Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [32] [33] [34] [35] [36] [37] [38] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

Vodanhthi đã viết:

Tuổi thơ dữ dội và sự "can trường" của cô bé 5 tuổi



(Dân trí) - Mẹ bỏ đi từ khi Diện mới lên 1 tuổi. Lên 4 tuổi nhiều khi em là trụ cột của gia đình, lo cho bữa ăn của hai cha con khi người cha ốm đau...

http://dantri4.vcmedia.vn/fXt8wtIderdZ8NB6Vccc/Image/2012/04/1_c4d85.JPG
Căn nhà nền đất lụp xụp mà bé Diện bị cha nhốt một mình trong nhà cả ngày hồi 2 tuổi



Tuổi thơ giữ dội của cô bé 5 tuổi
Câu chuyện đau lòng khó tin đã và đang xảy ra hơn gần 4 năm nay đối với cô bé tội nghiệp Nguyễn Thị Thanh Diện (5 tuổi, làng H’Lũ, xã Ia Grăng, Ia Grai, Gia Lai). Ở vào cái tuổi của Diện, hầu hết các em bé vẫn đang được cha mẹ chăm bẵm từng bữa ăn, giấc ngủ, vậy mà Diện không chỉ thiếu thốn tình thương của đấng sinh thành, mà còn phải lao động vất vả để nuôi chính bản thân và người cha.

4 năm trước, mẹ Diện do không chịu đựng được những cơn say, rồi đập phá vô cớ của chồng là Đinh Văn Yên (51 tuổi), nên đã bỏ lại 2 cha con Diện để vào Nam lập nghiệp. Cũng từ đó, Diện phải sống trong những tháng ngày đau khổ, dữ dội.

http://dantri4.vcmedia.vn/fXt8wtIderdZ8NB6Vccc/Image/2012/04/3_0e8a0.JPG
Mới 5 tuổi nhưng hàng ngày cô bé phải loay hoay múc nước từ giếng sâu hơn 2m



Dẫn chúng tôi sang căn nhà tạm bợ của 2 cha con Diện, Chị Dương Thị Cúc (44 tuổi, làng H’Lũ) vừa đi vừa nói, “chuyện bé Diện kể 3 ngày cũng không hết”. Sau khi mẹ Diện bỏ đi, hàng ngày cha Diện cõng em lên rẫy cà phê để làm việc, khiến người cô bé lúc nào cũng chi chít vết muỗi đốt. Khi cô bé lên 2 tuổi, thì cha nhốt em cả ngày một mình trong căn nhà nền đất để đi làm. Khi Diện 4 tuổi, cũng là lúc bé phải bắt đầu một cuộc sống đầy cơ cực, tự hái rau, bắt sâu, nấu cơm, tắm giặt…

http://dantri4.vcmedia.vn/fXt8wtIderdZ8NB6Vccc/Image/2012/04/4_08e5d.JPG
Mẹ bỏ đi, cha không quan tâm nên từ lâu những việc giặt rũ, nấu ăn... đều do một mình Diện đảm nhận



Cái nắng giữa trưa của cao nguyên như muốn đốt cháy da thịt con người, vậy mà cô bé Diện vẫn đang loay hoay múc những gàu nước dưới giếng để giặt đồ. Như thường lệ, bàn tay nhỏ xíu, yếu ớt nhưng đầy thuần thục của cô bé cố gắng dồn hết sức để giặt thật sạch những bộ đồ đã mặc ngày hôm qua. Thấy chúng tôi tới thăm, cô bé liền khoanh tay chào, rồi mang những bộ quần áo vừa giặt đi phơi một cách ngay ngắn.

http://dantri4.vcmedia.vn/fXt8wtIderdZ8NB6Vccc/Image/2012/04/5_975ff.JPG
Bàn tay bé nhỏ dồn hết sức để giặt đồ một cách thuần thục



Dẫn chúng tôi vào nhà, cô bé nhanh nhẹn lấy chiếc ghế nhỏ xíu mời khách ngồi, rồi tự tay rót nước, đưa đến tận nơi “mời cô, mời chú uống nước”. Không chỉ biết tiếp khách một cách rất người lớn, cô bé còn khoe mình biết nấu cơm, luộc môn, nấu nước, bẻ mầm cà phê, giặt đồ, bắt sâu muồng, hái rau về nấu ăn… “Trưa nay, con và ba đã ăn cơm với canh cà (2 quả cà đắng) nấu với mẻ”, cô bé nói.

Cách đây chừng 1 năm, ông Yên bị người lạ vào nhà đánh gãy dập xương cánh tay trái, từ đó, Diện bắt đầu làm hết mọi chuyện trong gia đình để nuôi sống bản thân và cha. Thời gian đầu, hai cha con hết gạo, hàng ngày, Diện phải đến từng nhà trong xóm để ăn cơm chực. “Khi con bé ăn xong, nó nói “ba con ở nhà cũng đói lắm, chưa có chi ăn cả”, vậy là chúng tôi phải bới cơm đùm cho nó mang về cho ba ăn”, chị Cúc nghẹn ngào.

http://dantri4.vcmedia.vn/fXt8wtIderdZ8NB6Vccc/Image/2012/04/7_6ab17.JPG



Đến khi ông Yên mang cắm chiếc xe máy cũ nát, mua được ít gạo và mắm muối để hai cha con ăn, do tay vẫn cha vẫn còn đau, nên mọi công việc bếp núc đều do Diện cáng đáng. Hàng ngày không chỉ phải vo gạo nấu cơm, mà Diện còn phải ra gốc cà phê bắt con sâu muồng trong gốc và hái rau về xào chung làm thức ăn cho hai cha con.

Chị Cúc cho biết: “Năm ngoái, ba nó bị gãy tay, mấy chị em chúng tôi xúm nhau tới rẫy cỏ cà phê giúp hai cha con. Con bé liền loay hoay vào nhà lấy củ môn ra ngoài giếng rửa, tay nó yếu quá rửa không sạch nên nó dùng 2 chân để đạp vào củ môn cho sạch đất rồi cũng tự nó nhóm lửa, luộc môn, nấu nước mang ra mời chúng tôi dùng”.

Lúc đầu có vẻ ngượng ngùng, nhưng khi có những người hàng xóm làm chứng thì ông Yên cũng phải trải lòng: “Khi cái tay tôi bị gãy đau nằm giường 6 tháng mới khỏi, một mình con bé phải lo hết mọi chuyện từ tắm giặt cho bản thân, mang quần áo của ba nhờ hàng xóm giặt, rồi hái rau, nấu cơm để ăn… tôi đau quá không làm được, nó không làm thì lấy cái gì để ăn”.

Quả thật “chuyện bé Diện kể 3 ngày không hết”!

Chuyện bé Diện đi học
Trong căn nhà lụp xụp, cuộc sống với cô bé 5 tuổi tưởng chừng như không có hạnh phúc và tương lai, nhưng...! Chính sự cơ cực, lầm than đã khiến cô bé có được sự dũng cảm và sức sống dẻo dai hơn bất cứ ai trong chúng ta, để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo của mình. Chuyện bé Diện đi học đã trở nên “nổi tiếng” khắp xóm làng.

http://dantri4.vcmedia.vn/fXt8wtIderdZ8NB6Vccc/Image/2012/04/9_cba2b.JPG
Khi có khách đến nhà cô bé đều rót nước mời khách rất lễ phép



Năm học vừa rồi, thấy cô bé nhà bên được cha mẹ cho tới trường, một mình Diện bụng đói meo, trong cơn mưa tầm tã, lấy bao ni lông trong bì phân đạm mặc lên người, tay xách dép, cuốc bộ hơn 3km đường đất, đồi dốc, trơn trượt để đi dự buổi lễ khai giảng năm học. Sau gần 3 tiếng đi bộ, khi tới trường mầm non thì các bạn và cô giáo đã ra về, một mình cô bé lại xách dép lững thững đi về.

