Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [50] [51] [52] [53] [54] [55] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sống văn hóa

Ba giải pháp ngăn chặn thảm hoạ y đức



SGTT.VN - Vụ ném xác bệnh nhân của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đang được nhiều người xem là thảm hoạ y đức của nước nhà. Vì sao gây bức xúc xã hội trong nhiều năm qua, sự xuống cấp y đức vẫn không dừng lại, mà ngày một nặng nề? Đến lúc những nhà quản lý phải xem lại những giải pháp đặt ra hiện nay và quan tâm đến ý kiến của những người tâm huyết.

Chắt lọc đầu vào y khoa

Thật vậy, trái với những ngành nghề khác trong xã hội, điều kiện hàng đầu của người học y khoa là phải có ý hướng phục vụ cộng đồng, bởi đây là nghề phục vụ con người. Nếu người học chỉ biết nghĩ đến mình, không có tấm lòng chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của người khác, người đó trước sau cũng gây tai hoạ.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, nguyên tổng giám đốc tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ, đã nhiều lần đề nghị việc tuyển chọn người học y khoa phải dựa trên việc phỏng vấn trực tiếp người học, xem họ có phù hợp với ngành y hay không. Theo ông, ở những nước tiên tiến, việc tuyển chọn đầu vào y khoa rất khắt khe bởi đây là nghề liên quan đến tính mạng con người. Người học phải trải qua một cuộc phỏng vấn chặt chẽ. Để được ưu tiên tuyển chọn, người học còn phải nộp giấy chứng nhận tham gia các hoạt động xã hội khi còn là học sinh phổ thông (thí dụ làm tình nguyện viên tại bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão). Một người có chí hướng mạnh mẽ như thế đáng để cho học.

Trong khi đó, cách chọn người học ngành y nước ta chỉ dựa vào điểm đầu vào tuyển sinh đại học, chưa kể còn đào tạo tràn lan, xem sản phẩm đào tạo y khoa không khác gì bất kỳ sản phẩm đào tạo nào khác. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, giảng viên đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM nói: “Ngày nay là thời bình rồi, không thể đào tạo bác sĩ kiểu hàng loạt như thời chiến được. Trước năm 1975, để học y khoa, người học phải làm một test kiến thức tổng quát về xã hội, âm nhạc, nghệ thuật, lịch sử, địa lý. Bên cạnh kiến thức y khoa, một thầy thuốc còn phải có kiến thức tổng quát, bởi nếu không họ sẽ không cảm thông người bệnh”.

Có gì khác nhau giữa bác sĩ thời nay và thời xưa, hỏi một người thầy thuốc lớn tuổi, người này nói: “Bác sĩ thời nay năng động, giỏi chuyên môn, nhiều kỹ năng vì có nhiều phương tiện học tập rất tốt, nhưng phần lớn họ không có tấm lòng với bệnh nhân”. Phải chăng đây là kết quả của việc đào tạo y khoa hiện nay? Tại sao những tích cực trong đào tạo y khoa nước ngoài không được những nhà quản lý nước ta áp dụng?

Thành lập y sĩ đoàn
Khi sinh thời, cố bác sĩ Dương Quang Trung luôn quan tâm với việc thành lập y sĩ đoàn, xem đây là biện pháp tốt để giải quyết những bức xúc trong ngành y tế như xuống cấp y đức, gia tăng tai biến y khoa. Ông nói: “Thanh tra y tế cũng tốt, nhưng lực lượng của họ cũng có hạn, không thể tăng thêm mãi. Vậy để quản lý tốt giới hành nghề, nên có y sĩ đoàn để cùng Nhà nước tham gia quản lý. Các bác sĩ khi muốn hành nghề phải tham gia y sĩ đoàn, nếu xảy ra chuyện, cứ dựa theo nghĩa vụ luật để phân xử, tránh tình trạng nể nang nhau. Bác sĩ bị gạch tên khỏi y sĩ đoàn sẽ không thể hành nghề ở đâu được nữa”.

Ở nước ta, hội hành nghề y không thiếu, hầu như chuyên khoa nào cũng có, nhưng vai trò của các hội này đến đâu còn phải bàn. Liên quan đến vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, PGS.TS.BS Lê Hành, chủ tịch hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, cho biết: “Hội nghề nghiệp ở các nước có vai trò rất lớn, có ý kiến trong cấp phép hành nghề, được tổ chức đào tạo y khoa liên tục như một căn cứ để cấp phép và tiếp tục cấp phép hành nghề mỗi năm. Còn ở nước ta, vai trò hội nghề nghiệp rất nhạt nhoà, chúng tôi chỉ có thể quản lý hội viên, còn thẩm mỹ viện của hội viên không quản lý được”.

Giới chuyên môn quản lý giới chuyên môn, đó là biện pháp hiệu quả đã được chứng minh ở những nước phát triển, tại sao nước ta không làm được? Không lẽ người quản lý nhà nước sợ mất quyền lực hoặc lợi ích?

Xem lại mục tiêu giáo dục
Phát biểu trên một tờ báo, PGS.TS Trịnh Hoà Bình, giám đốc trung tâm Điều tra dư luận xã hội – viện Xã hội học Việt Nam, đánh giá “sự biến dạng của y đức ngày nay một phần là hệ quả của quá trình đào tạo con người bắt đầu từ bậc phổ thông, đến bậc đại học”. Nhận xét này đáng lưu ý vì người bác sĩ suy cho cùng cũng là con người tiếp nối của những con người trong nhà trường.

Thế nhưng việc giáo dục nước ta khá xa lạ với bốn nguyên tắc giáo dục do UNESCO (tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hiệp quốc) đề nghị: học để biết, học để làm, học để tự khẳng định và học để chung sống. Đâu chỉ người ngành nghề khác, không ít bác sĩ thời nay cũng xa lạ điều này, như kết quả tất yếu từ việc đào tạo y khoa. Biết làm ngành y phải luôn lắng nghe và quan tâm bệnh nhân, nhưng tại bệnh viện Thiệu Hoá (Thanh Hoá), bác sĩ nghe người nhà gọi năm lần bảy lượt vẫn không đoái hoài, hậu quả là mẹ con sản phụ tử vong. Không có chuyên môn, chưa được cấp phép làm thẩm mỹ nhưng vẫn làm, hậu quả là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã để khách hàng tử vong.

“Cơ chế thị trường với sự chi phối của đồng tiền và tính vị kỷ bản thân đã khiến những thầy thuốc sa ngã, thậm chí phạm tội”, ông Trịnh Hoà Bình nói. Đúng thế, một xã hội tôn thờ giá trị vật chất đã tác động đến nhiều người đủ ngành nghề, trong đó phải có người làm ngành y. Một bác sĩ lâu năm băn khoăn: “Thầy thuốc nước ta đang bị chi phối bởi hoa hồng, tiền bạc. Làm bác sĩ thường kê toa thuốc ăn hoa hồng, làm trưởng khoa ăn hoa hồng dụng cụ, lãnh đạo bệnh viện ăn hoa hồng xây dựng và mua sắm trang thiết bị. Cái gì cũng quy ra tiền bạc, người bác sĩ không sa ngã cũng không được”.

