" ở nhiều cơ quan, công sở. Người viết bài đã từng được làm việc ở một vụ, mỗi quan chức phụ trách... hơn 1 nhân viên cơ mà (!) Nhưng cái sự "khủng" của bộ máy quan chức ở Quảng Vinh, quả thật quá sức chịu đựng của dân.
Công cuộc cải cách hành chính và tinh giản biên chế triển khai đến nay, có lẽ đã được gần 1 giáp- 12 năm. Vậy nhưng, cứ nhìn vào xã Quảng Vinh, nhìn vào bộ máy "khủng" của xã này, người ta sẽ thấy ngay hiệu quả của cải cách hành chính ra sao?
Đâu phải cứ đến cơ quan công quyền Nhà nước, công sở hoành tráng, sáng choang, người dân mới bị "hành là...chính". Ngay nông dân Quảng Vinh, chỉ cắm cúi một nắng hai sương trên cánh đồng, chẳng mấy khi đi ra khỏi lũy tre làng, cũng còn bị... hành khốn khổ. Mới hay, cái "chân rết" của bộ máy hành chính (đang phải cải cách) vẫn chả tha ai.
Thanh Hóa vốn là tỉnh mấy năm nay cứ đến kỳ giáp hạt, lại phải kêu cứu Trung ương hỗ trợ gạo để nuôi dân.
Nhưng giờ, chắc chắn đến lượt người dân, như xã Quảng Vinh, phải vác rá vay gạo để nuôi cán bộ.
Họ ức là phải.
Còn nhiều người dân trong xã hội, nhìn vào hoàn cảnh "quan giầu, quan nghèo" nói trên, hẳn đều... khóc (theo cách của mình), vì hổ thẹn và ngượng thay!

K.D
(Grass root)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Bác nào có ý định làm nhà nghỉ cuối tuần như ở Hà Giang thì làm mau lên. Chả mấy bữa nữa thì rừng sẽ hết sạch gỗ. Rồi tất cả rừng núi sẽ được cạo trọc cả. Ở xứ mình có nhiều ban bệ...nhưng có ai quản gì đâu. Lập ra cốt để tiêu tiền thuế của dân đóng. Các bác báo chí viết cốt cho có bài để ăn lương và nhuận bút. Thằng chặt trộm cây, anh giữ cây...có ai để ý đến bài của các bác.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Trung Quốc cho rằng "thời cơ" chiếm Trường Sa đã đến?

Bài đăng trên Phụ nữ Today Thứ Hai, 06/08/2012, 06:38 [GMT+7]

(Quốc phòng)- Không cần úp mở gì nữa, rõ ràng là Trung Quốc đã chiếm Trường Sa của Việt Nam trên văn bản hành chính. Họ đã biến Trường Sa Việt Nam trở thành quận huyện của họ có đầy đủ cơ cấu tổ chức chính quyền…trong khi Trường Sa là một huyện của Khánh Hòa-Việt Nam mà dân cư của ta đã và đang sinh sống từ lâu đời. Vấn đề là khi nào Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh?

Bất kỳ hoạt động nào, chính trị, quân sự hay kinh tế, thì việc nắm bắt thời cơ là một yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên thắng lợi. Để mất thời cơ, sẽ kéo dài thời gian và có kết quả không trọn vẹn. Thời cơ chỉ đến một lần mà không bao giờ trở lại.

Trong trang sử quan hệ với Việt Nam, với dã tâm bành trướng, bá quyền, Trung Quốc đã rất nhiều lần lợi dụng thời cơ để gây cho Việt Nam nhiều khó khăn, tổn thất.

Năm 1974, sau khi mặc cả với Mỹ sau lưng Việt Nam, lợi dụng Việt Nam tập trung sức người, sức của cho công cuộc thống nhất đất nước, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa.

Năm 1979, lợi dụng chính sách ngoại giao xơ cứng của Việt Nam với Mỹ. Trung Quốc tấn công Việt Nam. Cuộc tấn công này đạt được 2 mục đích.

Thứ nhất, triệt hạ khả năng Việt Nam thay đổi chính sách ngoại giao với Mỹ, tạo ra hố sâu ngăn cách giữa Việt Nam với Mỹ và các nước phương Tây.