“Lúc đó là hơn 9 giờ sáng, tôi chở hàng đi ra xã thì thấy con bé tay cầm dép, người khoác cái áo mưa ni lông, tôi hỏi bé đi đâu thì nó trả lời đi học nhưng các bạn và cô đã về hết rồi”, chú Nguyễn Đình Chung, hàng xóm nhà Diện kể lại.

Dẫu tới lớp muộn, nhưng sau buổi khai giảng “hụt”, ngày nào Diện cũng đều đặn đi bộ tới lớp để học. Không có vở, có bút để tập viết, hàng ngày cô bé đều lấy que để tập viết dưới đất, hôm nào may mắn lấy được phấn trên lớp thì cô bé mang về tập viết và vẽ lên tấm tôn cũ nát dựng trong nhà.

“Nhiều hôm đi học về mệt, con bé chui vào các lán trông cà phê bên đường để nằm ngủ. Khi tỉnh dậy nó tiếp tục đi về nhà- vừa nhỏ vừa khổ quá nên con bé cũng chẳng còn biết sợ là chi nữa”, anh Nguyễn Hữu Dũng cho biết.

Dù thời gian ngồi học trên lớp không nhiều, lại không được bất kì ai kèm cặp ở nhà, nhưng Diện đã thuộc làu làu từng chữ cái và những số đếm nhỏ, cô bé còn lấy quyển vở đã viết gần kín và chiếc bút chị hàng xóm cho ra viết để khoe với chúng tôi: “Con biết viết chữ A, chữ O… rồi, con phải học giỏi để sau này trở thành cô giáo đi dạy học”, cô bé 5 tuổi có tuổi thơ đầy dữ dội tự hào khoe.

Thiên Thư
Đọc mà mình ứa nước mắt, người mẹ thật tệ, chồng có thể bỏ, sao nỡ bỏ con chứ, có cách nào giúp đỡ bé nhỉ! Các bạn trong tv nghĩ sao?
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

http://vnexpress.net/gl/x...-giam-doc-sap-thong-xe-1/
Thứ ba, 8/5/2012, 00:50 GMT+7

Đoạn đường 'cược ghế Tổng giám đốc' sắp thông xe
Đường trên cao từ bắc hồ Linh Đàm đến nút giao Thanh Xuân (Hà Nội) đã hoàn thành 90% và sẽ được thông xe vào cuối tháng 6, vượt tiến độ 5 tháng. Đoạn còn lại tới cầu Mai Dịch sẽ hoàn thành cuối năm nay.

http://i1099.photobucket.com/albums/g381/anton_hoa7x/ON.jpg

Trao đổi với VnExpress.net, ngày 7/5, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long Vũ Xuân Hòa cho biết, đường vành đai 3 trên cao từ bắc Linh Đàm đến nút giao Thanh Xuân sẽ thông xe ngày 30/6, vượt tiến độ 5 tháng. Đây là tuyến đường mà lãnh đạo của 2 nhà thầu đã cược ghế Tổng giám đốc với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng để đảm bảo tiến độ công trình.

Cũng theo ông Hòa, gói thầu số 2 đường trên cao từ nút giao Thanh Xuân đến nút Trần Duy Hưng có thể vượt tiến độ 14 tháng, đoạn còn lại kéo dài đến cầu Mai Dịch vượt tiến độ 5 tháng. Toàn tuyến tuyến vành đai 3 dài 9km (Linh Đàm - Mai Dịch) sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, giúp giải quyết ùn tắc tại khu vực phía tây và phía tây nam thành phố.
Vành đai 3 trên cao sẽ giải quyết ách tắc khu vực phía tây thành phố. Ảnh: Bá Đô.

Theo ông Hòa, các đoạn tuyến vành đai 3 vượt tiến độ do dự án không phải giải phóng mặt bằng, các nhà thầu huy động tối đa lực lượng thi công và chủ đầu tư giải ngân vốn kịp thời để các nhà thầu chi trả vật liệu, nhân công...

"Chúng tôi đảm bảo về chất lượng công trình. Các hạng mục đều được đội ngũ giám sát Nhật Bản và Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra thường xuyên. Hạng mục nào đạt chất lượng thì mới được tiếp tục thi công", ông Hòa nói.

Theo thiết kế, dự án được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị dành cho ôtô, tốc độ thiết kế 100km một giờ, mặt cắt ngang 4 làn xe. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, các phương tiện sẽ chạy với tốc độ tối đa 80km một giờ.

Dự án đường trên cao Linh Đàm - Mai Dịch dài 9km, đi qua quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Đường được xây dựng theo cấp cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế 100km/giờ, mặt cắt ngang 4 làn xe, nhưng trong giai đoạn đầu, phương tiện chỉ được chạy tối đa 80 km/h. Tổng đầu tư hơn 5.547 tỷ đồng từ nguồn vốn vay JICA - Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Đây được coi là tuyến cầu cạn dài nhất ở thủ đô, giải quyết ách tắc trên tuyến vành đai 3.

Gói thầu Thanh Xuân - bắc hồ Linh Đàm do Liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng Thăng Long - Cienco8 - Cienco4 thi công, được khởi công từ tháng 6/2010. Trong cuộc họp với Bộ trưởng Đinh La Thăng đầu năm 2012, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu và Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco8) Vũ Hải Thanh đã cược với Bộ trưởng, nếu công trình không đảm bảo tiến độ, họ sẽ từ chức.

Đoàn Loan
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam


Sợ vô cùng con cháu ta ơi
"Vượt tiến độ" nghe đã rụng rời
Đường đi ba bữa thành ao, vũng
Nhà bốn ngày tường rớt, cửa rơi...

Sao đem chức tước ra cá cược?
Giám đốc, lãnh đạo há trò chơi!
Tiền dân, công của như bạc bịp
Đất nước tồn, vong? hỡi các người.
...

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Cần thay đổi tư duy về đất đai

Ngô Ngọc Quang


Đã xảy ra không ít đụng độ giữa chính quyền và dân vì việc thu hồi đất
Trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, đất đai được sở hữu một cách tự nhiên mang tính bản năng, và bởi những con người cụ thể.
Quyền sở hữu một vùng đất được hình thành và ghi nhận thông qua quá trình sống và lao động của con người. Khi con người ta sống ở một vùng đất nào đó, đổ mồ hôi, tranh giành với thú hoang và cỏ dại quyền sở hữu vùng đất đó. Thế rồi, vùng đất có được nhờ mồ hôi và công sức đó được truyền lại, đời này qua đời khác. Dựa trên vùng đất tổ tiên để lại con người ta trồng trọt chăn nuôi, kiếm sống cho bản thân và gia đình. Từ đó hình thành quyền sở hữu đất đai của con người.