BÌNH YÊN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

"...Cái gì cũng quy ra tiền bạc, người bác sĩ không sa ngã cũng không được”..."

Chung quy chỉ tại đồng tiền. Tiền ơi! Mày hãy chịu khó nhận hết tội lỗi đi. Người nói chung và bác sĩ nói riêng không có lỗi gì đâu. (TTT)
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Funny%20stuff/Economy-Finance-Market%20funny/50nghintyVNMeaCulpa_zpsbdd1bbd6.jpg


.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sống văn hóa

Chiếc lồng đèn ngôi sao



TT - Ở Mỹ Tho, hầu hết phụ huynh có con học bậc tiểu học đều biết tiếng tăm thầy Ẩn dạy toán rất giỏi. Tôi may mắn là học trò của thầy, nhưng đó là câu chuyện của hơn 30 năm trước.

http://images.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/67/670067.jpg
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần



Còn một tuần nữa trung thu, thầy ra đề bài thủ công làm một lồng đèn ngôi sao. Tôi bối rối vì chưa biết tìm đâu ra tre để làm thì bạn Phương Hạnh ngồi cạnh đề nghị tôi đến nhà bạn làm chung vì nhà bạn có một bụi tre trước cổng. Hạnh bị liệt hai chân do bệnh sốt bại liệt lúc nhỏ, chân bạn phải nẹp và đi lại phải chống nạng. Tuy bị liệt hai chân nhưng Hạnh học khá giỏi và không hề tỏ ra mặc cảm, cả lớp tôi đều quý mến bạn ấy.

Sáng chủ nhật tôi đến nhà Hạnh rất sớm. Hạnh ở nhà một mình, ông ngoại Hạnh đi Sài Gòn có việc, trước khi đi ông đã đốn giúp chúng tôi một cây tre và chặt ra một đốt tre lớn. Tôi và Hạnh cặm cụi chẻ ra từng thanh nhỏ rồi vuốt cho đều, đốt tre khá dài nên chúng tôi biết rằng nếu làm ngôi sao thì lớn lắm nhưng cũng không dám chặt nhỏ vì sợ chặt không đều. Tre xước vào bàn tay tôi, kẽm đâm vào đầu ngón tay tôi đau điếng nhưng khi thấy được hình dạng hai ngôi sao chúng tôi rất vui. Không đủ tiền mua giấy kiếng hay giấy màu để dán hai chiếc lồng đèn quá lớn, chúng tôi cắt giấy bao tập dán cho hai chiếc lồng đèn, cố gắng làm mười chiếc tua ở mỗi cánh của ngôi sao.

Sáng thứ hai, tôi xách hai chiếc lồng đèn to tướng đến trường. Bước vào lớp, nhìn lồng đèn của các bạn, tôi từ tâm trạng vui sướng chuyển sang ỉu xìu. Khoảng một nửa số ngôi sao của các bạn giống của tôi nhưng nhỏ hơn. Một nửa số ngôi sao còn lại rất đẹp, những ngôi sao được dán giấy pơluya sang trọng, giấy kiếng thẳng đẹp, có cái có cả vòng tròn bao quanh. Các bạn có lồng đèn đẹp có vẻ vênh váo, cầm lồng đèn chạy tới chạy lui vừa khoe khoang, vừa săm soi trêu chọc chủ nhân của những chiếc lồng đèn khác.

Thầy đến, tất cả về chỗ ngồi. Nhìn đám học trò lao xao với những chiếc lồng đèn, thầy hỏi: “Các trò đã làm xong lồng đèn rồi à?”, “Dạ”. “Thầy gọi tên từng bạn mang lồng đèn lên bàn thầy chấm điểm”. Từng bạn, từng bạn xách lồng đèn chạy lên bàn thầy, tiếng bàn tán xôn xao, tôi thoáng nhìn thấy 5 điểm, 6 điểm trên hai chiếc lồng đèn đẹp nhất. Đến lượt mình và Hạnh, tôi hồi hộp xách hai chiếc lồng đèn bước lên, thầy cầm hai lồng đèn ngắm nghía ra vẻ thích thú, 10 điểm thầy ghi trên một góc ngôi sao. Tôi ấp úng: “Lồng đèn của con không đẹp bằng của các bạn”, thầy chỉ cười. Cả lớp tôi xôn xao hẳn, bạn nào nói: “Thầy thiên vị, chắc lồng đèn bự thì điểm lớn”, có tiếng cười chế nhạo.

Chấm điểm xong tất cả lồng đèn, thầy đứng dậy, bước đến giữa lớp nét mặt nghiêm nghị. Thầy chỉ vào bạn có chiếc lồng đèn dán giấy pơluya, hỏi: “Lồng đèn này do con làm?”. Bạn lúng túng rồi đỏ mặt: “Dạ, ba con làm giúp”, rồi đến bạn có chiếc lồng đèn có vòng tròn xinh xắn: “Dạ, anh Hai con làm”, bạn có chiếc lồng đèn dán giấy kiếng rất đẹp: “Dạ, chị nhà kế bên làm giùm”. Hỏi ba bạn xong, thầy ôn tồn nói: “Các con cầm lồng đèn của người khác làm đến chấm điểm cho mình là thiếu trung thực. Bài tập của các con mà nhờ người khác làm là các con thiếu lòng tự trọng. Thầy chấm điểm các con dựa trên điều các con học được, cố gắng làm được chứ không phải là kết quả của sự nhờ vả, như vậy là gian lận. Giá trị của con người là điều chính bản thân người đó làm được, người học hành đàng hoàng mới trở thành người hữu ích. Đáng lẽ thầy cho các con 0 điểm nhưng đây là lần đầu thầy tạm tha”.

Từ hôm được chấm 10 điểm cho chiếc lồng đèn ngôi sao, tôi tự tin hẳn lên, tôi cố gắng học thuộc bài ngay tại lớp, tranh thủ những buổi chiều chợ vắng khách ôn bài. Đến cuối học kỳ I tôi đã ở trong năm bạn đứng đầu lớp. Chiếc lồng đèn ngôi sao ấy tôi mang về treo trên bàn học nhỏ xíu của mình, mỗi năm cứ đến trung thu tôi lại thay giấy mới cho chiếc lồng đèn. Lên cấp II, cấp III, rồi đến lúc tôi xếp hành lý đi TP.HCM vào học ngành y Đại học Y dược TP.HCM cũng là lúc tôi từ giã chiếc lồng đèn trên bàn học của mình.