Cuối cùng, bị cấm vận kinh tế, căng thẳng về an ninh, thù trong giặc ngoài, khiến Việt Nam kiệt quệ sau chiến tranh, không có khả năng hồi phục hoặc hồi phục chậm chạp…là bài học giá trị mà Việt Nam nhận được từ Trung Quốc.

Thứ hai là Trung Quốc, qua đó, xin được làm bạn với Mỹ. Sự hậm hực của Mỹ như được thỏa lòng. Mỹ “nuôi” Trung Quốc trong gần 3 thập kỷ.

Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa trước khi Việt Nam rút quân từ Campuchia về nước sau 10 năm giúp bạn năm 1989.

Phải công nhận một điều rằng Trung Quốc theo dõi, lợi dụng thời cơ để “chơi” Việt Nam rất tốt, đặc biệt là thời điểm 1979.

Năm 1979, không phải vì lúc đó các quân đoàn chủ lực Việt Nam đang giải phóng Campuchia, đó chỉ một phần để giảm thiểu tổn thất quân sự, điều này, với Trung Quốc không quan trọng, mà giỏi ở chỗ, ngay lúc đó, họ đã lường trước những cái được, cái mất trong mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ.

Họ đã nhìn thấy thời cơ bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt dễ dàng thuận lợi cho Việt Nam đã qua đi và họ chớp lấy thời cơ đó bằng hành động có lợi cho mình: Được làm bạn với Mỹ bằng “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Có thể nói Trung Quốc đã nhìn thấy hiện tại, tương lai mối quan hệ Việt - Mỹ ảnh hưởng đến Trung Quốc như thế nào. Đó là tầm nhìn xa chiến lược của ông Đặng Tiểu Bình.

Sách lược “Giấu mình chờ thời” thực chất là nghệ thuật thời cơ. Nó có 2 hoạt động quan trọng. Thứ nhất là, rình mò, theo dõi, lợi dụng thời cơ để hành động cho mục đích. Thứ hai là bí mật các hoạt động để tạo thời cơ và khi thời cơ đến thì chớp lấy hành động.

Hai hoạt động này luôn song hành cùng nhau và đối với Trung Quốc, trong 3 thập kỷ lại đây, họ chủ yếu thiên về hoạt động kiểu thứ nhất-rình mò, theo dõi, lợi dụng thời cơ, mà như trên đã dẫn.

Khi thời cơ đến thì hành động, lúc đó thì không cần vì không thể giấu mình là tất yếu.

Tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây cho thấy Trung Quốc không còn “giấu mình” nữa. Họ không cần giấu diếm ý đồ, ngang nhiên hành động, bất chấp tất cả để thực hiện tham vọng chiếm Trường Sa của Việt Nam và 80% Biển Đông. Trên Biển Đông Trung Quốc đã “chơi bài ngửa”.

Vậy, phải chăng Trung Quốc cho là thời cơ của họ đã đến?

Bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng biết và bất bình với những hành động ngang ngược, nguy hiểm của Trung quốc trong những ngày gần đây.

Nguy hiểm càng gia tăng khi Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Rồi, ngày 21/7, phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Không cần úp mở gì nữa, rõ ràng là Trung Quốc đã chiếm Trường Sa của Việt Nam trên văn bản hành chính. Họ đã biến Trường Sa Việt Nam trở thành quận huyện của họ với đầy đủ cơ cấu tổ chức chính quyền…trong khi Trường Sa là một huyện của Khánh Hòa-Việt Nam mà dân cư đang sinh sống từ lâu đời.

http://phunutoday.vn/dataimages/201208/original/images741907_Truong_Sa_11_Phunutoday.vn.jpg
Chiến sĩ Trường Sa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc


Vấn đề là khi nào Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh để đánh chiếm?

Giới hiếu chiến quân sự và còn có những học giả “ăn theo” của Trung Quốc đã nắm bắt 4 vấn đề trong dự báo thời cơ, coi đó là thời cơ để lợi dụng.

Trước hết là về thời cơ bên ngoài:

Một là: ASEAN đã rệu rã, khả năng đoàn kết để chống Trung Quốc không còn, họ có thể “bẻ từng chiếc một” dễ dàng.