Gốc rễ của quyền sở hữu này không tự nhiên mà có, không phải do ai ban phát mà tự nó được khẳng định bằng mồ hôi công sức của người dân, một điều hiển nhiên của công lý, ai cũng phải thừa nhận.
Quyền sở hữu đất đai bị thay đổi
Trải qua biến thiên của lịch sử, rất nhiều vùng đất đã bị tước đoạt bằng bạo lực, bị thay chủ sở hữu sau những cuộc binh đao khói lửa chiến tranh. Điều bất công này xảy ra trong xã hội loài người đã hàng ngàn năm, và nó gây nên điều lầm tưởng cho kẻ có cường quyền bạo lực rằng: Họ xứng đáng là chủ của vùng đất mà họ cướp được bằng bạo lực.
Điều tệ hại này xảy ra khắp nơi trên trái đất này, và từ hàng ngàn năm nay, từ thủa hồng hoang ăn lông ở lỗ, cho tới thời hiện đại văn minh này. Và dường như con người ngày nay không muốn và cũng không thể sửa chữa nó nữa?
Con người văn minh muốn ngưng lại quá trình cướp bóc bất công đó, trả về cho đất đai người chủ đích thực của nó.
Để được sống yên thân, được bảo vệ trước cường quyền của các tộc người khác, con người ta buộc phải cố kết lại, suy tôn một cá nhân mạnh mẽ nhất lên làm thủ lĩnh và chấp nhận phó mặc cho thủ lĩnh quyền định đoạt về đất đai sở hữu của mình. Các vị vua sinh ra từ đó, thời gian trôi, và mặc nhiên dân chúng trong nước chấp nhận, vị vua này có quyền sở hữu toàn bộ đất đai của quốc gia, trong đó có cả những thửa ruộng mà cha ông tổ tiên họ bao đời đổ mồ hôi mới làm nên sự màu mỡ của đất.
Người dân sống nhờ vào sự che trở, răn dạy, và đồng thời cai trị của vua chúa, họ mặc nhiên chấp nhận điều đó (thực ra họ không có sự lựa chọn nào khác): đất đai lãnh thổ thuộc quyền sở hữu của vua. Nhiều khi người dân còn bị ở trạng thái mơ hồ về quyền sử dụng đất đai do cha ông mình khai phá để lại .
Trong chế độ phong kiến, vua có quyền nói rằng mảnh đất này là của ai, và người dân có bổn phận phải chấp hành lời phán truyền đó của vua.
Tâm lý “kẻ cướp”
Để quy tụ sức mạnh của nhân dân, trong đó lực lượng nông dân đông đảo là chính, vào việc chống lại thực dân Pháp để giành độc lập, người Cộng sản đã khôn khéo tuyên truyền để người dân tin rằng: Đánh đuổi thực dân đế quốc, thì người dân sẽ được rất nhiều thứ tốt đẹp trong đó có vấn đề được làm chủ đồng ruộng của mình.

Chính phủ Việt Nam cho hay số vụ khiếu kiện chủ yếu liên quan đất đai
Sau này, những người Cộng sản đã đánh tráo khái niệm sở hữu, và làm cho người dân tin rằng mình đã được làm chủ ruộng đồng thông qua hợp tác xã. Thật ra là nhà nước đã thâu tóm toàn bộ đất đai vào tay mình, người dân thực chất vẫn là kẻ làm thuê chứ không phải là chủ thực sự của đất đai mà cha ông họ truyền lại.
Với quyền lực trong tay, nhà nước đã làm ra các đạo luật về đất đai. Theo đó người dân được nhà nước ban ơn, cho người dân mượn tạm thời đất đai để sử dụng. Khi cần nhà nước lấy lại bất kỳ lúc nào bằng những quyết định thu hồi, mà người dân phải có nghĩa vụ chấp hành.
Cách hành xử như vậy về bản chất, giống hệt vua chúa phong kiến thời xưa. Chúng ta những người Cộng sản, thường tự hào nói rằng: Chúng ta đánh đổ thực dân phong kiến để xây dựng nhà nước công nông của dân, do dân, và vì dân. Vậy mà chúng ta lại hành xử về đất đai y như vua chúa phong kiến thời xưa.
Quyền sở hữu đất đai rõ ràng là phải thuộc về những con người cụ thể - những con người bỏ công sức khai khẩn tranh chấp với thú hoang và cỏ dại.
Ấy vậy mà nhà nước lại sử sự theo lối vua chúa ngày xưa, nắm quyền lực trong tay và phán rằng đất đai là cuả nhà nước, núp dưới mỹ từ mang màu sắc lừa bịp: sở hữu toàn dân. chính vì thủ đoạn như vậy nên mới sinh ra khái niệm thu hồi – một khái niệm hết sức sai trái.
Trong thực tế cuộc sống nhà nước tưởng rằng mình có công trong việc tạo nên tài nguyên đất đai, kể cả trong việc giành lại đất đai từ tay phong kiến thực dân hay mở rộng giang sơn bờ cõi, nhưng thực ra đều là do sức dân làm nên tất cả.
"Nhà nước đã làm ra những bộ luật về đất đai, mà ở đó quyền sở hữu của người dân bị tước đoạt hoàn toàn, và theo đó người dân luôn ở thế chông chênh bất ổn, do vậy mà ruộng đồng không thể tìm ra được cách sinh lời tốt nhất cho con người. Người dân trở thành kẻ ăn nhờ ở đậu trên mảnh đất do chính mồ hôi công sức của mình khai khẩn hay của cha ông để lại, hoặc mua lại của người khác."
Vậy mà với tâm lý kẻ cướp, nhà nước đã dùng quyền lực, sức mạnh của mình để tước đoạt quyền sở hữu của người dân một cách tinh vi nhất.
Nhà nước đã làm ra những bộ luật về đất đai, mà ở đó quyền sở hữu của người dân bị tước đoạt hoàn toàn, và theo đó người dân luôn ở thế chông chênh bất ổn, do vậy mà ruộng đồng không thể tìm ra được cách sinh lời tốt nhất cho con người. Người dân trở thành kẻ ăn nhờ ở đậu trên mảnh đất do chính mồ hôi công sức của mình khai khẩn hay của cha ông để lại, hoặc mua lại của người khác.
Vì vậy chúng ta cần khẳng định: đất đai là của người dân, người dân không mượn của nhà nước nên nhà nước không có quyền thu hồi!
Trong khái niệm đến bù thì rõ ràng là khi nhà nước muốn lấy đất của dân, hay nói cách khác là xâm hại đến lợi ích của dân thì đương nhiên phải đền bù. đền bù như thế nào? Rõ ràng rằng sự đền bù phải được người dân chấp nhận một cách tự nguyện và thỏa đáng. Còn hiện nay, đền bù theo kiểu kẻ cướp thì thật sự là việc làm thiếu đạo đức.
Khái niệm giải phóng mặt bằng cũng là một khái niệm hết sức bậy bạ sai trái. Đất đai của người dân mà nhà nước lại dùng sức mạnh của mình xua đuổi người dân ra khỏi mảnh đất của họ rồi nói rằng giải phóng. Nguyên nhân của lối tư duy sai lầm này chính là vì nhà nước cho rằng đất đai là của nhà nước nên mới nhìn người dân như những kẻ chiếm hữu bất hợp pháp mà nhà nước cần xua đuổi để giải phóng.
Nhìn nhận và quản lý đất đai như thế nào?
Tong toàn bộ diện tích đất đai của tổ quốc, nhà nước với vai trò quản lý của mình chỉ cần và chỉ nên đưa ra những chính sách quy hoạch làm sao có lợi nhất cho việc xây dựng và phát triển của đất nước. Khi cần đất đai cho các dự án phát triển nào đó thì nhất thiết phải thương thảo với chủ đất là người dân. Nhà nước có quyền vận động nhưng không có quyền cưỡng bức người dân.
Trong công tác quản lý, nhà nước có trách nhiệm cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất đai cho người dân (nên phân biệt rõ quyền sở hữu chứ không phải quyền sử dụng đât), bất kể thời điểm người dân hay cha ông họ khai khẩn sử dụng từ khi nào, hay mua một cách hợp pháp.
"Nhà nước hiện nay cần thay đổi toàn diện tư duy về đất đai, và không được chậm trễ thêm nữa. Chỉ có bằng cách thay đổi tư duy về đất đai thì mới mong chúng ta có được một bộ luật về đất đai mang hơi thở của cuộc sống. Và từ đó Bộ luật đất đai mới phục vụ tốt cho việc quản lý của nhà nước cũng như việc sử dụng đất đai của người dân."
Đối với những vùng đất chưa có người khai khẩn sở hữu, nhà nước chịu trách nhiệm đứng ra quản lý, và phải quy hoạch rõ công năng sử dụng của những vùng đất đó trong hiện tại cũng như tương lai. Đối với những vùng đất này, nhà nước thay mặt dân đứng ra quản lý, khai thác sao cho có lợi nhất cho quốc gia. Nếu người dân có nhu cầu mua một diện tích đất nào đó thì nhà nước phải bán và cấp cho người dân quyền sở hữu.
Nhà nước phải có những chính sách khuyến khích người dân khai khẩn những vùng đất hoang vu mà nhà nước không có đầu tư phát triển được, và ghi nhận quyền sở hữu của người dân sau khi họ khai khẩn.
Mọi hoạt động của xã hội liên quan đến đất đai đều phải được thông qua thương thảo tự nguyện của chủ sở hữu, thể hiện bằng hợp đồng mua bán hay cho tặng quyền sở hữu về đất đai
Chỉ bằng cách ghi nhận quyền sở hữu của người dân về đất đai, nhà nước mới thoát khỏi mớ bòng bong hỗn tạp hiện nay về quản lý và sử dụng đất đai một cách khôn ngoan.
Nhà nước cần dũng cảm nhìn thẳng vào hiện tình đất nước về đất đai hiện nay một cách có trách nhiệm nhất. Nhà nước cũng cần thẳng thắn nhìn ra những yếu kém và cả những sai lầm trong đường lối và chính sách về đất đai trong quá khứ cũng như hiện tại, kể cả những sai lầm về đường lối mang tính bao quát của ý thức hệ. Và phải nhìn nhận những sai lầm này một cách trung thực nhât, trên tinh thần cầu thị. Tất cả vì lợi ích của tương lai dân tộc Việt.
Nhà nước hiện nay cần thay đổi toàn diện tư duy về đất đai, và không được chậm trễ thêm nữa. Chỉ có bằng cách thay đổi tư duy về đất đai thì mới mong chúng ta có được một bộ luật về đất đai mang hơi thở của cuộc sống. Và từ đó Bộ luật đất đai mới phục vụ tốt cho việc quản lý của nhà nước cũng như việc sử dụng đất đai của người dân.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tuấn Khỉ đã viết:
VOV lên tiếng về vụ 2 nhà báo bị hành hung ở Văn Giang