Thạc sĩ bác sĩ NGUYỄN THỊ TUYẾT LOAN  
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sống văn hóa

Tôi bước vào đời bằng sự giả dối



TT - Tôi vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh bên Đức về. Có thể nói quãng đường tôi đi qua đều có bàn tay của bố mẹ trải hoa hồng.

Nói vậy bởi gần 30 năm trôi qua tôi luôn sống trong sự giả dối, ảo tưởng về bản thân. Tất cả chỉ vì thể diện của bố mẹ. Lúc nào mẹ cũng bảo gia đình mình không thể mất mặt vì con cái ngu dốt được. Thế nên chị em tôi đứa nào cũng được bố mẹ chạy cho vào học những trường điểm, trường uy tín ngay từ khi còn nhỏ.

Trong nhiều bữa cơm, bố luôn miệng nói về con cô Vân trên cơ quan học rất giỏi, đoạt học bổng rồi đi du học nước ngoài. Mẹ cũng kể về anh A, chị B nhà bác Liên giỏi giang có tiếng. Rồi mẹ than thở khi chị em tôi không có thành tích để khoe. Thế là suốt thời chúng tôi còn học cấp I, cấp II, cấp III, mẹ đều bí mật đi “ngoại giao” để chị em tôi được danh hiệu học sinh giỏi. Mãi đến khi biết điều này, tôi thấy rất xấu hổ với thầy cô, bạn bè. Thú thật có lúc tôi không dám nhìn thẳng vào mặt thầy, cô giáo mỗi khi trả bài kiểm tra. Khi bạn bè xì xầm to nhỏ, tôi luôn chột dạ, chả khác gì “có tật giật mình”. Tôi phản ứng quyết liệt thì mẹ phân trần: “Phải dùng tiền mua danh chứ con. Thời buổi này nhục nhất là không có học, là dốt nát bị người ta khinh thường, con hiểu chưa?”.

Làm bài kiểm tra bị điểm kém, tôi chẳng dám khai thật với bố mẹ vì sợ bị đánh đòn, bị mắng mỏ. Chính vì áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ buộc tôi cũng phải cố gắng đối phó, quay cóp, dùng tài liệu, dùng phao trong các giờ thi, kiểm tra. Bố mẹ “ru ngủ” chúng tôi bằng một tương lai đã được sắp đặt sẵn. Thế nên ngồi trên ghế nhà trường, tôi chẳng phải lo sau này sẽ làm ở đâu. Tôi cũng không có chính kiến hay cái tôi cá nhân gì cả. Tôi chẳng biết mình thích học gì, theo đuổi ngành gì. Bố mẹ thích nghĩa là tôi sẽ phải thích và phải... theo!

Vì vậy sau khi trượt đại học, bố mẹ đã lo cho tôi đi du học ở nước ngoài, sau đó làm nghiên cứu sinh luôn. Hành trang tôi mang theo bước vào đời chỉ là sự giả dối như thế.

Tôi chỉ còn biết vâng lời để làm một đứa con ngoan, một học trò giỏi bằng cái “mác” giả tạo. Chưa khi nào tôi được bước đi trên đôi chân của mình. Nhưng với bố mẹ thì điều đó chẳng hề quan trọng. Bố thường bảo: “Với năng lực của chúng mày thì thả ra đường chỉ có chết đói”. Tôi tự ái nhưng vẫn phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Bởi ngày hôm nay tôi có được những tờ giấy khen treo trên tường, được học ở nước ngoài là nhờ vào sự mạnh bạo, chịu chi đồng tiền của bố mẹ. Tôi còn biết trách ai?

Thú thật khi đối mặt với những khó khăn của mình, tôi không phải nhúng tay vào. Tất cả đều đã có bố mẹ gửi gắm cả rồi. Tiền thiếu thì bố mẹ cấp. Tôi cứ sống tựa như một con robot đã được lập trình sẵn mà không được phản ứng, không được kêu ca, không được nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của mình.

Tất cả chỉ vì bố mẹ muốn chúng tôi là “cái gì đó” để nở mày nở mặt với đồng nghiệp, bạn bè. Có lúc tôi cũng chột dạ, ngỡ ngàng vì mình được bao bọc, lồng kính quá kỹ. Giá như tôi được đi trên đôi chân mình thì dù không có nhiều thành tích, không thành đạt tôi vẫn có cái để tự hào.

Dường như tôi đã được sống chung với sự giả dối từ thuở bé nên thành quen. Có lúc tôi muốn tháo cũi sổ lồng nhưng thật không phải dễ. Đến em trai tôi cũng vậy, tất cả những danh hiệu của chị em tôi đều được đổi từ đồng tiền và mối quan hệ rộng rãi của bố mẹ.

Tôi không biết rồi chị em tôi còn là những con robot giả dối đến bao giờ nữa?

THỨC THỨC
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

M.Duras và "Người tình": Từ huyền thoại đến sự thật



Hè 03 tháng Sáu năm 1929, trên chuyến phà băng qua một nhánh sông Mêkông để đi về Sài Gòn, một nữ sinh trung học người Pháp tình cờ làm quen với một chàng công tử người Việt gốc Hoa, sống tại Sa Đéc. Người sau đó đã trở thành tình nhân của cô.  

http://www.vannghedongthap.vn/pic/news/Anh%20Minh%20Hoa/anh-2.jpg
Trường Sa Đéc ngày xưa



Mối quan hệ tình cảm này đã ghi lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn thiếu nữ và sau này trở thành nguồn cảm hứng cho ba tác phẩm văn học, làm nên tên tuổi nữ sĩ Pháp Marguerite Duras. Trong đó, tác phẩm “L’amant” (Người tình) đã đoạt giải Goncourt năm 1984, giải thưởng văn học danh giá của Pháp. Tác phẩm được đạo diễn Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 1990.

Trong loạt bài mùa hè có tiêu đề « Những nhà văn Viễn Đông » của nhật báo Le Monde số ra trung tuần tháng Tám này, Bruno Philips, tác giả bài viết « ‘Marguerite Duras ở Sa Đéc’ : Những mối quan hệ nguy hiểm » đã có dịp quay lại vùng đất Nam Bộ năm xưa, tìm kiếm những vết tích còn đọng lại như để hiểu rõ thực tại trong toàn bộ không gian hư ảo của Duras. Cái « thực tại » mà Duras suốt cả cuộc đời mình luôn tìm cách chối bỏ. Và cả nghiền ngẫm nữa.

« Tôi phải nói gì với bạn đây, khi ấy tôi mười lăm tuổi rưỡi. Đó là chuyến phà băng qua sông Mêkông », câu mở đầu nổi tiếng của tác phẩm. Chính trên chuyến phà đó, mọi chuyện đã bắt đầu.