Hai là: Mối quan hệ Việt-Mỹ phát triển nhanh không tưởng tượng nổi trên nhiều mặt, trong đó có an ninh quốc phòng. Hiện tại mối quan hệ này đang “lòng trong tuy đã, nhưng ngoài còn e”.

Nếu để thêm thời gian, khi Việt-Mỹ không còn e ngại gì nhau nữa, “tay trong tay” thì khó khăn sẽ gấp bội cho mục đích bành trướng.

Ba là: Mỹ vừa mới trở lại châu Á-TBD, các mối quan hệ gây dựng đang còn mới mẻ. Mỹ chỉ quan tâm đến “diện”, chưa quan tâm đến “điểm” trên biển Đông, nên can thiệp của Mỹ là chưa sẵn sàng nếu như làm gì đó mà không ảnh hưởng đến “an toàn hàng hải” của Mỹ.

Vụ Scarborough, thông qua đó và với ngay Philipines, một đồng minh của Mỹ, càng chứng tỏ nhận định trên là đúng.

Đây là thời cơ được xác định là quan trọng nhất.

Bốn là: Thế và lực Việt Nam bây giờ đang còn hạn chế, chưa đủ khă năng bắt Trung Quốc phải trả giá đắt. Nếu để đến hết năm 2014, lúc đó Việt Nam có thời gian hiện đại hóa Không quân, Hải quân như hoàn chỉnh Hạm đội tàu ngầm, tàu chiến hiện đại khác thì Trung Quốc không có khả năng trên cơ Việt Nam. Đụng vào Việt Nam thì Trung Quốc phải trả giá đắt và chắc chắn đắt không chịu đựng nổi. Bởi vậy, bây giờ hoặc không bao giờ.

Đây là thời cơ được xác định là quyết định thành bại của hành động.

Cuối cùng là thời cơ bên trong (nội bộ):

Có thể Trung Quốc cho rằng họ mạnh chưa từng thấy. Hoặc đây là thời cơ để chuyển những mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài hoặc là thời cơ để cho giới quân sự hiếu chiến, những “con rồng” đầy thế lực vì lợi ích cục bộ, gây áp lực lên chính quyền trung ương Trung Quốc đang trong cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực gay gắt diễn ra trước khi đại hội Đảng CSTQ vào mùa thu tới.

Vân vân và vân vân.

Quả thật, xét về mặt thời gian, thì những thời cơ trên (bên ngoài) hoàn toàn chính xác, không sai điểm nào, rất dễ nhận biết và dự đoán. Chẳng hạn như Việt Nam 2010 thực lực không bằng 2014 là đương nhiên.

Điều quan trọng là, qua đây, dư luận cũng rất dễ nhận biết dã tâm và sự ham muốn cháy bỏng, không cưỡng lại được của giới có tư tưởng bành trướng, bá chủ thiên hạ ngấm sâu vào máu đến mức độ nào.

Với nhận thức “bây giờ hoặc không bao giờ” họ trở nên điên cuồng và liều lĩnh hơn bao giờ hết.

Nhưng, rất tiếc, đánh giá sức mạnh Việt Nam, khả năng giáng trả tại thời điểm đó chính xác mới là quyết định thành bại của cuộc chiến.

Điều này thì chỉ có giới thông thái, trí tuệ, sáng suốt làm được, vì đó là một vấn đề khoa học, cho nên nó không dành cho những kẻ có cái “đầu nóng”.

Lê Ngọc Thống
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Trường quê cụ Trạng có 4 thủ khoa



Nói giọng Hải Phòng, hàng xóm của tôi “hơi bị” giàu. Anh làm thầu khoán xây dựng, nhìn tiền như thấy cát sỏi. Thế nhưng, ông trời chẳng cho ai được tất cả. Anh chị lại buồn về đường con cái - thằng bé thích người đến nhà thu tiền cá độ hơn thầy cô giáo ở trường.