Bài đăng trên VNExpress Thứ ba, 8/5/2012, 19:25 GMT+7

Trung tâm tin (Đài tiếng nói Việt Nam) vừa gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên công văn đề nghị làm rõ việc nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị hành hung. Hai nhà báo xác nhận, họ chính là người bị đánh trong clip được cho là ghi trong bối cảnh cưỡng chế tại Văn Giang.
Không còn gì nói nữa!

Xem video clip công an đánh nhà báo
(hoặc nếu không phải nhà báo thì là nhân dân)
đánh tàn bạo, dã man
đánh không thương tiếc.

Hàng chục người có vũ trang
đánh một người không có gì tự vệ
là nhà báo đang đi làm nhiệm vụ
(hoặc là thường dân đang đứng rất hiền lành).

Đêm mất ngủ
Không còn gì nói nữa!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Những chi tiết chưa từng tiết lộ vụ nhà báo bị hành hung tại Văn Giang

Bài đăng trên Giáo dục Việt Nam Thứ tư 09/05/2012 15:20

(GDVN) -Bản tường trình của nhà báo Hán Phi Long hé lộ những chi tiết bất ngờ về cách hành xử của nhóm người mặc sắc phục công an hành hung anh và đồng nghiệp.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng nguyên văn bản tường trình của nhà báo Hán Phi Long về việc bị hành hung khi đang tác nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên. Nhà báo này cũng khẳng định mình phải "cảm ơn nhân dân nhiều lắm".

"Chúng tôi đến xã Xuân Quan vào khoảng 9h00 sáng, sau khi từ trên đê rẽ phải theo con đường bê tông đi vào trong làng, đi được khoảng mấy trăm mét, tôi thấy rất đông người dân đang đứng ngoài đường với vẻ mặt rất căng thẳng, chúng tôi không thể đi tiếp vào được. Sau đó tôi đã quay xe lại, để xe vào sâu trong một con ngõ nhỏ là cổng của 1 hộ dân, tôi khóa xe và lấy máy ảnh nhỏ du lịch mang theo.

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/thaolang/2012_05_09/nha-bao-hanh-hung-van-giang.jpg
Nhà báo Hán Phi Long trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa



Khi ra đường tôi mới biết đây là đoạn đường cuối của thôn để ra cánh đồng. Đứng quan sát tôi thấy cách đó khoảng 25-30m, đối diện với những người dân là lực lượng cưỡng chế thi hành bao gồm công an mặc cảnh phục, cảnh sát hình sự có khiên đỡ và cả lực lượng mặc thường phục, (có người đeo băng đỏ, người không đeo), có người mang camera, máy ảnh quay phim.

Khi đó tôi thấy tình hình rất căng thẳng, một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Một bên là hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng.

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/thaolang/2012_05_09/7_copy_copy.jpg
Cảnh nhà báo Hán Phi Long bị đánh hội đồng



Do sợ khi đứng lẫn trong đám đông này kiểu gì cũng bị “tai bay vạ gió” vì rất hỗn loạn, tôi và anh Năm đã đi vào Nhà văn hóa thôn (đang ở giai đoạn hoàn thiện), cách đường có người dân tụ tập khoảng 30m, liền kề Nghĩa trang liệt sĩ là  nơi giáp ranh giữa khu dân cư với cánh đồng đang bị cưỡng chế. Chúng tôi đứng quan sát.

Sau đó tôi lấy máy ảnh, ra đứng trên tường bao sân của nhà văn hóa đang xây dở để chụp 2 kiểu ảnh làm tư liệu. Lực lượng cưỡng chế từ phía cánh đồng và nghĩa trang liệt sĩ bắt đầu tiến lên.

Một nhóm cảnh sát và cảnh sát cơ động lúc này từ trong nghĩa trang liệt sỹ trèo qua tường rào, tiến về phía nhà văn hóa. Lúc này tôi vẫn đội mũ bảo hiểm màu trắng, tay cầm máy ảnh du lịch đứng tại hành lang nhà văn hóa không chụp ảnh nữa. Đi đầu nhóm cưỡng chế tiến về phía tôi đứng là hai công an, một anh thấp nhỏ đeo lon thượng úy đến bên tôi.

Một ai đó chửi và hỏi: “Đ. M thằng kia là thằng nào mà vào đây chụp ảnh?” Tôi trả lời ngay:“Tôi là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam” 2 lần. Nhưng họ không nghe, rồi xốc nách tôi kéo về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Lúc này tôi nói lớn hơn, liên tiếp: “Tôi là nhà báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Có gì các anh để tôi giải thích chứ sao lại lôi tôi thế này”? Liền đó, mấy công an viên và những người mặc thường phục khác lao vào, chửi: “Đ.M mày giải thích con mẹ mày à? Đấm chết con mẹ mày đi”.

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/thaolang/2012_05_09/14_copy_copy.jpg
Ngay sau đó nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cũng bị đánh



Một người lao vào giật máy ảnh trên tay tôi, nhiều công an và người không mặc sắc phục lao vào dùng dùi cui, tay không đấm, đạp, vụt vào mặt, người tôi, lên gối vào ngực tôi, liên tiếp đấm đá, vụt tôi rất mạnh. Lúc này tôi đau quá, máu trên mặt chảy ướt hết áo và quần của tôi, tôi choáng váng gục ngã vào chân tường rào của nghĩa trang liệt sỹ.

Mấy bà cụ đứng cạnh đó để xem vụ cưỡng chế thấy vậy mới hô hoán lên rằng, “sao đánh người vô cớ thế, đánh chết người ta rồi”…Thấy vậy, anh Năm lúc đó mới chạy ra và hô hoán nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo, không được đánh …”.

Sau khi gục xuống đường, mấy công an kia bỏ tôi ra và lao về phía anh Năm đánh anh Năm, khi đó chỉ còn vài công an ở chỗ tôi, tôi đã bám theo mấy cụ già kia trốn vào trong một vườn cây gần đó.