Con phà năm xưa giờ không còn nữa. Thấp thoáng xa xa là hình bóng cây cầu hiện đại, được khánh thành vào năm 2000, bắc qua một nhánh sông Mêkông mà người dân bản xứ gọi là « Cửu Long » tức chín con rồng. Dấu ấn còn lại của con phà năm xưa giờ chỉ là chiếc cầu kè bê-tông vẫn còn nằm trơ ra phía sông. Tuy cảnh vật có thay đổi chút với thời gian, nhưng không gian của Duras như vẫn còn đọng lại đó : cũng dòng sông nặng trĩu phù sa, cuồn cuộn chảy xiết, lu mờ dưới làn mưa không ngớt.

Đông Dương: điểm xuất phát cho sự nghiệp của Marguerite Duras
Phông cảnh nền đó đã được Jean-Jacques Anneaud tái hiện một cách trung thành trong bộ phim cùng tên, chuyển thể từ tác phẩm « Người tình » của Marguerite Duras. Người xem tại Việt Nam chắc cũng không khỏi ngỡ ngàng trước ống kính tài tình của đạo diễn, đưa một góc sông nước Hậu Giang hiện đại ngày nay trở lại với không gian Đông Dương những thập niên 20 của thế kỷ trước: một miền đất đậm chất Nam Bộ mộc mạc, giản dị của một thời còn là thuộc địa.

Đây cũng chính là điểm xuất phát cho sự nghiệp văn chương của nữ sĩ Pháp Duras. Vùng đất Nam Bộ đó như là một phần xương thịt trong con người bà. Khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên người Ý, Leopoldina Pallota della Torre, Duras thổ lộ “Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng sự nghiệp viết lách của tôi bắt đầu từ đó, giữa những cánh đồng, những khu rừng, và trong sự hiu quạnh. Có một đứa trẻ da trắng, gầy còm và lạc lõng mà người đó chính là tôi, giống người Việt hơn là Pháp, lúc nào cũng chân đất, không biết giờ giấc, không biết cách sống, thích ngắm chiều hoàng hôn trải dài trên sông, với khuôn mặt bị rám nắng”.

Trở lại với chuyến phà nối đôi bờ một nhánh sông Mêkông, nơi diễn ra buổi đầu gặp gỡ của đôi tình nhân. Có thể nói buổi gặp định mệnh đó chính là cột mốc quan trọng cho cả cuộc đời nữ sĩ. Nó ám ảnh, đeo đuổi dai dẳng trong tâm hồn Duras, đến nỗi mà trong vòng bốn thập niên liên tiếp bà có đến những ba phiên bản khác nhau cho cuộc phiêu lưu tình cảm đó: Un barrage contre le Pacifique (tạm dịch là Đập chắn Thái Bình Dương – 1950), L’Amant (Người tình – 1984, giải Goncourt cùng năm), cho đến L’Amant de la Chine du Nord (Người tình Hoa Bắc - 1991).

Nhân vật nam chính trên chuyến phà được bà tái hiện dưới ba nhân dạng khác nhau : Ông « Jo » da trắng trong tác phẩm đầu cho đến « công tử người Hoa », tình nhân không tên trong tác phẩm “Người tình”. Riêng đến tác phẩm thứ ba “Người tình Hoa Bắc”, nhân vật huyền thoại lại được phác họa dưới một góc cạnh rất là điện ảnh. Cũng chính là anh chàng đó, nhưng lại điển trai hơn và cao to hơn so với nhân vật chính trong L’Amant : một kẻ nghiện ngập, nhu nhược và biếng nhác. Và đây cũng chính là con người thật ở ngoài đời.

Theo nhà báo Laure Adler, người viết tiểu sử Marguerite Duras, nhân vật “công tử người Hoa” ngoài đời thật sự ra không mấy điển trai như nhân vật Léo trong tác phẩm thứ ba hay như trên phim. Anh ta thật sự rất giàu và rất lịch lãm, nhưng gương mặt xấu xí, bị hủy hoại vì căn bệnh đậu mùa. Thực tế này quả thật quá khác xa với những gì độc giả tưởng tượng, hay chí ít ra như những gì ta đã xem qua trong phim của Jean Jacques Annaud: một anh chàng cao to, gương mặt điển trai, lịch lãm với những cảnh ái ân nồng cháy, khát vọng nhục dục lồng trong một không gian lãng mạn đầy huyễn hoặc. Đây cũng chính là điểm bất đồng giữa nữ sĩ với đạo diễn. Annaud thì nghĩ đến việc khai thác câu chuyện tình giữa một cô gái Pháp mới lớn đầy khêu gợi với người tình gốc Hoa điển trai, trên một phông nền thuộc địa lãng mạn.

Marguerites Duras : “Người tình”, tiểu thuyết ba xu rẻ tiền !  
Nhưng đối với Marguerite Duras, cả « Người tình » lẫn hai tác phẩm còn lại là những quyển tự truyện về chính cuộc đời bà, về tuổi thơ và tuổi trẻ của bà tại cựu thuộc địa Đông Dương, nơi bà được sinh ra và lớn lên, dù rằng cho đến lúc gần cuối đời bà cũng không bao giờ chịu nhìn nhận. Bà nhắc đi nhắc lại là « Người tình » chỉ là một câu chuyện giả tưởng. Cuộc phiêu lưu tình ái đó không bao giờ tồn tại. Sự phủ nhận của nữ sĩ mãnh liệt đến mức bà chối bỏ cả tuyệt tác của mình một năm sau khi xuất bản. Duras nói rằng: “ Người tình, chỉ là một quyển tiểu thuyết ba xu, rẻ tiền. Tôi viết nó trong một lúc say xỉn mà thôi”. Bởi vì Duras nghĩ rằng “chuyện đời bà chẳng có gì đáng để mà kể”.

Chính vì vậy, trong suốt tác phẩm « Người tình », các nhân vật chính là những kẻ vô danh, không tên gọi, được hiện ra dưới những cách gọi « cô gái » và « công tử người Hoa ». Trên chuyến phà ngày ấy, đưa « cô bé » đi về Sài Gòn, còn có « anh chàng người Hoa ». « Cô bé » đó không ai khác chính là nữ sĩ, khi ấy cũng vừa được 15 tuổi. Còn « chàng công tử người Hoa », ngoài đời tên thật là Huỳnh Thủy Lê, lúc ấy được 27 tuổi, là con trai của một điền chủ gốc Hoa sống tại Sa Đéc. Vào thời điểm đó, Marguerite Duras vừa đi thăm mẹ ở Sa Đéc về.