Có người mách bảo: Nhà có con học đại học còn sang hơn trong phòng khách đặt cái đàn piano. Anh chị thấy đúng. Thế là chạy “đặc cách” cho thằng bé được vào trường chuyên, lớp chọn. Chưa đủ, anh chị còn cất công đi tìm thầy, nghe nói tiền còn đắt hơn kiến thức, cho con học thêm. Ở nhà thằng bé có mỗi việc học, chỉ mất thời gian cúi xuống để buộc dây giày. Thế mà thi trượt đại học. Sáng 8.8, nghe tiếng rao báo ngoài đường: “Một lớp có 4 thủ khoa đại học...”, anh chị thở dài tiếc nuối: “Trường quê cụ Trạng có khác. Biết thế cho con nó về quê học!”.

http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/THUKHOA1jpgjpg084107_e91db.jpg

Bốn thủ khoa (từ trái sang: Trường, Quân, Hoà, Hường)
của Trường THPT Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng).



Một lớp có 4 thủ khoa

Là lớp 12A1 Trường THPT Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng - quê hương cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sáng 5.8, chúng tôi đã được gặp 3 thủ khoa ở trường. Thủ khoa Đại học Bách khoa (29 điểm) Phạm Mạnh Trường là người duy nhất đạt điểm 10 môn toán trong số 9.400 thí sinh thi vào trường này. Em còn thi đỗ vào Đại học Y với 26,5 điểm. Chàng thanh niên 17 tuổi thân hình mảnh khảnh, gương mặt xương xẩu, có vẻ ít quan tâm chuyện ăn uống. Thực ra, Trường con nhà nghèo, mẹ làm nông nghiệp, bố làm bốc vác cách nhà 50km. Trừ lúc học ra, em phải giúp mẹ công việc trong nhà, ngoài đồng.
Thế nhưng, tên Trường gắn liền với nhiều chữ "nhất": Học giỏi nhất lớp toàn "sao" 12A1, giải nhất (điểm 10) thi học sinh giỏi toán toàn thành phố, giải nhất cuộc thi thử vào đại học (TP.Hải Phòng tổ chức) 3 môn thi toán, lý, hoá. Thủ khoa Đại học Lâm nghiệp (khối B, 26 điểm) là Nguyễn Bích Hoà. Em thích câu chuyện con lừa của Buridan đứng ở giữa bó cỏ tươi và thùng nước mát, bởi vì em còn lưỡng lự giữa Trường Lâm nghiệp và Trường Kinh tế quốc dân - nơi em đỗ với 24 điểm.
Hoà có khuôn mặt ngây thơ như một cô bé trong ban đồng ca thiếu nhi. Em hiền nhưng không nhút nhát, dễ khóc nhưng khó bắt nạt. Em có cái nhìn đen láy của một người không biết sợ. Giỏi toán, nhưng vẫn quan tâm đến trần nợ công ở Mỹ và tình hình trên biển Đông. Em thích đọc truyện, nhưng lại không thích học văn. Hình thức mạnh mẽ hơn Hoà là thủ khoa Đại học Y Hải Phòng (28 điểm) Lê Thị Thu Hường. Em cũng đỗ Trường Đại học Khoa học tự nhiên với 26,5 điểm. Tôi hỏi đùa em có thích làm bác sĩ răng, vì răng có đến 32 chiếc? Hường rất thật thà từ chối (những người to béo thường ý nghĩ đều vuông vắn).
Em muốn học về ung thư, ở làng đã có nhiều người chết vì bệnh này. Hường là người sống hướng ngoại. Em có khẩu khiếu, gương mặt hồng hào tự nhiên, tựa như có ai lấy tay véo vào hai má. Thủ khoa chúng tôi không được gặp mặt là Phạm Ngọc Quân. Em bị các bạn rủ đi thi “chơi” Đại học Hải Phòng và đỗ đầu trường. Song, Quân sẽ mang 28 điểm vào học tại Trường Đại học Bách khoa.
54 học sinh của lớp 12A1 đều đỗ đại học. Các em coi đó đương nhiên như mũi phải nằm giữa mặt! Cuộc đời làm báo đã cho tôi gặp nhiều học sinh từng đi thi quốc tế. Đấy là những gương mặt đẹp, thông minh, nhưng bình dị và thản nhiên như 4 thủ khoa của lớp 12A1 thì tôi chưa gặp. Giáo viên chủ nhiệm 12A1 - cô Nguyễn Thị Thuý - nói rằng: Học sinh của cô là những em “giỏi, hiền, chăm, tình cảm”. Tình cảm thầy - trò ở quê khác lắm.
Nghe họ gọi học sinh là “thằng nọ, con kia” không thấy khó chịu, chỉ thấy âm điệu của sự âu yếm như lời cha mẹ gọi yêu con cái. Chẳng như mẹ con thì sao học sinh dám thản nhiên vào nhà cô (đi vắng) mua vịt về mổ, chờ cô về cùng ăn uống với nhau. Chẳng phải ngày 20.11, học sinh vẫn ồn ào đến nhà thầy để "truy quét" vườn cây quả của thầy. Nhân ngày 8.3, cả lớp 12A1 nhận thi đấu môn cắm hoa và nhảy aerobic. Các bạn trai đã xung phong cắm hoa để bạn gái nhảy aerobic (may không thi môn vật tay). Hài hước là một phẩm chất của những người có bản lĩnh.
Một điều lạ là các em 12A1 đều muốn học lớp cử nhân tài năng, nhưng lại không thích phấn đấu vào đội tuyển để đi thi quốc tế. Đại học là mục tiêu của các em. Chẳng ai muốn vào “Trần Phú” - cái lò đào tạo học sinh đi thi quốc tế của thành phố "hoa phượng đỏ", dù nhiều em có thừa điểm. Thứ các em thiếu là... tiền! Cả lớp là con nhà nghèo làm sao dám mơ đến học trường mà tiền học một tuần bằng các em học cả tháng ở trường phố huyện. Trớ trêu nhất là, các em bảo nhau, tài năng cũng vẫn chưa đủ đảm bảo để được chọn vào đội tuyển. Những tiêu cực trong tuyển chọn nhân tài đã phổ cập đến tận tai các học sinh trường quê.