Thấy máu trên mặt tôi vẫn chảy rất nhiều, mấy bà cụ liền bảo là phải vào trạm xá gần đây để băng bó lại, không thể để thế được và đưa tôi đi vòng phía mấy vườn cây vào phía sau trạm xá. Vào đến nơi, tôi được mấy nữ nhân viên y tế ở đây sơ cứu, lau vết rách trên môi cho tôi và bảo “Chảy máu nhiều như thế thì nên nằm xuống nghỉ tí đi cho đỡ choáng váng đã”. Sau khi nằm khoảng 10 phút, tôi lấy điện thoại gọi cho anh Năm, nhưng gọi mãi không được.

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/thaolang/2012_05_09/1_copy_copy.jpg
Những người tham gia hành hung 2 nhà báo mặc sắc phục công an, mang theo gậy và đội sẵn mũ bảo hiểm



Lo cho anh Năm nên tôi lại đội mũ bảo hiểm vào và đi ra phía cổng trạm xá. Lúc này lực lượng cưỡng chế là công an, cảnh sát cơ động vẫn đứng rất đông ở đó, tôi thấy có một người đeo quân hàm thượng tá cảnh sát cơ động, tôi trình thẻ phóng viên Đài TNVN ra và nói: “Chúng tôi là phóng viên Đài TNVN xuống đây có 2 người, nhưng vừa rồi trong lúc chúng tôi bị công an đánh, có đồng chí Ngọc Năm là Trưởng phòng của tôi cũng bị đánh và hiện tôi không thể liên hệ được, các anh ở đây có thể liên hệ ra phía ngoài được hỏi cho tôi tình hình và đề nghị đừng đánh phóng viên nữa”. Ông thượng tá kia nói đang “như thế này thì không biết đâu, không giải quyết gì cả”, rồi quay đi.

Lúc này tôi rất hoang mang và lo cho anh Năm, vì tôi đã thoát ra ngoài được còn anh Năm thì không thể liên lạc được, tôi quay vào trong trạm xá, ngồi đó một lúc. Tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh Năm, sau đó cũng thấy nhấc máy, anh Năm hỏi: “chú thế nào rồi, có bị bắt không? Tôi nói em trốn thoát rồi, không bị bắt. Anh Năm nói anh bị bắt, còng tay, đang trên xe thùng về công an huyện rồi. Em về ngay công an huyện để trình báo cho họ biết”

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/thaolang/2012_05_09/19_copy_copy.jpg
Sau khi bị đánh, anh Long ngã gục và được người dân địa phương cứu thoát,
còn anh Năm bị còng tay và đưa về trụ sở Viện kiểm sát huyện Văn Giasng, Hưng Yên



Lúc này máu trên mặt tôi vẫn tiếp tục chảy ra, nhưng tôi cũng cố lại đi vòng qua sau một số vườn cây của những hộ dân ở đây, để ra ngoài đường (tôi thật sự lại bị bắt và đánh tiếp). Sau đó đi xuống công an huyện Văn Giang. Tại đây sau khi trình thẻ ở cổng công an cho người bảo vệ, tôi được chỉ vào trong  một phòng của đội cấp chứng minh nhân dân, tại đây tôi được một công an đeo quân hàm cấp úy tiếp.

Tôi trình thẻ phóng viên, trình bày sự việc cho anh này, sau đó anh này bảo tôi ngồi đợi và vào báo cáo lãnh đạo. Anh này cầm thẻ phóng viên của tôi đi khoảng nửa tiếng, sau đó quay lại đưa cho tôi. Bảo đợi “sếp” làm việc.

Tôi ngồi ở đó hơn 1 tiếng đòng hồ, không thấy ai nói gì, ra làm việc hay hướng dẫn tôi đi đâu. Lúc này tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh Năm và nói rằng: “Em đang ở công an huyện Văn Giang đây, anh ở đâu” anh Năm nói “anh đang bên Viện kiểm sát, em sang đây đi”. Tôi lại đi sang Viện kiểm sát, ngồi đợi ở đây một lúc. Tôi hỏi mấy nhân viên ở đây, họ nói “Có anh Năm đang ở đây và đang làm việc với cơ quan công an, anh cứ ngồi ngoài chờ đi”.

Tôi chờ khoảng gần 1 tiếng, thấy lâu quá tôi liều đi vào phòng nơi đang lấy lời khai của anh Năm. Lúc này có 1 viên công an đang ghi biên bản lời khai của anh Năm, thấy mặt mũi tôi máu me bê bết, sưng tấy nhiều chỗ, anh Năm nói “Đây là phóng viên Phi Long, bị công an đánh đến thế này đây”, lúc đó khoảng 12 giờ trưa.

Sau khi lấy lời khai của anh Năm xong, đến phần việc của bác sĩ vào kiểm thể (kiểm tra thương tích) thấy tôi như vậy, anh Năm đề nghị kiểm tra cho 2 người. Hai người được nói là bác sĩ đến kiểm tra tra thương tích, ghi biên bản xong. Lúc này trên mặt tôi máu vẫn rỉ ra khóe miệng; mặt mũi sưng phù nề, quần và áo đều dính nhiều vết máu. Sau đó, chúng tôi được “mời” đi bộ sang trụ sở Công an huyện Văn Giang.

Khoảng hơn 13 giờ, chúng tôi được mời ăn cơm hộp với công an. Tôi nói, bị đau, không thể há miệng được nên không thể ăn được cơm được, các anh cho tôi hộp sữa để tôi uống".

Sau đó, anh Năm và anh Long được tách ra đưa đến 2 phòng khác nhau để lấy lời khai.

Khoảng hơn 13 giờ, chúng tôi được mời ăn cơm hộp với công an. Tôi nói, bị đau, không thể há miệng được nên không thể ăn được cơm được, các anh cho tôi hộp sữa để tôi uống.

Đầu giờ chiều, tôi được một Đại úy (không đeo biển hiệu) giới thiệu tên Trưởng, Phòng Hình sụ công an Hưng Yên lấy lời khai của tôi.

Tôi được anh Trưởng hỏi “Ai cử các anh về đây làm việc, có giấy quyết định gì không?”. Trả lời, “Tôi được Trưởng phòng là lãnh đạo trực tiếp của tôi phân công về đây”. Hỏi ai cử trưởng phòng anh đi. Tôi nói bên chúng tôi làm việc rất nguyên tắc, cấp trên của Trưởng phòng cử đi”.

Anh Trưởng hỏi “Anh có thấy chúng tôi cắm biển cấm quay phim, chụp ảnh không?” Tôi trả lời “Không thấy! Và nếu có thì việc làm đó là không đúng luật, vì không ai cấm quay phim, chụp ảnh ở khu dân cư cả? Mặt khác, khi tôi đến thôn 1, phía sau những người tụ tập, thì mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường”.

Hỏi “Tỉnh Hưng Yên đã cấm báo chí, anh có biết không?”. Trả lời “Tôi không biết gì về quy định này, đến thời điểm hiện tại tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào, ai ký gửi đến cho các cơ quan báo chí. Nên tôi đến đây là hoàn toàn phù hợp và đúng theo Luật quy định”.

Hỏi “Hôm qua anh có đi dự buổi họp báo của tỉnh Hưng Yên không”. Tôi trả lời “Tôi không đi dự, có người khác nên tôi không biết”.

Hỏi “Sao đã cấm quay phim, chụp ảnh, anh còn chụp ảnh?”. Tôi trả lời “Khi đó tôi thấy phía người dân có những hành vi rất quá khích, ném gạch đá, chai xăng về phía lực lượng cưỡng chế, nhưng tôi thấy họ rất nhẫn nhịn chịu đựng mà không có phản ứng gì. Tôi chụp ảnh để làm tư liệu về việc người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng để làm tư liệu khi cần thiết. Như vậy mục đích chụp ảnh của tôi là rất rõ ràng ”.

Hết phần lấy lời khai, theo đề nghị Công an đưa tôi đi chiếu chụp tại Trung tâm y tế Văn Giang. Yêu cầu này được chấp thuận vào cuối giờ chiều hôm đó. Chúng tôi được nhận lại tài sản như điện thoại, máy ảnh, các giấy tờ tùy thân. Trước đó, họ đã xóa mấy bức ảnh tôi chụp.