Ta không khỏi tự hỏi vì sao Marguerite Duras lại có những thái độ tiêu cực đối với đứa con đẻ tinh thần của mình đến như vậy. Bà đã mất tổng cộng bốn thập niên để mà thêu dệt nên ba tuyệt tác, trong đó tác phẩm « Người tình » đã đoạt giải Goncourt năm 1984, một giải thưởng văn học cao quý của Pháp, đưa tên tuổi của bà ra toàn thế giới. Tác phẩm « Người tình » đã được dịch ra 35 thứ tiếng và hơn 2,5 triệu bản đã được bán chạy.

Marguerite Duras: hiện thân của sự nổi loạn  
Theo Bruno Philips, có lẽ chính vì tuổi thơ buồn tủi, đầy khó khăn, cô độc và thiếu vắng tình thương của gia đình đã dẫn nữ sĩ có những hành động « chối bỏ » kỳ quặc như thế. Sinh ngày 04/04/1914, tại Gia Định (tên cũ của Sài Gòn), Marguerite Donnadieu, tên thật của nữ sĩ, là đứa con gái duy nhất trong một gia đình có ba anh em. Thế nhưng, nữ sĩ lại sớm chịu cảnh mồ côi cha khi vừa được bốn tuổi. Mẹ bà một giáo viên tiểu học, trải qua nhiều nhiệm sở Hà Nội, Phnom Penh, Vĩnh Long rồi sau này là hiệu trưởng một trường nữ sinh tại Sa Đéc (giờ là trường Trưng Vương). Tuổi thơ của nữ sĩ hầu như trải qua tại Đông Dương, nhưng giữa sự hung bạo của người anh cả, sự lạnh lùng và những cơn điên loạn của bà mẹ bởi nỗi ám ảnh thiếu thốn tiền nong.

http://farm10.gox.vn/tinmoi/store/images/thumb/05042013/124/1249888/marguerite_duras_huynh_thuy_le_mai_mai_la_nguoi_tinh_0.jpg



Chính vì vậy, Duras cũng có lần nhìn nhận rằng lúc ban đầu khi bà đến với “chàng công tử” triệu phú người Hoa đó cũng chỉ vì tiền. Trong tác phẩm “Người tình”, Duras có nói rằng bà không bao giờ kể cho mẹ bà biết mối quan hệ vụng trộm này. Nữ sĩ nhận thức được rằng, đấy sẽ là một điều sỉ nhục cho gia đình, cho mẹ bà. Nhưng với bản năng của người mẹ, nên có lẽ mẫu thân nữ sĩ cũng có những nghi ngờ.

Đôi lúc bà vừa đánh đập cô con gái vừa gào thét « con gái bà là một con điếm, bà sẽ vứt cô ra ngoài, bà ước gì thấy cô chết bờ chết bụi và không ai muốn thấy cô nữa, cô ấy đã bị ô uế thanh danh, thà làm con chó còn hơn ». Trên thực tế, chưa bao giờ Duras được hưởng chút tình thương yêu của mẹ. Mọi tình thương và kỳ vọng mẹ bà đều dành trọn cho người anh cả, một kẻ hư hỏng, thô bạo, bê tha cờ bạc rượu chè, nghiện ngập, suốt ngày chỉ biết hành hung hai đứa em của mình.

Marguerite Duras : viết sách là để giải bày những điều thầm kín
Cuộc đời của Marguerite hầu như tan vỡ, sống không chủ đích. Cuộc phiêu lưu tình ái đó cũng phản ảnh phần nào tâm trạng nổi loạn của bà như để bù đắp lại khoảng trống tình thương trong tâm hồn. Tuy nhiên, cho dù cuộc tình đó nó có thật hay không, điều đó đối với nữ sĩ cũng không có chút tầm quan trọng nào. Nó chỉ là một công cụ để Duras có dịp khuất lấp sự thiếu thốn về tinh thần và vật chất.

Ngay từ đầu tiểu thuyết « Người tình », Duras đã viết rằng : « Sử dụng chuyện viết lách không chỉ nhằm tái hiện sự việc dưới dạng huyền thoại mà còn là cách để tiếp cận với nhiều điều khác nữa, vẫn còn ẩn náu trong sâu thẳm tâm hồn mù quáng […] ». Đúng như là lời giải thích của nhà văn Laure Adler, người viết tiểu sử về Marguerite Duras, tham vọng của tác phẩm thể hiện « ao ước được giải bày hơn là để mà tự kể về mình ».

Về phần nhân vật « người tình », các nhân chứng hiếm hoi mà Bruno Philips, phóng viên báo Le Monde may mắn gặp được tại Sa Đéc cho biết sau khi chia tay với người bạn tình Pháp, Huỳnh Thủy Lê phải nghe lời cha lấy một cô gái rất xinh đẹp, con của một điền chủ giàu có khác tại Tiền Giang, nhằm cứu rỗi kinh tế gia đình do làm ăn thất bại. “Người tình gốc Hoa” của bà sau khi đám cưới còn sống chung lén lút với người em vợ.

Sau thống nhất, Huỳnh Thủy Lê đã cùng gia đình di tản sang Mỹ. Vốn là người rất trọng truyền thống, trước khi mất ông có tâm nguyện muốn được chôn cất tại quê nhà Sa Đéc. Một người cháu của Huỳnh Thủy Lê buồn tủi cho tác giả Bruno Philips biết, các hậu thế trực tiếp của Huỳnh Thủy Lê hiện đều có cuộc sống giàu sang đây đó tại Mỹ hay Pháp, nhưng để ông mồ côi mả quạnh tại Sa Đéc, do vài đứa cháu nghèo khổ còn sót lại trông coi.


MINH ANH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Thái Thanh Tâm đã viết:
"...Cái gì cũng quy ra tiền bạc, người bác sĩ không sa ngã cũng không được”..."

Chung quy chỉ tại đồng tiền. Tiền ơi! Mày hãy chịu khó nhận hết tội lỗi đi. Người nói chung và bác sĩ nói riêng không có lỗi gì đâu. (TTT)
@ Bác TTT
Em không đồng ý vậy, bác đâu có nói chuyện được với một hiện vật không chân , không tay, không mắt, không mũi, không óc, không ... nhưng ma lực mãnh liệt đươc.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

100 năm « Đi tìm thời gian đã mất »



Thế giới kỷ niệm rầm rộ bộ tiểu thuyết « À la Recherche du temps perdu - Đi tìm thời gian đã mất » tròn 100 tuổi. Ngày 14/11/1913, nhà văn Marcel Proust đã cho công bố tập đầu tiên « Du côté de chez Swann – Bên phía nhà Swann ». Proust được xem là một trong ba nhà văn đã khởi xướng cuộc cách mạng tiểu thuyết trong thế kỷ XX. Trong tất cả các cuộc bình chọn, « À la recherche du temps perdu » luôn được coi là một trong 10 tác phẩm suất sắc nhất mọi thời đại.