Con người quyết định

Vĩnh Bảo có làng Cổ Am - quê của rất nhiều người đỗ đạt cao, được vinh danh "bắc Cổ Am, nam Hành Thiện", có thuốc lào ngon nổi tiếng Việt Nam. Ngày nay người hút thuốc lào đã ít, nhưng các giáo sư, tiến sĩ Vĩnh Bảo thì vẫn bao la. Góp phần đào tạo nên các ông nghè, ông cử hiện đại có Trường THPT Vĩnh Bảo.
Chúng tôi đến trường vào đầu tháng 8, học sinh nghỉ hè, sân trường vắng lặng. Cái vắng lặng không đè nặng lên tâm hồn, mà mang cái vẻ thanh bình như làn sương mai lãng đãng trên các cánh đồng. Trường chưa đạt chuẩn quốc gia vì quá nhỏ bé (9.000m2) để chứa đựng hơn 2.000 học sinh - con cháu những nông dân nghèo chỉ dám quan tâm chứ không mơ đến đầu tư cho chuyện học hành. Trường nhiều bảng đen, phấn trắng, nhưng ít máy tính, máy chiếu, máy camera...
Trường không có những thầy “khủng” như Lê Tự Cường, Nguyễn Đình Thuý, Vũ Trường Sơn ở Trường Năng khiếu Trần Phú -những cái tên đến đồng nghiệp cũng phải ngả mũ kính chào. Điểm đầu vào của trường thấp hơn hẳn nhiều trường nội thành. Vậy sao 3 năm liên tục (2008-2010) trường quê Vĩnh Bảo luôn đứng trong top 50 trường có điểm thi đại học cao nhất Việt Nam?
Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bảo Nguyễn Hữu Kiên là người học toán, từng 10 năm làm Trưởng phòng Giáo dục Vĩnh Bảo. Dưới “triều đại” của thầy Kiên, 6 năm trường có 13 thủ khoa các trường đại học danh tiếng. Chỉ vào 2 cây lộc vừng mọc trước cổng trường năm nay không chịu nở hoa, thầy Kiên nói: “Mừng quá! Cây không nở hoa, nhưng thủ khoa vẫn cứ có!”. Rồi thầy kể với chúng tôi về truyền thống đỗ đạt của đất Vĩnh Bảo, về khát vọng "đổi đời" của những người nông dân nghèo nơi này bằng con đường học, về những giáo viên được chính học trò tôn vinh “cực kỳ...” như Phạm Quốc Hiệu, Lê Công Hiển, Nguyễn Thị Thuý...
Họ hết lòng với học trò như lời thừa nhận của thầy toán Phạm Quốc Hiệu: “Trường quê chúng em hơn trường nội thành được mỗi chỗ ấy!”. Chúng tôi đồng ý, nhưng vẫn cảm thấy như những mảnh vụn ghép hình chưa đủ. Đất nước có thiếu gì các vùng quê hiếu học với những người thầy tận tụy và các học sinh chăm chỉ. Rồi ngay ở chính trường này, tại sao thủ khoa mới mọc như nấm từ khi thầy Kiên về làm hiệu trưởng? Ở đây rõ ràng có vai trò của cá nhân, mà vì khiêm tốn thầy hiệu trưởng không đề cập.