Sau khi tôi đi chiếu chụp về, anh Tiến (Thiếu tá, đội trưởng đội trọng án); Anh Hồng (thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự) đã xin lỗi chúng tôi về sự việc diễn ra buổi sáng. Ngay lúc đó anh Năm đã viết 1 bản kiến nghị lên lãnh đạo công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ vụ việc, anh Tiến đã tiếp nhận đơn và hứa chuyển cho lãnh đạo xem xét. Chúng tôi về đến cơ quan khoảng hơn 19 giờ ngày 24-04-2012. Tôi được anh Năm mua cho một chiếc áo sơ-mi để thay chiếc áo có nhiều vết máu, đứt khuy áo trước khi về nhà.

Những ngày sau, tôi phải nghỉ ở nhà điều trị vết thương và bớt căng thẳng. Chúng tôi rất bình tĩnh, cố gắng không để sự việc xấu thêm. Tuy nhiên, ngày hôm sau, trên rất nhiều trang mạng đã truyền nhau đoạn Clip công an đánh chúng tôi. Một số phóng viên báo khác đã biết, hai người bị đánh trong Clip là phóng viên VOV.

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam vào chiều 9/5, anh Long không giấu được sự xúc động: "Chính nhân dân là người cứu chúng tôi".

Lăng Nguyễn

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Blog Ngô: Tấn bi hài

Bài đăng trên VOV Online 3:14 PM, 10/05/2012

(VOV) - Đầu tuần, nghe lời phát ngôn và xem hành động của hai vị lãnh đạo mà chưa biết xếp nó vào dạng gì. Thôi thì tạm xếp vào hạng hành động và phát ngôn bi hài.

Một là của ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đi kiểm tra tình hình thực tế và thưởng nóng cho một số cá nhân, tập thể kiểm lâm vì đã tìm được vài mẩu gỗ sưa còn sót lại sau vụ trộm gỗ sưa kỷ lục ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tin này chắc chắn được ngành kiểm lâm quan tâm lắm lắm vì sự sâu sát của lãnh đạo chính quyền với công việc của ngành mình. Thế nhưng dân đen như tôi đọc song thấy tức…cười.

Rõ ràng công việc của anh là bảo vệ rừng, đến khi để mất rừng rồi mới vội vội vàng vàng tìm được vài cục gỗ sưa, chẳng biết gốc hay cành, thì lại được tuyên dương. Chẳng biết ông Chủ tỉnh tuyên dương cái nỗi gì?

http://vov.vn/Uploaded_VOV/dangkhanh/20120510/danh%20nha%20bao.jpg
Nhà báo Năm xác nhận mình chính là nhân vật bị đánh (áo trắng MBH trắng) trong clip



Chuyện thứ hai là phát ngôn của ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên nói với báo chí sau vụ hành hung hai phóng viên của Đài TNVN – VOV liên quan đến sự kiện cưỡng chế đất đai ở Văn Giang. Ông Thanh khơi khơi nói rằng thế “lúc bị đánh có xưng là nhà báo không” và yêu cầu “phóng viên phải đưa ra băng gốc của đoạn clip đó thì mới xử lý được” .

Thưa với ông chánh thế này, nếu ông bị vụt túi bụi như thế thì ông có ba đầu sáu tay cũng không thể tự quay phim được.

Ông bảo ông không nhìn rõ mặt hai nhà báo. Vâng, thưa ông chánh, bị đánh như thế mà chường mặt ra thì họa có là…

Không nhìn rõ mặt của hại nạn nhân, nên ông nghi ngờ? OK, nhưng chắc ông nhìn rõ mặt của đội cưỡng chế - những người đang chịu sự chỉ huy trực tiếp của ông ở sở chỉ huy dã chiến? Ông hỏi họ thì biết!

Ông có đủ quyền hành để nhấc máy hỏi nhân viên Trạm y tế xã Xuân Quan xem phóng viên Long có vào đó cấp cứu không. Ông cũng có thể đề nghị gặp những người dân tốt bụng đã đưa Long đi cấp cứu tại đó. Vậy hà cớ gì ông cứ yêu cầu hai phóng viên trình băng gốc? Chẳng nhẽ ông nghĩ họ dùng khổ nhục kế để nổi tiếng như hôm nay? Chẳng nhẽ ông không tin quyết định của lãnh đạo Đài TNVN cử hai phóng viên về đây nắm tình hình?

Thêm nữa, ông bảo ông “ngồi ở sở chỉ huy dã chiến chỉ đạo liên tục”, thế mà  phóng viên bị còng tay dẫn giải lên Công an huyện, vào Viện Kiểm sát Văn Giang trong suốt cả ngày 24/4, rồi lại có cả đơn kiến nghị của hai phóng viên gửi lên Công an tỉnh Hưng Yên mà ông không can thiệp (hoặc đề nghị can thiệp) thì kể cũng lạ./.

Ngô Thiệu Phong
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Lãnh đạo VOV cần quyết liệt hơn trong việc bảo vệ hai nhà báo bị đánh

Bài đăng trên Giáo dục Việt Nam Thứ tư 09/05/2012 13:00

(GDVN) - "Việc hai nhà báo bị hành hung như trong đoạn clip được đưa lên mạng là rất nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật, tính mạng người khác vì thế theo tôi, VOV nên mạnh mẽ hơn trong việc lên tiếng bảo vệ hai nhà báo".

Ngay sau khi báo Giáo dục đăng tải thông tin về hai nhà báo Hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (SN 1970), Trưởng phòng và Hán Phi Long (SN 1979), phóng viên Phòng Phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế (Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) xác nhận, việc bị đánh trong đoạn video về vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang (Hưng Yên).

Tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến, phản hồi của độc giả bày tỏ sự bức xúc trước việc coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác của một bộ phận lực lượng tham gia cưỡng chế.

Để có cái nhìn khách quan, chúng tôi xin được đăng tải bài viết xung quanh vấn đề này của độc giả Nguyễn Thành Hoàn. Mời bạn đọc cùng theo dõi:


Quả thực sau khi đọc được thông tin trên báo chí về vụ việc hai phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị lực lượng cưỡng chế (trong đó có lực lượng mặc sắc phục công an) hành hung trong khi thực hiện tác nghiệp tại vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang (Hưng Yên) diễn ra vào ngày 24/4, không chỉ có tôi mà nhiều người dân bình thường khác đều bày tỏ thái độ vô cùng bức xúc.

Trước hết, theo tôi được biết, các qui định hiện hành của pháp luật của chúng ta qui định thì mọi công dân Việt Nam bình thường đều có được quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Tức là không một ai có quyền được dùng bất cứ hình thức hay hành động gì nhằm làm tổn hại về thân thể, an toàn tính mạng của người khác.

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/thanhchung/2012_05_09/hanh-hung-nha-bao-bandoc-GiaoducVietNam10_copy.jpg
Hình ảnh nhà báo VOV bị đánh khi đi tác nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên
đã được quay lại trong một đoạn clip dài hơn 1 phút.



Ở trường hợp này, chưa xét vội đến công việc của hai nhà báo này, mới chỉ xét đến việc họ đang là những công dân bình thường, thêm nữa khi ở đây họ không hề làm ảnh hưởng đến bất cứ ai cũng như không có một thứ vũ khí gì trong tay. Hơn thế là họ đứng ở khu vực hoàn toàn không nằm trong hiện trường vụ cưỡng chế thì những hành động thô bạo, đánh đập như vậy là không thể chấp nhận được và đã vi phạm nghiêm trọng các qui định của pháp luật.

Trong thực tế, chúng ta cũng thấy rằng, trước khi xử lý bất cứ người nào vi phạm vào điều luật gì thì chúng ta cũng đều phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ sau đó mới có biện pháp xử lý. Ngay như vi phạm luật giao thông, khi người vi phạm xuống xe, sau khi chào thì người công an bao giờ cũng nói anh hoặc chị cho kiểm tra giấy tờ.