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Thi%20-%20van/mohammad_el_rawas_a_la_recherche_du_temps_perdu_d5486814h_zpsb8d5d7fe.jpg



Không chỉ là một trong những văn hào vĩ đại của Pháp, Marcel Proust (1871-1922) còn được coi là một trong những người cầm bút có ảnh hưởng lớn nhất đối với nhiều thế hệ nhà văn sinh ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sách của ông đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và đã ngấm vào lòng độc giả toàn năm châu. Bộ tiểu thuyết gồm 7 tập nổi tiếng của Proust, « À la recherche du temps perdu - Đi tìm thời gian đã mất » làm say mê độc giả từ Nhật Bản đến Mehicô, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Achentina.

Chỉ riêng tại khu vực Trung Cận Đông, tác phẩm của Proust đã được dịch ra nhiều phiên bản Ả Rập khác nhau. Syria đang trong khói lửa, năm nay cũng vừa cho in lại tác phẩm này của nhà văn người Pháp.

Đương nhiên, nhiều thế hệ độc giả Việt Nam gắn bó với văn chương đã từng « dứt không ra » với những « À l'ombre des jeunes filles en fleurs – Dưới bóng những cô gái đương hoa » hay « Le temps retrouvé - Thời gian tìm thấy lại »

2013, thế giới vinh danh Proust: Từ Chicago đến Stockholm, từ Luân Đôn đến Seoul hay từ Roma đến Damas, đã có rất nhiều các cuộc hội thảo để cùng nhìn lại sự nghiệp của Marcel Proust. Bởi vì sách của ông đã từng được biết bao nhiêu thế hệ các nhà nghiên cứu, giới phê bình mang ra mổ sẻ, trên bục giảng đường hay tại các cuộc hội thảo. Như nhà văn Pháp Eugène Nicole, một người đang giảng dậy tại Hoa Kỳ đã ghi nhận: Thế giới ngày nay cần đến Proust, cần có được một tác phẩm như « À la recherche du temps perdu ». Bởi vì « Proust đã đưa nhân loại vào một thế giới tuyệt vời ».

Ấy thế mà cách nay đúng 100 năm, chẳng một nhà xuất bản nào đoái hoài đến Marcel Proust. Tất cả các nhà in lớn trên đất Pháp thời bấy giờ đều đóng chặt cửa khi ông tìm đến họ. Cuối cùng, Proust phải tự bỏ tiền túi ra để cho in sách của mình.

Nhưng rồi chỉ trong một thời gian ngắn, văn phong của ông đã chinh phục được lòng người. Sau Đệ Nhất Thế Chiến, khi đất nước hòa bình, tập thứ nhì của « Đi tim thời gian đã mất » mang tên « À l'ombre des jeunes filles en fleurs » được cho ra mắt công chúng và tác phẩm này đã đoạt giải thưởng văn học Pháp – Prix Goncourt năm 1919.

Đó là hồi thứ nhất của huyền thoại Marcel Proust
Nhân kỷ niệm 100 năm « Đi tìm thời gian đã mất », tại Pháp các nhà xuất bản thi nhau in lại các tác phẩm của Proust, hoặc phát hành sách mới nói về những đóng góp to lớn của ông cho nền văn học của thế kỷ XX. Qua những chuyện tình đổ vỡ của các nhân vật, qua những đoạn tả tình, tả cảnh về một cuộc sống xa hoa và phù phiếm ở vào đầu thể kỷ trước, Marcel Proust đã ngược thời gian để trở về với những hương vị của tuổi thơ. Đó chỉ là vị thơm một cái bánh, của một mùi hoa hay cảm giác ngọt ngào của nụ hôn nhẹ phớt trên đôi má …

Nhưng tất cả những thứ đó là những cảm giác phổ quát mà con người, bất luận tuổi tác hay màu da, đều đã cảm nhận thấy … Cũng chính những dư âm của tuổi thơ đó, mà như lời một nhà triết học Pháp đã nói, chúng « giúp cho con người trở nên tốt hơn ». Có lẽ vì thế mà trong một ngàn năm nữa độc giả của Marcel Proust vẫn sẽ bị ông mê hoặc.

Một nhà báo người Ý, bà Lorenza Foschini, vừa cho ấn hành một cuốn sách rất cảm động nói về tác giả của « Le temps retrouvé »: « Chiếc áo choàng của Proust ». Trong đó, tác giả kể lại rằng thiếu chút nữa thì những bản thảo của Marcel Proust đã bị cho vào sọt rác như một phần lớn những đồ vật lỉnh kỉnh trong căn phòng nhỏ bé của ông.

Trong vô số những vật dụng hàng ngày từng gắn bó với suốt cuộc đời của Proust, có một chiếc áo choàng ông luôn khoác trên người, kể cả khi ngồi viết văn hay tiếp khách … trên giường ngủ.

Ai cũng biết, sinh thời, Marcel Proust bị bệnh suyễn kinh niên. Vào những năm cuối đời, sức khỏe ông lại càng suy sụp. Đôi khi cả tháng trời, Proust không bước chân ra khỏi phòng ngủ của mình. Ông ngồi trên giường và sáng tác. Thế nhưng, trong mắt nhà báo Lorenza Foschini, thì chiếc áo choàng đó là biểu tượng của sự cô đơn triền miên đã bao phủ lên một thiên tài.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trưởng giả, là một người có nhiều kiến thức, hiểu sâu biết rộng, say mê với văn học và nghệ thuật của thế giới, nhưng Proust lại rất cô đơn. Gia đình không bao giờ chấp nhận Proust là một người đồng tính. Proust không thể nào chia sẻ được những ẩn ức của mình với người chung quanh. Cả cuộc đời, ông mang mặc cảm tội lỗi vì biết rằng bố mẹ đã thất vọng nhiều về mình: Khác với người em trai, kém ông hai tuổi, Marcel Proust không lập gia đình và không có con nối dõi.

Ngày 18/11/1922, Marcel Proust qua đời sau một cơn bạo bệnh, thọ 51 tuổi. Ông về an nghỉ bên cạnh người mẹ yêu tại nghĩa trang nổi tiếng của Paris, Père- Lachaise.

THANH HÀ  (RFI 18-11-13)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bốn dịch giả gạo cội 'đi tìm thời gian đã mất'



Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào chung tay chuyển ngữ bộ sách "Đi tìm thời gian đã mất".

Ngày 19/11, Bên phía nhà Swann - tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất của nhà văn Marcel Proust - được phát hành ở Việt Nam. Một buổi tọa đàm, giao lưu với các dịch giả bộ sách diễn ra tối 19/11 tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.