Thầy Hiệu, thầy Hiển nói rằng: Hiệu trưởng rất giỏi dùng người, ai có sở trường đều có đất diễn. Nhưng thầy không phải một miếng mút dễ tính hút tất cả. Thầy đòi hỏi các giáo viên - cái gạch nối giữa “trường thân thiện” với “học sinh tích cực” - sự tâm huyết và trách nhiệm, cao nữa là sự sáng tạo. Và thầy dám gạt bỏ những lão làng về chuyên môn đã lạc hậu mà vẫn cứ đắc nhân tâm. Học sinh được ngồi đúng lớp mà không phải mất tiền “chạy”. Uy tín của thầy tránh cho thầy những sức ép từ quyền lực và tiền bạc. Thầy là nhà chỉ huy giỏi đã biến nhà trường thành một “dàn nhạc giao hưởng” học tập sôi nổi, mà sự tự học là cây đàn violin số 1, còn học thêm chỉ là bè phụ hoạ.
Chia tay chúng tôi, thầy hiệu trưởng không được vui, có sự trục trặc về mặt thủ tục để trường được nhận cờ thi đua của thành phố. Sự công nhận không phải thứ để ban ơn, càng không phải của bố thí, xin những người xét thi đua Hải Phòng đừng làm hàng ngàn phụ huynh, học sinh huyện Vĩnh Bảo phải thất vọng. Bởi họ đã được đọc tin trên mạng: “Bạn muốn con đỗ thủ khoa? Hãy cho vào Trường THPT Vĩnh Bảo!”.
Tạm biệt nhé những thủ khoa có cặp mắt to hơn các vì sao trên bầu trời đêm, nụ cười quấn quýt như cái nắm tay. Một thiền sư Nhật Bản nói: “Điều tồi tệ nhất trên thế gian này là làm hỏng những thanh niên ưu tú bằng một phương pháp giáo dục sai lầm”. Cầu cho các em tiếp tục được gặp trên đường học tập của mình những giáo viên như thầy Kiên, cô Thuý, thầy Hiệu...

Hà Linh Quân
Lao Động
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Thái Thanh Tâm đã viết:
Bác nào có ý định làm nhà nghỉ cuối tuần như ở Hà Giang thì làm mau lên. Chả mấy bữa nữa thì rừng sẽ hết sạch gỗ. Rồi tất cả rừng núi sẽ được cạo trọc cả. Ở xứ mình có nhiều ban bệ...nhưng có ai quản gì đâu. Lập ra cốt để tiêu tiền thuế của dân đóng. Các bác báo chí viết cốt cho có bài để ăn lương và nhuận bút. Thằng chặt trộm cây, anh giữ cây...có ai để ý đến bài của các bác.
 
@ Bác Thái! Nếu tìm được thằng kiểm lâm nào nghèo thì em chết liền! Nó ưng bắt hay không là quyền của nó. Những vụ báo chí đưa chỉ là điển hình, phản ánh bề ngoài, bên trong là trăm ngàn lý do (không chung chi, chi không đẹp, quá lộ liễu, không cùng phe cánh...) Chẳng có quan nào công tác ở miền núi khi làm nhà mà không đậm đặc gỗ quý hiếm.
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [60] [61] [62] [63] [64] [65] [66] ... ›Trang sau »Trang cuối