Tuy vậy, dù lực lượng chức năng chưa hề kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ nhưng đã có những hành động thô bạo, đánh đập như vậy là càng không thể chấp nhận được. Quyền công dân của họ đã bị vi phạm nghiêm trọng bởi chính lực lượng chức năng làm nhiệm vụ của địa phương ở đây (?).

Mặt khác, xét trên phương diện nghề nghiệp, thì đây là hai nhà báo, theo các qui định mà cá nhân tôi, một người dân bình thường cũng hiểu được thì họ có quyền được tác nghiệp ở tất cả những khu vực không bị cấm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ở đây, chính lãnh đạo VOV cũng đã xác nhận trên báo chí là hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long được được Đài Tiếng nói Việt Nam cử đi Văn Giang (Hưng Yên) nắm thông tin về vụ cưỡng chế.

Thêm vào đó, khu vực họ tác nghiệp hoàn toàn nằm ngoài khu vực hiện trường cưỡng chế, như vậy sẽ không bị cấm đối với việc tác nghiệp bình thường của nhà báo. Và tôi cũng thấy bất ngờ hơn, khi hai nhà báo đã cố hét lớn lên mình là nhà báo của VOV về tác nghiệp nhưng vẫn không hề được lực lượng chức năng để ý, kiểm tra giấy tờ...

Việc các nhà báo của một cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước lại bị chính lực lượng chức năng tham gia cưỡng chế, trong đó có cả công an mặc sắc phục, những người có trách nhiệm báo vệ kỷ cương, pháp luật hành hung, đánh dã man như vậy càng cho thấy sự coi thường kỷ cương, pháp luật, coi thường tính mạng của người khác ở trong chính một bộ phận những người thực thi pháp luật.

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/thanhchung/2012_05_09/hanh-hung-nha-bao-bandoc-GiaoducVietNam15.jpg
2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (trái) và Hán Phi Long (phải) thuật lại vụ việc (Ảnh: Người lao động).



Không ít người dân như tôi cũng đặt câu hỏi, với nhà báo còn bị đối xử như vậy, thì liệu rằng với chúng tôi, những người dân bình thường thì sẽ ra sao đây (?).

Theo dõi thông tin trên báo chí trong thời gian qua, tôi thấy đã có rất nhiều các vụ việc nhà báo bị hành hung, đe dọa tính mạng xảy ra gây bức xúc cho dư luận. Và thực tế, trong số đó cũng có không ít vụ lại do chính những lực lượng thực thi, bảo vệ pháp luật như vụ việc tại Văn Giang gây ra.

Báo chí của chúng ta trong trong thời gian qua, như cá nhân tôi đánh giá đã đóng góp rất tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời làm tốt vai trò phản ánh, phản biện xã hội, tạo thành cầu nối, đa chiều, khách quan giữa giữa chính quyền và người dân. Và những điều này đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

Với vụ việc xảy ra đối với hai nhà báo của VOV  trong vụ cưỡng chế Văn Giang, giống như "một con sâu bỏ rầu nồi canh" vậy. Không chỉ làm cho hình ảnh của chính quyền, của các lực lượng thực thi pháp luật bị xấu đi trong mắt người dân mà hơn thế, nó làm giảm đi lòng tin, sự nhiệt huyết của mỗi nhà báo khi an toàn thân thể, tính mạng của họ không được đảm bảo.

Dù đã xảy ra cách đây nửa tháng, các nhà báo đều đã có tường trình, đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có văn bản gửi công an tỉnh nhưng sự vào cuộc tìm hiểu, trả lời của các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, theo quan điểm của cá nhân tôi như vậy là quá chậm trễ, thể hiện sự thiếu trách nhiệm.

Và không chỉ tôi mà nhiều người công dân, cử tri khác cũng sẽ đặt các dấu hỏi trước báo cáo với Thủ tướng của Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào khi đánh giá, cuộc cưỡng chế "đảm bảo an toàn, không ai bị thương" (?).

Ông này cũng cho rằng, "các phần tử chống đối trong và ngoài nước" đã "dàn dựng clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền" nhưng không nói rõ clip nào (?).

Tôi mong muốn, các cơ quan chức năng ở Trung ương sau khi nắm được thông tin cần có những quan điểm chỉ đạo cụ thể, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên mà trực tiếp là công an tỉnh cần điều tra, xác minh và xử lý thật nghiêm những cá nhân đã cố tình vi phạm các qui định của pháp luật, coi thường tính mạng của người dân, của nhà báo.

Có xử lý thật nghiêm minh vụ việc này mới là gương cho những trường hợp khác sẽ không tái diễn, tạo lòng tin cho người dân vào các cơ quan công quyền, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cũng sẽ giúp các nhà báo có thể yên tâm thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Cũng theo quan điểm của tôi, vụ việc hai nhà báo bị chính lực lượng cưỡng chế trong đó có cả công an mặc sắc phục hành hung trong đoạn video clip là rất nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng con người, vì thế Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), với vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ quản của hai nhà báo này và Hội nhà báo Việt Nam nên mạnh mẽ hơn nữa trong việc lên tiếng với các cơ quan chức năng Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hai nhà báo, hội viên này.

Độc giả Nguyễn Thành Hoàn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vụ đánh 2 nhà báo VOV: Người trong cuộc lên tiếng

Bài đăng trên Tuổi Trẻ Thứ Năm, 10/05/2012, 07:49 (GMT+7)

TT - Ngày 9-5, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm - trưởng phòng phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế của Đài Tiếng nói Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về việc bị công an đánh khi đang tác nghiệp tại Văn Giang (Hưng Yên).

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=563983
Ông Nguyễn Ngọc Năm: “Tôi nhiều lần kêu to: Tôi là nhà báo” - Ảnh: H.ĐIỆP



Cũng hôm qua, ông Bùi Huy Thanh - chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên - xác nhận lãnh đạo tỉnh này đang yêu cầu làm rõ vụ việc.

“Tôi bị đánh và còng tay”

Khẳng định rằng mình đã tuân thủ đúng pháp luật về báo chí đồng thời làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho biết ông từng đến nhiều “điểm nóng” nhưng chưa bao giờ nghĩ đến tình huống mình bị công an đánh. Ông Năm nói tiếp:

- Trước ngày diễn ra việc cưỡng chế, tôi có dự buổi họp báo do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên chủ trì. Trong buổi họp báo đó, đại diện tỉnh Hưng Yên (chánh văn phòng) đã trả lời rằng các nhà báo không nên đến khu vực cưỡng chế. Lý do đưa ra là để đảm bảo an toàn cho các nhà báo. Tuy nhiên, không có bất cứ quyết định nào bằng văn bản về việc này. Là nhà báo, tôi cần phải đến tận hiện trường quan sát để có thông tin định hướng một cách đúng nhất theo cách tiếp cận mà luật pháp cho phép.

* Tình huống nào khiến ông bị đánh hội đồng và bị còng tay?

- Đang đứng quan sát thì tôi nhìn thấy anh Hán Phi Long (phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV) bị một người mặc sắc phục công an đến hỏi. Nội dung hỏi gì tôi không nghe rõ, nhưng ngay sau đó họ xốc nách Long đẩy vào sát tường bao của nghĩa trang liệt sĩ cạnh đó. Tôi thấy hàng chục người gồm cả công an đánh Long bằng dùi cui, vụt vào mặt và đầu. Thấy đồng nghiệp bị đánh hội đồng, ôm bụng gục xuống, tôi chạy sang và hét lên nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, chúng tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Sao các anh lại đánh nhà báo? Không được đánh, chúng tôi là nhà báo”. Họ buông Long và quay lại đánh tôi (như trong clip) và còng tay, mặc cho tôi ra sức thanh minh tôi là nhà báo. Nhưng cũng may, trong lúc họ tập trung đánh tôi, Long kịp chạy thoát và được người dân đưa ra trạm y tế cấp cứu. Tôi được dẫn giải lên xe thùng cùng với hai người dân, có cả phụ nữ, về Viện KSND Văn Giang để lấy lời khai.