Đi tìm thời gian đã mất được bình chọn là một trong 10 tiểu thuyết được yêu thích nhất thế kỷ 20 và được tạp chí Time xếp thứ tám trong 10 cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời. Tác giả của bộ sách tên đầy đủ là Valentine Louis Georges Eugène Marcel Proust (1871 - 1922). Ông được coi là một trong ba tiểu thuyết gia xuất sắc mọi thời đại. Đi tìm thời gian đã mất là tác phẩm làm nên cuộc cách mạng văn chương Pháp đầu thế kỷ XX. Dù tác phẩm được ưa thích hay không, nó luôn được lấy làm điểm quy chiếu: có một cách viết tiểu thuyết, cách đọc tiểu thuyết trước và sau Proust.

http://m.f9.img.vnexpress.net/2013/11/20/body-1-7855-1384921844.jpg
Bốn dịch giả chuyển ngữ bộ Đi tìm thời gian đã mất, từ trái qua: Đặng Anh Đào, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm.



Ở Việt Nam, một trong bảy cuốn Đi tìm thời gian đã mất, tập hai Dưới bóng những cô gái tuổi hoa, từng được dịch giả Nguyễn Trọng Định chuyển ngữ và in từ năm 1992. Đến năm 2013, tập một Bên phía nhà Swann mới được phát hành với phần chuyển ngữ của nhiều dịch giả trong một dự án lớn. Ông Vũ Hoàng Giang - phó giám đốc công ty Nhã Nam (đơn vị liên kết phát hành bộ sách) - cho biết: "Chuyển ngữ Đi tìm thời gian đã mất là một dự án lớn và dài hơi của chúng tôi. Xuất phát từ cuộc gặp gỡ của các dịch giả, họ cùng bàn luận và mong muốn Đi tìm thời gian đã mất có thể được giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Bốn dịch giả Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường và Đặng Anh Đào, là những dịch giả gắn bó và đã dịch nhiều cuốn Pháp văn, cùng nhau thực hiện dịch bộ tiểu thuyết lớn này". Ngay ở đầu cuốn sách có một trang ghi rõ phần nào của ai dịch như một cách trân trọng dành cho dịch giả.

Cả bốn dịch giả cuốn Bên phía nhà Swann đều đã ngoài 80 tuổi, nhưng đều bắt tay dịch với nhiều tâm huyết. Dịch giả Đặng Thị Hạnh có nói: "Nếu tôi ra đi mà sách Proust vẫn chưa được phát hành đến tay độc giả Việt thì quả là tôi không yên tâm chút nào". Dịch giả Dương Tường kể lại: "Cả bốn chúng tôi đã vào cuộc đầy háo hức, nhưng quá trình thì đúng là một cuộc vật lộn, bởi văn chương Proust có những câu như một mê lộ". Dịch giả Đặng Anh Đào cũng cho rằng khi dịch xong phần của mình, bà cảm thấy mệt, nhưng với bà, đó là một cuộc du lịch văn chương thú vị. Bà nói vui: Ông Proust thì đi tìm thời gian đã mất, còn tôi thì cứ mải miết đi tìm chủ từ đã mất.

http://m.f9.img.vnexpress.net/2013/11/20/body-2-Di-tim-thoi-gian-2394-1384921844.jpg
Bên phía nhà Swann - tập đầu của bộ Đi tìm thời gian đã mất vừa phát hành hôm 19/11 tại Việt Nam.



Lý giải cho việc vì sao dịch Proust khó đến thế, dịch giả Lê Hồng Sâm đã viện câu của nhà văn Anatole: "Cuộc đời quá ngắn mà Proust quá dài". Bà Lê Hồng Sâm còn giải thích cặn kẽ: "Mấy nghìn trang sách của Proust đan cài biết bao nhiêu luận bàn, quy chiếu thiên hình vạn trạng với huyền thoại, truyền thuyết, tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội họa... nên đòi hỏi vô số chú thích khiến việc đọc gián đoạn mệt mỏi. Bút pháp Proust cũng gây nản lòng không kém. Ông có những câu văn 'dây leo' dài lê thê gồm rất nhiều mệnh đề với rất nhiều quan hệ kết hợp, phụ thuộc, xen thêm, so sánh, đối lập, song song... Cú pháp của Proust thách đố người dịch".

Tuy có bốn người dịch nhưng Bên phía nhà Swann có giọng văn khá thống nhất. Bà Đặng Thị Hạnh cho biết có được sự đồng thuận ấy bởi cả bốn đều là những người cùng thời đại nên suy nghĩ, ý tưởng có phần tương đồng. Cả bốn vị dịch giả đưa ra nguyên tắc dịch với nhau, đó là cùng dịch với tinh thần trung thành với bản gốc, tôn trọng cấu trúc câu trong văn Proust. "Chỉ khi cần thiết lắm mới chuyển đổi vị trí một giới từ, một liên từ, với tất cả sự thận trọng" - bà Lê Hồng Sâm nói thêm.

Trong buổi tọa đàm giới thiệu sách Bên phía nhà Swann, không có quá đông khán giả đến dự, nhưng qua việc phát biểu giao lưu có thể thấy những người tới đều rất am hiểu về văn chương hoặc quan tâm tới Proust. Một độc giả nhận định văn Proust đọc không có gì đặc sắc mấy, mà sao nhiều người ca ngợi. Dịch giả Đặng Anh Đào cho rằng bà cũng không thích văn Proust, nhưng việc bà không thích không có nghĩa là tác phẩm đó không hay. Còn chị gái của bà - dịch giả Đặng Thị Hạnh phản bác: có thể bạn chưa đọc được những tác phẩm xuất sắc của Proust nên mới đánh giá như vậy. Một độc giả khác thì so sánh Đi tìm thời gian đã mất giống như một Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Vì bên cạnh câu chuyện tình yêu còn là những kiến thức về thơ ca, hội họa, ẩm thức... tất cả đều là những tinh hoa cả.

Bên cạnh nhóm bốn dịch giả cao niên, dự án chuyển ngữ bộ Đi tìm thời gian đã mất còn có sự tham gia của nhóm các dịch giả trẻ. Nhóm người trẻ có sự tham gia của tiến sĩ Nguyễn Giáng Hương – người dành nhiều thời gian công sức cho việc nghiên cứu Proust. Bà Lê Hồng Sâm cho biết: Nhóm các dịch giả cao niên sẽ dịch từ trên xuống (nghĩa là dịch từ tập 1 trở đi), còn nhóm trẻ sẽ dịch từ dưới lên (dịch từ tập 7), càng có nhiều người dịch Proust càng tốt. Bà nói: "Chúng tôi rất mừng vì đã có lớp trẻ kế cận, vì việc dịch Proust còn quá dài và con đường gian nan, nên chúng tôi cũng không biết thời gian và sức khỏe có cho phép đi tới chặng cuối con đường hay không".

HIỀN ĐỖ  
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sống văn hóa

Chiếc vé qua cổng Văn Miếu và "cái tát mạnh" vào văn hóa ở Thủ đô



(GDVN) - Một "trò lố" đã xảy ra tại sự kiện trao giấy chứng nhận cho 57 tân Giáo sư và 514 tân Phó Giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội): Người thân và đồng nghiệp của các Giáo sư, Phó Giáo sư phải nộp tiền vé mới được vào tặng hoa. Không tiền sẽ phải đứng ngoài.

Đây là chuyện có thật. Thật 100%! Nó xảy ra ở cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngay trước giờ diễn ra buổi lễ trao giấy chứng nhận cho các tân Giáo sư và Phó Giáo sư sáng 18/11 vừa qua. Người thân, đồng nghiệp… mang hoa tới chúc mừng các tân Giáo sư, Phó giáo sư bị nhân viên và bảo vệ của di tích chặn lại hỏi vé. Ai có vé được qua cửa, còn không thì bị xua ngược ra ngoài.

Nhiều tiếng xì xào kèm những ánh mắt khó chịu của các vị khách đang cầm trên tay những bó hoa khi bị nhân viên xua ra ngoài mua vé. Có người bảo, "coi như đánh rơi 20 nghìn". Cũng có người bảo coi như đấy là của “bố thí”... cho những kẻ vô văn hóa.

Không ai tiếc 20 nghìn đồng (thậm chí nhiều hơn nữa), nhưng tất cả đều cảm thấy bị xúc phạm khi người ta lợi dụng một sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước để kiếm chác. Một sự kiện quan trọng tổ chức ở một nơi linh thiêng, có sự xuất hiện của cả Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cùng nhiều lãnh đạo các ngành khác mà vẫn bị lợi dụng tăng doanh thu bán vé.

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/ngocquang/2013_11_19/van-mieu-giaoduc.net.vn_copy.jpg
Một người thân của tân Phó Giáo sư đã phải phải mua chiếc vé này mới được mang hoa vào tặng.



Một phụ nữ đứng tuổi cũng đang công tác tại một cơ quan nghiên cứu về văn hóa hỏi lớn: Sao Văn Miếu làm ăn buồn cười thế? Nhưng không một tiếng trả lời, nhân viên và bảo vệ của Văn Miếu coi như không nghe thấy ai hỏi. Họ tiếp tục thu tiền, rồi xé vé. Nếu bị hỏi dồn, nhân viên gác cổng sẽ vặc lại: “Giấy mời đâu? Không có giấy mời thì ra mua vé”.

Nhìn cảnh tượng cả đoàn người thân của các Giáo sư, Phó Giáo sư rồng rắn xếp hàng mua vé để được bước qua cổng Văn Miếu – chỉ để tặng hoa (chứ không phải vào thăm di tích) chẳng khác gì một "trò lố". Không biết đây là sơ suất của ban tổ chức buổi lễ hay chủ ý của Ban quản lý di tích Văn Miếu? Dù có phải chủ ý hay không đi chăng nữa thì đây cũng là một lối hành xử vô văn hóa bậc nhất ở đất kinh kỳ từ xưa tới nay. Buồn thay nó lại xảy ra ở chính nơi gìn giữ văn hóa.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám vốn nổi tiếng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Nơi được coi biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc từ hàng nghìn đời nay, trong phút chốc bị biến thành “cái chợ” để làm trò “cưa đứt đục suốt”.

Kiểu làm ăn này có lẽ sẽ giúp cho Ban Quản lý di tích Văn Miếu có thêm vài chục triệu bổ sung vào bản báo cáo đẹp về thành tích “kinh doanh”, mà nhờ đó có đóng góp vào “ngân sách Thủ đô” một khoản đáng kể nào đấy. Nhưng nhìn ở góc độ khác, lối hành xử ấy chẳng khác gì một cái tát giáng thẳng vào ngành văn hóa Thủ đô.

Rồi đây, ông Trưởng ban quản lý di tích Văn Miếu sẽ trả lời thế nào với 571 tân Giáo sư, Phó Giáo sư? Tôi đồ rằng, câu trả lời sẽ là: “Nhân viên không phân biệt được khách tham quan hay người thân vào tặng hoa các Giáo sư, Phó Giáo sư”; hoặc “Đó là do sơ xuất trong khâu tổ chức, do nhân viên và bảo vệ không phân biệt được người thân tới tặng hoa chúc mừng các tân Giáo sư và Phó giáo sư”…

Một nữ cán bộ đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu Kinh thành Thăng Long kể lại sự việc trong nỗi bức xúc: “Tôi là em của một tân Phó Giáo sư. Tôi đi cùng anh vào Văn Miếu từ rất sớm, lúc sau quay ra cổng trả vài món đồ cho người bạn, khi quay trở vào thì cũng bị bảo vệ đòi vé. Rất nhiều người thân của các Giáo sư và Phó Giáo sư phải xếp hàng mua vé mới được vào tặng hoa. Tôi không hiểu ban tổ chức và ban quản lý di tích này đã làm ăn thế nào mà lại xảy ra cái chuyện lạ đời như vậy. Chính tôi là người công tác trong ngành văn hóa mà còn thấy không thể chấp nhận được cái kiểu hành xử thế này. Thật lố bịch!”.

“Trò lố” này khiến cho nhiều người nhớ tới những sự cố đáng tiếc đã từng xảy ra trong ngành văn hóa, du lịch Thủ đô… mà sau đó chính những lãnh đạo cấp cao của thành phố, của ngành du lịch đã phải lên tiếng xin lỗi, mà gần đây câu chuyện dân làng cổ Đường Lâm xin trả di tích là một thí dụ.

Lần ấy, đích thân Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã về thị sát ngôi làng cổ, và ông nói một câu khiến cho dân ở đấy còn nhớ mãi: “Chúng tôi xin lỗi vì sự chậm trễ này”. Một câu nói ngắn gọn, nhưng nó đúng là điều mà những người dân đang vô cùng bức xúc cần nghe.

Và trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng quan chức đầu ngành du lịch đã đến gặp mẹ con bà Ilona Schultz (du khách người Australia) để xin lỗi vì “đi xích lô 5km bị chặt chém 1,3 triệu đồng”.

Đó là những ứng xử đẹp và rất cần thiết! Nhưng những cố gắng như vậy của ông Nghị, ông Tuấn (và nhiều vị lãnh đạo khác nữa) có lẽ sẽ chỉ như “muối bỏ biển”, và không thể khỏa lấp hết cho những ứng xử tồi (nhiều người gọi là “văn hóa lùn”) của chính những người làm việc trong ngành văn hóa ở Thủ đô. Những ứng xử tồi tệ ấy cũng sẽ khiến cho nhiều nỗ lực của những cán bộ khác trong ngành văn hóa Thủ đô bị đổ xuống sông, xuống biển.

NGỌC QUANG

Nhân viên bảo vệ chỉ làm đúng theo quy định thôi mà.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [50] [51] [52] [53] [54] [55] ›Trang sau »Trang cuối