.

Trên các mạng đang có một video clip được cho là quay cảnh 2 nhà báo VOV bị công an đánh (video clip trên đây trích xuất từ Youtube). Các cơ quan chức năng chưa xác định được tính trung thực của video clip. Tuy nhiên, trả lời Tuổi Trẻ, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm khẳng định ông và đồng nghiệp chính là 2 người bị đánh trong clip công an đánh người tại buổi cưỡng chế đất ở Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên. Ngày 9.5, mặc lại chiếc áo kẻ cũ, ông Năm khẳng định: “Đây chính là chiếc áo kẻ tôi đã mặc khi bị đánh”.


* Đến khi nào thì lực lượng cưỡng chế, bao gồm công an, biết anh là nhà báo?

- Ngay sau khi đưa vào viện kiểm sát, tôi yêu cầu cảnh sát lấy từ túi áo tôi để kiểm tra các loại giấy tờ, họ mở còng cho tôi để lấy lời khai. Họ lập biên bản tạm giữ của tôi thẻ nhà báo, thẻ Đảng, thẻ hội viên Hội Luật gia Việt Nam, chứng minh nhân dân và điện thoại.

Họ giữ tôi tại trụ sở viện kiểm sát và Công an huyện Văn Giang để lấy lời khai hai lần. Ngay trước khi hoàn thành các thủ tục, tôi đề nghị với một thiếu tá, người lấy lời khai của tôi (anh Tiến, đội trưởng đội trọng án), để viết một lá đơn gửi giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên với ba nội dung: lãnh đạo Công an tỉnh cần có buổi làm việc với lãnh đạo của chúng tôi (trước nghỉ lễ 30-4) để làm rõ đúng sai, ai có lỗi phải chân thành nhận lỗi; tìm ra những người ra lệnh và người đánh chúng tôi để kiểm điểm, xử lý, rút kinh nghiệm; bồi thường tổn thất về sức khỏe, danh dự, tinh thần cho chúng tôi, nhất là phóng viên Phi Long. Sau đó một tuần không nhận được hồi âm, tôi có gọi điện hỏi anh Ngạn, giám đốc Công an Hưng Yên, anh Ngạn nói chưa nhận được. Ngày 2-5, tôi tiếp tục làm đơn lần thứ hai với nội dung tương tự. Ngày 3-5, giám đốc Trung tâm tin (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) gửi công văn đến công an tỉnh.

* Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ bị đánh như việc đã xảy ra hôm 24-4?

- Gần 15 năm làm báo, tôi đã đến rất nhiều điểm nóng trong nước và cả nước ngoài, những nơi thiên tai, lũ lụt nguy hiểm. Tôi cũng đã nghĩ đến những chuyện rủi ro giống như những người làm báo khác nhưng đó là chuyện chẳng may “tên rơi đạn lạc”, chưa bao giờ tôi cho rằng mình bị đánh như ở xã Xuân Quan hôm 24-4.

* Anh nói thế nào khi sự việc xảy ra đã nửa tháng mà không hề nhận được phản hồi từ Công an tỉnh Hưng Yên?

- Điều này để dư luận đánh giá thì rõ hơn. Tôi cũng không nằm ngoài phạm vi đó.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=563984
Ông Bùi Huy Thanh: “Phải xem lúc bị đánh họ có xưng là nhà báo không?” - Ảnh: LÊ KIÊN



Ngày 16-5 sẽ nghe các bên giải trình

Chiều 9-5, ông Bùi Huy Thanh - chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên - đã có cuộc làm việc với phóng viên một số báo xung quanh việc hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam xác nhận bị lực lượng chức năng hành hung gần khu vực cưỡng chế thu hồi đất tại xã Xuân Quan hôm 24-4.

Ông Thanh cho biết: “Ngày 8-5, đang họp Hội nghị trung ương 5 nhưng cả Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thông đã gọi điện về yêu cầu giải quyết khẩn trương sự việc này. Sáng nay (9-5), Vụ Pháp chế Văn phòng Chủ tịch nước cũng về làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên về toàn bộ vụ việc liên quan đến thu hồi đất tại Văn Giang, trong đó có nội dung hai nhà báo bị đánh. Cùng ngày, tôi đã làm việc với giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên Trần Huy Ngạn để thông báo yêu cầu của chủ tịch UBND tỉnh. Sau đó yêu cầu tổ công tác số 1, chốt số 3 xã Xuân Quan tường trình cặn kẽ sự việc. Ngày 16-5, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ có cuộc họp để nghe các bên tường trình sự việc, trong đó có lãnh đạo công an tỉnh, hai phóng viên và cơ quan quản lý họ là Đài Tiếng nói Việt Nam”.

“Quan điểm chỉ đạo về vụ việc này là xử lý nghiêm khắc nếu đúng đó là sai phạm của lực lượng chức năng. Chúng tôi mong hai nhà báo cung cấp băng gốc cho cơ quan công an vì phải có đầy đủ vật chứng, nhân chứng mới sớm xử lý được. Hơn nữa, cũng phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng là nhà báo không, có thẻ hành nghề không hay là khi bị đưa về cơ quan công an mới xưng là nhà báo? Vấn đề này cần làm rõ mới xác định được tính chất vụ việc” - ông Thanh nói.

Khi phóng viên hỏi hai nhà báo đã xác nhận việc họ bị đánh, việc yêu cầu cung cấp băng gốc ghi lại chuyện bị đánh là rất khó vì hai nhà báo không phải người quay được cảnh chính mình bị đánh, ông Thanh cho rằng: “Phải có đầy đủ chứng cứ mới xử lý được vì hai nhà báo xác nhận mình bị đánh chỉ mới là một chiều, xem trên clip chỉ thấy người bị đánh đội mũ bảo hiểm, chưa rõ mặt là nhà báo thật hay không, giữa chuyện nhà báo đang tác nghiệp mà bị đánh và người chống đối bị đánh có tính chất rất khác nhau”. “Quan điểm là giải quyết thấu tình đạt lý, nhìn nhận ở mọi góc cạnh” - ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh tâm sự thêm: “Hôm đó tôi ngồi tại sở chỉ huy dã chiến, cầm bộ đàm chỉ đạo liên tục. Mình chỉ sợ trời nóng quá nên anh em cũng nóng lên, hung hăng làm chuyện gì đó không hay. Tôi luôn yêu cầu anh em phải hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn, thuyết phục nhân dân. Đến chiều 24-4, thấy anh em phản ảnh có một nhà báo bị bắt, tôi yêu cầu kiểm tra và phải thả ngay. Dù chưa có kết luận cuối cùng về tính thực hư của clip hai nhà báo bị hành hung nhưng dù đó là cảnh hành hung nhà báo hay dân cũng rất phản cảm”.

HOÀNG ĐIỆP - LÊ KIÊN

Hội Nhà báo Việt Nam đang tìm hiểu vụ việc

Liên quan vụ việc hành hung hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Hà Minh Huệ - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết ngày 9-5 hội đã cử cán bộ kiểm tra đến Hưng Yên làm việc với các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới từ chuyến làm việc ấy.

Ông Huệ khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tích cực bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của phóng viên. Tuy nhiên, cần phải có thời gian chứ không thể nôn nóng để có ngay câu trả lời được.

H.ĐIỆP
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

van2011

Tuấn Khỉ đã viết:

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=563984
Ông Bùi Huy Thanh: “Phải xem lúc bị đánh họ có xưng là nhà báo không?” - Ảnh: LÊ KIÊN


Vui cười cùng các ảnh...hài (Tập 2)

Ranh ngôn - phần 2


(Buồn quá!)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [32] [33] [34] [35] [36] [37] [38] ... ›Trang sau »Trang cuối